1 Tôm chua đặc sản Bắc Kạn
Tôm chua là món ăn quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người dân Bắc Kạn. Do ngày xưa, khu vực hồ Ba Bể có rất nhiều tôm nên ông cha đã nghĩ ra cách muối chua để bảo quản chúng được lâu hơn. Món tôm đặc sản có vị ngon độc lạ, vừa béo lại chua cay kích thích vị giác. Người địa phương thường ăn món này với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc, kèm theo đó là đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng…
Gợi ý địa chỉ mua tôm chua làm sẵn:
- Chợ phiên Khang Ninh, Xã Khang Ninh, Huyện Ba Bể, Bắc Kạn
2Cá nướng Ba Bể
Cá nướng là một món ngon khác được sáng tạo nên từ nguồn sản vật trù phú của hồ Ba Bể. Người địa phương thường chọn loại cá nhỏ bằng ngón tay cái, vừa giống cá bống vừa giống cá nẹp ở miền xuôi để mang đi nướng. Thịt cá chín có vị ngọt, ăn vào cảm nhận ngay được độ tươi ngon. Cá nướng giòn rụm thường được chấm tương ớt, thưởng thức cùng chén rượu ngô thơm nồng.
Gợi ý địa chỉ thưởng thức:
- Bản Pác Ngòi, Xã Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
3Lạp xưởng hun khói
Lạp xưởng hun khói còn có tên gọi khác là lạp sườn gác bếp, với nguyên liệu chính là ruột non và thịt lớn. Loại lạp xưởng này được tẩm ướp bằng gừng đá nên có hương thơm đặc biệt hòa quyện cùng mùi nắng, mùi của khói bếp. Nhiều nơi làm khéo còn cảm nhận được mùi rượu và lá mắc mật. Lạp xưởng hun khói dai giòn, có tỷ lệ thịt nạc và mỡ hài hòa nên bao nhiêu cũng không ngán.
Gợi ý địa chỉ thưởng thức:
- Hợp tác xã Nhung Lũy, Xã Yến Dương, Ba Bể, Bắc Kạn
4Miến dong Na Rì
Miến dong là đặc sản nổi tiếng của huyện Na Rì, Bắc Kạn. Miến Na Rì được làm từ tinh bột của củ dong riềng - sản vật được trồng trên đèo Áng Toòng với độ cao hơn 1.000m, do đó có màu sắc và hương vị hoàn toàn tự nhiên. Loại miến này khi luộc lên rất thơm, có độ dai giòn, dễ dàng biến tấu thành nhiều món ngon hấp dẫn.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Thôn chợ B, Xã Côn Minh, Huyện Na Rì, Bắc Kạn
5Bánh coóc mò
Bánh coóc mò là đặc sản lâu đời của cộng đồng người Tày, người Nùng sinh sống tại Bắc Kạn. Bánh có hình chóp nhọn trông giống sừng bò. Do đó được đặt tên là “coóc mò” nghĩa là “sừng bò” trong tiếng dân tộc. Chiếc bánh đặc sản làm từ loại nếp ngon nhất vùng Đông Bắc nên sở hữu hương vị thơm ngon, hấp dẫn, chỉ cần thử một miếng liền cảm nhận được độ dẻo, bùi và thơm.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Chợ Bắc Kạn, Đường Thành Công, Phường Phùng Chí Kiên, Bắc Kạn
6Bánh pẻng phạ
Bánh pẻng phạ còn được biết đến với tên gọi khác là bánh trời. Đây là loại bánh truyền thống của người Tày thường xuất hiện trong dịp lễ Tết hay đám tiệc. Bánh pẻng phạ tuy có nhỏ và có màu trắng ngà không quá nổi bật, nhưng lại chứa đựng hương vị của đất trời Bắc Kạn từ cay nồng, chan chát đến ngọt lịm. Món bánh khiến ai từng thưởng thức qua đều không tiếc lời ngợi khen và muốn mua về làm quà du lịch.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Bản Nản, Xã Khang Ninh, Ba Bể, Bắc Kạn
7Xôi đăm đeng
Xôi đăm đeng được nấu từ nếp nương, sử dụng cây cỏ tự nhiên để tạo nên màu sắc bắt mắt. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt dính, khi nguội se lại rất mềm, dẻo và thơm. Người địa phương thường ăn xôi đăm đeng với muối vừng hoặc ruốc để làm bật lên hương vị. Món đặc sản này sẽ giúp cảm nhận trọn vẹn thế nào là ẩm thực mang đậm hương sắc núi rừng.
