1Công trình nghệ thuật độc đáo được tạo nên từ gốm sứ
Địa chỉ: 11 P. Hàng Vôi, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Năm khởi công: 2007
Hoàn thành: 5/10/2010
Có thể nói con đường gốm sứ là một trong những công trình nghệ thuật lớn nhất tại thủ đô và được xem là biểu tượng của du lịch Hà Nội. Suốt quá trình ấp ủ, ra đời và phát triển dự án, các giai đoạn được vô số nghệ sĩ tài năng và nhiều tổ chức lớn hỗ trợ. Dù hiện tại những tác phẩm này không còn được nguyên vẹn như những ngày đầu mới xuất hiện, nhưng nó vẫn mang nhiều ý nghĩa văn hóa – nghệ thuật, thu hút mọi người đến chụp hình check-in khi ghé thăm thủ đô.
Con đường này có tổng chiều dài khoảng 3,85km cùng chiều cao trung bình 1,7m và diện tích ban đầu hơn 6.500m2. Trung bình khoảng 1m2 là có 1.000 mảnh gốm đủ màu sắc với diện tích 9 – 10cm2 ghép nên. Hiện tại, do vấn đề tháo dỡ mở rộng đường mà chiều dài của con đường gốm sứ Hà Nội hiện nay chỉ còn hơn 3.300m.
2Hướng dẫn di chuyển đến con đường gốm sứ thủ đô
Con đường gốm sứ có vị trí vô cùng thuận lợi, chỉ cách trung tâm Hồ Gươm khoảng 1km, nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng các phương tiện cá nhân, xe taxi, grab, xe bus… Các tác phẩm được trải dài qua những tuyến phố như An Dương Vương - Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Trần Khánh Dư rồi kết thúc tại cửa khẩu Vạn Kiếp. Theo kinh nghiệm du lịch, bạn có thể thiết kế hành trình tham quan kết hợp giữa con đường gốm sứ với cầu Chương Dương, phố cổ, đền Ngọc Sơn…
3Ý tưởng ban đầu của con đường gốm sứ
Con đường gốm sứ tạo nên một bức tranh lớn chạy trên đê sông Hồng, từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp được vẽ theo chủ đề lịch sử dân tộc. Dự án do nhà báo Nguyễn Thu Thủy thực hiện, mang đến một sản phẩm tràn đầy tình yêu đất nước, niềm tự hào với lịch sử Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Dải đê sông Hồng chạy dọc theo nội thành được bê tông hóa để bảo vệ Hà Nội, gắn liền với những thời khắc quan trọng của dân tộc bên dòng sông ý nghĩa. Tuy nhiên vào những năm 2000, hình ảnh của con đê không được đẹp như hiện tại. Nhà báo Nguyễn Thu Thủy khi chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ cuối năm 2003 tại Hoàng thành Thăng Long với những chiếc đầu rồng, đầu phượng cùng viên gạch hoa cúc dây trang trí thời Lý… đã nảy ra ý tưởng lưu giữ dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó cũng là lúc ý tưởng con đường gốm sứ được thai nghén và ra đời.
4Những trường đoạn chính trên con đường gốm sứ Hà Nội
Bức tranh con đường gốm sứ được chia thành 21 trường đoạn chính, mỗi phần mang một chủ đề riêng gắn với văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ. Tại đây, khách du lịch Hà Nội sẽ được chiêm ngưỡng nhiều chủ đề, hình ảnh dân gian truyền thống và các chi tiết đổi mới, hiện đại thể hiện sự phát triển của đất nước. Một số nội dung được đánh giá đặc sắc nhất tại đây bao gồm “Hoa văn đại diện trong văn hóa, kiến trúc của 54 dân tộc”, “tranh thiếu nhi”, “tranh lễ hội dân gian”...
