1Giới thiệu về bãi đá cổ Nấm Dẩn - Hà Giang
Bãi đá cổ Nấm Dẩn hay còn được người dân địa phương gọi với tên khác là bãi đá cổ Xín Mần. Bãi đá này có vị trí nằm ngay giữa thung lũng bản Nùng Ma Lù thuộc xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Bãi đá cổ đã được phát hiện vào năm 2004, sau đó đã trải qua rất nhiều cuộc nghiên cứu để tìm hiểu ý nghĩa về những kí tự được khắc tại đây.
2Cách di chuyển lên bãi đá cổ Nấm Dẩn
Từ trung tâm thành phố Hà Giang, để lên được bãi đá Nấm Dẩn, du khách có hai sự lựa chọn với hướng đi như sau:
Hướng đi thứ nhất: Đi theo quốc lộ 2 về đến Yên Bình, rồi từ Yên Bình đi dọc theo DT 178 đến Đèo Gió. Tiếp tục di chuyển thêm khoảng 15km sẽ đến bãi đá cổ Nấm Dẩn. Tổng thời gian di chuyển vào khoảng 3 giờ 45 phút.
Hướng đi thứ hai: Từ trung tâm thành phố, du khách đi qua đường 197C đến thị trấn Vinh Quang. Tiếp tục đi theo hướng DT177 để đến trung tâm xã Nấm Dẩn. Sau đó chỉ cần đi thêm khoảng 1,7 km nữa là sẽ tới bãi đá cổ Nấm Dẩn. Thời gian của tuyến thứ hai này sẽ dài hơn, vào khoảng 4 giờ 40 phút.
Bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng cách thuê xe máy tại Hà Giang hoặc ô tô tự lái. Tuy nhiên vì đoạn đường rất xa nên hãy đảm bảo tay lái đủ cứng xử lý các tình huống phát sinh trên đường đi, cũng như bạn đủ khỏe để chạy xe liên tục 3, 4 tiếng nhé.
3Ý nghĩa của bãi đá cổ Nấm Dẩn - Hà Giang
Bãi đá cổ Nấm Dẩn nằm giữa một thung lũng rộng lớn, hai bên được bao phủ bởi hai dãy núi Tây Ðản và Nấm Dẩn. Người dân địa phương vẫn thường gọi nơi đây là Nà Lai nghĩa là “Ruộng nhiều chữ”, thể hiện rất đúng đặc trưng của địa danh này.
Bãi đá bao gồm bảy phiến đá lớn và hai cự thạch (tảng đá cực lớn) khắc và vẽ 79 hình thù, bao gồm: sáu hình hồi văn hình vuông, hai hình hồi văn hình tròn, 40 hình tròn, một hình vuông, hai hình chữ nhật, sáu hình đục khắc song song tương tự ruộng bậc thang, năm hình biểu tượng sinh thực khí phụ nữ, còn lại là các hình bàn chân người với kích thước tương đương kích cỡ thật, có ngón chân khắc lõm sâu vào đá, hình người trong tư thế giơ hai tay, dang hai chân... Ngoài 79 hình khắc này, trên các phiến đá tại đây còn có khoảng 80 lỗ vũm, được khoét sâu vào đá với đường kính trung bình từ 5 đến 6 cm.
Theo lời những già làng tại Nấm Dẩn thì: “Ở đây có tục thờ đá từ lâu đời nên những khối đá cổ bí ẩn kia không ai dám xâm phạm tới”. Cùng với đó người dân địa phương cũng đã truyền tai nhau qua biết bao nhiêu thế hệ về truyền thuyết rằng khu bãi đá cổ chính là nơi thần thánh đã cất giữ những bí mật “thiên cơ bất khả lộ”. Những hình vẽ trên các tảng đá được người dân coi là “thiên tự” còn khu vực này là “đất thánh” mà không ai ở đây dám coi nhẹ. Bao nhiêu thế hệ người Xín Mần đều dành cho nơi đây sự tôn kính vô bờ.
