1Điểm qua một số thông tin cơ bản về dân tộc Thái tại Mộc Châu
Người Thái sinh sống tại Mộc Châu có hai nhóm đặc trưng nhất là Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Đón hay Táy Khao).
Chà mới giới thiệu hai nhóm người Thái thôi mà đã có tổng cộng tận 5 tên gọi, nhưng chưa hết đâu nha ngoài những tên gọi để phân biệt Thái Đen và Thái Trắng, người Thái nói chung còn có tận n tên khác nữa, ví dụ như Tày Mười, Tày Thanh (Man Thanh), Pu Thay,... Ngoài việc sở hữu một danh sách dài tên gọi như vậy, họ còn có lịch sử sinh sống tại miền Tây Bắc Việt Nam còn dài gấp ngàn lần: trên 1200 năm! Đặc biệt tổ tiên của họ là người Thái di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bây giờ. Quả thật là một dân tộc đa sắc phải không nào!
Di cư sang đất Việt trong khoảng thời gian rất dài như thế, cũng chẳng ngạc nhiên khi dân tộc Thái hiện nay trên nước ta gần 2 triệu người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Tuy dân tộc này có sự phân bố rộng rãi và sinh sống ở đây từ rất lâu, người Thái hiện nay vẫn có những nét văn hóa đặc sắc và rất riêng mang đậm dấu ấn dân tộc. Bây giờ hãy cùng MIA.vn khám phá sâu hơn cuộc sống của những con người đặc biệt này nhé!
2Những điều thú vị trong cuộc sống của người dân tộc Thái ở Mộc Châu
Cũng nhờ vào sự đa sắc mà MIA.vn đã tiết lộ cho bạn nghe, ngôn ngữ của người Thái cũng rất đa dạng và những tiếng này thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Thái của hệ ngôn ngữ Thái-Kadai. Trong nhóm này có tiếng Thái của người Thái (Thái Lan), tiếng Lào của người Lào, tiếng Shan ở Myanmar và tiếng Choang ở miền nam Trung Quốc. Ôi quả là một dân tộc có “profile” siêu khủng!
Ngoài sở hữu năng lực đa ngôn ngữ ra, người Thái còn có tài năng về khoản nấu nướng. Phải nói rằng ẩm thực dân tộc Thái rất cân bằng dinh dưỡng với nhiều loại rau như rau thơm, mùi, lá hành và các món mặn thì luôn thơm phức vì người Thái ít khi dùng dầu mỡ, thay vào đó họ chuộng nướng các loại thịt. Bí quyết tạo nên hương vị dậy mùi trong ẩm thực của họ chính là họ luôn ướp gia vị cho các món thịt rất cầu kỳ, và trước khi đem tẩm ướp thịt ra, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, tỏa mùi thơm.
Khi tham gia một bữa cơm của người Thái, MIA.vn tin chắc rằng chưa cần động đũa, bạn đã thấy no liền rồi vì ngoài mùi thơm phức đậm đà từ các món ăn ra, họ còn bày trí màu sắc của món ăn rất sặc sỡ và vẫn mang đặc điểm của núi rừng chứ không cầu kỳ. Đặc biệt, những con người mến khách này sẽ mời bạn những món đặc sản nhất của dân tộc họ, như Thịt trâu gác bếp Mộc Châu, Nộm da trâu Mộc Châu, ... Nhất định bạn phải thử để đáp lại tấm lòng hiếu khách của họ đó nha!
Bên cạnh cái sặc sỡ trong văn hóa ăn uống ra, người Thái còn rất sặc sỡ trong trang phục truyền thống của mình với những chiếc áo cóm đủ màu sắc cùng với váy, các loại trang sức đủ kiểu, lại kết hợp chiếc khăn piêu đội đầu càng tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ. Với vẻ đẹp vốn đã duyên dáng được tăng thêm nét yêu kiều từ những bộ trang phục sặc sỡ, nay người ta cũng khó lòng mà rời mắt ngắm nhìn những cô gái Thái trong những điệu múa sạp, múa quạt mềm mại uyển chuyển. Chính những điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho những ai đam mê du lịch và trải nghiệm văn hóa dân tộc!
Sở dĩ MIA.vn muốn dành luôn cả một mục riêng về nhà sàn của người Thái ở Mộc Châu vì đây chính là một nét văn hóa độc đáo, thú vị, để thấy cái tinh tế, khéo léo và thông minh của người Thái đó!
