An Giang vốn nổi tiếng là xứ sở du lịch có nhiều địa điểm đẹp như Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak hay Khu du lịch cáp treo Núi Sam. Đặc biệt, nền ẩm thực ở vùng đất xứ Bảy Núi cũng vô cùng đa dạng và hấp dẫn. Từ loài cây thốt nốt chỉ mọc ở một số nơi đất của người Khmer Nam Bộ, họ đã sáng tạo nên món bánh bò thốt nốt vàng nổi tiếng, là món đặc sản phải thử trong khi đến An Giang.

1.1 Giới thiệu về bánh bò thốt nốt  

Bánh bò là một món ăn dân dã của người dân ở các tỉnh miền Tây. Nếu chưa từng đến xứ Châu Đốc, An Giang chơi thì cái tên bánh bò thốt nốt nghe có vẻ lạ lẫm với bạn. Đây là một đặc sản mang tính đặc trưng cho nền ẩm thực của xứ Bảy Núi và bạn chỉ có thể thưởng thức món bánh này một cách chuẩn vị tại đây. Bánh bò thốt nốt có nguồn gốc bắt đầu từ loài cây cùng tên. Cây thốt nốt trong tiếng Khmer là “th’not”, nhưng người dân địa phương hay phát âm thành cây thốt nốt nên dần dần thành quen và trở thành tên gọi như ngày nay. Cây thốt nốt đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân Khmer. Từ thân, lá, hoa đến quả của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng triệt để. Ngoài những nguyên liệu cơ bản như bột gạo, nước cốt dừa,… món bánh bò đặc sản này còn được chế biến từ đường thốt nốt và bột của vỏ trái thốt nốt. Bánh bò thốt nốt thường có màu vàng ươm rất đẹp mắt và hấp dẫn.

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 2

Đặc sản bánh bò thốt nốt của An Giang

1.2 Bánh bò thốt nốt có gì đặc biệt?

Đặc sản bánh bò thốt nốt có vị thơm của cơm rượu, béo của nước dừa cùng với vị ngọt thanh của đường thốt nốt, mang đến hương vị và màu sắc đặc biệt mà bạn không thể thấy ở các loại bánh bò truyền thống. Bánh bò thốt nốt là món bánh ngọt lý tưởng giúp bạn nạp thêm năng lượng, bởi hàm lượng carbohydrate (bột, đường) và chất béo bão hòa dồi dào trong bánh. Bạn có thể dùng bánh bò thốt nốt như một món điểm tâm, tráng miệng, hoặc ăn kèm thịt khìa, heo quay…

Đối với người dân địa phương, loại bánh bò này là thức ăn vặt đáp ứng đầy đủ tiêu chí ngon, bổ và rẻ. Còn với những tín đồ ẩm thực lần đầu đến thăm vùng đất Bảy Núi, đây là đặc sản hàng đầu mà ai cũng đều mua về làm quà tặng. Những cái bánh bò thốt nốt nho nhỏ, mềm thơm và béo ngậy, cắn một miếng là bạn sẽ nhớ mãi không quên hương vị này. 

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 3

Bánh bò thốt nốt mang mùi vị đặc biệt, không đụng hàng với món bánh nào

Xem thêm: Bún cá Châu Đốc, đặc sản trứ danh của đất An Giang

Để làm ra những chiếc bánh bò thốt nốt thơm ngon phải trai qua rất vì nhiều công đoạn và tốn nhiều tâm tư, công sức. Nếu người thợ làm bánh không có đủ kinh nghiệm hoặc thiếu sự khéo léo, bánh sau khi hấp sẽ không nở hoặc mùi vị bánh không đạt được độ thơm ngon. Vì thế, khâu chọn lựa nguyên liệu là một bước rất quan trọng. Thông thường, người ta sẽ chọn mua bột gạo Nàng Nhen, cũng là một đặc sản của An Giang. Thốt nốt thì phải chọn trái có cơm dày để dễ dàng xay thành bột. Còn đường thốt nốt phải là loại đường tán nguyên chất, không có lẫn bất kỳ tạp chất nào. Ngoài ra, cần có thêm cơm rượu và nước cốt dừa để giúp cho thành phẩm món bánh bò thốt nốt có hương vị thơm béo đúng điệu. 

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 4

Trái thốt nốt còn có thể dùng làm bánh 

3.1 Quy trình làm bánh công phu

Dụng cụ để làm món bánh đặc sản của An Giang gồm có khuôn bánh, xửng hấp và bếp lò. Sau đó chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu gồm bột gạo xay trộn với loại đường thốt nốt hảo hạng, rồi đem đi ủ với nước cơm rượu. Bí quyết tạo nên hương vị độc đáo của bánh bò thốt nốt là cách pha chế nước cơm rượu, để bột có thể lên men đúng chuẩn trước khi đổ vào khuôn và đem đi hấp. Quá trình chế biến từ khâu thắng đường, ủ men cho bột nở đến hấp khi bánh đều vô cùng công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tay nghề vững của người thợ làm bánh. Trong thời gian ủ bột, người thợ phải canh thời gian để đổ thêm một ít nước cơm rượu vào bột giúp cho quá trình lên men được nhanh hơn, và bánh khi hấp chín sẽ xốp mềm, thơm ngon.  

