Chùa Phước Duyên còn được biết đến với tên gọi Tự viện Phước Duyên hay Phước Duyên Thiền Uyển. Ngôi chùa nằm nép mình an yên dưới chân đồi Rú Vi thuộc thôn An Ninh thượng, phường Hương Long, thành phố Huế, bên bờ sông Bạch Yến hiền hòa.

Sở hữu diện tích lên đến 4.000m2, chùa có vị trí khá độc lập cách khu dân cư khoảng 200m về phía Đông Bắc. Nhờ vào vị trí có phần tách biệt mà không gian nơi đây khoác lên bầu không khí thanh tịnh, nhẹ nhàng, vô cùng thích hợp để thực hành tâm linh và tìm về chốn yên bình trong tâm hồn.

Vãng cảnh chùa Phước Duyên song hành 70 năm cùng lịch sử cố đô 2

Chùa Phước Duyên tọa lạc bên bờ sông Bạch Yến với diện tích lên đến 4.000m2. Ảnh: Khamphahue

Tương truyền, trước đây tại nơi Tự viện Phước Duyên tọa lạc có một ngôi chùa nhỏ tên là chùa Ốc Tiêu được người dân địa phương dựng nên để thờ Quan Công. Công trình này tồn tại đến thời Tây Sơn thì bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 1948, Hòa thượng Thích Đảnh Lễ kêu gọi xây chùa trên mảnh đất này, đặt tên là chùa Phước Duyên. Trong suốt hành trình hơn 70 năm gắn bó với vùng đất cố đô, nơi đây không chỉ là chốn Thiền môn trang nghiêm, mà còn được biết đến là một Đạo tràng Chánh niệm - nơi nhiều Phật tử thuần thành tụ hội tu học, giúp đời, giúp người.

Chùa Phước Duyên được xây dựng theo kết cấu hình chữ “Khẩu” quay về phía Đông Nam, với kiến trúc “Lưỡng long triều nguyệt” mang đậm nét truyền thống Á Đông cổ kính. Dù qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được ngôi Phật đường do Hòa thượng khai sơn từ hơn nửa thế kỷ trước. Điều này cho thấy ý thức bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa đối với một di sản kiến trúc trước bao cuộc bể dâu.

Vãng cảnh chùa Phước Duyên song hành 70 năm cùng lịch sử cố đô 3

Chùa được xây dựng theo kết cấu hình chữ "Khẩu" quay mặt về phía Đông Nam với kiến trúc "Lưỡng long triều nguyệt". Ảnh: Khamphahue

Sở hữu quy mô rộng lớn, nhìn chung không gian chùa Phước Duyên gồm 2 khu vực chính là khu A và B. Dưới đây, hãy cùng MIA.vn dạo bước khám phá điểm du lịch tâm linh này.

Vãng cảnh khu A tại chùa Phước Duyên, bạn có thể tham quan ngôi chánh điện với tầng trên là Đại hủng bảo điện, tầng trệt là Giảng đường - nơi các tăng, ni Phật tử dành thời gian sinh hoạt, học đạo. Từ sân chánh điện nhìn qua bên trái là ngôi bảo tháp của Hòa thượng khai sơn. Bên phải là ngôi nhà Bát giác tôn trí Đại hồng chung, tức những chiếc chuông lớn.

Bao quanh khu vực này còn có những ngôi nhà tạo thành dãy dài với nhiều mục đích phục vụ thực hành tín ngưỡng như ngôi nhà hậu (gồm tầng trên thờ tranh tượng Quan Thánh, tầng trệt là phòng trai Tăng), nhà Thiền đường và Tăng xá, nhà Phương trượng của Hòa thượng trụ trì, nhà Trai soạn, Đoàn quán sinh hoạt, v.v.

Khu A có kết cấu liên thông Đại hùng bảo điện và dãy nhà khá đặc biệt, cho phép khách du lịch đi qua các ngôi nhà một cách dễ dàng mà không cần phải bước xuống sân. Đây cũng là một nét thú vị về mặt kiến trúc của ngôi chùa.

Vãng cảnh chùa Phước Duyên song hành 70 năm cùng lịch sử cố đô 4

Kết cấu liên thông các dãy nhà của khu A cho phép bạn dễ dàng tham quan, vãng cảnh chùa. Ảnh: Khamphahue

Nếu ở khu A chủ yếu là kiến trúc gắn liền với đời sống sinh hoạt, học đạo hằng ngày của các tăng ni, Phật tử thuần thành thì khu B được xây dựng với cảnh quan thiên nhiên tràn đầy sức sống, là nơi chứa đựng kho tàng kinh thư. Đồng thời có những dãy nhà cho khách đến tham thiền, tu học lưu trú lại.

Khám phá khu B của chùa Phước Duyên, bạn có thể dừng chân tại Hồ Tâm với lối thiết kế độc đáo, ngắm nhìn những chú cá bơi tung tăng giữa làn nước xanh trong vắt. Hay ghé qua ngôi nhà lầu 4 tầng “Tàng Kinh Các” nằm về phía bên phải của Thiền đường - nơi cất chứa hàng ngàn Kinh sách quý hiếm, trong đó có hơn 100 tác phẩm của Hòa thượng Giáo thọ Thích Thái Hòa.

Vãng cảnh chùa Phước Duyên song hành 70 năm cùng lịch sử cố đô 5

Không gian Hồ Tâm xanh rì tại khu B của chùa Phước Duyên. Ảnh: Dulich.laodong

Nối liền với Tàng Kinh Các là ngôi nhà 4 tầng đồ sộ khác được đặt tên là “Thiền đường Tịnh Nhân”. Đây chính là nơi tiếp đón hàng trăm tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước đến tham thiền, tu học giữa một không gian tâm linh rộng mở.

Chùa Phước Duyên luôn rộng mở tiếp đón người dân địa phương và khách du lịch đến vãng cảnh, chiêm bái và tham gia các hoạt động văn hóa. Vào những ngày cuối tuần, chùa là nơi con em các gia đình Phật tử, các học chúng dành thời gian để sinh hoạt, lắng nghe giảng sư Thích Thái Hòa.

Vãng cảnh chùa Phước Duyên song hành 70 năm cùng lịch sử cố đô 6

Hoạt động lắng nghe thuyết giảng. Ảnh: Khamphahue

Nếu muốn nghe về đạo Pháp, MIA.vn gợi ý bạn ghé thăm chùa Phước Duyên vào mỗi Chủ Nhật để trút bỏ ưu tư, phiền muộn và cảm thấy nhẹ lòng hơn. Ngoài ra, tại đây còn tổ chức những hoạt động như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, khóa tu mùa hè… thu hút đông đảo Phật tử trên đất nước về tham gia. Nhìn chung, tất cả đều nhằm hướng cho đoàn sinh thực hành những giáo lý của Đức Phật, cải thiện bản tâm thiện lành, nhẹ nhõm.

Vãng cảnh chùa Phước Duyên song hành 70 năm cùng lịch sử cố đô 7

Khóa tu mua hè tại chùa Phước Duyên thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Ảnh: Nguoiphattu

Chùa Phước Duyên là không gian tâm linh yên bình, thanh tịnh nằm giữa thiên nhiên, mang đến bạn một nơi để trút bỏ bao âu lo, phiền muộn và tìm về chốn an yên trong tâm hồn. Nếu không có nhiều thời gian để du lịch Huế nói chung và ghé chùa nói riêng, bạn có thể đến đây vào các dịp đại lễ như lễ Phật Đản, Vu Lan... để tham gia trải nghiệm đa dạng hoạt động thực hành tâm linh ý nghĩa.