Địa chỉ: Ấp chợ, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, từ 7h đến 21h

Số điện thoại liên hệ: 0273 3 872 223

Giá vé: miễn phí

Tiền Giang quả thật là một trong những địa điểm nổi tiếng về du lịch tâm linh và thu hút sự yêu thích của đông đảo mọi người. Không chỉ sở hữu một Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác với diện tích rộng rãi bậc nhất khu vực miền Tây, tỉnh này còn sở hữu một ngôi cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước. Đó chính là Chùa Linh Thứu Tiền Giang.

Chùa Linh Thứu, hay còn được gọi với cái tên khác là Long Tuyền Tự, là ngôi chùa có tuổi đời lên đến gần 300 năm. Ngôi cổ tự này gắn liền với những giai thoại về vua Gia Long trong những thế kỷ trước. Ngoài ra, chùa còn được vua hai lần sắc phong dẫu ban đầu chỉ là một túp lều giản đơn của lũ trẻ mục đồng mà thôi.

Xem thêm: Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 2

Chùa Linh Thứu Tiền Giang là ngôi chùa có tuổi đời lên đến gần 300 năm

Theo cuốn sổ tay Cẩm nang du lịch của MIA.vn, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến ngôi cổ tự này bằng xe máy hoặc xe hơi đều được, do chùa chỉ cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng tầm 7km mà thôi. Cùng lưu lại lộ trình siêu chi tiết mà tụi mình bật mí ngay sau đây nhé! Trung tâm thành phố Mỹ Tho – QL 60 – Vòng xoay Ngã ba Trung Lương – QL1A / QL1. 

Từ Quốc lộ 1A, bạn đi thẳng cho đến khi nhìn thấy tiệm chuyên bán bình ắc quy Hoàng Giang thì rẽ trái để vào được DT870. Từ đây, bạn đi thẳng thêm khoảng tầm 2km sẽ nhìn thấy tiệm sửa xe Tuấn Hùng. Bạn rẽ phải đi theo hướng cầu đến ngã ba Ấp Chợ, đoạn qua trạm y tế xã Phước Thạnh, sau đó rẽ trái thêm một lần nữa là sẽ đến được Chùa Linh Thứu Tiền Giang.

Vốn trước kia, Chùa Linh Thứu Tiền Giang được người dân trong vùng biết đến rộng rãi hơn với cái tên Long Tuyền Tự. Theo lời của những vị tiền nhân kể lại, chùa đã được xây dựng từ đời vua Lê Cảnh Hưng. Trước đây, nền chùa vốn là một mảnh đất hoang vu tịch mịch và biệt lập với làng xóm của bà con trong vùng. 

Lúc bấy giờ, lũ trẻ mục đồng trong làng khi cho trâu đi ăn cỏ sẽ cùng nhau tụ họp ở đây để vui chơi, đùa giỡn. Lũ trẻ đã đốn cây, kéo lá và dựng lên một cái chòi lá, sau đó nặn thêm tượng Phật để thờ phượng. Dần dần, túp lều tranh ấy đã trở thành ngôi chùa giả để lũ trẻ lui tới nghỉ ngơi, vui đùa sau những giây phút cho trâu ăn ngoài đồng.

Có một điều thú vị là từ nền chùa giả ấy, chẳng biết vì cơ duyên nào mà đã có các bậc tiền đức lần lượt tiếp nối nhau cùng xây dựng nên chùa. Có dạo nọ, một thầy đạo lý chẳng biết từ đâu đã đi ngang qua vùng này, khi nhìn thấy nền chùa giả thì tấm tắc khen phong thủy nơi này thật tốt, là nơi “ngày sau có chân mạng Đế Vương đến ngự”. Đây cũng là lý do ra đời cái tên Long Tuyền Tự, tức là chùa suối rồng của Chùa Linh Thứu Tiền Giang.

Và quả nhiên, lời tiên đoán của thầy đạo lý năm xưa đã thật sự ứng nghiệm. Vào thời “Nam Bắc Phân Tranh”, đế vương đã đến nương nhờ nơi cửa Phật như lời người xưa phán truyền. Lúc bấy giờ, Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long vì thua quân Tây Sơn do còn ở thế yếu đã phải phiêu bạt đến tận vùng này, lang bạt mãi sao mà đến được ngôi cổ tự cùng với vị quan thân cận là ông Nguyễn Huỳnh Đức. Khi lánh nạn tại chùa, vua đã mặc trang phục như thường dân nên chẳng ai nhận ra. 

Thượng trụ trì của chùa lúc bấy giờ là Nguyễn Phước Chánh, đạo hiệu Nguyệt Hiện Thiền sư đã dựa vào dung mạo, cử chỉ và xét tình thế hiện tại phán đoán nhưng không quá chắc chắn. Ông vẫn tiếp đãi cho hai vị khách từ phương xa một cách ân cần, tử tế.