Bước kế tiếp là dùng vá đổ bột vào khuôn tròn hay vuông, cho vào xửng hấp trong khoảng 20 phút và đợi đến khi ngửi thấy mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Mỗi khuôn bánh bò thốt nốt sẽ to bằng miệng đĩa lớn và có độ dày khoảng 3cm. Đợi đến khi bánh hấp gần chín, người ta bắt đầu phết lên mặt bánh một lớp nước cốt dừa thơm béo, tăng thêm độ ngon cho món bánh bò thốt nốt. Những thợ làm bánh có kinh nghiệm lâu năm chia sẻ, muốn nước cốt thơm và béo thì phải chọn loại dừa khô, vắt lấy nước và thêm vào một ít muối trước khi nấu.

Khi bánh đã chín thì người ta tiến hành giở xửng để lấy bánh ra, rắc thêm dừa nạo lên trên. Đặc biệt, bánh bò thốt nốt được gói bằng lá chuối xiêm hoặc lá soong đặc biệt chỉ có ở vùng Châu Đốc.

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 5

Quá trình làm bánh bò thốt nốt rất kỳ công

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 6

Người thợ phải khéo léo để làm ra được mẻ bánh ngon

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 7

Bánh được gói bằng lá chuối xiêm hoặc lá soong

Clip khám phá đặc sản bánh bò thốt nốt An Giang của VTC14

3.2 Thưởng thức món bánh bò thốt nốt

Trước khi ăn, người ta thường dùng dao cắt bánh thành nhiều miếng nhỏ giống như múi bưởi. Cầm trên tay chiếc bánh bò thốt nốt màu vàng ươm còn nóng hổi, bạn sẽ ngửi được ngay hương thơm hấp dẫn không thể cưỡng lại. Chậm rãi đưa miếng bánh vào miệng, ngay lập tức bạn sẽ cảm nhận được vị xôm xốp của bánh, ngọt thơm của đường thốt nốt, sự béo bùi của nước cốt dừa và độ dai giòn của dừa sợi nạo. Để tăng thêm hương vị, bạn có thể ăn bánh bò thốt nốt với mè rang hoặc chấm đẫm bánh vào trong chén nước cốt dừa đậm đà. 

Bánh bò thốt nốt là món vừa có thể ăn vặt vừa có thể dùng để đãi khách trong các buổi tiệc tùng, giỗ chạp. Nếu không ăn hết bánh trong ngày, bạn có thể cho vào túi kín rồi bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh từ 4 - 5 ngày. Khi nào muốn ăn thì bạn chỉ cần hấp lại bánh bằng cách thủy hoặc dùng lò vi sóng quay nóng bánh.

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 8

Hương vị thơm ngon không thể cưỡng lại của bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 9

Bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 - 5 ngày

Món đặc sản bánh bò thốt nốt khá phổ biến, được bày bán ở khắp các các nơi tại An Giang, từ các chợ nhỏ ở huyện cho đến chợ Châu Đốc rộng lớn. Ngoài ra, dọc theo các con đường đi đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, người ta cũng chế biến và bán bánh ven đường. Giá thành của một phần bánh bò thốt nốt khá bình dân, xứng đáng với chất lượng và hương vị tuyệt hảo của món ăn nổi tiếng An Giang này. 

Nếu bạn muốn mua bánh bò ở những cơ sở uy tín và có tiếng tăm để mang về làm quà, bạn có thể tham khảo Bánh bò Út Dứt nằm ở số 13 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Long Thạnh, Thị Xã Tân Châu, An Giang. Điểm đặc biệt của nơi đây là nguyên ổ bánh bò siêu to khổng lồ, nhìn vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, bạn có cũng có thể thử quán bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô nổi tiếng không kém ở gần đó. Khác với cách chế biến thường thấy, bánh bò thốt nốt ở quán sẽ được tráng đều bột lên mặt chảo, sau đó đậy nắp lại và nướng tới khi bánh chín. Ngoài hương thơm nức mũi và sự ngon ngọt đặc trưng, bánh bò thốt nốt nướng sẽ có một lớp rìa ngoài giòn tan cùng màu vàng ươm bắt mắt. 

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 10

Bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô nổi tiếng ở Tân Châu

Bánh bò thốt nốt, đặc sản làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang 11

Đến đây bạn sẽ được được trải nghiệm tự mình nướng bánh

Món đặc sản bánh bò thốt nốt của vùng Bảy Núi An Giang thật sự đã chinh phục được trái tim của những tín đồ đam mê ăn uống. Bạn đừng quên lưu ngay món bánh này vào cẩm nang du lịch và đến thưởng thức để cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon, béo ngọt tan trong miệng nha.