1 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ở đâu?
Địa chỉ:
- Số 1 Đường Tràng Tiền, Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Số 216 Đường Trần Quang Khải, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa:
- Buổi sáng: Từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa
- Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 chiều đến 17 giờ chiều
(Mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày thứ Hai đầu tiên hàng tháng)
Giá vé tham khảo:
- Người lớn: 40.000 VNĐ/lượt/người
- Sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, dạy nghề: 20.000 VNĐ/lượt/người
- Học sinh: 10.000 VNĐ/lượt/người
- Miễn phí vé với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định hiện hành.
- Chính sách giảm giá vé: Giảm 50% mức phí tham quan cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người cao tuổi, người khuyết tật nặng theo quy định hiện hành.
Khoản phí khác:
- Chụp ảnh: 15.000 VNĐ/máy
- Quay phim: 30.000 VNĐ/máy
2 Giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
2.1 Lịch sử Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bảo tàng nằm ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, gần với nhiều di tích lịch sử linh thiêng như Tháp Rùa - Hồ Gươm; Cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn - Bút tháp… Bảo tàng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu về lịch sử Việt Nam kéo dài từ thời Tiền sử đến ngày nay thông qua hệ thống các tài liệu, hiện vật, hình ảnh vô cùng đồ sộ, quý giá, trong đó có nhiều hiện vật nằm trong danh sách Bảo vật quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại số 1, Tràng Tiền trưng bày Lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến hết triều Nguyễn 1945. Cơ sở tại 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm trưng bày Lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến nay.
2.2 Quy mô Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang bảo quản và trưng bày hơn 200.000 hiện vật và tài liệu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trong đó, giai đoạn từ thời Tiền sử đến năm 1945 chiếm gần 110.000 tài liệu và hiện vật, bao gồm nhiều di vật, cổ vật và 20 Bảo vật quốc gia.
Các sưu tập quý hiếm tại đây thuộc nhiều nền văn hóa khảo cổ như thời kỳ Đá cũ, thời đại Đồng thau và Sắt sớm, Văn hóa Đông Sơn, Gốm men cổ Việt Nam, Đồ đồng thời Lê Nguyễn, Điêu khắc đá Chăm pa và nghệ thuật trang trí từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.
Giai đoạn lịch sử từ giữa thế kỷ XIX đến nay có khoảng 80.000 tài liệu và hiện vật về lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện đang là thành viên của Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) và là thành viên sáng lập của Hiệp hội các Bảo tàng Quốc gia châu Á (ANMA). Bảo tàng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với gần 30 bảo tàng trong khu vực và quốc tế. Năm 2013, bảo tàng đã đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị ANMA lần thứ 4 tại Hà Nội.
Trong hành trình du lịch Hà Nội, khi đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử văn hóa lâu đời của nước nhà. Cùng với đó, chúng ta sẽ càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường của các thế hệ cha ông trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước.
3 Khám phá những điều thú vị tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
3.1 Khám phá lịch sử dân tộc từ thời Tiền sử
Như cẩm nang du lịch MIA.vn giới thiệu ở trên, đến với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, bạn sẽ có cơ hội khám phá rất nhiều điều thú vị về tiến trình lịch sử:
- Thời kỳ Tiền sử của Việt Nam: Trưng bày dấu tích con người trên lãnh thổ Việt Nam từ miền núi, trung du, đồng bằng đến vùng hải đảo. Những dấu tích này gồm răng người vượn, công cụ lao động và di cốt hóa thạch động vật. Bước tiến mới ở thời kỳ Đồ đá mới thể hiện qua kỹ thuật mài công cụ đá, đồ gốm và sự phát triển nông nghiệp sơ khai.
