Chùa Côn Sơn nằm ở xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và là một trong những di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng nổi tiếng cả nước. Từ triều đại nhà Trần nơi đây đã được biết đến như một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm bên cạnh chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Chùa Côn Sơn (Thiên Tư Phúc tự hay Côn Sơn Tự), còn gọi là chùa Hun đã được công nhận là di tích quốc gia năm 1962, thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Đây là vùng núi đất và sỏi kết, cao khoảng 200m, rộng hơn 1km2 có phong cảnh yên tĩnh bên rừng thông mã vĩ. Cảnh quan tự nhiên đã tôn tạo thành khu vực thắng cảnh xinh đẹp với nhiều di tích khác nhau trong khuôn viên Côn Sơn như: chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Thạch bàn, Am Bạch Vân, đền thờ Nguyễn Trãi...

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 2

Di tích mang đầy đủ 3 yếu tố là phong cảnh, công trình kiến trúc và hiện vật cổ

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 3

Xung quanh chùa là rừng cây xanh rậm rạp bao bọc

Chùa Côn Sơn chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70km, bạn có thể di chuyển đến đây dễ dàng bằng xe máy cá nhân hoặc xe khách. Hướng dẫn cụ thể như sau:

Xe máy: Khách tham quan Hải Dương xuất phát từ khoảng 5h sáng, đi khoảng hơn 2 tiếng là sẽ đến nơi. Quãng đường di chuyển cũng không quá khó khăn, bạn chỉ cần chạy theo hướng quốc lộ 1A, sau khi đến địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thể quan sát bảng chỉ dẫn chi tiết hoặc tra Google Maps để tránh lạc đường.

Xe khách: Từ Hà Nội, theo kinh nghiệm du lịch chúng ta có thể mua vé xe đi Quảng Ninh tại bến xe Mỹ Đình, xuống ở ngã 3 Sao Đỏ trên hành trình đi Quảng Ninh. Một số nhà xe hiện đang khai thác tuyến này gồm: Kumho, Việt Thanh, Đức Phúc, Ka Long... Sau khi xuống trạm thì bạn có thể thuê xe ôm hoặc đi taxi đến chùa Côn Sơn.

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 4

Từ Hà Nội bạn có thể dễ dàng di chuyển đến khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc tham quan và về trong ngày. Ảnh: @thomun.1010

Thời gian đến khám phá chùa Côn Sơn đẹp nhất là vào khoảng mùa xuân sau Tết Nguyên đán, khi thời tiết còn khá dịu mát và không khí trong lành, thích hợp để đi cầu an đầu năm. Hoặc bạn cũng có thể ghé thăm vào khoảng tháng 8 âm lịch lúc diễn ra lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc, tái hiện hào khí Đông A hào hùng của dân tộc.

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 5

Phía trước chùa Côn Sơn có hồ Côn Sơn rộng gần 1 km2 có nguồn nước mát quanh năm

Chùa Côn Sơn vào thời Lê được trùng tu và mở rộng vô cùng hoành tráng. Trải qua một khoảng thời gian thăng trầm trong lịch sử, ngày nay nơi đây chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ nằm nép mình dưới những tán lá xanh của các cây cổ thụ. Năm Hưng Long thứ 12 (1304) nhà sư Pháp Loa đã cho xây dựng chùa Kỳ Lân, tới năm Khai Hựu thứ nhất (1329) thì được mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự.

Chùa là nơi Quốc sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm tu hành. Sau khi ngài mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp chứa xá lị của Huyền Quang và ngày mất cũng dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn. Đến thời Lê Sơ, chùa là nơi Nguyễn Trãi đến ở ẩn theo gót ông ngoại Trần Nguyên Đán vào cuối thời Trần.

Thời Lê Trung Hưng, chùa Côn Sơn được trùng tu và mở rộng quy mô lên đến 83 gian với các công trình như: tam quan, tòa Cửu phẩm liên hoa có gắn 385 tượng chư Phật, tiền đường, tạc mới tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay... Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hiện tại chùa chỉ còn quy mô vừa phải nhưng vẫn mang kiến trúc hài hòa với cảnh quan.

