1 Bánh tét miền Tây
Mở đầu cho hành trình khám phá 20 loại bánh miền Tây là món bánh tét trứ danh. Đây được coi là linh hồn ẩm thực Tết của người dân miền Tây, đặc biệt là các vùng đất như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh. Không dừng lại ở nhân mặn truyền thống, bánh tét miền Tây còn có hàng loạt biến thể độc đáo: nhân chuối, nhân đậu, nhân dừa... Từ người ăn chay đến người thích vị béo mặn đều có thể tìm thấy loại bánh hợp khẩu vị.
Điểm cuốn hút đặc biệt của bánh tét miền Tây còn nằm ở màu sắc: tím lịm từ lá cẩm hay rực rỡ ngũ sắc như mang cả mùa xuân vào trong đòn bánh. Mỗi miếng bánh là bản giao hưởng của hương vị: chút ngọt dịu của chuối, bùi của đậu, mặn béo của trứng muối và thơm ngậy từ nước cốt dừa. Tất cả tạo nên trải nghiệm ẩm thực vừa quen vừa mới.

Bánh Tét miền Tây hòa quyện nhiều loại nhân độc đáo. Ảnh: iVIVU
2 Bánh pía
Nhắc đến bánh pía, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất Sóc Trăng. Dù bánh pía có mặt ở khắp nơi, chỉ khi nếm thử tại nơi “khai sinh” ra nó, bạn mới cảm nhận được cái chất riêng. Vỏ bánh ở đây mềm, nhẹ; nhân thì phong phú từ sầu riêng, trứng muối đến đậu xanh, mỗi loại đều thơm lừng và ngọt thanh. Giá cả lại hợp lý nên món bánh này luôn được du khách chọn làm quà mỗi khi rời miền Tây.

Món bánh pía ngon nức tiếng vùng đất Sóc Trăng. Ảnh: BAO AP BAC
3 Bánh ống lá dứa
Người miền Tây ai cung một thời tuổi thơ gắn liền với bánh ống lá dứa. Đây là món bánh có nguồn gốc từ người Khmer và lan rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù chỉ là bột gạo, lá dứa, đường và nước cốt dừa, bánh vẫn đủ gây thương nhớ bởi hương thơm thanh dịu, cái mềm mịn trong từng miếng.
Để làm nên chiếc bánh ngon đúng điệu, người thợ phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu đến cách nấu. Đó là sự chăm chút tỉ mỉ, là tình yêu với nghề truyền thống, là cái tâm đặt vào từng chiếc bánh giản dị.

Bánh ống lá dứa có nguồn gốc từ người Khmer Nam Bộ. Ảnh: VOV Du lịch
4 Bánh da lợn
Mỗi lớp bánh da lợn mỏng, mềm là sự hòa quyện giữa vị ngọt thanh của đậu xanh và mùi hương dịu mát từ lá dứa. Món bánh tưởng chừng giản dị nhưng lại đủ sức khiến người ta say mê ngay từ lần đầu thưởng thức.
Bánh da lợn không hề kén người ăn. Cả người lớn lẫn trẻ con đều dễ dàng bị chinh phục. Điều thú vị hơn là bạn hoàn toàn có thể làm món này tại nhà, chỉ cần vài nguyên liệu dân dã như bột năng, đậu xanh, nước cốt dừa và lá dứa là đủ để bắt tay vào bếp.

Bánh da lợn là sự hòa quyện giữa vị ngọt thanh của đậu xanh và mùi hương dịu mát từ lá dứa. Ảnh: Bách hóa XANH
5 Bánh bò thốt nốt
Với người bản xứ, bánh bò thốt nốt là món ăn quen như cơm bữa, vừa ngon, bổ, rẻ. Nhưng với du khách, món bánh miền Tây này là dấu ấn không thể bỏ lỡ khi đến vùng đất Năm Non Bảy Núi. Sự khác biệt nằm ở đường thốt nốt, thứ nguyên liệu đặc sản của An Giang tạo nên hương thơm đặc trưng và vị ngọt béo rất riêng. Bất cứ ai từng thử qua đều khó lòng quên được dư vị ấy.

Bánh bò thốt nốt là món không thể bỏ lỡ khi đến vùng Năm Non Bảy Núi. Ảnh: Ăn vặt Zupy
6 Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo miền Tây giòn rụm, vàng ruộm được đổ trên chảo lớn, gói ghém nhân đậm đà gồm tôm, thịt, giá, củ sắn hoặc củ hủ dừa. Bánh ăn kèm với rau sống và nước mắm pha khéo, không chỉ ngon miệng mà còn tạo cảm giác tươi mới rất dễ gây nghiện.