Gợi ý địa chỉ thưởng thức:
- Chợ Bắc Kạn, Đường Thành Công, Phùng Chí Kiên, Bắc Kạn
8Rau sắng
Rau sắng hay rau ngót rừng thường được dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Rau có mùi thơm nồng, đậm đà, chỉ cần vài cọng là đủ để nấu bát canh to. Người địa phương thường nấu canh rau sắng vào mùa hè, ăn vừa mát lại tốt cho sức khỏe. Canh rau này có vị ngọt, bùi khó tả, phải nhai chậm và kỹ từng chiếc lá nhỏ mới cảm nhận được hương vị đặc biệt thơm ngon.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Chợ Bắc Kạn, Đường Thành Công, Phùng Chí Kiên, Bắc Kạn
9 Rau bò khai
Rau bò khai (rau dạ hiến) là đặc sản Bắc Kạn thường mọc ở khu vực núi đá hiểm trở, nhìn giống như cây tầm gửi. Loại rau này vừa dùng để chế biến món ăn vừa có thể làm dược phẩm chữa các bệnh về gan. Sau khi mua về, bạn chẳng cần chế biến cầu kì mà chỉ cần nhặt sạch rau, phi tỏi thơm rồi xào với lửa to là đã có ngay món ăn hấp dẫn. Rau bồ khai còn có thể ăn với phở, mì xào…
Gợi ý địa chỉ mua:
- Quốc lộ 03, Xã Hiệp Lực, Huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn
10Măng vầu
Măng vầu là sản vật nổi tiếng tại Bắc Kạn. Hương vị của măng thay đổi theo mùa. Vào đầu vụ, mầm măng có vị ngọt xen lẫn đắng. Sau tháng 2 Âm lịch, măng có vị gắt cổ hơn. Thức quà đặc sản này thường được dùng để xào, nấu canh hay đơn giản là luộc rồi chấm với muối vừng hoặc mắm tôm chanh ớt.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Xã Đôn Phong, Huyện Bạch Thông, Bắc Kạn
11 Trám đen
Trám đen đặc sản Bắc Kạn là một loại quả rừng dân dã, thường dùng để kho thịt, nấu xôi hoặc om cá Ba Bể. Quả trám có màu tím thẫm, hình thoi với 2 đầu nhọn. Thịt màu đỏ vàng, nhân trắng ngần có hạt, khi ăn cảm nhận được vị bùi và ngậy. Trám đen gồm 2 loại là trám nếp và trám tẻ, trong đó trám nếp được ưa chuộng hơn do có thịt dai mềm.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Huyện Bạch Thông, Chợ Mới hoặc Ngân Sơn, Bắc Kạn
12Chuối hột rừng
Chuối hột rừng có hoa mọc màu đỏ thẫm, mọc thẳng từ trên đỉnh chứ không chúi xuống như giống chuối thông thường. Quả chuối khi chín có màu vàng đẹp mắt, bên trong nhiều hột. Chuối càng nhỏ càng nhiều nhựa nên thường được người địa phương hái về để nấu rượu hoặc làm dược phẩm chữa đau lưng, nhức mỏi.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Đường lên ao Tiên, Xã Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
13 Mứt mận
Mận được trồng ở nhiều nên. Nhưng chỉ khi du lịch Bắc Kạn, bạn mới tìm thấy giống mận vàng quả to bắt mắt. Dưới bàn tay khéo léo của người dân địa phương, mận sau khi thu hoạch được chế biến món mứt có màu nâu sậm hấp dẫn. Cắn thử một miếng mứt liền cảm nhận được vị ngọt lịm, dai ngon khiến ai nấy đều quên mất rằng chúng được làm từ những quả mận vốn chua và chát. Đây là đặc sản Bắc Kạn lý tưởng để mua về làm quà.
Gợi ý địa chỉ mua:
- Chợ Đức Xuân, Đường Trường Chinh, Phùng Chí Kiên, Bắc Kạn
Hy vọng danh sách 13 đặc sản Bắc Kạn trên đây sẽ giúp bạn thưởng thức trọn vẹn hương vị núi rừng, từ những món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân địa phương đến các loại bánh mứt, trái ngọt... Lưu ngay vào cẩm nang du lịch cá nhân để không quên mang theo trong hành trình xách balo vi vu khám các tỉnh Đông Bắc.