1Tổng quan về Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Vị trí: Đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, Phường 8, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang
Thời gian mở cửa: 7 giờ sáng – 21 giờ tối
Giá giữ xe tham khảo: 5.000 VNĐ / xe
Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang không chỉ hấp dẫn bởi bề thế và sự rộng lớn mà còn bởi kiến trúc độc đáo của chùa. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp giữa văn hoá phương Đông và phương Tây hoà quyện cùng cái hồn của nghệ thuật Việt Nam truyền thống. Bên cạnh đó, chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang cũng chính là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây, nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 3 km nên hoàn toàn có thể dễ dàng di chuyển đến nơi này.
Bạn có thể viếng thăm chùa kết hợp du xuân vãn cảnh với lễ chùa cầu may từ thời điểm từ tháng 01 đến tháng 03 âm lịch hàng năm, vào tiết trời mùa xuân ấm áp. Tuy nhiên, đây cũng là mùa cao điểm du lịch, thường xảy ra tình trạng đông đúc, quá tải khách tham quan. Vì vậy, với những ai đặc biệt yêu thích sự tĩnh lặng, trang nghiêm chốn chùa chiền thì có thể lựa chọn thời gian khác trong năm để viếng Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang.
Xem thêm: Chùa Linh Thứu Tiền Giang, cổ tự lâu đời nhất vùng sông nước miền Tây
2Cách di chuyển đến Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Để đến được Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang thì bạn có thể đi xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ hoặc các tỉnh lân cận đến Mỹ Tho. Sau đó đến chùa bằng taxi hoặc xe ôm. Đường đi chùa Vĩnh Tràng cũng khá dễ để tìm nên hoàn toàn có thể lựa chọn phương tiện phù hợp nhất để di chuyển.
Trường hợp bạn thích phượt bằng xe máy thì hãy xuất phát từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đi thẳng theo đường Quốc lộ 1A để tới thành phố Mỹ Tho. Từ đây, tiếp tục đi theo đường Tỉnh lộ 819 khoảng 3 km nữa là tới công viên Vĩnh Tràng. Rẽ trái và đi tiếp khoảng 300 m nữa là sẽ “cập bến” Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang. Hãy ghi chú thật kỹ vào cẩm nang du lịch của mình trước khi chính thức lên đường bạn nhé!
3Giải mã sự đặc biệt tại Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Ban đầu, Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang được xây dựng theo lối kiến trúc Bắc tông có hình chữ “Quốc”. Sau này, chùa được tô điểm thêm một vài nét kiến trúc khác của người Khmer và người phương Tây. Nhưng thiết kế chủ đạo của Chùa Vĩnh Tràng vẫn trung thành với truyền thống của người Việt. Chùa được xây dựng thành bốn gian chính nối tiếp nhau gồm: Tiền đường, Chánh điện, Nhà tổ, Nhà hậu. Chùa có diện tích lên đến 14.000 m2, được xây dựng bằng xi măng và nhiều loại gỗ quý.
Bên trong chánh điện có một hòn non bộ lớn ở giữa. Không gian nơi đây khá đặc biệt vì được xây dựng theo lối kiến trúc La Mã, hòa lẫn cùng những hàng đá hoa sặc sỡ kiểu Pháp trên nóc. Ngoài ra tại chùa vẫn còn lưu giữ gần 20 bức tranh sơn thủy khác nhau cũng được xem là "đồ cổ" lâu đời.
Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang gây trầm trồ vì sở hữu những kiến trúc hình điêu khắc cùng tượng Phật được thếp vàng óng ánh vô cùng đặc biệt. Chi tiết này vừa là điểm nhấn cho không gian chùa, vừa để phòng chống mối mọt. Chánh điện được nâng đỡ bằng những cây cột gỗ to lớn từ các loại gỗ quý hiếm, bên dưới được đổ lớp bê tông vững chắc.
Chùa Vĩnh Tràng có đến khoảng 60 tượng Phật được đúc bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, đồng, xi măng, đất nung và toàn bộ được sơn son thếp vàng, có niên đại từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến:
- Tượng Phật Di Lặc: Pho tượng được khánh thành vào năm 2010 làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép có chiều cao lên đến 20 m và nặng khoảng 250 tấn. Bên trong tượng Phật còn được tận dụng để thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang. Trong đó có giảng đường và nơi nghỉ phục vụ cho 200 người
- Tượng Phật A Di Đà: Pho tượng Phật A Di Đà được khánh thành năm 2008. Tượng đứng có chiều cao tính từ chân đến đỉnh cao 18 m, bệ cao 7 m và nặng đến 150 tấn
- Tượng Phật Thích Ca nằm: Nhiều người đến chùa tham quan thường hay hiểu lầm là tượng Phật A Di Đà. Tượng Phật Thích Ca này được hoàn thành vào năm 2013 với chiều dài 32 m, cao 10 m, nặng 250 tấn bằng chất liệu bê tông, cốt thép
- Tòa tháp cao 7 tầng: Bên cạnh những tượng Phật khổng lồ, uy nghiêm thì chùa Vĩnh Tràng còn có một tòa lầu tháp nằm ở phía sau. Tòa tháp này cao 7 tầng và đây cũng là nơi lữu giữ tro cốt của các Phật tử và chư tăng trong chùa
Chuyến tham quan Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang của bạn sẽ không thể trọn vẹn nếu bỏ qua việc lưu lại những tấm ảnh tuyệt đẹp đấy. Từng góc nhỏ trong khuôn viên chùa đều chính là những “background” cực đẹp, đảm bảo khoảnh khắc sống ảo không “góc chết”.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cũng là nơi du lịch tâm linh đáng để lưu tâm nếu bạn có ý định ghé thăm các địa điểm chùa chiền nổi tiếng tại Tiền Giang. Vì thế đừng ngần ngại lên kế hoạch ghé thăm những nơi này nhé.
Nếu như có dịp ghé thăm Tiền Giang, thì bạn nhất định phải đến Chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang ít nhất một lần đấy nhé. Chùa không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn là nơi để bạn có thể gửi gắm những ước vọng bình an và thả mình vào một không gian yên bình, an tịnh của chùa đấy. Chúc bạn sẽ tích luỹ được thật nhiều kinh nghiệm du lịch Tiền Giang cho lần thăm thú tiếp theo của mình nè!