Bánh hồng là loại bánh đặc sản ở mảnh đất Quy Nhơn, có hình dạng bên ngoài khá đơn giản và thành phần quen thuộc như gạo nếp, đường và dừa tươi. Dù không sử dụng các loại nguyên liệu tạo màu và thuần sắc trắng nhưng nó vẫn mang tên là bánh hồng. Giải thích cho sự đối lập này có một giả thuyết cho rằng chữ “hồng” trong tên bánh không có nghĩa là màu sắc, mà mang nghĩa hồng duyên, hạnh phúc lứa đôi.

Ngày xưa bánh hay xuất hiện trong đám cưới, đám hỏi của người Quy Nhơn nói chung và người Bình Định nói riêng, nên bánh với tấm thiệp hồng đều mang ý nghĩa báo tin vui. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu nói cửa miệng của những bậc cao niên ở đây khi muốn thúc giục con cháu dựng vợ, gả chồng: “Khi nào mới cho ông/ bà ăn bánh hồng đây?”.

Khi thưởng thức bánh hồng Quy Nhơn bạn có thể cảm nhận được ngay hương vị thơm của nếp hòa quyện cùng độ giòn giòn, sần sật của dừa và ngọt nhẹ nhàng của đường. Bên cạnh đó độ kết dính của nếp như cũng như thể hiện tình cảm đôi lứa gắn kết keo son. Đó cũng là lý do bánh hồng Quy Nhơn thường xuất hiện trong những dịp cưới hỏi tại địa phương, với ý nghĩa tốt đẹp mong muốn một cuộc sống hôn nhân trăm năm hạnh phúc.

Người Quy Nhơn cũng xem đây là món bánh đơn giản, tiện dụng mà lại tinh tế bậc nhất. Ngày nay khi được nhiều người biết đến thì bánh hồng Quy Nhơn cũng đã trở thành một loại đặc sản mua về làm quà khi đi du lịch Bình Định.  

Bánh hồng Quy Nhơn dân dã, đậm tình người dân xứ Nẫu 2

Bánh hồng Quy Nhơn chẳng biết từ bao giờ đã trở thành món đặc sản tinh thần của người dân tỉnh Bình Định nói chung

Xem thêm: Chinh phục 13 quán bánh hỏi cháo lòng Quy Nhơn ngon nhất

- Nếp ngự: 1kg. 

- Đường: 1kg. 

- Dừa nạo: 400gram. 

- Lá dứa: 2 – 3 lá. 

- Bột năng: 140gram. 

- Nước lọc: 1.2 lít. 

- Bước 1: Xay bột nếp và nhồi đều tay 

Trước khi bắt đầu chúng ta phải ngâm nếp khoảng 8 tiếng để nếp mềm hoàn toàn, sau đó mới cho nếp đã ngâm vào máy xay chung với một ít nước. Để làm được món bánh hồng Quy Nhơn chuẩn vị bạn nên lựa chọn nguyên liệu là nếp ngự có độ dẻo, ngon hơn so với những loại bánh thông thường khác, nếu không có thì sử dụng nếp hoa vàng hay nếp nương cũng được. Sau khi xay xong chúng ta cho nếp vào túi vải, ép hết nước bên trong ra và để ráo trong khoảng 3 tiếng. Đợi bột khô xong chúng ta cho vào bên trong thêm ít nước để nhồi kỹ tạo đồ dẻo vừa phải để tách chúng khỏi nhau. 

Bánh hồng Quy Nhơn dân dã, đậm tình người dân xứ Nẫu 3

Nhồi đều tay và kỹ để nếp mềm dính vào nhau, tạo độ dẻo dai cho thành phẩm bánh ra lò

 - Bước 2: Rang bột năng

Bột năng được dùng để làm lớp áo bên ngoài bánh giúp cắt bánh dễ hơn, tránh tình trạng bánh dính vào nhau. Bột năng để vào chảo với 2 – 3 lá dứa để bột thơm, sau đó rang với lửa nhỏ cho đến khi chín thì tắt bếp. Muốn biết bột đã chín hay chưa thì chúng ta có thể nhìn lá dứa khô lại, hoặc nếm thử bột thấy tan ra ngay là được. 

- Bước 3: Sên dừa với đường

400 gram dừa với 300 gram đường đã chuẩn bị sẵn được cho vào nồi ngâm trong 30 phút để dừa trong và thấm đều đường. Tiếp theo chúng ta sẽ sên dừa với đường trên chảo lửa nhỏ, đợi đến khi dừa trắng trong thì sẽ tắt bếp. 

- Bước 4: Làm bánh hồng Quy Nhơn

Đầu tiên chúng ta sẽ phải đun sôi 1.2l nước và cho nốt 700gram đường còn lại đun tới khi nước đường tan hoàn toàn. Tiếp theo bạn phải nắn bột thành từng miếng nhỏ, dẹp rồi cho vào nồi nước đường. Sau đó chúng ta dằm từng miếng bột ra, từ từ đánh bột cho những cục bột hòa vào nhau thành khối lớn. Đợi chúng hòa vào nhau thì cho tiếp dừa vào trộn đều, đợi đến khi hỗn hợp không còn dính chảo thì tắt lửa. Cuối cùng bạn lấy sạn xoắn đều bột, hơ đều trên lửa nhỏ cho tới khi thấy bột trong và bóng được như mong muốn thì dừng. 