Bánh xèo miền Tây đặc trưng bởi kích thước lớn, ăn kèm dĩa rau rừng ngập ngụa. Ảnh: Review Villa
7 Bánh bò rễ tre
Dù xuất hiện ở nhiều vùng miền nhưng bánh bò rễ tre chỉ thật sự nổi bật khi được làm tại miền Tây. Dù không quá cầu kỳ nhưng món bánh này đòi hỏi sự chỉn chu trong từng công đoạn để tạo nên kết cấu mềm xốp, thơm dịu và vị ngọt vừa vặn.
Khi thưởng thức, bánh được thêm chút nước cốt dừa béo ngậy, rắc ít đậu phộng hay mè rang, nhờ đó trở nên trọn vị và đậm chất quê nhà.

Bánh bò rễ tre thơm ngọt, béo ngậy. Ảnh: Nhà máy Bột Thực Phẩm Đức Thịnh
8 Bánh cam, bánh còng
Hai loại bánh tưởng giống nhau nhưng lại khác biệt thú vị. Bánh cam hình tròn, bên trong có nhân đậu xanh mịn màng, thơm bùi. Còn bánh còng dẹp, không nhân, mang hình vòng tròn như tên gọi. Cả hai đều được phủ lớp đường óng ánh và rắc thêm mè rang. Lớp vỏ giòn tan của loại bánh này khiến ai ăn rồi cũng nhớ mãi.

Bánh cam và bánh vòng nổi bật với lớp đường bên ngoài bao lấy vỏ bánh giòn rụm. Ảnh: Beemart
9 Bánh tai yến
Thoạt nhìn, bánh tai yến có vẻ công phu nhưng thực ra không quá phức tạp để chế biến. Bánh có vành vàng giòn, lõi dẻo mềm và thơm lừng. Đặc biệt loại bánh miền Tây này ăn nóng là tuyệt nhất.
Bánh tai yến là món đặc sản trứ danh của Đồng Tháp, có hình tròn, phần giữa nhô lên giống chiếc mũ nhỏ hoặc đôi tai chim yến, cái tên “tai yến” cũng từ đó mà ra. Khi làm chuẩn kỹ thuật, bánh nguội vẫn giữ được viền giòn, bên trong không hề khô cứng. Một lần nếm thử, bạn sẽ khó mà quên.

Bánh tai yến cực kì ngon mắt. Ảnh: Điện máy XANH
10 Bánh tằm khoai mì
Mềm dẻo và béo thơm, món bánh tằm khoai mì chinh phục vị giác bằng sự kết hợp giữa khoai mì và nước cốt dừa. Lớp muối đậu phộng rắc ngoài mằn mặn, ngọt dịu khiến từng sợi bánh càng thêm cuốn hút. Ai từng ghé miền Tây mà chưa ăn bánh tằm khoai mì là thiếu sót lớn.

Bánh tằm khoai mì chinh phục mọi vị giác. Ảnh: Vienmaytinh
11 Bánh ú nước tro
Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người miền Tây lại làm bánh ú tro để cúng tổ tiên. Bánh được gói trong lá tre, tạo hình kim tự tháp nhỏ xinh. Phần nhân là đậu xanh, vỏ ngoài từ nếp ngâm nước tro. Chính vị nhẹ thanh, thơm lạ của nước tro đã làm nên linh hồn món bánh này.

Bánh ú tro quen thuộc trong dịp Tết Đoan Ngọ của người Hoa. Ảnh: GREENFOOD VIỆT NAM
12 Bánh giá
Còn gọi là bánh vá, món bánh dân dã này gắn liền với bao thế hệ người dân miền Tây sông nước . Bánh được làm từ giá sống, chiên trên vá nên mới có cái tên đặc biệt ấy. Khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có loại bánh này nhưng nổi tiếng nhất là bánh giá chợ Giồng – Tiền Giang, nơi món ăn này được xem như “bản gốc”.
Bánh mang vị giòn rụm, béo ngậy, hòa quyện giữa thịt, tôm, củ sắn, rau sống và nước mắm tỏi ớt. Tất cả như cùng nhau tạo nên một bản giao hưởng ẩm thực đậm đà khó cưỡng.

Những chiếc bánh giá giòn rụm thơm vị đậm đà. Ảnh: Báo Thanh Niên
13 Bánh chuối nướng
Bánh chuối nướng miền Tây được làm từ những nguyên liệu đơn giản như chuối chín, bánh mì cũ, ít sữa, chút nước cốt dừa. Mọi thứ trộn đều, cho vào khuôn và nướng lên là thành. Tuy cách làm dễ nhưng hương vị của bánh chuối thì không hề đơn điệu.

