1Định vị chính xác vị trí của Chiến khu Vĩnh Lợi
Địa chỉ: ấp 3, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Có diện tích rộng rãi lên đến hơn 5,5ha, Chiến khu Vĩnh Lợi chính thức mở cửa chào đón mọi người ghé đến tham quan vào năm 2016. Được thiết kế theo bố cục cân xứng, đăng đối, toàn bộ không gian tại chiến khu toát lên nét trang nghiêm, mạnh mẽ và uy nghiêm với trục thần đạo cùng Đền tưởng niệm ở trung tâm công trình. Chiến khu Vĩnh Lợi là quần thể công trình với nhiều hạng mục, tạo thành tổng thể cân đối, hài hòa và là một trong những điểm đến hoàn hảo cho những chuyến đi về nguồn, tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
Xem thêm: Khu tượng đài chiến thắng Bàu Bàng, khắc ghi dấu ấn về một thời vàng son
2Các phương tiện di chuyển bạn có thể lựa chọn trong hành trình về thăm Chiến khu Vĩnh Lợi
Cách trung tâm thị xã Tân Uyên tầm 13km, Chiến khu Vĩnh Lợi là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng tại địa phương bên cạnh những công trình chùa chiền, thiền viện hay nhà thờ với kiến trúc nổi bật, chẳng hạn như Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, Chùa Châu Thới, Chùa Thái Sơn, Đình Nhựt Thạnh, v.v.
Theo chuyên mục Cẩm nang du lịch của MIA.vn, xe máy và xe bus là hai phương tiện phổ biến nhất bạn có thể lựa chọn nếu có dự định khám phá “người hàng xóm” Bình Dương của Sài Gòn hoa lệ. Nếu có ý định phượt Bình Dương bằng xe máy, bạn chỉ việc di chuyển theo hướng Quốc lộ 13 là đến. Khi đến địa phận tỉnh Bình Dương, bạn có thể dò đường đến Chiến khu Vĩnh Lợi bằng Google Maps hoặc hỏi người dân địa phương. Đường rất dễ đi và rộng rãi, xe ô tô cũng có thể đi vào được nên bạn yên tâm nhé.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều tuyến xe bus HCM đến Bình Dương để bạn có thể lựa chọn với đa dạng các điểm xuất phát khác nhau. Bạn có thể lựa chọn tuyến 61-1 xuất phát từ Quận 9 cũ hay tuyến 61-3 xuất bến từ Bến xe An Sương. Nếu lựa chọn Bến Thành làm điểm xuất phát, vậy thì tuyến 61-6 sẽ là lựa chọn hoàn hảo nhất dành cho bạn.
Sau khi đến Bình Dương, bạn có thể thuê xe máy tại các cửa hàng ở địa phương hoặc gọi taxi để di chuyển đến Chiến khu Vĩnh Lợi đều được. Nếu muốn chủ động hơn về mặt thời gian, xe máy sẽ là lựa chọn thích hợp. Trong khi đó, taxi hứa hẹn sẽ là “bạn đồng hành” lý tưởng dành cho những ai ái ngại cái nắng oi ả của Bình Dương vào buổi sáng.
Các hãng taxi phổ biến mà bạn có thể lựa chọn bao gồm: taxi Vinasun (SĐT liên hệ: 0274 38 27 27 27), taxi Mai Linh (SĐT liên hệ: 0274 3 71 71 71), taxi Đức Thảo (SĐT liên hệ: 0274 3 82 82 82), taxi Minh Giang (SĐT liên hệ: 0274 3 738 738), taxi Thắng Lợi (SĐT liên hệ: 0274 3 86 86 86) hoặc taxi Bình Dương (SĐT liên hệ: 0274 3 51 51 51).
3Những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình tham quan Chiến khu Vĩnh Lợi
Được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến” của vùng đất Sông Bé – Bình Dương anh hùng ngày trước, Chiến khu Vĩnh Lợi là nơi xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.
Chính thức hình thành vào năm 1946, Chiến khu Vĩnh Lợi tọa lạc trên một vùng đất cao ráo và được ba cánh rừng rậm lớn của xã Vĩnh Tân là Cầy Bồng, Sở Tiểu và Thầy Cai bao bọc chung quanh, tạo nên địa thế lý tưởng và an toàn cho những hoạt động cách mạng.
