1 Sức hút của BTS Bangkok
Một “đặc sản” của Thái Lan mà hẳn mọi khách tham quan đều từng gặp phải chính là tắc đường và kẹt xe, nhất là vào những khung giờ cao điểm. Việc đi lại bằng taxi hoặc Grab cũng khá phổ biến nhưng giá cả không hề rẻ mà lại không tránh được tắc đường. Đó cũng chính là lý do mọi người sẽ lựa chọn di chuyển bằng các tuyến tàu điện như BTS Bangkok, MRT để tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc.
BTS Bangkok hay Hệ thống vận tải công cộng Bangkok là hệ thống vận chuyển hành khách nhanh chóng trên cao tại thủ đô của Thái Lan. Chuyến tàu này do Hệ thống Giao thông Công cộng Bangkok PCL (BTSC), một công ty con của Tập đoàn BTS Holdings khai thác sử dụng. Hệ thống bao gồm tổng cộng 62 ga nằm dọc theo 3 tuyến. Ngoài 3 tuyến BTS thì hệ thống vận chuyển Bangkok còn có tuyến tàu điện ngầm (MRT), tàu điện Airport Rail Link, hệ thống xe buýt BRT cũng khá tiện dụng.
2 Lịch sử phát triển BTS Bangkok
Kế hoạch xây dựng hệ thống vận chuyển công cộng tại Bangkok được bắt đầu từ những năm 1980. Hệ thống Skytrain chính thức hoàn thiện và khai trương vào ngày 5 tháng 12 năm 1999 bởi Công chúa Maha Chakri Sirindhorn. Ban đầu số lượng hành khách sử dụng BTS Skytrain thấp hơn dự đoán, chỉ khoảng 200.000 hành khách mỗi ngày nhưng tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đến tháng 9 năm 2012, Skytrain đã phục vụ trung bình khoảng 600.000 hành khách mỗi ngày.
3Các tuyến BTS Skytrain chính
Tàu điện trên không BTS Bangkok có 2 tuyến chính là Tuyến Sukhumvit và Tuyến Silom với 60 nhà ga tổng cộng. Giá vé của Skytrain là 16 baht (tương đương 11.000đ) cho một trạm, thế nên nếu bạn đi cả tuyến đường sẽ mất khoảng 59 baht (tức 40.000đ).
3.1 Tuyến Sukhumvit
Tuyến Sukhumvit là tuyến có màu xanh lá nhạt trên bản đồ, một trong những tuyến phổ biến nhất với khách du lịch Thái Lan nếu di chuyển trong trung tâm thành phố. Đặc biệt nó đi qua những khu mua sắm nổi tiếng như Siam, Central World, MBK, Platinum và cả chợ Pratunam. Từ Siam đến Ekamai là khu vực tập trung hầu hết các trung tâm thương mại, có tụ điểm ăn chơi và doanh nghiệp như Siam Paragon và Siam Center. Theo kinh nghiệm du lịch, bạn có thể nối chuyến với Airport Rail Link từ tuyến màu xanh lá cây tại Ga Phaya Thai, hoặc đến chợ Chatchuchak tại Ga Mochit.
3.2 Tuyến Silom
Tuyến Silom xuất phát từ sân vận động Quốc gia (MBK) đến Bang Wa, có màu xanh ngọc đậm trên bản đồ. Đường bao gồm những khu vực như sông Chao Praya, Icon Siam, Asiatique, nơi đặt khu thương mại nổi tiếng Sathorn và Saladaeng (Silom).
4Hướng dẫn cách đi tàu BTS Bangkok
4.1 Hướng dẫn đi tuyến Sukhumvit BTS Bangkok
Tuyến Sukhumvit chạy từ phía Bắc sang phía Đông, bắt đầu tại trạm Mo Chit (N8), kết thúc tại trạm Bearing (E14) và ngược lại. Các trạm quan trọng mà MIA.vn lưu ý cho khách tham quan bao gồm:
Trạm Mo Chit (N8): Nằm gần sân bay Don Muang nhất và có tuyến xe buýt A1 (1 chuyến/30 phút) kết nối trực tiếp. Trạm cạnh bên công viên Chatuchak, chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ là đến chợ phiên cuối tuần Chatuchak, nằm trên điểm giao với tàu MRT, bến xe Mo Chit Bus Station.
Trạm Phaya Thai (N2): Đây là điểm giao với tàu điện Airport Rail Link (đi sân bay Suvarnabhumi), nếu di chuyển thêm 1 trạm Airport Rail Link bạn sẽ đến trạm Raychaprarop thăm Baiyoke Sky Bangkok.
Trạm Ratchathewi (N3): Trạm này nằm gần khu Pratunam nơi có nhiều địa điểm quen thuộc với du khách từ Việt Nam, chỉ cách khu mua sắm Platinum, chợ Pratunam tầm 1km.
Trạm Siam (Central Station): Đây là trạm trung tâm đồng thời cũng là trạm lớn nhất của hệ thống BTS Bangkok, nút giao giữa tuyến BTS Silom và BTS Sukhumvit, nằm gần những trung tâm mua sắm lớn như Siam Centre, Central World, Siam Paragon, bảo tàng sáp Madame Tussauds Bangkok, thủy cung Sea Life Ocean World.
