Địa chỉ: 202 đường Tây Tiến, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần, từ 07:30 đến 17:30. Đóng cửa vào thứ Hai hàng tuần

Giá vé vào cổng:

• Người lớn: 50.000 VNĐ/ người

• Sinh viên: 25.000 VNĐ/ người

Giá vé hướng dẫn tham quan:

• Tiếng Việt: 100.000 VNĐ/ lượt

• Tiếng Anh: 120.000 VNĐ/ lượt

• Tiếng Pháp: 120.000 VNĐ/ lượt

Giữa vùng đất Hòa Bình yên bình, cái nôi của người Mường, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường hiện lên như một bảo tàng độc đáo bậc nhất Việt Nam. Bảo tàng thu hút mọi người với cách trưng bày mở độc đáo cùng triết lý “sống cùng di sản” mà nơi này theo đuổi.

Không giống những bảo tàng thường thấy, bảo tàng Mường mang đến một trải nghiệm văn hóa sống động. Tại đây, mọi người có thể đi giữa nhà sàn cổ, nghe tiếng chiêng ngân, tận tay sờ vào đồ dùng sinh hoạt xưa kia. Nếu thích, mọi người có thể cùng tham gia làm bánh, dệt vải, nấu ăn như người Mường thật sự. Đó là nơi mà từng mái nhà, bếp lửa, cối xay lúa… đều có thể “nói chuyện”, kể lại câu chuyện của chính mình.

Ra đời từ tâm huyết hơn 10 năm miệt mài sưu tầm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động ngày 16/12/2007. Từ đó, bảo tàng nhanh chóng trở thành bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam chuyên biệt cho dân tộc thiểu số người Mường. Không nằm giữa thành phố sôi động hay khu du lịch đông đúc, bảo tàng được đặt giữa một thung lũng đá vôi rộng hơn 5 hecta, bao quanh bởi núi non xanh thẳm. Tất cả tạo nên một bầu không khí vừa mộc mạc, vừa trầm lắng.

Không gian tại đây không phải là sự mô phỏng đơn thuần mà là một nỗ lực phục dựng nguyên bản kiến trúc, văn hóa và cách sống của người Mường truyền thống. Điều này được thể hiện thông qua việc xây dựng các ngôi nhà Lang, nhà Nóc, khu vực thờ cúng, tái hiện nghi lễ, và đặc biệt là lưu giữ hơn 3.000 hiện vật quý hiếm. Mỗi căn nhà, mỗi vật dụng, mỗi tấm vải thổ cẩm ở đây đều là một phần linh hồn dân tộc được giữ gìn và kể lại bằng tất cả sự trân trọng.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có gì đặc biệt? 2

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường mang đến những trải nghiệm văn hóa đặc sắc và sống động. Nguồn: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km, mọi người có thể lựa chọn đến bảo tàng trong ngày cũng khá phù hợp. Dưới đây là các cách di chuyển phổ biến và thuận tiện nhất:

• Di chuyển bằng ô tô: Từ Hà Nội, bạn đi theo đại lộ Thăng Long, sau đó rẽ vào cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Khi đến trung tâm thành phố Hòa Bình, tiếp tục đi theo đường Tây Tiến (DT435) thêm khoảng 8km để tới bảo tàng.

• Di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội: Bắt xe tại bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa hoặc Giáp Bát đi tuyến Hà Nội – Hòa Bình với giá khoảng 70.000 VNĐ - 100.000 VNĐ/ lượt. Từ bến xe Hòa Bình, bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng taxi hoặc xe công nghệ đến bảo tàng (khoảng 15–20 phút đi xe).

• Di chuyển bằng xe máy: Bạn có thể đi theo lộ trình Hà Nội – Xuân Mai – Lương Sơn – TP. Hòa Bình – Bảo tàng. Tổng quãng đường khoảng 85–90km, thời gian đi từ 2 đến 2.5 tiếng.

Một trong những yếu tố làm nên sức hút đặc biệt của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường chính là kiến trúc tổng thể độc đáo. Kiến trúc của bảo tàng tái hiện nguyên bản không gian sống của người Mường xưa, nổi bật giữa thung lũng đá vôi xanh ngát.

Trên diện tích rộng hơn 5ha, bảo tàng được thiết kế như một ngôi làng truyền thống của người Mường, bao quanh bởi núi đá, rừng cây và ruộng bậc thang. Thay vì tập trung vào các khối nhà đóng kín, toàn bộ bảo tàng là không gian mở. Trong khuôn viên bảo tàng là những công trình phân bố theo địa hình tự nhiên, gợi cảm giác gần gũi, mộc mạc.

Từng lối đi lát đá, từng bậc thang dốc len lỏi qua những rặng tre, mái lá, cột gỗ đều khiến mọi người cảm nhận được sự giao thoa giữa văn hóa và thiên nhiên. Đây là một yếu tố rất đặc trưng trong quan niệm sống của người Mường xưa.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có gì đặc biệt? 3

Sự giao hòa giữa thiên nhiên và văn hóa là một trong những điểm đặc sắc trong không gian của bảo tàng. Nguồn: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Điểm nhấn nổi bật nhất về mặt kiến trúc là hệ thống 4 ngôi nhà sàn nguyên bản. Đây là những công trình được phục dựng chính xác theo cấu trúc truyền thống và đại diện cho từng tầng lớp xã hội Mường cổ:

Nhà Lang: Ngôi nhà lớn và cao nhất, đại diện cho tầng lớp thống trị. Cấu trúc nhà rộng rãi với nhiều gian, mái ngói rêu phong, cột gỗ to, cầu thang đôi. Bên trong được trang trí trang nghiêm với khu vực thờ tự, cồng chiêng quý và các biểu tượng quyền lực của người Lang.