Ngày trước, Chiến khu Vĩnh Lợi có diện tích rộng hơn 300ha và có hai con suối chảy qua, bao gồm Suối Cái (ngày nay là suối Cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng Đông Nam. Trong khi đó, ở hướng Đông – Tây của chiến khu là hai trục lộ giao thông chính dẫn về hướng Bắc để tạo ra sự liên thông với Chiến khu Đ và Chiến khu Thuận An Hòa lúc bấy giờ.
Trong cả hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, Chiến khu Vĩnh Lợi là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của ba cấp xã, huyện và tỉnh. Đồng thời, chiến khu này là nơi tổ chức xây dựng, phát triển các lực lượng cách mạng nên được mệnh danh là Tỉnh lỵ kháng chiến cũng vì lý do đó. Cả ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp đã được hình thành từ chính nơi chiến khu này.
Bên cạnh đó, bởi vì tọa lạc tại địa thế lý tưởng và được bao bọc bởi rừng già và suối nước, thế nên phía Bắc chiến khu là Bến Xoài, phía Tây nam là ấp 3 Tân Hiệp còn phía Đông Bắc là ngã tư Bến Sắn. Để đảm bảo đời sống nhân dân sống trong vùng căn cứ, chỉ huy đã tổ chức họp chợ vào mỗi buổi sáng để mọi người có thể mua bán, trao đổi hàng hóa.
Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ, Chiến khu Vĩnh Lợi đã trở thành căn cứ của Huyện ủy Châu Thành, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và là một phần quan trọng không thể thiếu trong thắng lợi huy hoàng, rực rỡ của dân tộc.
Chiến khu Vĩnh Lợi là biểu tượng cũng là niềm tự hào, vinh dự của tỉnh Bình Dương, vì thế nên sau này khi hòa bình đã được lập lại, khu di tích đã được xây dựng trên chính nền đất năm xưa.
Có diện tích hơn 5,5ha với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, Chiến khu Vĩnh Lợi ngày nay được xây dựng theo phong cách kiến trúc thuần Việt hoàn toàn, đồng thời kết hợp hài hòa giữa nét đẹp của văn hóa, truyền thống dân tộc cùng những đường nét hiện đại, tạo nên bố cục hài hòa nhưng không đánh mất đi vẻ uy nghi, bề thế vốn có.
Các hạng mục tại Chiến khu Vĩnh Lợi bao gồm: Tượng đài chiến thắng, đền thờ tưởng niệm, nhà bia ghi danh, sân hành lễ, vườn cây, đất giao thông, bãi xe và hệ thống địa đạo, giao thông hào, hầm chiến đấu đã được phục dựng lại. Trong gian trưng bày tại Chiến khu Vĩnh Lợi ngày này vẫn còn đó những hiện vật, hình ảnh chân thật về hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nếu có dịp đến đây, bạn đừng quên ghé đến khu vực đài tưởng niệm với những tấm bia khắc tên, lưu danh những anh hùng liệt sĩ ngày trước đã anh dũng hy sinh, đổi lại nền hòa bình, độc lập cho nước nhà. Ngoài ra, dọc khắp khuôn viên khu du tích vẫn còn đó phòng truyền thống căn cứ kháng chiến, phòng đọc tư liệu. Đây là những nơi bạn có thể ghé qua để hiểu rõ hơn về những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Bình Dương quả thật là vùng đất “vàng” đối với những ai muốn hiểu rõ hơn về những năm tháng hào hùng của nước nhà trong cả hai cuộc kháng chiến bền bỉ. Chiến khu Vĩnh Lợi ngày nay vẫn tồn tại như một minh chứng của quá khứ oanh liệt. Nếu có dịp về Bình Dương, bên cạnh chiến khu, bạn vẫn có thể ghé qua Di tích lịch sử Vườn cao su thời Pháp thuộc để có được cái nhìn chân thật, rõ nét hơn về một thời đau thương của dân tộc trước khi giành được thắng lợi vẻ vang như ngày nay.