Vị trí: km6+300, quốc lộ Nam Thăng Long, Hà Nội

Cấu tạo: nhịp cầu Thăng Long bằng thép, được dẫn bằng các nhịp dầm bê tông cốt thép.

Cấu trúc: 2 tầng dùng chung cho cả đường sắt và đường bộ.

Chiều dài cầu chính vượt sông: 1.688 m gồm 15 nhịp dầm thép.

Chiều dài tính theo cầu đường sắt: nằm ở phía dưới, dài 5.503,3 m và rộng 17 m, cách tầng trên khoảng 14 m.

Chiều dài tính theo đường ô tô: nằm tại tầng trên, dài 3116 m.

Chiều dài tính theo đường xe thô sơ: 2.658,42 m.

Tổng khối lượng vật tư chính dùng để xây cầu: 53.294 tấn sắt thép, 230.000 m3 bê tông, 1000 phiến dầm bê tông các loại.

Cầu Thăng Long (còn được biết đến với cái tên khác là cầu Hữu Nghị Việt Xô) là cây cầu được xây dựng từ năm 1974 bởi Trung Quốc, hoàn thành vào năm 1985 bởi Liên Xô và có vị trí đắc địa bắc ngang qua sông Hồng. Điểm đặc biệt của công trình này chính là công trình có thời gian thi công lâu nhất ở thủ đô, ngoài ra thời bấy giờ cũng là công trình tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á.

Cây cầu này được mệnh danh là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam – Liên Xô. Nhịp chính cầu Thăng Long vượt sông dài 1.680 m bao gồm 15 nhịp giàn thép, tạo nên 5 liên dầm liên tục, mỗi liên dài 336 m. Cầu có cấu trúc gồm 2 tầng: tầng dưới là cầu đường sắt và xe thô sơ; tầng trên là cầu đường ô tô.

Một cầu cầu nằm tại bến Chèm thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm (bờ Nam). Đầu còn lại thì thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh (bờ Bắc). Bờ Nam và bờ Bắc cách nhau khoảng 1688 m và khoảng cách đến trung tâm thủ đô là 12 km. Sau nhiều năm khai thác, cầu Thăng Long đã xuất hiện nhiều hư hỏng và trải qua nhiều quá trình trùng tu, sửa chữa.

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 2

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nằm trên con đường huyết mạch nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Ảnh: daidoanket

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 3

Cầu Thăng Long còn được biết đến với cái tên khác là cầu Hữu Nghị Việt Xô. Ảnh: daidoanket

Theo kinh nghiệm du lịch, từ trung tâm Hà Nội để di chuyển đến cầu Thăng Long bạn hãy chạy về đường Phạm Văn Đồng. Sau đó bạn chỉ cần đi thẳng đến cầu bắc ngang sông Hồng. Ngoài ra chúng ta cũng có thể sử dụng phương tiện xe buýt để đến đây, các tuyến bao gồm: số 28, 57, 58 và 31.

Cầu Thăng Long đã trải qua một hành trình dài trong lịch sử, là chứng nhân của đất nước trước và sau thời kỳ đổi mới. Quá trình thiết kế cầu Thăng Long bắt đầu từ năm 1974 đến năm 1977 được thực hiện bởi chuyên gia người Trung Quốc. Khác với cầu Vũ Hán của Trung Quốc có khung dầm thép liên kết hình hoa thị (ӿ), cầu Thăng Long Hà Nội lại có khung dầm liên kết hình tam giác.

Thiết kế ban đầu của Trung Quốc cho cầu Thăng Long mang đến cảm giác tương đối nặng nề, với khung dầm thép, mặt đường ô tô cầu chính làm từ những tấm bê tông cốt thép dày hơn 14 cm. Sau này Liên Xô đã thiết kế lại cầu chính dạng thép, có những thanh dầm liên kết với nhau bằng bu lông cường độ cao, sử dụng bản trực hướng bằng thép hợp kim cho mặt cầu ô tô. Nhờ đó chiều cao giữa hai tầng cầu cũng được giảm xuống, tạo cảm giác thanh thoát hơn.

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 4

Các chuyên gia từ Trung Quốc đã đến khảo sát và hỗ trợ xây dựng những trụ cầu đầu tiên. Ảnh: redsvn

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 5

Sau đó các chuyên gia từ Liên Xô đã sang hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện công trình cầu Thăng Long. Ảnh: redsvn

Cầu Thăng Long được khởi công ngày 26/11/1974 và khánh thành ngày 9/5/1985. Đây cũng là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất thủ đô trong vòng 11 năm. Ban đầu phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng cầu Thăng Long. Nhưng sau đó Trung Quốc đã đơn phương phá vỡ cam kết vào năm 1978, cắt viện trợ và rút các chuyên gia về nước dẫn đến công trình bị bỏ dở.