Nhà sàn- hay còn gọi là nhà một gác, là một nét văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc Thái, hơn hết còn thể hiện phong cách kiến trúc riêng vừa phản ánh bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của tộc người Thái. Ghé thăm một ngôi nhà sàn của người Thái với lối kiến trúc xây dựng vô cùng tài hoa, cùng với nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hoá, bạn như được chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật nằm giữa lòng thiên nhiên và hòa hợp với đất trời.
Nhìn từ xa, chúng ta đã thấy những ngôi nhà sừng sững nổi bật giữa núi rừng. Lý giải cho những ngôi nhà sàn to lớn như vậy là do ngày xưa họ vốn sinh sống ở vùng núi cao, rừng sâu nên người Thái phải làm nhà vừa cao vừa vững chắc để tránh thú dữ. Bên cạnh đó, họ còn có truyền thống cư trú ở các thung lũng-nơi có những cánh đồng màu mỡ, ven các dòng sông con suối theo quan niệm "sơn chầu thủy tụ". Người Thái rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và đặt làm sao để ngôi nhà được hài hòa với thiên nhiên và đặc biệt biệt phải gần nguồn nước. Do đó ngôi nhà sàn đặt ở địa thế tốt là ngôi nhà dựa vào núi, trước mặt là cánh đồng, cạnh nhà có mó nước.
Với quan niệm độc đáo và sự kỹ càng trong việc xây dựng nơi ở như thế, không quá khó hiểu vì sao khi nhắc đến dân tộc Thái, ngoài các loại lễ ca, sắc phục phụ nữ ra người ta còn ấn tượng bởi lối kiến trúc hoàn mỹ, con người sống hòa cùng với cảnh sắc của thiên nhiên, đất trời và núi rừng.
3Lễ hội và văn nghệ của dân tộc Thái
MIA.vn bật mí cho bạn nè, một trong những cách tốt nhất để trải nghiệm và tìm hiểu rõ hơn cuộc sống, con người của một cộng đồng đó chính là tham gia những lễ hội truyền thống của họ nhé! Đến với dân tộc Thái, bạn sẽ không bao giờ lo buồn chán vì tại đây họ tổ chức rất nhiều lễ hội quanh năm, nào là lễ hội Cầu mưa, lễ hội Cầu mùa, lễ hội Gội đầu, lễ hội xòe chiêng,... Chà nghe tên là thấy mỗi một lễ hội đều có dấu ấn thú vị riêng bạn nhỉ!
Nếu bạn muốn một công đôi việc, nhân dịp lên Mộc Châu ngắm cảnh và thăm quan cuộc sống của những người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân tộc Thái, hãy lên Mộc Châu vào dịp tháng 2 âm lịch vì đây là thời điểm người Thái tổ chức Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu. MIA.vn hứa hẹn đây sẽ là một lần trải nghiệm vô cùng tuyệt vời dành cho bạn vì đây là lúc thời tiết bắt đầu có nắng ấm sau những cơn mưa xuân, khắp du lịch khắp nơi đổ về mùa du lịch Mộc Châu và hoa ban nở trắng khắp cả khu rừng.
Với điều kiện thiên thời địa lợi mang hứa hẹn một mùa màng bội thu trên các nương rẫy như thế, người Thái tổ chức lễ hội Hoa ban với mong cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Ngoài ra, người Thái còn quan niệm rằng hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. Khi đến với lễ hội Hoa Ban, bạn sẽ được hòa mình trong không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những điệu múa vòng xòe lại càng thêm yêu mảnh đất, yêu con người vùng Tây Bắc này!
Bên cạnh đức tính cần cù chăm chỉ làm việc, người Thái còn rất yêu thích các văn nghệ, thích ca múa. Họ thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với sinh hoạt đời sống và tín ngưỡng như: mừng nhà mới, mừng cơm mới… và ngày nay mỗi bản người Thái đều có đội văn nghệ riêng. Đặc sắc nhất chính là nghệ thuật múa xòe của họ, là loại hình múa truyền thống gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc, là sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Hi vọng qua những gì MIA.vn đã chia sẻ, bạn đã có thêm những thông tin bổ ích về một dân tộc thiểu số vô cùng đặc biệt của vùng núi Tây Bắc-Mộc Châu này nhé!