1 Bánh Samosa là gì? Nguồn gốc của bánh Samosa
Samosa là một loại bánh chiên hoặc nướng có nhiều hình dáng đẹp mắt như hình tam giác, hình bán nguyệt hoặc hình tứ giác. Bánh xuất phát từ Ba Tư vào khoảng thế kỷ thứ 10 với tên gốc từ tiếng Ba Tư là "sanbosag", có nghĩa là "bánh hình tam giác". Bánh bao gồm hai phần: phần vỏ và phần nhân. Phần nhân trong các công thức gốc thường chứa thịt cừu và hạt. Vào thế kỷ thứ 13 - 14, Samosa được các thương nhân đưa vào Ấn Độ và đã sử dụng nhiều nguyên liệu và gia vị mới, phổ biến là loại Samosa nhân chay như nhân ngọt hoặc nhân rau củ.
Ngày nay, Samosas có thể được mua để ăn trên đường hoặc được phục vụ làm món khai vị trong các buổi tụ tập hoặc các buổi tiệc cao cấp.
2 Các loại bánh Samosa ở các nước khác nhau
2.1 Bánh Samosa ở Ấn Độ
Ở Ấn Độ, vỏ bánh Samosa được làm từ loại bột mì đa dụng, hay còn gọi là vỏ Maida. Phần nhân gồm khoai tây luộc, đậu Hà Lan, ớt xanh và các loại gia vị hoặc trái cây. Bánh Samosa Ấn Độ được chiên trong dầu nóng cho đến khi vỏ bánh có màu nâu vàng hấp dẫn. Ở Ấn Độ, Samosa thường được ăn nóng kèm với tương ớt xanh, tương cà và các loại rau thơm như bạc hà và mùi.
Tùy thuộc vào loại nhân, bánh gối Samosa Ấn Độ còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Shingara là một loại bánh có vỏ mỏng, dễ vỡ với nhân là khoai tây luộc cắt nhỏ. Phuulkopir shingara có nhân là súp lơ, trong khi Mangsher shingara chứa nhân thịt cừu và Macher shingara có nhân là cá.
Có một phiên bản Samosa ngọt ở Ấn Độ, được gọi là Narkel er shingara với nhân là dừa và khoya (một loại sữa đặc). Lukhi là một loại Samosa nhỏ với lớp vỏ dày và nhân thịt băm, hành tây.
2.2 Bánh Samosa ở Bangladesh
Bánh Samosa Bangladesh được làm thành hình tam giác và hình tứ diện, là một loại món ăn nhẹ phổ biến ở nước này. Samosa hình tam giác thường được gọi là somosa hoặc somucha, với nhân chủ yếu là hành tây và thịt băm. Ngoài ra, một số địa phương ở Bangladesh còn nổi tiếng với món bánh Samosa nhân gan bò.
2.3 Bánh Samosa ở Pakistan
Ở miền đông của bang Punjab và phía nam tỉnh Sindh, bánh Samosa thường được làm từ rau hoặc khoai tây. Ở phía tây và phía bắc của Pakistan, Samosa thường chứa nhân thịt băm (thịt cừu, thịt bò hoặc thịt gà) và không được làm cay nhiều. Tại Karachi, tỉnh lỵ của Sindh, loại bánh Samosa tên là kaghazi có vỏ mỏng giòn như vỏ hoành thánh. Ở vùng Punjab của Pakistan, Samosa có nhân đậu xanh nghiền, hành tây và rau mùi.
2.4 Bánh Samosa ở Indonesia
Ở Indonesia, Samosa được gọi là pastel, không có nhiều gia vị như Samosa ở các nền ẩm thực khác. Pastel có vỏ mỏng, giòn, hình bán nguyệt, nhân thường là rau cải, thịt bò, thịt gà hoặc tôm băm nhuyễn. Bánh được chiên cho đến khi vỏ chuyển sang màu vàng giòn rụm. Người dân Indonesia thường thưởng thức bánh này kèm với ớt cay.
