“Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp

Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu

Ngày xuân con cá giải sầu

Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng”.

Cây cầu Đà Rằng đi vào thơ ca Việt Nam nhẹ nhàng và tình cảm như chính bề ngoài của cây cầu. Nếu đồ vật mà được nhân hóa lên thì ắt hẳn mọi người sẽ gọi cầu Đà Rằng là “cụ cầu” mất vì “cụ” đã có mặt tại vùng đất Phú Yên từ thời Đông Dương xa xưa. Cầu chính thức hoàn thành xong và đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 1927 – Một quãng thời gian rất lâu phải không nào? Đến nay thì “cụ” cầu Đà Rằng đã thổi được 94 lần nến sinh nhật rồi đó!

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 2

Cầu Đà Rằng mê hoặc và ảo diệu với một chút photoshop

Sở dĩ có cái tên Đà Rằng là do cầu bắt qua con sông Đà Rằng hay còn gọi là sông Ba. Đà Rằng hay “Ea Rarang” trong tiếng tiếng Chăm cổ có nghĩa là “con sông lau sậy”, con sông lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ. Một cái tên lạ lạ hay hay phải không nào? 

Cầu Đà Rằng dài 1.105m hay còn được biết đến với số đo “hai mươi mốt nhịp” với tổng kinh phí xây dựng là 117.800 đồng Đông Dương. Dù đến nay, con số này chẳng còn đáng kể nữa nhưng ở thời bấy giờ, vào những năm 1920, thì cây cầu này là một trong những cây cầu dài nhất cả Việt Nam luôn đấy nhé! 

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 3

Cầu Đà Rằng cũ nhìn từ phía cầu Đà Rằng mới

Về lịch sử xây dựng cầu Đà Rằng thì do người Pháp muốn di chuyển giao thông đường bộ từ Bắc xuống Nam dễ dàng hơn. Những năm thế kỷ 20, nếu muốn di chuyển từ miền Bắc xa xôi xuống miền Nam, người Pháp phải qua một trong hai bến đò, bến đò Ngọc Lãng hoặc bến đò Ông Chừ. Sau, đến khoảng năm 1924 đã quá chán nản với việc đi đường vòng, họ bắt đầu nghiên cứu cách băng qua sông Đà Rằng. Họ xây hai cây cầu, cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa nhưng đều gọi chung là cầu Đà Rằng. Cầu xây dựng dùng chung cho đường bộ và đường sắt. 

Cây cầu đi cùng năm tháng, phát triển cùng với thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nối liền đôi bờ Sông Ba. Cũng nhờ có cầu Đà Rằng mà những chuyến tàu xuyên suốt Bắc Nam mới hoạt động được, rồi từ đó núi Nhạn, sông Đà Rằng mới đi vào thơ ca của đất Tuy Hòa và được lưu truyền đến ngày nay. 

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 4

Cầu Đà Rằng với lối kiến trúc hình ziczac đặc trưng

Vì sinh ra trong thời chiến tranh Pháp thuộc nên cây cầu đã trở thành một dấu ấn lịch sử trong lòng mỗi người con Phú Yên. Năm 1946, nhằm chặn bước tiến của quân Pháp  mong muốn xâm chiếm vùng phía Bắc Phú Yên nên dân ta đã cho phá hủy một số nhịp. Sau Hiệp định Geneve được kí kết (1954), cầu Đà Rằng được chính quyền Sài Gòn cho khôi phục lại, dường như muốn giữ lại kỷ niệm thiết kế được giữ như nguyên mẫu của người Pháp. Từ đó mà cây cầu nhịp zíc zắc đặc trưng tồn tại qua tháng năm dài, để ngày nay ta vẫn còn nhìn thấy và sử dụng. 

1.1 Cầu Đà Rằng mới 

Cầu Đà Rằng mới được xây song song với cầu Đà Rằng cũ, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của người dân khi cầu Đà Rằng cũ đã quá “già cỗi”, hỏng hóc nhiều chỗ, không đảm bảo an toàn để di chuyển. Dự án cầu Đà Rằng mới có tổng chiều dài gần 1,6 km với tổng mức đầu tư 340 tỉ đồng với bề mặt rộng 10,5m, bao gồm 2 làn xe cơ giới, dải phân cách, lối đi bộ. Được khởi công xây dựng từ 19.1.2018, đến nay cầu Đà Rằng mới đã được đưa vào sử dụng. Giải pháp này hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc, an toàn giao thông trên QL1 đoạn qua Tuy Hòa. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà buồn bã bạn nhé! Vì cây cầu Đà Rằng cũ vẫn còn ở đó, để bạn tha hồ chụp ảnh check-in lưu niệm. 