- Bước 5: Tạo hình cho bánh hồng Quy Nhơn

Tất cả phần bột vừa được trộn chúng ta bỏ chúng vào khuôn, ép xuống và áo bên ngoài một lớp bột năng. Ở giai đoạn này bạn chỉ cần đợi bánh nguội là có thể cắt tạo hình theo ý muốn và thưởng thức bánh hồng Quy Nhơn được ngay. Vừa cắn một miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được ngay độ dẻo, thơm của nếp thấm vị ngọt của đường. Dù các bước trong công thức làm bánh hồng Quy Nhơn khá đơn giản nhưng nó đòi hỏi đầu bếp phải chịu khó và tỉ mỉ. 

Bánh hồng Quy Nhơn dân dã, đậm tình người dân xứ Nẫu 4

Bánh hồng Quy Nhơn được cắt thành từng miếng dễ ăn với ngoại hình xinh xắn, có lớp dừa bên trên cùng phần bánh nếp dẻo thơm

Thường người ta sẽ làm bánh hồng Quy Nhơn để bán trong ngày bởi nó là đồ ăn không để được lâu. Nếu bạn muốn mua bánh hay làm bánh để ăn thì cần lưu ý là bánh chỉ bảo quản được trong khoảng 5 ngày thôi. Để bánh hồng Quy Nhơn quá lâu sẽ có hiện tượng bánh cứng khó ăn hoặc chảy nước do không chứa chất bảo quản. 

Để sử dụng bánh lâu hơn bạn có thể bỏa quản trong tủ lạnh, khi cần dùng bánh hồng Quy Nhơn thì lấy ra hấp lại bánh vẫn dẻo và thơm như mới bán. Cũng vì lý do khó bảo quản mà hiện tại món ăn này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi với khách du lịch như nhiều món ngon khác. Tuy nhiên hương vị bánh hồng thì không có gì phải bàn cãi. 

Bánh hồng Quy Nhơn dân dã, đậm tình người dân xứ Nẫu 5

Bánh hồng mới ra lò có thể bảo quản được trong 4 - 5 ngày do không có chất bảo quản, nên chúng ta phải ăn nhanh

Ghé thăm Quy Nhơn chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán món đặc sản bánh hồng ở nhiều nơi trong thành phố. Tuy nhiên để thưởng thức được đúng vị thì du khách phải tìm đến những cơ sở làm bánh truyền thống, đảm bảo hương vị hơn so với những sản phẩm bánh công nghiệp. 

Theo cẩm nang du lịch Quy Nhơn, có một số địa điểm bán quà lưu niệm, đặc sản nổi tiếng mà bạn có thể mua bánh hồng chính tông là: 

- Cửa hàng đặc sản Bình Định Phụng Nga

Địa chỉ: 61 Vũ Bảo, Quy Nhơn, Bình Định

- Cửa hàng Thanh Liêm

Địa chỉ: 128 Chương Dương, Quy Nhơn, Bình Định

- Siêu thị đặc sản Phương Nghi

Địa chỉ: 115-117-119 Tây Sơn, Quy Nhơn, Bình Định

- Cửa hàng sản Như Ý

Địa chỉ: 156 Nguyễn Huệ, Quy Nhơn, Bình Định

Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể ghé thăm khu vực chợ Tam Quan ở trung tâm thành phố cũng có nhiều hàng bán bánh hồng Quy Nhơn mới ra lò. Giá bán cho mỗi túi bánh 500 gram là khoảng 50.000 đồng/ 1 ổ. Cũng có những nơi bán bắt đã được cắt sẵn nhưng nhìn chung bánh nguyên ổ sẽ thơm ngon, dẻo dai và bắt mắt hơn.

Những loại bánh nhỏ là do người bán tự cắt cho dễ bán vì vào những ngày cúng, lễ người ta sẽ cần mua nhiều loại bánh khác nhau. Khi mua về, muốn thưởng thức bánh vừa miệng thì bạn xắt nhỏ ra thành từng miếng hình thoi trên đĩa và nhâm nhi với tách trà nóng. 

Bánh hồng Quy Nhơn dân dã, đậm tình người dân xứ Nẫu 6

Nhâm nhi một phần bánh hồng Quy Nhơn với tách trà ấm nóng thì còn gì bằng

Bánh hồng Quy Nhơn là một trong những món quà đặc sản được yêu thích của mảnh đất Bình Định mà mọi người nhất định phải thưởng thức. Trong từng miếng bánh không chỉ chứa đựng hương vị mà đôi khi còn mang đến cả văn hóa, tuổi thơ của bao thế hệ người dân địa phương. Bạn cũng có thể tham khảo thêm về ẩm thực Quy Nhơn tại đây