Bánh chuối miền Tây thơm ngọt đặc trưng. Ảnh: Kenh14
14 Bánh gan
Bánh gan mang một cái tên nghe hơi lạ vì khi cắt ra, bánh có hình dáng và màu sắc giống hệt miếng gan heo. Nguyên liệu làm bánh không thề cầu kỳ, chỉ có trứng vịt, dừa nạo, đường thẻ, hoa hồi và một chút dầu ăn. Bánh có vị thơm và béo, một chút vị trứng thoảng qua, ăn vào là nhớ mãi.

Phần bánh gan được cắt ra khá giống miếng gan heo. Ảnh: Caucasian Curry
15 Bánh tằm bì
Bánh tằm bì là một món quen của miền Tây, đồng thời cũng là món ăn nằm trong cẩm nang du lịch của nhiều du khách. Người ta thường ăn sáng với bánh tằm hoặc đơn giản chỉ là ăn cho vui. Một dĩa bánh tằm sẽ gồm sợi bánh mềm, nước cốt dừa béo, nước mắm mằn mặn cay nhẹ. Thêm bì, thịt xá xíu, rau thơm và dưa leo. Tất cả hòa quyện với nhau khiến ai cũng vừa ăn, vừa xuýt xoa vì quá ngon.

Phần bánh tằm bì quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam
16 Bánh lọt
Đây là món tuổi thơ của nhiều người với màu xanh của lá dứa và mùi thơm mát dịu. Bánh làm từ bột gạo, bột sắn, bột năng, do đó dẻo và dai. Chỉ cần chan nước dừa béo ngậy, thêm vài viên đá lạnh và thưởng thức, bạn sẽ thấy cả ký ức tuổi thơ ùa về.

Chén bánh lọt nước dừa gợi bao tuổi thơ. Ảnh: Beemart
17 Bánh sùng se tay
Bánh sùng se tay nhỏ xinh và bắt mắt. Mỗi chiếc bánh là sự tỉ mỉ của người dân miền Tây. Đặc biệt màu sắc sặc sở của bánh hoàn toàn từ tự nhiên, pha từ lá, củ và quả. Ở Cần Thơ, nhiều hàng bánh sùng se tay đã có tuổi đời hàng chục năm. Bánh dẻo dai, ăn cùng nước dừa béo thơm là đúng bài.

Bánh sùng se tay nhiều màu sắc bắt mắt. Ảnh: Kênh YouTube Street Food Thảo Vy
18 Bánh đúc ngọt
Bánh đúc ngọt hay còn gọi là bánh đúc lá dứa với vị ngọt, mềm, thơm ngon nức tiếng. Ai lớn lên ở miền Tây đều từng ăn qua loại bánh này. Cách làm cũng không hề khó. Bánh dẻo, mịn, nước dừa chan ngọt nhẹ, béo nhẹ, rưới lên bánh là đủ khiến lòng người xao xuyến.

Bánh đúc ngọt ăn kèm nước dừa, rắc đậu phộng. Ảnh: Báo Nông nghiệp
19 Bánh thuẫn
Bánh thuẫn tuy khá giống chiếc bánh bông lan nhưng mang trong mình hương vị rất riêng. Bánh có vỏ ngoài giòn nhẹ, bên trong xốp mềm, thoảng vị béo bùi của trứng gà, quyện cùng chút ngọt thanh từ nước cốt dừa. Bánh thuẫn chỉ thấy nhiều ở miền Tây, nơi chiếc bánh nhỏ mang dáng hình như một bông hoa đang nở, vừa mộc mạc vừa quyến rũ.

Bánh thuẫn mang vẻ ngoài khá giống chiếc bánh bông lan nhưng có hương vị rất riêng. Ảnh: Kênh YouTube Vĩ Huỳnh
20 Bánh lá mơ
Ẩn mình trong lớp lá mơ thơm thoảng, bánh lá mơ là món quà quê độc đáo của Đồng Tháp. Lớp vỏ dẻo dẻo mềm mại, ăn cùng nước cốt dừa béo ngậy, điểm thêm chút mè rang giòn bùi. Chỉ đơn giản thôi,nhưng đủ khiến người ta nhớ mãi chỉ sau một lần thử.

Đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa dân dã, mộc mạc của miền Tây. Ảnh: Check in Vietnam
Miền Tây sông nước không chỉ làm say lòng người bởi cảnh sắc, mà còn níu chân bởi những món bánh dân dã, đậm hương vị quê. Đã đến lúc rời thành phố, khoác balo lên vai, để con tim dẫn lối theo hương vị miền Tây đậm đà trong từng chiếc bánh nhỏ. Một chuyến đi giản dị, nhưng biết đâu lại là hành trình bạn nhớ mãi.