Trường đoạn A1: Trường đoạn dành để tôn vinh di sản nghệ thuật với những họa tiết biểu trưng cho lịch sử Việt Nam thời Đông Sơn từ đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn. Ở đây còn có một bức tranh cỡ lớn có hình tượng rồng thời Lý với hàng chữ “Thăng Long – Hà Nội 1000 năm” tại nút giao thông cầu Chương Dương.
Trường đoạn A2: Tranh gốm tại trường đoạn này tái hiện hoàn hảo những hoa văn đặc trưng và tiêu biểu ở trên trang phục và kiến trúc của các dân tộc anh em nước ta.
Trường đoạn A3: Tại đây, khách tham quan con đường gốm sứ sẽ được ngắm nhìn những tác phẩm tranh gốm được thiếu nhi trong và ngoài nước chung tay tạo nên. Chủ đề chính của trường đoạn này là “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”.
Trường đoạn A4-A9: Những bức tranh tại đây có tính chất đương đại do các nghệ sĩ trong và ngoài nước đảm nhiệm, nhưng vẫn có sự thống nhất trong màu sắc riêng của từng họa sĩ.
5 Những nét đặc trưng gây ấn tượng của con đường gốm sứ
5.1 Sự tái hiện lịch sử 4.000 năm trên 4.000m tường
Con đường gốm sứ được thực hiện qua nhiều trường đoạn khác nhau, theo các chủ đề: tôn vinh di sản cha ông theo dòng chảy thời kỳ Đông Sơn, tái hiện những nét đặc trưng văn hóa trên nền thổ cẩm. Mỗi thời kỳ lại mang một vẻ riêng biệt và con đường với những đoạn tái hiện ấy lại tạo nên một điểm nhấn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá Hà Nội.
Tại đây có những hình ảnh vô cùng quen thuộc với chúng ta như: thần kim quy, họa tiết hạc xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn, chùa Một Cột… Các họa sĩ đã hoàn thành xuất sắc việt thể hiện những chi tiết tỉ mỉ bằng từng viên gốm nhỏ nhưng vẫn mang đậm nét nghệ thuật.
Dự án con đường gốm sứ cũng đã quy tụ hơn 20 họa sĩ tài năng người Việt, 15 họa sĩ tuyệt vời của quốc tế, 500 em thiếu nhi trong lẫn ngoài nước, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công đến từ các làng nghề gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Bình Dương, Bàu Trúc… Khi hoàn thành, công trình này đã được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới, mang lại niềm tự hào cho cả dân tộc.
5.2 Ngàn năm văn hiến hội tụ trên con đường gốm sứ
Thủ đô Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến và đã trải qua biết bao thăng trầm suốt những năm tháng hình thành và phát triển. Đây cũng được xem là mảnh đất chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa chẳng đâu có được. Dù con đường gốm sứ xuất hiện cách đây chưa quá lâu nhưng lại là nơi tái hiện trọn vẹn bề dày lịch sử. Ngoài vẻ đẹp không thể chối từ thì còn đường này còn gây ấn tượng với mọi khách tham quan, khiến chúng ta thêm yêu, tự hào và hạnh phúc khi là người Việt Nam.
Công trình góp phần quảng bá mảnh đất hình chữ S đến với bạn bè thế giới, gợi nhắc về một thủ đô tươi đẹp và bình yên. Về sau, hẳn con đường gốm sứ cũng sẽ trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến nhịp sống, sinh hoạt của người dân địa phương cũng như sự chuyển mình của mảnh đất Hà Nội.
Hãy đến tham quan con đường gốm sứ Hà Nội một lần để được cảm nhận vẻ đẹp năm tháng hào hùng của dân tộc được tái hiện trọn vẹn trên từng chi tiết tỉ mỉ. Khi ngắm nhìn còn đường này, MIA.vn tin rằng ai cũng sẽ cảm thấy trầm trồ và thêm yêu thủ đô, thêm yêu đất nước Việt Nam tươi đẹp.