Địa chỉ: Số 1, đường Phan Đình Phùng, phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Giờ mở cửa: 7h30 - 11h30 và 13h30 - 17h00 (tất cả các ngày trong tuần)

Để cảm khái những cuộc chiến oanh liệt trong lịch sử nước nhà, bên cạnh Khu di tích Ấp Bắc - nơi lưu giữ chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng, Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định chắc chắn sẽ là địa điểm tìm hiểu về vị anh hùng nổi danh tại Tiền Giang mà bạn không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long của mình.

Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định là di tích lịch sử dân tộc thuộc loại hình di tích lưu niệm danh nhân lịch sử nước ta. Cụ thể hơn, loại hình này được xây dựng nhằm tưởng nhớ và tri ân các vị anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ khoảng giữa những năm 1860 của thế kỷ 19. 

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 2

Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định là nơi mang đậm đẹp nét đẹp văn hóa và lịch sử Việt Nam

Ngôi mộ của người anh hùng dân tộc Trương Định được xây ngay khi ông mất vào năm 1864. Tuy nhiên, tại vị trí của di tích này trước đây là một gò đất cao, cây cỏ um tùm. Bởi vì dân còn tập trung thưa thớt nên xung quanh ao hồ nước đọng. Về sau người địa phương khai khẩn đất hoang, làm đường và xây cất nhà thì nơi đây mới trở nên nhộn nhịp hơn. Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định cũng thu hút đông đảo các bạn phương xa ghé đến.

Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định ngụ tại đường Phan Đình Phùng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Vào ngày giỗ của vị anh hùng dân tộc Trương Định, các bạn đến từ phương xa thường ghé đến khu di tích và kính trọng thắp cho ông một nén hương.

Địa chỉ của khu di tích không chỉ có vị trí gần hơn một chút so với các địa điểm tham quan du lịch khác như Biển Tân Thành Tiền Giang, mà nơi đây còn nằm ngay trung tâm thị xã Gò Công nên bạn hoàn toàn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe ô tô hoặc xe máy.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 3

Lễ tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc được tổ chức long trọng hàng năm

Đến tới khu di tích, trước hết, từ trung tâm thành phố Mỹ Tho, bạn đi đường Nguyễn Quân về phía Ấp Bắc. Sau đó rẽ phải vào quốc lộ 50. Tiếp tục đi theo hướng quốc lộ này qua 2 vòng xuyến, rồi rẽ trái vào đường Nguyễn Huệ, vẫn thuộc đoạn quốc lộ 50. Sau đó rẽ trái để vào hướng đường Phan Đình Phùng. Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định sẽ nằm ở phía bên phải. Tuy không qua khó đi nhưng bạn nên kết hợp xem thêm Google Maps trong quá trình di chuyển nhé. 

Trước khi nói về Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định, chúng ta không thể không nói sơ qua về vị anh hùng dân tộc vang danh này. Trương Định (hay Trương Công Định) sinh năm 1820, nguyên quán là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc nhỏ, ông theo cha vào Gia Định, sau rốt mới về Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang để lập nghiệp, khai hoang cũng như xây dựng đồn điền.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 4

Phần mộ của vị anh hùng dân tộc lẫy lừng - Trương Định

Năm 1859, khi quân Pháp xâm chiếm Gia Định, Trương Định vùng lên phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược tại Gò Công. Ông lấy ấp Hòa Bình hay còn được người dân bản địa gọi là "Đám lá tối trời" thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công làm căn cứ. Với tài năng "dùng binh dụng võ", Trương Định đã mang về nhiều thắng lợi oanh liệt, làm nức lòng quân dân, và được suy tôn là "Bình Tây Đại Nguyên Soái".

Đến ngày 20 tháng 8 năm 1864, ông bị nội ứng chỉ điểm. Giặc Pháp đánh úp căn cứ tại Đám lá tối trời. Trong trận này, sau khi dũng cảm chiến đấu đến sức tàn lực kiệt, để không rơi vào tay giặc, Trương Định đã tuẫn tiết để bảo vệ thanh danh và bảo vệ nước nhà của mình. Năm ấy, ông 44 tuổi.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 5

Hình ảnh tổng quan về khu vực đền thờ tại khu di tích

Giặc Pháp lúc này mang thi thể vị anh hùng dân tộc Trương Định về bêu tại chợ Thuận Ngãi, 3 ngày sau đó mới cho bà Trần Thị Sanh tức người vợ thứ hai của ông lãnh về, rồi chôn tạm trên mảnh đất nhà họ Trần của bà. Tròn 10 năm sau là năm 1873, bà Sanh làm đơn xin quan Chủ tỉnh cho bà xây lại mộ chồng. Tuy được chấp thuận, nhưng nhiều lần chữ trên bia mộ đều bị chính quyền bấy giờ đục bỏ để tránh các cuộc bạo động.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 6