Trạm Nana (E3): Trạm BTS Bangkok nằm gần Sukhumit Soi 11 (lối ra số 3) và Nana Plaza (lối ra số 2).
Trạm Asok (E4): Đây là nút giao với tàu điện ngầm MRT, nằm gần Terminal 21, khu Soi Cowboy (nổi tiếng có nhiều quán bar thoát y).
Trạm Ekkamai (E7): Nằm gần bến xe Ekkamai, từ đây bạn có thể bắt xe đi Pattaya.
Trạm Udom Suk (E12): Nằm gần trạm bắt shuttle bus đi Mega Bangna nhất.
4.2 Hướng dẫn đi tuyến Silom BTS Bangkok
Tuyến Silom chạy từ phía Tây xuống phía Nam và bắt đầu tại trạm National Stadium (W1), kết thúc tại trạm Bang Wa (S12) và ngược lại. Bạn hãy lưu ý một số trạm chính sau đây:
Trạm National Stadium (W1): Nằm gần sân vận động quốc gia, trung tâm mua sắm MBK, Bangkok Art and Culture Centre, Jim Thompson’s House.
Trạm Siam (Central Station): Trạm trung tâm và là trạm lớn nhất của BTS Bangkok.
Trạm Sala Daeng (S2): Đây là nút giao với tuyến tàu điện ngầm MRT, nằm gần khu ăn chơi Silom Road, khu Patpong, khu mua sắm Silom Complex.
Trạm Saphan Taksin (S6): Trạm dừng nằm gần sông Chao Phraya nhất, phía bên dưới bạn có thể thấy cầu cảng Sathorn.
5Hướng dẫn mua vé tàu điện trên không BTS Bangkok
Bước 1: Hành khách đổi tiền giấy thành tiền xu tại quầy bán vé.
Bước 2: Bạn mua vé tại quầy vé tự động dựa trên trạm muốn đế. Lưu ý xem con số tương ứng với trạm muốn đến trên bảng Fare Information”. Con số thể hiện tiền vé bạn phải trả (từ 15-42 baht/chặng tuỳ xa gần). Tiếp theo bạn sẽ bấm vào nút tương ứng với giá vé cần trả ở ô số 1 trên máy, sau đó nhét xu vào ô số 2 (tiền trả lớn hơn hoặc bằng giá vé bạn cần trả). Sau khi nhét đủ xu thẻ từ sẽ được xuất ra ở ô số 3 và tiền thừa được trả qua ô số 4.
Bước 3: Tại khu vực check-in vé tự động vào ga bạn sẽ đưa thẻ vào khe bên dưới và nhận lại thẻ ở mặt trên, cửa sẽ mở để hành khách vào. MIA.vn lưu ý bạn sẽ phải giữ thẻ suốt hành trình, đến lúc ra chỉ cần làm tương tự nhưng máy không trả lại thẻ. Hành khách cần nhớ đưa thẻ vào theo chiều mũi tên.
Bước 4: Xác định hướng di chuyển, ví dụ bạn đang ở trạm Siam và muốn đến chợ phiên Chatuchak thì sẽ phải lên tàu đi về hướng Mo Chit. Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy mọi người đứng xếp hàng sau vạch vàng và nép về hai bên.
Ngoài ra, nếu bạn định đi nhiều trạm trong ngày thì có thể mua thẻ One-day Pass để có thể đi thỏa thích cho đến 24h00 ngày hôm đó. Giá vé của mỗi thẻ này là 140 baht. Để mua chúng ta chỉ cần liên hệ trực tiếp với quầy vé, nhân viên luôn sẵn sàng hướng dẫn chi tiết cho hành khách.
Cứ khoảng 3-6 phút thì BTS Bangkok lại có một chuyến tàu mới đến, trong khoảng thời gian từ 6h30 sáng đến nửa đêm. Chuyến tàu cuối cùng khởi hành từ 11h30 tối đến 11h50 tối. Hành khách cần lưu ý rằng tàu có thể khá đông trong giờ cao điểm (từ 7h sáng đến 9h sáng và từ 4h chiều đến 7h tối) vì tàu BTS cũng được người dân Bangkok lựa chọn để đi làm. Các ga sau cung cấp tiện nghi (như thang máy) cho người khuyết tật: Mo Chit, Siam, Asok, On Nut và Chong Nonsi. Trung tâm thông tin về BTS có thể được tìm thấy tại các ga Siam, Nana và Saphan Taksin. Bản đồ các tuyến BTS trong thành phố có thể được lấy miễn phí từ bất kỳ nhà ga nào.
Hy vọng những thông tin hữu ích đã được MIA.vn cung cấp cho bạn đọc sẽ giúp mọi người không quá bỡ ngỡ khi lần đầu di chuyển bằng BTS Bangkok. Cùng xách vali đi khám phá tất cả các địa điểm và hoạt động thú vị xung quanh mỗi ga để giải mã sức hút của xứ chùa Vàng bạn nhé.