Nhà Ậu: Nơi ở của những người giúp việc hoặc người thân tín trong hệ thống cai quản của người Lang. Kiến trúc vẫn giữ được sự bền chắc nhưng đơn giản hơn, không có không gian thờ chính.

Nhà Nóc: Đại diện cho tầng lớp bình dân. Kết cấu khiêm tốn hơn, sử dụng vật liệu sẵn có trong tự nhiên như tre, nứa, mái lá cọ. Bên trong là nơi sinh hoạt của các gia đình nhiều thế hệ.

Nhà Nóc Trọi: Là nhà của tầng lớp thấp nhất, thường đơn sơ nhất, vách nứa, mái rơm, diện tích nhỏ, nhưng vẫn tuân theo cấu trúc sàn đặc trưng để tránh ẩm thấp.

Việc bố trí 4 kiểu nhà theo thứ tự từ cao xuống thấp (theo địa hình thung lũng) tạo thành một quần thể mạch lạc. Đây là yếu tố phản ánh rõ nét hệ thống phân tầng xã hội của người Mường, nét đặc trưng trong văn hóa bản địa.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có gì đặc biệt? 4

Nhà Lang - một trong những biểu tượng cho quyền lực của tầng lớp thống trị. Nguồn: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Toàn bộ công trình trong bảo tàng đều sử dụng vật liệu truyền thống như gỗ lim, tre, nứa, rơm, lá cọ, đá núi… Mỗi ngôi nhà đều là kết quả của quá trình tháo dỡ, vận chuyển từ bản Mường gốc về đây và được phục dựng thủ công theo nguyên bản cũ. Đây là một quá trình tốn nhiều năm công phu, thể hiện sự dốc lòng trong tâm trí và công sức của chủ đầu tư và đội ngũ xây dựng.

Mỗi chi tiết từ xà gồ, cột cái, mái nhà, bậc thang, gian bếp đến khung cửa đều được giữ nguyên tinh thần nguyên bản. Điều này giúp không gian không chỉ giống “về hình” mà còn “đúng về hồn”, gợi cảm giác mới mẻ, thích thú hơn cho mọi người.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có gì đặc biệt? 5

Các công trinhg trong Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đều được xây dựng từ những vật liệu gần gũi với thiên nhiên. Nguồn: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Không dừng lại ở tái hiện nhà ở, bảo tàng còn khéo léo lồng ghép nghệ thuật đương đại vào trong bố cục không gian. Trong đó, Muong Studio là không gian điển hình thể hiện rõ nét yếu tố này. Đây là khu nhà hiện đại được xây bằng vật liệu tự nhiên với vị trí giữa lòng rừng già. Muong Studio cũng là nơi thường xuyên diễn ra các triển lãm nghệ thuật đương đại và sự kiện giao lưu văn hóa.

Sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và hơi thở hiện đại tạo nên một tổng thể sống động, đa lớp. Điều này giúp mỗi người khi đến đây đều có cảm giác “vừa như trở về quá khứ, vừa như khám phá tương lai”.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có gì đặc biệt? 6

Hơi thở xưa cũ và hiện đại tạo nên nét đặc trưng trong không gian lẫn các công trình nhà ở. Nguồn: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Điều khiến Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường trở nên khác biệt nằm ở kho tàng hơn 3.000 hiện vật. Đây là các hiện vật do chính tay họa sĩ Vũ Đức Hiếu sưu tầm trong suốt hơn 10 năm rong ruổi khắp bản làng Mường tại Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ...

Các hiện vật ở đây được bày trí trong chính không gian sống nguyên mẫu, khiến cho từng món đồ như được “sống lại” giữa đời thực. Những hiện vật nổi bật nhất có thể kể đến như:

• Nhạc cụ truyền thống như chiêng Mường, khèn bè, trống đồng. Đây là các hiện vật tái hiện âm thanh linh thiêng của nghi lễ cổ xưa.

• Trang phục dân tộc Mường từ áo dài của phụ nữ quý tộc đến trang phục lao động giản dị của dân thường. Các mẫu áo được dệt tay, nhuộm chàm, in sáp ong truyền thống.

• Đồ dùng sinh hoạt như thúng, mủng, cối xay, nồi đất, chum nước. Đây là những vật dụng tưởng chừng bình thường nhưng lại kể rất nhiều câu chuyện về đời sống thường ngày.

• Nông cụ cổ như cuốc, rìu đá, bẫy thú, dao rựa. Đây là cách thể hiện kỹ năng canh tác, săn bắt và sự hòa hợp giữa con người với núi rừng.

• Hiện vật tín ngưỡng như tượng gỗ, mặt nạ nghi lễ, đồ cúng tế. Đối với những ai tò mò về thế giới tâm linh của người Mường, đây chắc chắn là bộ sưu tập đáng chiêm ngưỡng.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có gì đặc biệt? 7

Chiêng Mường là nhạc cụ quan trọng được sử dụng trong các lễ hội lớn của người Mường. Nguồn: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là một cánh cổng dẫn lối về với quá khứ. Đây là nơi bạn có thể nhìn thấy, sờ thấy và cảm nhận được cả một nền văn hóa đang thở. Nếu đang tìm một địa điểm vùng cao Tây Bắc để có thể “xách balo lên và đi”, MIA.vn tin rằng đây chính là điểm đến bạn nên ghé qua.