1Cánh đồng chum cổ, Di sản văn hóa thế giới trên đất Lào
Địa chỉ: Cao nguyên Mương Phuôn, Xiêng Khoảng, Lào.
Cánh đồng chum (tiếng Lào là Thồng Hảy Hín, tiếng anh là Plains of Jars) được biết đến như một cảnh quan khảo cổ cự thạch nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á. Nơi đây hội tụ gần 2000 chum đá có niên đại từ 1.500 - 2.000 năm, nằm rải rác ở nhiều điểm khác nhau trên cao nguyên Mương Phuôn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Mỗi nơi có số lượng chum từ một đến vài trăm chum, chiếc lớn nhất ước tính cao đến 3m, nặng 14 tấn.
Hiện điểm du lịch Lào này chỉ có 3 điểm mở cửa đón khách tham quan gồm Bản Sua, Lắt Sén và Bảng Ang. Các nơi còn lại vì có ít chum hơn và chưa rà soát hết bom mìn nên vẫn đang trong giai đoạn khai thác. Vào ngày 14/5/2019, cánh đồng chum đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thứ 3 của Lào.
2Hướng dẫn cách di chuyển đến cánh đồng chum trên cao nguyên Xiêng Khoảng
Có nhiều cách khác nhau để du lịch Lào, tham quan cánh đồng chum cổ nổi tiếng tùy theo điểm xuất phát của bạn.
- Từ Hà Nội: Bạn có thể mua vé xe khách đi Viêng Chăn tại số 3A Nguyễn Gia Thiều, xuất cảnh ở cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Hoặc từ Thành phố Vinh mua vé xe bus đi Xiêng Khoảng qua cửa khẩu Nậm Cắn. Nhìn chung giá vé sẽ rơi vào khoảng 600.000 VNĐ/chiều/giường nằm. Bởi vì nhà xe sẽ đóng dấu xuất nhập cảnh nên bạn không phải lo về vấn đề thủ tục.
- Từ Thành phố Hồ Chí Minh: Bạn có thể sang Lào theo đường bộ qua các cửa khẩu như Kon Tum, Quảng Trị, Huế hoặc Quy Nhơn. Thông thường, tín đồ du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn tuyến đường từ cửa khẩu Kon Tum đi Lào. Nếu muốn di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, bạn cần lưu ý xin giấy phép liên vận Việt - Lào tại Sở Giao thông Vận Tải trước khi bắt đầu hành trình du lịch.
Ngoài ra, hiện nay có hai hãng không chuyên cung cấp các chuyến Việt Nam - Lào, đó là Vietnam Airlines và Lao AirLines. Dù khởi hành từ đâu bạn cũng có thể bay thẳng tới Viêng Chăn một cách dễ dàng, nhanh chóng thông qua hai hãng hàng không này với mức giá từ 3.000.000 - 6.000.000 VNĐ/khách.
3 Khám phá cánh đồng chum với niên đại hàng ngàn năm
3.1 Đặc điểm cánh đồng chum cổ Bắc Lào
Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 90 địa điểm tại tỉnh Xiêng Khoảng xuất hiện những chiếc chum đá. Trong đó cao nguyên Mương Phuôn có đến 52 điểm. Mỗi điểm tập trung từ một cho tới hàng trăm chum.
Nhìn từ xa, cánh đồng chum cổ trên cao nguyên Bắc Lào có hình dạng giống hệt một bàn cờ. Trong đó, những chiếc chum chính là các quân cờ khổng lồ được sắp xếp không theo quy luật nào vì có cái trồi hẳn lên, có cái lại nửa nổi nửa chìm dưới đất. Nhìn chung chúng đều được đẽo từ sa thạch chứa mica và thạch anh fenspat với hình trụ và đáy lớn hơn miệng, có chiều cao và đường kính từ 1 - 3m.
Hầu hết những chiếc chum hoàn toàn không có dấu vết trang trí, ngoại trừ một cái duy nhất ở cụm số 1 được chạm nổi hình người ếch bên ngoài. Cách trang trí này có nhiều điểm tương đồng với bức tranh trên đá tại Hoa Sơn (Trung Quốc) khắc hình một người đang giơ hai cánh tay lên, đầu gối gập.
Bởi vì gần như toàn bộ chum trên cao nguyên Mương Phuôn đều có miệng nên người ta cho rằng ban đầu chúng có nắp đậy. Điều này cũng dẫn đến suy đoán sở dĩ rất ít nắp chum được tìm thấy là do chúng có vật liệu dễ hỏng. Trên những chiếc còn xót lại hiếm hoi được phát hiện ở cụm 52, các nhà khảo cổ đã ghi nhận chúng được chạm khắc hình các loại động vật như khỉ, hổ và ếch.
3.2 Nguồn gốc và lịch sử còn vương dấu trên cánh đồng chum
Cánh đồng chum nói riêng và toàn bộ chum đá trên địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng nói chung được xác định đã tồn tại từ 1500 - 2000 năm và được làm bởi bộ phận người nói tiếng Môn - Khmer. Các nhà khảo cổ và nhân loại học cũng cho rằng các chum đá có thể đã từng được sử dụng để chứa thực phẩm hoặc đựng di cốt vào thời tiền sử.
Theo kiến thức du lịch từ MIA.vn, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh cánh đồng chum cổ Bắc Lào. Điển hình như huyền thoại kể rằng vùng đất này từng là nơi sinh sống của người khổng lồ. Chum đá mà chúng ta tìm thấy chính là vật dụng quen thuộc của họ. Hay truyền thuyết về vị vua thời cổ đại tên Khun Cheung, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến với quân xâm lược đã cho làm những chiếc chum lớn để ủ men nấu rượu ăn mừng.
Trong thời kỳ chiến tranh kéo dài từ năm 1964 - 1973, không quân Mỹ đã rải xuống khu vực cánh đồng chum cả triệu tấn bom đạn, biến nơi đây thành tử địa dành cho các nhà khảo cổ học. Cũng do chiến tranh liên miên mà cánh đồng này đã bị quên lãng trong thời gian dài. Đến năm 1989, khi đất nước mở cửa, đón khách du lịch trở lại thì nơi đây mới có hình bóng của con người. Tuy thế, để có một điểm tham quan nổi tiếng như ngày nay, ban quản lý đã phải đầu tư thời gian và công sức để rà soát gỡ bỏ bom mìn, trả lại cho nơi đây vẻ đẹp yên bình, toàn vẹn nhất.
Nguồn gốc của những chiếc chum nằm rải rác khắp tỉnh Xiêng Khoảng tuy vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn. Nhưng chính sự bí ẩn này đã tạo nên sức hút cho cánh đồng chum cổ, biến nơi đây trở thành điểm du lịch "có 1 không 2" tại vùng đất phía Bắc của nước Lào. Với vẻ đẹp kỳ bí ẩn chứa nhiều điều chưa có lời giải đáp, cánh đồng chum xứng đáng là điểm tham quan được bạn thêm ngay vào cẩm nang du lịch và khám phá xứ sở triệu voi của mình.