Sau đó Liên Xô đã tiếp quản công trình, khôi phục thi công từ tháng 6/1979 và hoàn thiện vào năm 1985. Một điểm lý thú mà MIA.vn muốn lưu ý cho các bạn đọc là hầu hết những hạng mục phức tạp, cần có tay nghề cao vào thời điểm đó đều do công nhân Việt Nam đảm nhận, còn chuyên gia của Liên Xô chủ yếu chỉ hướng dẫn và giám sát.

Trong suốt quá trình thi công xây dựng Liên Xô đã cung cấp cho cầu Thăng Long khoảng 49.000 tấn thép, 26.000 tấn dầm cầu thép, 60.000 tấn xi măng mác cao… Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến hàng trăm tấn máy móc, thiết bị gồm: hệ thống hàn tự động, cần cẩu tải trọng lớn, thiết bị kiểm định… Giai đoạn 1979 – 1985, công trình xây dựng cầu Thăng Long do Liên Xô quản lý tương đối tốt, không xảy ra bất cứ tai nạn nghiêm trọng nào.

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 6

Có thể nói đây là công trình khổng lồ với quy mô hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á thời điểm đó. Ảnh: redsvn

Thời gian đầu sử dụng cầu Thăng Long không phát huy được hết thế mạnh của mình bởi đường dẫn lên cần khi đó khá hẹp, đường cũng xấu dẫn đến người dân ngoại thành thường chọn rẽ nhánh khác về cầu Long Biên. Cho đến thời kỳ đất nước đổi mới, nhu cầu đi lại tăng lên, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đường cao tốc nối từ cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài. Nhờ đó số lượng người lưu thông trên cầu cũng ngày một đông đúc hơn, những khu vực như Đông Anh và Từ Liêm dần trở thành điểm đến trong đầu mối giao thông ở phía Tây và Tây Bắc Hà Nội.

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 7

Cầu Thăng Long đã giúp giảm lượng xe ùn tắc đáng kể. Ảnh: baogiaothong

Sau khi cầu Thăng Long ra đời, dần thủ đô Hà Nội cũng có nhiều công trình giao thông mới. Phía nam cầu Thăng Long xuất hiện những trục đường như Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt… Ngoài ra một điểm nổi bật khác chính là từ hướng cầu Thăng Long đã có thêm tuyến đường sắt phía Tây Hà Nội, từ Ngọc Hồi đi Hà Đông, đường Cổ Nhuế qua cầu Thăng Long tới ga Vân Trì – Đông Anh xuất hiện. Nhờ có tuyến đường sắt này mà lưu lượng các chuyến tàu hỏa đi qua những tuyến phố trung tâm Hà Nội đã được giảm xuống.

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 8

Cầu đường sắt nằm ở phía dưới gồm 2 đường sắt. Ảnh: Ảnh: baogiaothong

Cầu Thăng Long còn được gọi là cây cầu hữu nghị Việt-Xô, được khánh thành vào 9/5/1985 nhân ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít. Trong thời gian xây dựng cầu, lần đầu tiên những người thợ của nước ta được tiếp xúc với vấn đề tổ chức thi công lẫn phương pháp kỹ thuật mới, chẳng hạn như kỹ thuật đắp đảo bằng bao tải.

Kỹ thuật thi công “định vị giếng chìm chở nổi” vào những năm 70 với các thợ cầu Việt Nam vẫn còn xa lạ. Nhưng nhờ được các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ mà 16 trụ cầu chính đã được hoàn thiện dù trong điều kiện khó khăn, thường xuyên đối mặt với mưa lũ.

Tiếp đó trong quá trình lắp dầm thép đồ sộ những người thợ Việt Nam đã được tiếp xúc với công nghệ mới của Đông Âu. Họ tự tay thực hiện nhưng công việc như phun sơn, lấp dàn dầm thép bằng bu lông cường độ cao… trước ánh mắt nể phục của chuyên gia Liên Xô thời đó.

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 9

Năm 1973 Việt Nam chính thức đặt tên cầu là Thăng Long. Ảnh: baogiaothong

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 10

Công trình thể hiện tình hữu nghị Việt-Xô khi Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại để xây dựng cầu Thăng Long. Ảnh: baogiaothong

Cầu Thăng Long Hà Nội công trình của tình hữu nghị Việt Xô 11

Ngoài ra cầu Thăng Long cũng thể hiện tinh thần nỗ lực, ham học hỏi của người Việt Nam khi tiếp xúc với công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ. Ảnh: baogiaothong

Vào thời điểm xây dựng cầu Thăng Long đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, xứng danh với tên gọi “công trình thế kỷ”. Dù đã qua nhiều năm khai thác nhưng công trình vẫn mang nhiều ý nghĩa, có đóng góp không nhỏ với giao thông vận tải giữa các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội.