1Đôi nét Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên
Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên được xây dựng từ năm 1797, tọa lạc trên một triền đồi toàn đá trắng nên còn được gọi là chùa Bạch Thạch (chùa Đá Trắng). Chùa Từ Quang Phú Yên ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển với bốn phía của chùa có lưng dựa vào núi Xuân Đài, mặt trước nhìn ra con sông Ngân Sơn và sông Nhân Mỹ.
Tổng diện tích đất của chùa khoảng 5.000 m2, phía Tây chùa là nơi xây dựng tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì ở chùa. Tổng cộng có 8 ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp khác nhau. Tất cả các ngôi mộ tháp ở đây đều được trang trí hoa văn, phù điêu và trang trí tượng thú rất phong phú và đầy tinh xảo. Trong số đó có một ngôi lớn nhất, những ngôi khác nhỏ hơn tuy nhiên phần chữ khắc ở trên bia không còn đọc được nữa vì bị rêu phong và xói mòn một phần nhưng vẫn toát lên được vẻ đẹp uy nguy, tráng lệ.
Ngoài ra, Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên còn có Đại hồng chung nặng lên đến 330 kg do hòa thượng Pháp Ngữ ra Huế đúc vào năm Duy Tân thứ chín để đưa về Phú Yên. Đặc biệt hơn khi đến chùa bạn sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình cổ kính, được ngắm nhìn và thưởng thức quả ngọt từ những cây xoài đặc biệt được công nhân là Cụm cây di sản Việt Nam.
Xem thêm: Mộng mơ tìm kiếm chút bình yên tại Cầu Gỗ Ông Cọp Phú Yên
2Đôi nét về Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên
Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên nằm ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Bắc.
Hơn 300 năm tồn tại, Chùa Từ Quang đã trải qua rất nhiều vị danh sư trụ trì tại đây. Đặc biệt trong đó phải nhắc đến là vị thiền sư Huệ Nhãn. Ông là người đã có công rất lớn trong việc huy động các tăng tín đồ Phật tử thập phương và góp công góp sức xây dựng con đường lát xi măng trải dài từ quốc lộ 1A dẫn lên chùa đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên nằm cách thành phố Tuy Hòa 40km về phía Bắc. Đường đi đến chùa khá dễ nên sau khi di chuyển đến Phú Yên bạn chỉ cần chạy thẳng theo hướng QL1A qua trạm thu phí huyện Tuy An. Đến đây bạn chỉ cần chạy lên dốc Cây Xoài nhìn sang tay trái là sẽ thấy biển chỉ dẫn lên chùa Từ Quang. Vì đoạn đường lên dài và khá dốc, đứng sững nên người đi lên cũng cần phải chú ý và đoạn về thì đi từ từ thật chậm rãi vì đoạn đường này chạy thẳng xuống QL1A khá nguy hiểm.
Chùa nằm cách thị xã Sông Cầu khoảng 25km nên nếu bạn di chuyển từ thị xã Sông Cầu thì trên đường đi còn bắt gặp cầu gỗ Ông Cọp, một trong những địa điểm check-in Phú Yên siêu hot đấy nhé. Trên đường đi nếu gặp khó khăn hoặc bị lạc đường thì bạn có thể sử dụng Google Maps hoặc hỏi người dân địa phương gần đó nhé.
3Kiến trúc của Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên
Nằm ở độ cao gần 100m so với mực nước biển, Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên có địa thế cực kỳ đặc biệt, nổi bật với những khối đá trắng phau bao quanh lại càng tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên có tên chữ là Bạch Thạch tự hoặc Từ Quang tự hay Linh Quang tự vốn được tạo lập từ năm Đinh Tỵ - 1797 dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn.
Trong chiến tranh mặc dù chùa đã bị phá hoại và phải xây dựng lại gần như hoàn toàn mới, tuy nhiên chùa vẫn giữ được một số đường nét kiến trúc như thuở ban đầu. Đến đây bạn sẽ ấn tượng ngay với cổng vào chùa, khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn và có lối kiến trúc cổ độc đáo. Những phiến đá lát lớn tạo nên con đường quốc lộ 1A lên cổng chùa cũng có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tuy không kỳ vĩ bằng những khối đá khổng lồ xây nên Kim tự tháp ở Ai Cập, nhưng những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hằng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa.
