Xuất xứ từ một món ăn truyền thống của tộc người Khmer tên là “num-chooc", cộng đồng người Kinh đã biến tấu thành món bún nước lèo nức tiếng ngày nay. Ở nhiều địa phương trong khu vực miền Tây Nam Bộ như Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng… đều có món này nhưng với những người sành ăn, hương vị của bún nước lèo Cà Mau mới đúng chuẩn nét đặc trưng vùng sông nước. Mặc dù không có hình thức bắt mắt như bún thang, bún Thái hay bún cà ri béo Cà Mau nhưng khi đã thưởng thức bún nước lèo, chắc chắn bạn sẽ khó lòng quên được mùi vị đậm đà và riêng biệt mà nó mang lại. Nước lèo thơm thoang thoảng mùi mắm cá hòa quyện cùng vị ngọt nhẹ của tép bạc đất khiến bún nước lèo Cà Mau trở thành một món đặc sản làm say lòng người.

Bún nước lèo tại những địa phương khác ở miền Tây đều được nấu bằng mắm cá linh hoặc cá sặc để tạo nên mùi vị đặc trưng cho món ăn. Tuy nhiên, hương vị riêng biệt của món bún nước lèo Cà Mau lại từ những thành phần như cá lóc đồng, tép bạc đất và củ ngải bún (một loại củ trông giống củ nghệ nhưng màu sậm hơn, có tác dụng khử đi mùi tanh của mắm cá và tạo hương thơm dịu nhẹ). 

Xem thêm: Gỏi nhộng ong rừng U Minh, đặc sản quý hiếm ở miệt rừng tràm 

Bún nước lèo Cà Mau, hương vị miền Tây gây thương nhớ 2

Bún nước lèo Cà Mau nổi tiếng với hương vị đậm đà đặc trưng của miền Tây sông nước

Vốn là một vùng đất có rất nhiều tôm tép tự nhiên nên bún nước lèo Cà Mau cũng nổi tiếng bởi một nguyên liệu cực kỳ độc đáo chính là con tép bạc đất. Đây là loại tép thân nhỏ nhưng thịt ngọt và thơm lừng - Một trong những bí quyết tạo nên hương vị riêng biệt của món bún nước lèo. Bên cạnh tép bạc đất thì bún nước lèo Cà Mau cũng không thể thiếu được cá lóc. Ở Đất Mũi, cá lóc để nấu bún nước lèo phải là loại cá lóc sinh sống tự nhiên ở các khúc sông như sông Ông Đốc Cà Mau, sông Bảy Háp hoặc cá lóc đồng vùng U Minh Hạ. 

Ngoài ra, bì heo (da heo xắt nhỏ trộn chung với thịt heo luộc và gạo rang xay nhuyễn) cũng là một trong những thành phần làm nên nét riêng của món bún nước lèo Cà Mau nói riêng và miền Tây nói chung. Bì heo khi được cho vào tô bún sẽ tạo nên độ sánh đặc và mùi thơm rất hấp dẫn. Đặc biệt, bún ăn cùng nước lèo phải là loại bún tươi được làm từ gạo ngon. Sợi bún nước lèo Cà Mau trắng trẻo, hơi dai chứ không quá mềm và mỗi tô là một vắt to bằng cả nắm tay. Cùng đó, các loại rau sống như rau răm, húng quế và bắp chuối bào sợi cũng là các nguyên liệu làm nên hương vị đặc trưng của món bún nước lèo.

Bún nước lèo Cà Mau, hương vị miền Tây gây thương nhớ 3

Từng miếng cá lóc luộc tươi ngon đã được lọc bỏ xương 

Bún nước lèo Cà Mau, hương vị miền Tây gây thương nhớ 4

Bì heo là một trong những nguyên liệu tạo nên mùi thơm hấp dẫn cho món bún nước lèo 

Bún nước lèo Cà Mau cũng được nấu tương tự như lẩu mắm U Minh nhưng có vị loãng hơn. Trước tiên, người đầu bếp sẽ cho mắm cá vào nước lèo và lọc bỏ xương rồi thêm vào một ít sả cây đập dập cùng với củ ngải bún sau khi đã nướng sơ qua lửa. Tiếp đến chỉ cần đun nước lèo cho tới khi dậy mùi thơm là được. Khi dọn ra, người nấu sẽ cho bún, rau muống, bắp chuối vào tô trước rồi sau đó cho thêm cá lóc luộc, tôm, bì heo, rau thơm lên trên và cuối cùng là chan nước lèo. Khi thưởng thức, bạn vắt thêm chanh và từ từ cảm nhận hương vị tươi ngon của những nguyên liệu vùng sông nước hòa quyện cùng nhau. 

Bún nước lèo Cà Mau, hương vị miền Tây gây thương nhớ 5

Nồi nước lèo đậm đà và thơm thoang thoảng mùi mắm cá 

Bún nước lèo Cà Mau, hương vị miền Tây gây thương nhớ 6

Tô bún nước lèo Cà Mau cực kỳ đầy đặn và chất lượng

Bún nước lèo Cà Mau, hương vị miền Tây gây thương nhớ 7

Món đặc sản này được ăn kèm với các loại rau thơm và giá đỗ

Bún nước lèo Cà Mau tuy là một món ăn bình dân và không quá mới lạ nhưng hương vị đặc trưng của vùng sông nước lại khiến nhiều người nhớ mãi không thôi. Đừng quên lưu lại món đặc sản hấp dẫn này vào cẩm nang du lịch để không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm khi đến với xứ Đất Mũi bạn nhé.