1Đôi nét về chùa Thắng Nghiêm
Chùa Thắng Nghiêm tọa lạc tại thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội và cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía Nam. Ngôi chùa nằm trong quần thể di tích tâm linh của làng Khúc Thủy, một vùng đất đậm nét văn hóa Phật giáo với nhiều công trình danh thắng nổi tiếng như chùa Linh Quang, chùa Thắng Nghiêm, chùa Phúc Khê (hay còn gọi là chùa Dâu) cùng các kiến trúc văn hóa cổ như đình, đền, miếu, văn chỉ, nhà thờ dân và các nhà thờ tộc họ.
Đây là nơi đã từng là nơi tu hành của các danh tăng và danh tướng nổi tiếng trong lịch sử như Khuông Việt Quốc sư, Vạn Hạnh Quốc sư, Trùng Liên Bảo Tích Quốc sư, Đạo Huyền Quốc sư, Huyền Thông Quốc sư (tức Linh Thông Hòa thượng Đại vương) và Hưng Đạo Đại vương, góp phần làm nên giá trị văn hóa - lịch sử của chùa qua các thời kỳ Lý - Trần.
2Lịch sử Thắng Nghiêm cổ tự
Chùa Thắng Nghiêm là một ngôi chùa cổ kính với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Theo đó, chùa được xây dựng từ thời gian 187-266 dưới thời Ngô Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu (Phật lịch 731-810). Người sáng lập chùa là Tôn giả Bảo Đức - một vị Tăng từ Ấn Độ được cho là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, đã lập nên Bảo Tháp thờ xá lợi Phật, hiện vẫn được dân làng gọi là “Mả Bụt”.
Sau đó, các Tôn giả Kim Quốc và Kim Trang tiếp tục truyền bá giáo pháp tại đây. Qua thời gian, chùa đã trải qua nhiều đời Quốc sư và Tổ sư nối tiếp nhau trụ trì, duy trì và trùng tu ngôi Tam Bảo.
Chùa Thắng Nghiêm từng có nhiều tên gọi khác nhau qua các triều đại như chùa Bụt, chùa Vua, chùa Pháp Vương, chùa Bà Chúa Hến (thời Đinh), chùa Thắng Nghiêm (thời Lý), chùa Trì Long, chùa Trì Bồng (thời Trần), chùa Liên Trì (thời Hậu Lê) và chùa Phúc Đống (thời Nguyễn).
Ngày nay, dân gian thường gọi chung là chùa Khúc Thủy. Trong lịch sử, các vị vua chúa thường đến đây để lễ bái, cầu nguyện trước khi đăng cơ và cũng cho trùng tu chùa để duy trì quần thể Thánh tích. Nơi đây vẫn còn giữ được 34 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.
Đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cha con Tổng đốc Hà Đông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu lại tiếp tục trùng tu quần thể Thánh Tích Phật Quang Đại Tùng Lâm. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều kiến trúc và di vật của chùa đã bị phá hủy hoặc thất lạc do chiến tranh và thiên nhiên. Đến năm 2010, chùa Thắng Nghiêm đã được khôi phục lại với kiến trúc hiện đại và tinh xảo, trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân đến tham quan và lễ bái.
3Kiến trúc Mật tông được giữ gìn suốt hơn 1000 năm
Chùa Thắng Nghiêm là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Mật tông pha lẫn nét truyền thống Phật giáo Việt Nam. Chùa nổi bật với gam màu vàng chủ đạo kết hợp hài hòa với các chi tiết màu nâu và đỏ, tạo nên không gian trang nghiêm và thanh tịnh.
Điểm nhấn kiến trúc chính của chùa là điện Tam Bảo, nơi thờ tự với nhiều tượng Phật bằng gỗ mít, được sơn son thếp vàng tinh xảo theo phong cách Phật giáo Bắc Bộ thời Lý. Điện Tam Bảo cũng được bao quanh bởi 100 tượng Phật nhỏ, tượng trưng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật.
Điểm thu hút khác của chùa là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 5 mét, nặng 10 tấn, nổi bật trên đài sen giữa hồ sen xanh mát, tạo nên khung cảnh yên bình và thu hút sự chú ý của các Phật tử. Phía sau Tam Bảo, chùa còn xây dựng một hội trường lớn có sức chứa hàng trăm người, là nơi tổ chức các buổi lễ Phật giáo quan trọng như lễ Phật Đản và lễ Vu Lan.
Ngoài ra, không gian cảnh quan của chùa cũng rất đặc sắc với hồ sen thơm ngát, dãy Kinh Luân xoay khắc chú Mật tông và hành lang tượng Phật dát vàng đầy uy nghiêm. Những khu vực trang trí và biểu tượng pháp khí như chày yết ma hay bánh xe cầu nguyện Kinh Luân cũng giúp chùa giữ nguyên bản sắc Mật tông, thể hiện sự phá trừ nghiệp xấu và mang đến sự an lạc cho người tu hành.
Với cảnh sắc yên bình và lối kiến trúc độc đáo, chùa Thắng Nghiêm là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo và tận hưởng không gian thanh tịnh.
4Kinh nghiệm tham quan chùa
Khi lên kế hoạch tham quan chùa Thắng Nghiêm, bạn có nhiều lựa chọn di chuyển thuận tiện và phù hợp với từng nhu cầu. Nếu sử dụng xe buýt, bạn có thể đi tuyến số 85 khởi hành từ công viên Nghĩa Đô đến khu đô thị Thanh Hà, rồi chỉ cần đi bộ vài trăm mét là tới chùa. Trước khi đi, bạn hãy kiểm tra lịch trình xe buýt để đảm bảo đúng tuyến và thời gian.
Ngoài ra, nếu đi bằng xe máy hoặc xe hơi, bạn xuất phát từ trung tâm Hà Nội, sau đó đi theo đường Vành Đai 2, qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển - Xa La, đến Đ. Phạm Tu và tiếp tục theo Đ. Trục Phía Nam đến khu đô thị Thanh Hà để tới chùa. Một hướng khác là đi qua đường Hữu Hòa để dễ dàng đến điểm đến.
Một lưu ý nhỏ mà MIA.vn muốn chia sẻ với bạn đó là bạn nên chú ý đến trang phục, chọn quần áo lịch sự, gọn gàng để thể hiện sự tôn trọng đối với không gian linh thiêng của nơi đây. Hãy tránh gây tiếng ồn và giữ thái độ trang nghiêm, phù hợp với bầu không khí tâm linh. Đồng thời, bảo vệ cảnh quan bằng cách giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi để duy trì sự sạch đẹp của di tích.
Chùa Thắng Nghiêm là một trong những di tích văn hóa – tâm linh quan trọng, là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Với bề dày lịch sử và nét đẹp độc đáo, chùa Thắng Nghiêm chắc chắn sẽ là điểm đến đáng nhớ cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và tâm linh Việt Nam. Hãy đến để được trải nghiệm không gian Phật giáo linh thiêng và chia sẻ cảm nhận của bạn với Cẩm nang du lịch nhé.