Các bảo tháp tại chùa được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo , từ tượng hổ hay tượng kỳ lân đều toát lên sức mạnh với nhiều tư thế dáng vẻ khác nhau. Khu mộ tháp cổ là bộ phận quan trọng tạo nên chỉnh thể độc đáo của Chùa Đá Trắng.
Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên còn là pháo đài lợi hại của phong trào Cần Vương với địa thế vô cùng thuận lợi. Nơi đây được đặt hai khẩu thần công đại bác để canh phòng mặt biển và còn là nơi gặp gỡ hội họp giữ Thống soái Lê Thành Phương với các cấp chỉ huy.
Tuy nhiên, giống như tất cả các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, sau gần hai năm dựng cờ lập được một số chiến công, cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man. Từ đó hai khẩu thần công ở chùa Đá Trắng cũng chịu chung số phận với chủ soái. Chúng nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, làm bạn với tiếng chuông chùa, với vườn xoài, với đá trắng, với cây cỏ chim muông.
4Giá trị lịch sử của Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên
Nếu như chùa Thiên Thai có tương ngọt thì chùa Đá Trắng có xoài tiến. Tương truyền rằng những lần dừng thuyền chiến trên vịnh Xuân Đài, chúa Nguyễn Ánh đã có cơ hội được thưởng thức đặc sản vùng này và tỏ ra vô cùng ưa thích xoài Đá Trắng. Dưới triều Gia Long, cùng với bòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành “Nhị bảo ngự thiện”. Vào dịp Tết Đoan ngọ hàng năm, tỉnh Phú Yên phải mang dâng nhà vua từ 1.000 đến 2.000 trái xoài.
Nếu như các giống xoài khác đều ra hoa màu vàng thì xoài Đá Trắng ra hoa màu trắng, trái nhỏ, vỏ mỏng, vị xoài ngọt thanh, hương thơm bay xa, chín để được lâu. Hiện nay giống xoài gốc ở Đá Trắng chỉ còn lại 4 cây, thuộc vào hàng cổ thụ, nằm ở 4 góc chùa, nhưng tới 3 cây đã không còn ra trái, còn một cây năm ra năm không. Số xoài còn lại trong vườn chùa mới trồng sau này là giống từ nơi khác, còn xoài gốc Đá Trắng ươm trồng mãi mà không sống. Vì xoài Đá Trắng quý hiếm là thế nên vào thời Tây Sơn có lúc quan huyện lệnh phải cắt cử sai nha canh giữ vườn xoài và ghi chép tỉ mỉ quá trình ra hoa, thụ trái, thu hoạch. Ngoài ra, quan tỉnh Phú Yên còn cử một đội quân chuyên lo vận chuyển xoài ra kinh đô Huế để khi nào vua sẽ mở tiệc ngự thiện thưởng thức xoài và chia lộc cho các quan đại thần.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của xoài Đá Trắng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên đang vào cuộc, tìm cách lưu giữ và nhân giống loại xoài mang danh đặc sản Phú Yên này.
Chùa Đá Trắng rằm tháng 7 âm lịch. Bổn đạo thập phương về chùa rất đông dự lễ Vu Lan. Lợi dụng cơ hội này, lãnh tụ Võ Trứ triệu tập một cuộc họp bí mật tại chùa. Trần Cao Vân nhận được tin, thấy Võ Trứ quá nóng vội trong hành động, nên dù bệnh tình trầm trọng ông vẫn lên võng cho người khiêng rời Bình Định vào Phú Yên dự họp khẩn cấp.
Ngôi chùa Đá Trắng chứng kiến thêm một sự kiện đẫm máu bi tráng vì nền độc lập tự chủ của dân tộc. Đúng như dự liệu của quân sư Trần Cao Vân, cuộc khởi nghĩa non của lãnh tụ Võ Trứ dưới lá cờ “Minh trai chủ tể” đã thất bại nặng. Vũ khí thô sơ, nghĩa quân lại chưa có kinh nghiệm chiến trận, không thể đương đầu lại với súng đạn hoả lực mạnh của quân Pháp. Ngày nay, tại chùa Đá Trắng có lập riêng ngôi miếu nhỏ để thờ hai chí sĩ yêu nước Võ Trứ - Trần Cao Vân cùng các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước.
Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên là điểm tham quan tại Phú Yên dành cho những ai yêu thích du lịch tâm linh. Nếu bạn có dịp khám phá mảnh đất hoa vàng cỏ xanh thì đừng bỏ qua ngôi chùa cổ nổi tiếng này trong lịch trình khám phá Phú Yên của mình nhé!