Khi nhắc đến Thái Bình, hình ảnh của những cánh đồng lúa xanh mướt, làng quê thanh bình và các món ăn dân dã chắc chắn sẽ hiện ra ngay trước mắt bạn. Trong số đó, không thể không kể đến bánh cáy làng Nguyễn, một đặc sản nổi tiếng từ lâu của vùng đất này. Bánh cáy làng Nguyễn không chỉ là một món ăn quen thuộc, mà còn là biểu tượng văn hóa, thể hiện sự tinh túy và tài hoa của người dân nơi đây.

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 2

Bánh cáy làng Nguyễn nổi tiếng là đặc sản Thái Bình, thức quà được nhiều người yêu thích. Ảnh: fptshop

Tên gọi "bánh cáy" xuất phát từ màu sắc của bánh, giống như trứng của con cáy – một loài động vật sống ở vùng nước lợ. Ngoài ra, một số người còn cho rằng tên gọi này xuất phát từ một truyền thuyết. Khi xưa bánh cáy được các quan chức địa phương lựa chọn làm lễ vật dâng vua. Vua khi ăn đã cảm nhận được vị bùi béo, ngọt thanh pha chút cay nồng của gừng, nên thắc mắc hỏi tên món bánh. Người dâng lễ đã trả lời đó là "bánh cay", nhưng do người dân phát âm chệch đi mà món ăn này dần trở thành "bánh cáy".

Người dân thôn Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn luôn kể nhau nghe về sự tích bánh cáy và người sáng tạo ra món bánh này đó chính là bà Nguyễn Thị Tần. Bà sống vào thế kỷ XVIII, dưới thời vua Lê. Theo dân gian, bà sinh năm 1725 trong một gia đình quyền quý. Từ nhỏ, bà đã nổi tiếng nết na, hiền thục nên rất được dân làng yêu mến.

Khi trưởng thành, bà Nguyễn Thị Tần được cha đưa vào kinh đô và trở thành nhũ mẫu dạy thái tử Lê Duy Vỹ dưới triều vua Lê Hiển Tông. Tuy nhiên, vào năm 1769, thái tử Lê Duy Vỹ bị Trịnh Sâm vu oan và bắt nhốt vào ngục. Trong thời gian này, bà Tần là người duy nhất được phép ra vào thăm nom thái tử. Sau khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, bà xin phép trở về quê nhà và dồn hết tài sản để giúp đỡ dân làng.

Bằng tình thương và tấm lòng cao cả của mình, bà đã giúp đỡ dân làng bằng cách xây dựng chợ, làm mương, chia ruộng đất, giúp người nghèo và dạy dân làng làm bánh cáy. Bà không chỉ là người tạo ra món bánh cáy – đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn, mà còn là biểu tượng cho đức hạnh và tài năng của người phụ nữ Việt Nam. Để tưởng nhớ công lao của bà, người dân đã lập đền thờ và UBND tỉnh Thái Bình đã công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 3

Bánh cáy được tạo ra từ bà Nguyễn Thị Tần, sống vào thế kỷ XVIII, dưới thời vua Lê. Ảnh: fptshop

Nhờ vào những nỗ lực và cống hiến của bà Nguyễn Thị Tần, nghề làm bánh cáy đã tồn tại và phát triển qua hơn 200 năm, trở thành một biểu tượng ẩm thực của Thái Bình. Hiện nay, toàn xã Nguyên Xá có khoảng 300 hộ dân làm bánh, sản xuất từ 120 đến 150 tấn bánh mỗi tháng. Bánh cáy làng Nguyễn được bán rộng rãi, bạn có thể mua qua các kênh bán hàng trực tuyến. Còn với những bạn có dịp du lịch Thái Bình thì bánh cáy chính là thức quà tuyệt vời để mua về biếu tặng người thân, bạn bè.

Quy trình làm bánh cáy là một nghệ thuật tỉ mỉ, đòi hỏi sự kỳ công trong từng công đoạn. Nguyên liệu chính để làm bánh cáy đều được lấy từ thiên nhiên, bao gồm: gạo nếp thơm, quả gấc, lá dành dành, lạc, vừng, gừng, cà rốt và vỏ quýt.

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 4

Các nguyên liệu làm nên món bánh cáy làng Nguyễn tuy đơn giản, dân giã nhưng kết hợp với nhau lại tạo nên hương vị siêu ngon. Ảnh: fptshop

Gạo nếp thơm (còn gọi là nếp quýt) được chọn lọc kỹ lưỡng vì đây là loại gạo mang hương thơm đặc trưng và có độ dẻo hơn hẳn so với các loại gạo khác. Gạo này thường được trồng ở khu vực nhiễm mặn như huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nhờ vậy gạo có hương thơm ngọt ngào, độ dẻo tự nhiên. Để đảm bảo chất lượng bánh thành phẩm, gạo nếp phải được nấu thành xôi bằng nước mưa, chia thành ba phần: hai phần để nấu xôi và một phần để rang thành bỏng gạo.