- Thời kỳ dựng nước: Người Việt sớm biết kỹ thuật luyện, đúc đồng và làm sắt, chế tạo công cụ lao động, đồ trang sức và vũ khí. Khoảng giữa thiên niên kỷ thứ I TCN, ba trung tâm văn hóa lớn xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam, là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của ba quốc gia cổ đại: Văn hóa Đông Sơn (nhà nước Văn Lang, Âu Lạc), Văn hóa Đồng Nai, Óc Eo (Vương quốc Phù Nam) và Văn hóa Sa Huỳnh (Vương quốc Champa).
- Việt Nam sau Công Nguyên từ thế kỷ I - X: Năm 111 TCN, nước ta bị đô hộ bởi các triều đại phong kiến phương Bắc. Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập với các triều đại: Ngô - Đinh - Tiền Lê (939 - 1009), Lý - Trần (1009 - 1400), Hồ (1400 - 1407), Lê - Mạc (1428 - 1788), Tây Sơn (1778 - 1802) và Nguyễn (1802 - 1945).
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại số 216 Trần Quang Khải lưu giữ hiện vật và tư liệu lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Ban đầu, nơi này là trụ sở của Sở Thương chính Đông Dương, được cải tạo thành bảo tàng vào năm 1954. Nội dung trưng bày bao gồm:
- Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ năm 1858 - 1945.
- 30 năm kháng chiến chống xâm lược từ năm 1945 - 1975.
- Việt Nam xây dựng đất nước từ năm 1976 đến nay.
3.2 Chiêm ngưỡng không gian kiến trúc độc đáo
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mang nét kiến trúc Pháp lãng mạn và độc đáo. Mặt tiền bảo tàng được thiết kế để tạo không gian trưng bày lớn với sảnh chính hình bát giác, mỗi cạnh dài 11m. Không gian phía sau đại sảnh hình chữ nhật kéo dài, được thiết kế xuyên phòng khéo léo.
Bên dưới là tầng trệt dùng để trưng bày, lưu trữ, nhà kho và phòng hành chính, được thiết kế là phòng cách ẩm, giữ không gian trưng bày khô ráo trong thời tiết nồm ẩm đặc trưng của Hà Nội. Công trình nổi bật với hệ mái che hình bát giác nhô cao, gồm ba lớp mái với độ dốc khác nhau. Lớp mái phía dưới rộng hơn, che nắng và chống mưa hắt, được nâng đỡ bởi hàng cột kép và hệ con sơn cách điệu, mang vẻ đẹp Á Đông rõ rệt.
3.3 Tham gia các chương trình giáo dục bổ ích tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Khi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những khối hiện vật vô giá, phong phú và đa dạng về loại hình, chất lượng, niên đại từ thời sơ khai đến ngày nay. Ngoài việc quan sát, bạn còn có thể tham gia nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn tại phòng Khám phá như thử mặc trang phục truyền thống, làm đồ thủ công và chơi trò chơi dân gian. Nếu bạn đi cùng trẻ nhỏ, đừng bỏ lỡ các chương trình giáo dục đặc biệt như Câu lạc bộ Em yêu lịch sử và Giờ học lịch sử. Đây là cơ hội tuyệt vời để các em tìm hiểu lịch sử một cách sinh động và hấp dẫn thông qua các hoạt động tương tác, trò chơi và câu đố.
4 Những lưu ý khi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
- Bạn có thể chọn tour tham quan có hướng dẫn viên chuyên nghiệp để được giới thiệu kiến thức sâu rộng về lịch sử và văn hóa. Nếu muốn đăng ký thì cần liên hệ trước với phòng Thông tin.
- Trước khi rời bảo tàng, hãy ghé qua Quầy lưu niệm để chọn lựa những món quà độc đáo và ý nghĩa cho mình và người thân như sách lịch sử, tranh ảnh, đồ thủ công đến các sản phẩm tái hiện hiện vật lịch sử.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày giá trị lịch sử quý báu mà còn là điểm đến hấp dẫn, giúp bạn hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Theo dõi cẩm nang du lịch MIA.vn để khám phá thêm nhiều điều thú vị về du lịch ba miền nữa nhé.