3 Cách làm bánh Samosa chuẩn vị Ấn
3.1 Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột mì đa dụng: 250 gr
- Khoai tây: 3 củ
- Ớt xanh: 1 quả
- Hạt điều: 10 cái
- Hành tây: 1 củ
- Ngò rí: 2 muỗng canh, băm nhuyễn
- Gừng: 1 củ
- Đậu Hà Lan: 150 gr
- Tỏi: 3 tép
- Thì là khô: 1 muỗng cà phê
- Hạt ngò: 1 muỗng cà phê
- Bột ớt: 1 muỗng cà phê
- Bột nghệ: 1 muỗng cà phê
- Dầu ăn: 400 ml
- Muối: 1 ít
- Nước cốt chanh: 1 muỗng canh
- Garam masala: 1/2 muỗng cà phê. Bạn có thể mua bột garam masala tại các cửa hàng chuyên bán gia vị khô hoặc các trang thương mại điện tử. Giá tham khảo khoảng 65.000 VND/ 100gr.
3.2 Sơ chế nguyên liệu
- Đầu tiên bạn gọt vỏ khoai tây, sau đó rửa sạch và luộc đến khi mềm. Sau khi luộc xong, bạn cắt khoai tây thành từng khối nhỏ.
- Bóc vỏ hạt điều sau đó đập nhỏ.
- Rửa sạch ớt xanh, hành tây và ngò rí, cắt nhỏ. Gọt vỏ gừng và tỏi sau đó băm nhỏ.
3.3 Xào nhân
- Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo, sau đó thêm 1 muỗng cà phê thì là khô, 1 muỗng cà phê hạt ngò, 1/2 muỗng cà phê bột garam masala, 1 muỗng cà phê bột ớt cay và 1 muỗng cà phê bột nghệ. Đảo đều trong 30 giây.
- Thêm 2 - 3 tép tỏi và 1 muỗng canh gừng băm vào chảo, sau đó thêm ớt xanh đã cắt nhỏ và đảo đều.
- Thêm hành tây đã cắt nhỏ và xào trong khoảng 3 - 4 phút cho đến khi hành mềm, có màu vàng nhạt.
- Khi hành tây đã chín vàng, thêm khoai tây đã cắt và đậu Hà Lan vào chảo và đảo đều. Tiếp theo, thêm 1 muỗng canh nước cốt chanh, 60ml nước và 1 muỗng cà phê muối, sau đó đảo đều trong 3 - 4 phút.
- Cuối cùng, thêm hạt điều đã đập nhỏ và 2 muỗng canh ngò rí băm nhuyễn vào chảo, đảo đều và tắt bếp.
3.4 Gói Samosa
- Lăn các phần bột nhỏ thành hình tròn đều, sau đó đặt lên mặt phẳng và sử dụng cây lăn để làm phẳng thành hình bầu dục.
- Tiếp theo, cắt bột thành hai phần, dùng ngón tay thấm ướt vào mép bột và gấp 2 bên mép bột lại để tạo hình nón.
- Đặt nhân đã xào vào giữa viên bột nón, sau đó dùng ngón tay thấm nước ở các góc và đóng mép bột lại.
- Lặp lại các bước trên với các phần bột còn lại.
3.5 Chiên Samosa
Làm nóng dầu trong một chảo sâu. Chiên Samosa trong 4 - 5 phút với lửa vừa cho đến khi bánh có màu vàng nâu và giòn rụm. Sau đó, vớt ra và để ráo dầu.
3.6 Hoàn thành
Vậy là chúng ta đã hoàn thành món Samosa thơm ngon và nổi tiếng chuẩn vị Ấn Độ rồi.
Chiếc bánh Samosa có vẻ ngoài hấp dẫn với màu sắc bắt mắt và giòn rụm. Đây chắc chắn sẽ là một lựa chọn khai vị tuyệt vời trong bất kỳ bữa tiệc nào. Bạn có thể thưởng thức Samosa kèm với tương ớt hoặc tương cà để tăng thêm hương vị cho món ăn.