Bên cạnh những đặc sản mặn như bún cá Châu Đốc, An Giang còn có những món bánh ngọt nổi tiếng gần xa. Khi đến với làng Châu Phong, bạn sẽ được chào mừng bởi mùi thơm của món bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô. Mùi hương ngọt ngào nhưng dịu nhẹ thoang thoảng trong gió khiến bạn chỉ muốn thử ngay một cái nóng hổi.
1Tổng quan về bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô
Địa chỉ: làng Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang
Giờ mở cửa: 6 giờ sáng - 10 giờ trưa
Các loại bánh có một vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Chăm tại An Giang. Một phần là do những món bánh là thứ không thể thiếu trong các buổi lễ hội và cưới hỏi. Và bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô là một loại bánh truyền thống nổi tiếng của người Chăm sinh sống tại làng Châu Phong - An Giang.
Xem thêm: Dừng chân tại Vườn ổi Bảy Thìn thưởng thức món ăn dân dã
Vì bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô là một trong những món bánh phổ biến nhất của dân tộc Chăm nên đa phần phụ nữ nơi đây đều được chỉ làm món này từ khi còn nhỏ. Cô Rofiah là một nghệ nhân làm bánh bò thốt nốt nướng có thâm niên lên đến 20 năm tại làng. Một ngày của cô bắt đầu từ tờ mờ sáng và luôn tay đổ bánh, nướng bánh. Cái sạp nhỏ bên vệ đường lúc nào cũng thơm mùi bánh nướng hấp dẫn. Cô Rofiah không chỉ nướng bánh ngon mà còn là một người Chăm thân thiện và nhiệt tình. Lúc nào cô cũng tươi cười bắt chuyện với những ai ghé qua sạp bánh. Tuy chỉ bán vài tiếng vào buổi sáng nhưng sạp bánh của cô lúc nào cũng tấp nập người đến và đi. Có ngày cô bán được đến 80 cái bánh. Ngoài bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô, cô còn bán cả bánh Ha Nàm Căn và bánh trứng. Đây cũng đều là những món bánh truyền thống của dân tộc Chăm. Không chỉ bán ở sạp, bánh của cô Rofiah còn thường xuyên xuất hiện ở các dịp lễ, hội chợ của xã và còn được mang đi thi ở các cuộc thi.
2Những điều đặc biệt ở bánh bò Ha Cô
Bánh bò thốt nốt của người Chăm khác với của người Khmer hay người Kinh từ nguyên liệu, nêm nếm gia vị cho đến cách chế biến. Bột gạo của bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô được lấy từ lúa trồng ở chân núi Sóc Sơn. Sau khi làm thành bột gạo lại được ủ trong đường thốt nốt để cho ra hương ngọt bùi của món bánh đặc sản này. Cô Rofiah mỗi ngày đều tất bật chuẩn bị nguyên liệu từ khuya để khi trời còn chưa hửng nắng, sạp của cô đã nghi ngút khói bếp.
Những dụng cụ để làm nên món bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô không hề cầu kì. Nhìn vào sạp của cô Rofiah, chúng ta cũng chỉ thấy bếp củi, chảo để nướng và những chiếc nắp đất nung mà thứ nào cũng be bé xinh xinh. Cách nướng bánh cũng không khó. Sau khi làm nóng chảo, cô Rofiah cho bột bánh ủ đường thốt nốt đã pha vào. Sau khi tráng đều bột lên mặt chảo, cô nhanh chóng đậy nắp lại và nướng tới khi bánh chín. Những chiếc nắp được hơ nóng trên bếp củi sẵn để khi nướng thì bánh sẽ được nóng cả mặt dưới lẫn mặt trên. Ngoài ra, khi làm như thế thì khi nướng, bánh sẽ phồng lên đẹp mắt hơn. Bánh sẽ không được lật mà cứ để nướng trên bếp củi như thế cho đến khi vàng hai mặt.
Tuy nói là dễ nhưng cái khó ở việc nướng bánh Ha Cô là phải canh lửa và lượng bột làm sao để bánh không bị khét hoặc chỉ chín mặt ngoài chứ không chín phần trong. Hơn thế nữa, cẩm nang du lịch còn được biết cô Rofiah còn rất chiều lòng mọi người, ai muốn ăn thế nào, chỉ cần nói và bánh sẽ được nướng thế đấy. Chẳng hạn nếu bạn muốn ăn bánh có rìa giòn, cô sẽ trải bột bánh lên mặt chảo to hơn và nhiều hơn, để khi chín, bánh sẽ có một lớp rìa giòn tan với màu vàng vô cùng đẹp mắt.
Không chỉ có thế, khi đến đây, các bạn còn được trải nghiệm tự mình nướng bánh nữa đó. Cô Rofiah không ngần ngại chia sẻ bí quyết nướng bánh của mình. Hơn nữa cô còn tận tình hướng dẫn các bạn làm sao để nướng được một cái bánh ngon.
3Một số hình ảnh nổi bật tại sạp bánh của cô Rofiah
Bánh thốt nốt nướng Ha Cô độc đáo tại sạp nhỏ của cô Rofiah cũng là món quà thường được mọi người đến và mua về làm quà biếu cho ông bà, cha mẹ cùng những người thân thiết. Vị ngon của bánh Ha Cô là thứ mà ai đã thử qua cũng muốn chia sẻ với nhiều người hơn nữa trong cẩm nang du lịch. Vậy nên bạn hãy một lần đến với làng Châu Phong, thử món bánh thú vị này và chia sẻ nó với người thân bạn bè nhé.