Một phần xôi được nấu với gấc để tạo màu đỏ. Phần còn lại được nấu với nước từ quả dành dành có màu vàng đẹp mắt. Sau khi xôi chín, người ta sẽ mang xôi đi giã nhuyễn như giã bánh giầy rồi phơi khô. Lạc và vừng sau khi rang chín sẽ được xát bỏ vỏ. Phần mỡ heo cũng được xử lý kỹ càng: luộc chín, tẩm đường và để khoảng 15 ngày trước khi thái nhỏ và xào đến khi mỡ trong suốt. Quá trình này giúp bánh có hương vị thơm ngon và bảo quản được lâu.

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 5

Đường phèn dùng để chế biến món bánh cáy làng Nguyễn giúp bánh ngọt vừa phải, rất dễ ăn. Ảnh: fptshop

Cà rốt được xào với nước gừng và đường, vỏ quýt tươi cũng được xử lý kỹ càng để giữ hương thơm tự nhiên. Sau khi tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, người làm bánh sẽ trộn chúng lại với nhau cùng đường mía, sau đó đun trên chảo mỡ heo hoặc dầu ăn. Hỗn hợp này sau đó được đổ vào khuôn gỗ và ép thành bánh. Khuôn gỗ được lót một lớp vừng rang thơm để khi lấy bánh ra, bề mặt bánh sẽ có hoa văn đẹp mắt.

Dù trải qua nhiều thế hệ, quy trình làm bánh cáy làng Nguyễn vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống xưa. Các cơ sở kinh doanh tại đây hầu hết đều chọn cách làm thủ công để giữ nguyên hương vị, mang đến món bánh chất lượng nhất. Bởi vì đây không chỉ là một món ăn ngon mà còn là biểu tượng văn hóa, ẩm thực của vùng đất Thái Bình, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 6

Thành phẩm bánh sẽ rất bắt mắt, hấp dẫn, là món ăn vặt gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Thái Bình. Ảnh: fptshop

Bánh cáy Thái Bình không chỉ là một món ăn dân dã, mà còn là một biểu tượng của văn hóa và tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây. Khi thưởng thức bánh cáy, người ta không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn thấy được sự kỳ công và tâm huyết của những người làm bánh.

Đặc biệt, bánh cáy làng Nguyễn nổi bật với sự hòa quyện của các nguyên liệu theo nguyên tắc "âm dương ngũ hành", mang đến lợi ích cho sức khỏe. Bánh có ngũ sắc (đỏ, xanh, vàng, trắng, đen) và bát vị (đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi, ngậy, béo), khiến cho món ăn này không chỉ đẹp mắt mà còn hấp dẫn bởi hương vị phong phú.

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 7

Bánh cáy ăn sẽ khá giòn, bùi, thơm, hương vị khác biệt so với các loại bánh truyền thống khác. Ảnh: thanhnien

Thưởng thức bánh cáy vào những ngày đông lạnh giá bên cạnh một tách trà nóng là một trải nghiệm khó quên. Vị ngọt béo của bánh kết hợp với vị thanh mát của trà tạo nên một cảm giác ấm áp, gợi lên hình ảnh của những buổi chiều đông gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện đời thường. Bánh cáy Thái Bình đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân vùng đất này, góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực truyền thống của Việt Nam.

Ngoài bánh cáy làng Nguyễn, Thái Bình còn nổi tiếng với nhiều loại đặc sản khác. Dưới đây là một số gợi ý từ cẩm nang du lịch MIA.vn để bạn tham khảo:

- Canh cá Quỳnh Côi

- Nem chạo Vị Thủy

- Bún bung

- Gỏi nhệch

- Bánh gai Đại Đồng

- Ổi Bo

- Nộm sứa Thái Thụy

- Bánh giò Bến Hiệp

Thưởng thức bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê nổi tiếng ở Thái Bình 8

Nem chạo Vị Thủy cũng là món đặc sản mà bạn nhất định nên thưởng thức khi đến Thái Bình. Ảnh: kinhnghiemdulich

Trên đây là những thông tin về món bánh cáy làng Nguyễn để bạn tham khảo và thưởng thức ngay khi có dịp. Cùng MIA.vn khám phá du lịch 3 miền và thật nhiều món ngon trải dài khắp mảnh đất hình chữ S nhé.