Dựa vào các dấu vết phong hóa trên bề mặt đá, các nhà khảo cổ đã chứng minh được các hình vẽ này có niên đại khoảng 2000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại về ý nghĩa thật sự và chủ nhân đã khắc những hình vẽ này vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. Theo một vài phỏng đoán, đây có thể là di tích một ngôi mộ thủ lĩnh cộng đồng từ xa xưa hoặc là khu đất thiêng gắn với tục lệ thờ thần đá của một dân tộc nào đó.
Tại đây tảng đá lớn nhất, với những hình khắc lạ nằm trên một thửa đất canh tác được chú ý và nghiên cứu sâu nhất. Theo các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, thì đây là loại đá magma biến chất, có hình chữ nhật với chiều dài bề mặt khoảng 12,7 mét, rộng 9,2 mét, độ dày không đều nhau, dao động từ 1 đến 1,4 mét. Bề mặt tảng đá không bằng phẳng, có phần nhô lên tương tự như mai rùa. Trên tảng đá là khoảng 84 hình chạm khắc với rất nhiều họa tiết cùng kích cỡ khác nhau.
Theo các chuyên gia khảo cổ nhận định, để tạo ra được các hình khắc trên đá này và thời điểm hàng ngàn năm trước, người xưa đã sử dụng các vật liệu và kỹ thuật đục khắc rất thô sơ, cùng với đó là nhiều sức lực và thời gian. Có lẽ họ đã dùng đục và búa, đục trực tiếp trên bề mặt từng tảng đá. Những rãnh đục khá giống nhau với các mặt cắt hình lòng máng.
Đặc biệt trong dụng cụ làm nên những hình khắc này chắc chắn phải có chất liệu kim loại là sắt thì mới có thể mang lại hiệu quả chạm khắc sâu đến như vậy.
Cho đến hiện tại bãi đá cổ Nấm Dẩn - Hà Giang vẫn khiến nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ phải đau đầu giải mã và tìm hiểu. Theo một số phán đoán thì các hình vẽ trên đá sẽ tượng trưng cho những sự vật nhất định, mà vẫn chưa có câu trả lời chính xác cũng như khó có thể kiểm chứng. Cùng với đó những hình vẽ nơi đây đã được liên hệ với các hình khắc được tìm thấy trên vách hang Đồng Nội (Hòa Bình). Vì thế bước đầu có thể khẳng định nghệ thuật đục khắc đá ở huyện Xín Mần nằm trong mắt xích truyền thống cổ xưa, có sự liên kết giữa các tộc người tại nhiều địa phương rải rác khắp lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó sau quá trình nghiên cứu sâu hơn, với những hình vẽ chồng chéo lên nhau, các nhà khảo cổ đánh giá nơi đây có niên đại không trùng nhau, được khắc vào nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nên rất khó để kết luận về niên đại. Bước đầu xếp bãi đá cổ Nấm Dẩn - Hà Giang vào thời sơ kỳ thời đại sắt (khoảng đầu công nguyên).
4 Những lưu ý khi tham quan bãi đá cổ Nấm Dẩn
Trong quá trình tham quan khám phá di tích lịch sử bãi đá cổ Nấm Dẩn, du khách cần lưu ý một vài vấn đề dưới đây để chuyến đi được thuận lợi nhất nhé.
Thứ nhất hãy chọn mặc những loại trang phục lịch sự, kín đáo bởi vì bãi đá cổ Nấm Dẩn là một nơi linh thiêng đối với người tộc Dao tại huyện Xín Mần. Thể hiện sự tôn trọng với di tích này cũng chính là tôn trọng con người và tín ngưỡng nơi đây.
Thứ hai, xung quanh khu vực bãi đá có khá nhiều các điểm tham quan và nhà hàng nổi tiếng. Do đó hành trình đến với mảnh đất Xín Mần xinh đẹp của bạn chắc chắn sẽ không nhàm chán đâu nhé. Cuộc sống bình dị cùng những khung cảnh tuyệt đẹp tại đây chính là kỉ niệm tuyệt đẹp trong chuyến đi của du khách.
Hi vọng với những thông tin MIA.vn đã cung cấp, du khách sẽ có được chuyến đi khám phá bãi đá cổ Nấm Dẩn - Hà Giang với những trải nghiệm tuyệt vời nhất nhé.