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 5

Cầu Đà Rằng được khởi công vào năm 2018 và đã được đưa vào sử dụng

1.2 Cầu Đà Rằng đường sắt 

Dù nhiều người thường có sự nhầm lẫn rằng cầu đường bộ Đà Rằng cũ mới là “cụ cầu” 94 tuổi nhưng không phải đâu bạn nhé. Cầu đường sắt này mới chính là “cụ cầu” trong truyền thuyết đây. Trong năm 1969, khi cho khởi công xây dựng lại cầu Đà Rằng, chính quyền Sài Gòn đã tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt. Đến năm 1999, Bộ Giao thông vận tải hợp tác với Nhật Bản để trùng tu, sửa chữa và gia cố trụ cầu bằng bê tông cốt thép nguyên khối. Giàn cầu từ của Pháp được thay sang của Nhật, còn các trụ tạm ở giữa mỗi nhịp cầu đường sắt Đà Rằng thì được tháo gỡ. Ngoài ra, cầu còn được khoác lên mình một màu áo mới khi được sơn lại màu xám trắng.

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 6

Cầu Đà Rằng đường sắt với cầu Đà Rằng cũ thật ra là 1 đấy! Đây là "cụ cầu" đã 94 tuổi

Không chỉ là một điểm nối quan trọng trong công cuộc di chuyển Bắc Nam mà cầu Đà Rằng còn xuất hiện trong nhiều thơ ca miền Trung do vẻ ngoài nên thơ, lãng mạn lại có đặc trưng với thiết kế hình zíc zắc độc đáo. Đứng bên bờ sông Ba, ngắm nhìn mặt trời lặng xuống biến cả vùng trời trở nên đỏ hỏn, làm nổi bật hình dáng cầu. Check-in ở đây với những bộ váy nhẹ nhàng hay những bộ áo dài thướt tha sẽ vô cùng hợp đấy! Bạn có thể check-in tại cầu đường sắt Đà Rằng nơi có đường ray dài tít tắp – Một background nổi bần bật cho tấm hình triệu tim. 

Xem thêm: Để Đầm Cù Mông Phú Yên gửi đến những con người bận rộn chút bình yên non nước

3.1 Bãi Rêu Xanh xóm Rớ 

Chỉ cách cầu Đà Rằng khoảng 8 cây số, bờ kè xóm Rớ hay còn được biết đến dưới cái tên Bãi Rêu Xanh là một địa điểm mà nhiều bạn trẻ thích check-in. Tại đây, bạn không chỉ được ngắm nhìn cả khoảng không đại dương bạt ngàn mà còn những tảng đá phủ đầy rêu xanh. Chúng nằm san sát nhau, phủ xanh cả một mảng hình, khiến cho bức ảnh trở nên vô cùng độc đáo. Màu xanh lá từ rêu, chứ không phải cây cối cũng là một màu sắc hay ho mà ta muốn “sưu tầm” đúng không?  

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 7

Khung cảnh nhìn hơi photoshop nhưng không hề đâu nhé

3.2 Tháp Nhạn

Tháp Nhạn cách cầu Đà Rằng khoảng chỉ 15 phút lái xe. Tháp Nhạn được người Chăm xây dựng nên vào khoảng thế kỷ 12 ở gần núi Nhạn nên người dân gọi là tháp Nhạn. Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao và cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Vì vậy nơi đây thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh. Nơi này còn được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 8

Tháp Ngạn do người Chăm xây nên từ thế kỷ 12

3.3 Quảng trường Nghinh Phong

Khác với những địa điểm du lịch mang đậm tính lịch sử của Phú Yên thì quảng trường Nghinh Phong mang hơi thở của thành phố hiện đại, với nhiều công trình kiến trúc hình thù độc đáo. Nơi này lấy cảm hứng từ Ghềnh Đá Dĩa và truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ nên có thiết kế vô cùng ấn tượng. Có hai cột cao, một cột cao 35m đại diện cho Lạc Long Quân. Cột còn lại cao 30m là Âu Cơ. Dưới mỗi chân tòa tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau đại diện cho “50 người con xuống biển, 50 người con lên bờ”. 

Cầu Đà Rằng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử thời Pháp thuộc 9

Địa điểm như công trình khoa học viễn tưởng đến từ tương lai nay đã có thể tận mắt ngắm nhìn tại Phú Yên

Thế là MIA.vn đã giới thiệu đến bạn cầu Đà Rằng Phú Yên – Một biểu tượng văn hóa, lịch sử trong lòng mỗi người dân Tuy Hòa, Phú Yên. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh gần cầu, sao không xem qua danh sách những địa điểm vui chơi tại Phú Yên mà MIA.vn tổng hợp dành riêng cho bạn? Khám phá Phú Yên với MIA.vn thôi nào!