Phải đến năm 1945, người dân mới có thể tu sửa và tôn tạo phần mộ của Trương Định

Phải đến năm 1945, nhân dân mới có thể trùng tu và khắc lại trên bia dòng chữ "Đại Nam Thần Dõng, Đại Tướng Quân, Truy Tặng Ngũ Quân, Ngũ Quận Công, Trương Định Chi Mộ", kế bên là dòng chữ nhỏ "Tốt Ư Giáp Tý, Thất Nguyệt Thập Bát Nhật" ý chỉ ngày mất của ông là ngày 20 tháng 8 năm 1864. Ngoài ra còn đề người lập thạch là bà Trần Thị Sanh. Bia cuối mộ có mái che, trên bia khắc hai chữ "Trung Nghĩa".

Xem thêm: Về thăm Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút hào hùng

Không nguy nga như những lăng mộ và đền thờ khác vì chính sách phản dân tộc của kẻ xâm lược, thế nhưng ngôi mộ nói riêng và khu di tích nói chung là minh chứng cho sự kính trọng và ngưỡng mộ công đức của nhân dân địa phương đối với người anh hùng quả cảm - Trương Định.

Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định được chia làm 2 phần, bao gồm phần đền thờ và phần lăng mộ. Về phần mộ, lăng mộ của Trương Định có thiết kế mang đậm lối kiến trúc đặc trưng của người Nam Bộ. Ngôi mộ được xây dựng bằng hợp chất ô dước - một loại vật liệu tạo chất kết dính, có dáng hình voi phục.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 7

Ghé lại nơi đây, bạn có thể thắp một nén hương để thể hiện sự kính trọng của mình

Bao quanh khu mộ là bờ tường cao 70 cm. Các góc mộ là 4 trụ lớn được chạm khắc hình hoa sen. Phần mộ của người anh hùng dân tộc phải qua rất nhiều lần tu sửa, tôn tạo mới sở hữu dáng vẻ toàn vẹn và được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Đối với phần đền thờ, ngôi đền được xây thêm vào năm 1972 với phong cách kiến trúc phương Đông vừa truyền thống, lại trang nghiêm và cổ kính. Lối thiết kế này thể hiện tính tân thời với án thờ, cũng như khuôn biển sơn son thếp vàng. Đi vào bên trong, khu vực đền thờ có trưng bày một quyển sách độc mộc về tiểu sử của vị anh hùng Trương Định.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 8

Hình ảnh câu tuyên bố gây ấn tượng mạnh của người anh hùng dân tộc

Quyển sách này ghi nhận kỷ lục Việt nam bởi giá trị lịch sử quý giá và kỹ thuật công phu để tạo nên cuốn sách. Ngoài ra, đến đền thờ, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng mạnh mẽ với câu nói của vị anh hùng Trương Định được khắc tại đây, đó là "Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta..."

Ngoài lăng mộ và đền thờ tại trung tâm thị xã, ở Gia Thuận, Gò Công Đông, nơi được gọi là "Đám lá tối trời" mà nghĩa quân của người anh hùng từng chọn làm căn cứ chống Pháp, nhân dân còn lập thêm một ngôi đền khác để thờ ông.

Viếng thăm Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công 9

Một góc nhỏ trong khu vực đền thờ ông Trương Định

Vào ngày 30 tháng 8 năm 1987, tức là tròn 10 ngày sau giỗ của vị anh hùng Trương Định, Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tọa lạc tại thị xã Gò Công đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp giấy chứng nhận là Di tích cấp Quốc Gia. Bên cạnh đó, đền thờ Trương Định ở Gia Thuận, huyện Gò Công Đông cũng được công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 2004.

Nếu yêu thích khám phá nét đẹp văn hóa - lịch sử đất nước mình, hãy bổ sung ngay Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định vào Cẩm nang du lịch của bạn nhé!

Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định là địa điểm lưu giữ nét đẹp văn hóa và lịch sử, đồng thời là nơi để thế hệ tiếp bước thể hiện tấm lòng thành của mình với bậc cha ông đã hi sinh thân mình bảo vệ quê hương. Hy vọng bài viết được tổng hợp bởi MIA.vn sẽ giúp ích được nhiều cho bạn trong chuyến hành trình đến với Tiền Giang. Ngoài ra, nếu có dịp du lịch nơi đây, đừng quên trải nghiệm món hủ tiếu đặc sản với Top quán hủ tiếu Mỹ Tho Tiền Giang để chuyến đi thêm phần trọn vẹn nhé!