Nếu từ thời nhà Nguyễn có Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát được xây dựng nhằm ghi nhớ công ơn khai khẩn, bảo vệ vùng đất Vĩnh Long thì Căn cứ Cái Ngang là nơi lưu giữ truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc ta thời kỳ kháng chiến.
1Đôi nét về Căn cứ Cái Ngang
Địa chỉ: Ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Giờ hoạt động: 7:30 - 16:30 (Thứ 2 – Thứ 6)
Vĩnh Long thời chiến tranh, do địa hình bị chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch khá trống trải là một địa điểm khó thủ, dễ công. Chính vì lý do đó, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã phải 29 lần dời khu căn cứ. Cho đến năm 1966, cuối cùng Tỉnh ủy đã chọn được thị trấn Cái Ngang thuộc huyện Tam Bình làm nơi dừng chân. Một năm sau đó, căn cứ Cái Ngang đã chính thức trở thành nơi hoạt động, chỉ đạo kháng chiến của Tỉnh ủy Vĩnh Long cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Căn cứ Cái Ngang không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc kháng chiến của tỉnh Vĩnh Long, mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực Tây Nam bộ. Mặc dù điều kiện tại khu Căn cứ Cái Ngang bấy giờ còn hạn chế, chỉ có một nhà làm việc và một nơi nấu ăn, nhưng tại đây được bố trí kỹ lưỡng các hầm tránh bom cùng hệ thống hầm bí mật nhằm phục vụ các kỳ họp của Ban Chấp hành Tỉnh ủy. Nhờ vào địa hình và cách xây dựng tầm thấp để tránh sự phát hiện của máy bay địch, khu Căn cứ Cái Ngang đã khiến chính quyền Mỹ - Ngụy bao lần đi về tay trắng khi âm mưu càn quét, tiêu diệt nơi đây.
Xem thêm: Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long mang hơi hướng phương Tây khiến bạn ngất ngây
2 Hướng dẫn đường đi đến Căn cứ Cái Ngang
Căn cứ Cái Ngang nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 19km, để đến được khu di tích lịch sử này, bạn đi đường Quốc lộ 1A theo hướng về huyện Tam Bình, qua trường Đại học Cửu Long khoảng 6km thì rẽ trái vào đường ĐH Phú lộc - Bàu gốc. Từ đầu đường, bạn chạy thẳng khoảng 1.5km nữa thì rẽ trái, đi chừng 40m nữa sẽ đến Căn cứ Cái Ngang.
Bên cạnh việc thuê xe máy hoặc ô tô để tham quan Căn cứ Cái Ngang, bạn cũng có thể tham khảo thêm các tuyến xe bus ở Vĩnh Long đến huyện Tam Bình để thuận tiện cho việc di chuyển nhé.
3Những điều thú vị khi khám phá Căn cứ Cái Ngang
Căn cứ Cái Ngang là "nhân chứng" lịch sử gắn với quá trình kháng chiến trường kỳ của người dân Vĩnh Long trong giai đoạn 1949 đến 1975. Trong quá trình ấy, Căn cứ Cái Ngang là khu chiến lược quan trọng, có ảnh hưởng to lớn trong vùng Tây Nam Bộ. Đây là nơi tiếp nhận các chỉ thị từ Trung ương cùng thuốc men, quân nhu, hàng hóa về phân phối cho các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, Căn cứ Cái Ngang còn là nơi tập kết vũ khí, họp mặt của lãnh đạo cấp cao để đưa ra quyết định và chỉ huy các trận đánh lớn của quân, dân ta. Trong các chỉ thị và nghị quyết đó, nổi bật nhất phải nhắc đến lệnh Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hiện tại, trong trung tâm thành phố Vĩnh Long đã xây dựng Tượng Đài Chiến Thắng Mậu Thân để kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa to lớn này.
Sau 2 cuộc kháng chiến, mặc dù khu Căn cứ Cái Ngang trải qua bao lần quân địch càn quét bằng bom mìn, chất độc hóa học… nhằm tiêu diệt quân và dân ta, nhưng với sự quyết tâm bám trụ, kiên trì khắc phục khó khăn và nhờ sự che chở, đồng lòng của nhân dân Vĩnh Long giúp bảo vệ an toàn cho cơ quan Tỉnh ủy.
Năm 2001, khu di tích lịch sử Căn cứ Cái Ngang được phục dựng trên diện tích 5ha nhằm mục đích tưởng nhớ về một thời kháng chiến oai hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ mai sau phải biết ơn những vị anh hùng xả thân vì độc lập và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước.
Khu Căn cứ Cái Ngang được chia thành 2 phần là phần được phục dựng, tôn tạo và phần xây mới. Các hạng mục nằm trong phần được phục dựng, tôn tạo tại khu Căn cứ Cái Ngang bao gồm: bãi lửa, cầu chông, chốt bảo vệ, nhà thường trực năm 1967 và năm 1963, hệ thống hầm trú ẩn, nhà thông tin, hệ thống hầm bí mật, hố bom… Bên cạnh đó, còn xây dựng thêm các khu nhà lễ tân, nhà truyền thống, nhà dịch vụ, bãi đỗ xe để phục vụ cho việc tham quan khu Căn cứ Cái Ngang.
Đến với Căn cứ Cái Ngang, bạn không chỉ được sống lại trong giây phút lịch sử hào hùng, mà còn cho bạn cảm nhận sâu sắc về ý chí kiên cường, bất khuất của ông cha ta thời trước. Bên cạnh ghé thăm các khu di tích lịch sử thì một chuyến du lịch tâm linh tại những ngôi chùa có kiến trúc lâu đời như chùa cổ Long An ở Vĩnh Long cũng là điều mà bạn không nên bỏ qua trong cẩm nang du lịch của mình.