1 Giới thiệu chùa Tân Thanh - Cột mốc đặc biệt nơi biên giới
Địa chỉ: Khu vực cửa khẩu Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn
Chùa Tân Thanh cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 28km về phía Tây Bắc, được khởi công xây dựng vào năm 2015 trên diện tích 21ha, tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng, từ sự phát tâm công đức của các phật tử gần xa. Từ vị trí cao, chùa nhìn ra cửa khẩu Tân Thanh và nằm cách biên giới Việt - Trung chỉ khoảng 300 mét, được xem là ngôi chùa gần biên giới nhất của Việt Nam.
Chùa Tân Thanh Lạng Sơn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần nhân ái, hướng thiện theo triết lý Phật giáo và như một biểu tượng của tình yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam nơi biên cương Tổ quốc.

Chùa Tân Thanh được khởi công xây dựng trên diện tích 21ha, nằm cách biên giới Việt - Trung chỉ khoảng 300 mét. Ảnh: Báo Lạng Sơn
2 Khám phá nét kiến trúc của chùa Tân Thanh Lạng Sơn
So với các ngôi chùa khác ở Lạng Sơn, chùa Tân Thanh nổi bật không chỉ bởi quy mô rộng lớn mà còn bởi kiến trúc đặc sắc. Tọa lạc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chùa Tân Thanh nằm trên vị trí đắc địa theo thế đất “long chầu hổ phục”, với bên trái là núi mang dáng rồng chầu, bên phải là núi hình voi phục, phía sau có thế núi tựa ngai rồng. Khi đặt chân đến chùa, du khách sẽ cảm nhận rõ nét kiến trúc thuần Việt, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Các khu thờ tự được bố trí hợp lý, tạo nên sự trang nghiêm, thanh tịnh.

Chùa Tân Thanh nằm trên vị trí đắc địa theo thế đất “long chầu hổ phục”, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Ảnh: Trí Minh
Chùa Tân Thanh được chia thành ba khu vực chính: Điện thờ chính (cung Tam Bảo), điện thờ Đức Thánh Trần, điện thờ Đức Thánh Mẫu và Tam Quan.
Từ xa, cổng chùa nổi bật với Tam Quan chồng diêm lợp ngói mũi hài, mái đao đầu rồng – đặc trưng của kiến trúc chùa Việt. Khi bước vào khuôn viên, bạn có thể cảm nhận rõ những điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc thuần Việt, từ cách bài trí khu thờ tự, trang trí cảnh quan đến hệ thống hoành phi, câu đối, tất cả đều được viết bằng chữ thư pháp Việt.

Tam Quan mang nét đặc trưng của kiến trúc chùa Việt với ngói mũi hài, mái đao đầu rồng. Ảnh: Trí Minh

Các bức hoành phi, câu đối đều được viết bằng chữ thư pháp Việt. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Đặc biệt, khuôn viên chùa có hơn 100 pho tượng cùng khoảng 1.000 cây xanh, trong đó gần một nửa là những cây hoa đào nở rộ mỗi độ xuân về, mang đến không gian thanh tịnh, hài hòa với thiên nhiên.

Những cây hoa đào nở rộ khuôn viên chùa Tân Thanh vào mỗi độ xuân về. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Chính giữa cửa chùa là bảng tên được viết theo lối thư pháp Việt đơn giản nhưng trang nhã và uy nghiêm. Phía dưới ba lối cổng vào có bốn câu đối mang ý nghĩa sâu sắc:
"Tới cửa chùa lòng sạch trần duyên tiêu tục lụy
Lui tới trang nghiêm thế sự lợi danh ngoài cảnh Phật
Ra vào tự tại pháp môn giải thoát tại lòng ta
Vào cửa Phật miệng câu Tam Bảo niệm tâm kinh.”
Trung tâm sảnh chùa nổi bật với chiếu rồng bằng đá, được chạm trổ hình rồng thời Lý trên phiến đá có trọng lượng hơn 90 tấn.
Đặc biệt, toàn bộ câu đối và hoành phi trong chùa đều được viết bằng thư pháp Việt. Nổi bật là bức hoành phi lớn khắc hai câu thơ:
“Trấn Ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách
Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu”,
như một lời nhắc nhở về truyền thống hào hùng và khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước Nam.
Bước vào chùa, phía tay phải là đền thờ Quan Trấn Ải, nơi tưởng nhớ công lao của các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ bờ cõi. Không gian nơi đây mang lại cảm giác an yên, thanh tịnh.
3 Những nét đặc biệt tại ngôi chùa nơi địa đầu Tổ quốc
Là ngôi chùa nơi địa đầu Tổ quốc, hằng ngày các tăng ni, Phật tử nơi đây luôn tụng niệm, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ngoài tu hành, chùa còn tổ chức các hoạt động hướng đạo để nhân dân và du khách hiểu hơn về ý nghĩa của nơi này. Nhiều du khách khi rời chùa đều cảm thấy tâm hồn bình an, nhẹ nhõm.
Đứng từ hiên chùa phóng tầm mắt xuống Tam Quan, bạn có thể cảm nhận sự giao hòa giữa đất trời, núi non và con người. Tiếng chuông chùa vang vọng trong gió càng làm cho không gian thêm phần thanh tịnh, đem lại sự thư thái cho Phật tử.
Một nét đặc biệt của chùa Tân Thanh là mỗi viên gạch xây dựng đều được đúc nổi dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, khẳng định chùa không chỉ là một địa chỉ tâm linh, văn hóa mà còn là cột mốc chủ quyền vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc.

Mỗi viên gạch xây chùa đều được đúc nổi dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Dù chỉ mới được xây dựng và khánh thành trong vài năm gần đây, chùa Tân Thanh đã nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái và vãn cảnh. Sở hữu vẻ đẹp tráng lệ cùng kiến trúc thuần Việt, ngôi chùa tạo ấn tượng sâu sắc, khiến du khách luôn mong muốn ghé thăm, dâng nén tâm nhang cầu nguyện cho quốc thái dân an, đồng thời gửi gắm ước nguyện về một biên cương bình yên, giàu mạnh.

Chùa Tân Thanh đã nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút du khách nhờ vẻ đẹp tráng lệ cùng kiến trúc thuần Việt. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Được biết đến như một bức tranh phong cảnh hữu tình với thế "lưng tựa núi", chùa Tân Thanh ngày nay đã trở thành một địa điểm tâm linh quan trọng của Lạng Sơn, bên cạnh Đền Mẫu Đồng Đăng. Sự hiện diện của ngôi chùa nơi biên giới không chỉ là biểu tượng văn hóa, tâm linh của người Việt mà còn thể hiện tinh thần từ bi theo triết lý Phật giáo, đồng thời gửi gắm thông điệp về tình hữu nghị, sự gắn kết và phát triển bền vững giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn một địa điểm du lịch đặc biệt mới mẻ trong hành trình khám phá Tổ quốc.