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 6

Chùa là nơi Quốc sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm tu hành vào năm Hưng Long thứ 12

Chùa Côn Sơn mang nét kiến trúc ấn tượng, được xây theo hình chữ Công gồm 3 dãy nhà là Tiền đường, Thượng điện và Thiên hương. Ở lối vào cổng tam quan được lát gạch bạn có thể thấy những hàng cây cổ thụ vô cùng lớn. Cổng tam quan gồm 2 tầng, có 8 mái, xuất hiện các kiểu họa tiết hoa lá và mây được chạm trổ vô cùng tinh xảo. Thượng điện chùa Côn Sơn là nơi thờ Phật, với nhiều bức tượng có chiều cao lên đến hơn 3 m. Phần lớn các bức tượng Phật đều mang đậm dấu ấn của thời kỳ nhà Lê.

Sân chùa có cây đại thụ với tuổi đời lên đến hơn 600 năm. Tại đây còn có những bia mộ được viết chữ “Thanh Hư Động“ bút tích của vua Trần Duệ Tông năm nào. Ba chữ viết theo kiểu chữ Lệ là một trong những di vật quý nhất tại chùa. Bia được đặt trên lưng rùa, bởi nhiều Phật tử ghé thăm thường hay sờ vào để cầu may nên có thể thấy lưng rùa vô cùng nhẵn bóng.

Phía sau chùa Côn Sơn có nhà tổ, nơi lưu giữ hai bức tượng đàn ông và đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tích cũ kể rằng ngày xưa các tăng ni không biết tượng của ai và xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã mang giấu trên núi trong cuộc kháng chiến chống Pháp do sợ giặc càn quét. Một hôm có sấm sét lớn, các sư thầy đã lên núi kiểm tra thì thấy hai pho tượng đắp bằng đất đã bị mưa gột rửa lộ ra dải yếm tâm, từ đó đó mới biết là tượng của Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ.

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 7

Chùa hiện còn giữ được những nét dấu ấn kiến trúc từ thế kỷ 14 – 19

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 8

Bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi được đặt ngay trong sân chùa Côn Sơn

Sau chùa Côn Sơn là khu vực tháp mộ Đăng Minh bảo tháp. Ngay dưới chân tháp chính là Giếng Ngọc, điểm tham quan được yêu thích hàng đầu. Giếng chính là tụ mạch của nguồn nước chảy xuống từ núi Kỳ Lân, mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt từ hàng trăm năm qua. Dù nằm ở sườn núi cao gần 200 m so với mực nước biển nhưng giếng Ngọc chưa bao giờ cạn nước.

Dòng nước mát lành chảy bền bỉ suốt 700 năm mang trọn vẹn linh khí của đất trời. Nước giếng Ngọc linh thiêng không chỉ được dùng vào những dịp lễ tiết của chùa mà còn phục vụ cho cả khách hành hương. Mọi người thường mang sẵn chai lọ để xin nước giếng về tẩy bụi trần, cầu an và sức khỏe. Năm 1995, giếng đã được tôn tạo, kè đá quanh thành để bảo tồn giá trị thiêng liêng của mình.

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 9

Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân có nước chảy rì rầm quanh năm

Chùa Côn Sơn vừa là địa điểm du lịch vừa là di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh tâm linh nổi tiếng. Khi ghé tham quan nơi đây bạn cần lưu ý những điểm sau:

- Ăn vận trang phục kín đáo, thoải mái và tốt nhất là mặc trang phục dài qua gối.

- Bởi đặc thù địa hình nằm trên núi nên bạn cần đi bộ khá nhiều, nên mang giày dép thoải mái hoặc giày thể thao.

- Chuẩn bị mũ, dù che nắng để tránh mưa nắng thất thường.

- Không đùa giỡn trong khuôn viên chùa Côn Sơn, đi nhẹ và nói khẽ, lưu ý giữ gìn vệ sinh chung.

Chùa Côn Sơn báu vật linh thiêng giữa đất trời Hải Dương 10

Chùa Côn Sơn vừa là địa điểm du lịch vừa là di tích lịch sử, thắng cảnh tâm linh nổi tiếng

Lễ hội chùa Côn Sơn vào ngày 15 – 22 tháng Giêng hằng năm cũng là dịp đặc biệt thu hút khách tham quan ghé thăm khi có nhiều hoạt động đặc sắc. Hy vọng những thông tin mà MIA.vn đã cung cấp sẽ giúp bạn có được nhiều kinh nghiệm hữu ích trước khi chuẩn bị balo đến với không gian bình yên của ngôi chùa cổ độc đáo này.