Lúc bấy giờ, do phải lang bạt khắp nơi trong tình cảnh khốn khó suốt nhiều ngày liền nên vua Gia Long đã mắc chứng thương hàn. May mắn thay trụ trì vốn có tài về dùng thảo dược nên đã xin phép được chữa trị cho vua. Ông cũng nhìn thấy rõ những tâm tư của vua Gia Long nên cũng liên tục thưa hỏi. Do thấy trụ trì là người từ bi lại trung thực và hiền hòa, vua liền nói rõ chân tướng.

Vài ngày sau, khi sức khỏe vua vừa khá lên thì quân Tây Sơn cũng vừa khéo đuổi đến được trước cửa chùa. Lúc này, bỗng dưng cửa chùa lại chăng chít màng nhện bít phủ lối vào, khung cảnh tan hoang, tiêu điều như chẳng có ai sinh sống ở đây. Quân Tây Sơn dần dừ vài lần rồi cũng bỏ qua ngôi chùa. Trong khi ấy, mọi người ở bên trong hoảng hốt không biết nương náu ở đâu thì trụ trì nhớ tới tháp Đại hồng chung trên đại điện. Ông bèn quỳ xuống tâu vua, mời vua lánh nạn tạm ở đó nên đã kịp thoát thân. 

Sau này, để bày tỏ lòng biết ơn tới vị trụ trì năm nào và Phật đã hộ trì tai qua nạn khỏi, vua Gia Long đã cho tu bổ và phong hiệu cho chùa là “Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự”, đồng thời phong cho trụ trì Nguyễn Phước Chánh hàm ân “Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng”.

Trải qua gần 300 năm xây dựng, trùng tu và bảo dưỡng, cho đến tận ngày nay, Chùa Linh Thứu Tiền Giang vẫn giữ được trọn vẹn những giá trị nghệ thuật với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn truyền thống cùng không gian trang nghiêm, cổ kính.

Cổng tam quan của Chùa Linh Thứu Tiền Giang là một trong những công trình nổi bật nhất ở cổ tự khi được xây dựng kiên cố, chạm trổ những đường nét phù điêu với hoa văn đắp nổi theo phong cách cung đình ngày trước. Tiêu biểu nhất là hình tượng rồng, phụng được chạm khắc khéo léo, thể hiện được sự uyển chuyển nhưng cũng không đánh mất đi độ uy mãnh vốn có.

Trong khi đó, khuôn viên chùa lại là nơi thờ phượng các vị Bồ Tát và Phật Đà theo tín ngưỡng Phật giáo. Ở đây còn có cột phước được xây dựng theo hình tượng tứ linh cùng một bia đá ghi lại lịch sử hình thành của chùa và các đời trụ trì ngày trước. Ngoài ra, bên trong khuôn viên Chùa Linh Thứu Tiền Giang còn có một pho tượng đá với các đường nét đục khoét tinh xảo nói về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Điểm nhấn nổi bật nhất của chánh điện chùa chính là những bức tượng Phật cổ cao lớn cùng các hoành phi, câu đối, bao lam được điêu khắc công phu. Chánh điện được dựng từ 48 cây cột trụ đục hoàn toàn từ gỗ quý với tuổi đời hơn 200 năm tuổi. Trong khi đó, ở bàn thờ là nơi thờ phượng các tượng Phật như đức Di Đà, Thích Ca và Di Lặc cùng các vị Bồ Tát.

Ngoài ra, hiện nay ở phía bên trái bệ thờ của Chùa Linh Thứu Tiền Giang vẫn còn đó chiếc Đại hồng chung đã có công cứu mạng vua Gia Long năm nào. Trước bệ thờ Phật là hai câu đối nhắc lại việc vua Gia Long sắc ngự định tên chùa và cả lần vua Thiệu Trị tứ phê cho chùa cái tên Linh Thứu như ngày nay. Đây cũng là điểm thu hút của chùa Linh Thứu, biến chùa trở thành một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng tại địa phương bên cạnh Chùa Bửu Lâm Gò Công.

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 3

Khu vực cổng tam quan được xây dựng kiên cố, chắc chắn và chạm trổ những đường nét hoa văn tinh xảo

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 4

Long Tuyền Tự là cái tên do thầy địa lý năm nào đi ngang qua đặt cho ngôi chùa cổ này

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 5

Khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng với vô số cây cối, hoa lá tươi tốt 

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 6

Bên trong khuôn viên Linh Thứu cổ tự là vô số các loài hoa lá cùng những bức tượng Phật

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 7

Điểm nổi bật phải nói đến hồ sen ở giữa khuôn viên chùa

Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây 8

Bức tượng Phật nằm ở phía ngoài chùa Linh Thứu

Tiền Giang quả thật là vùng đất nổi tiếng của du lịch tâm linh. Bên cạnh Chùa Linh Thứu Tiền Giang thì tỉnh này vẫn còn đó nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng khác, chẳng hạn như Nhà thờ Cái Bè. Trong hành trình vi vu về vùng sông nước sắp tới, đừng bỏ qua cơ hội được vãn cảnh chùa Linh Thứu bạn nhé.