1Vài nét về dân tộc Kháng
Cũng như một số dân tộc thiểu số khác, dân tộc Kháng có rất nhiều tên gọi khác nhau như , Quảng Lâm, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Khao, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Dâng, Xá Bung, tuy nhiên cộng đồng có tên gọi chính thức do Nhà nước ta công nhận là dân tộc Kháng.
Như MIA.vn đã đề cập ở trên, dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở Mộc Châu nói riêng và vùng núi Tây Bắc Việt Nam nói chung, đồng thời họ cũng là một trong số các dân tộc cư trú lâu đời nhất ở khu vực này đó nha! MIA.vn bật mí thêm cho bạn một tí nè, nếu muốn gặp người Kháng hãy xách ba lô lên và đi Mộc Châu (Sơn La), Lai Châu hoặc Điện Biên, đặc biệt dân số của họ hiện nay là hơn 16.000 người nên sẽ không quá khó khăn để bạn có thể gặp gỡ những con người dễ mến này!
2Con người và cuộc sống của người dân tộc Kháng ở Mộc Châu
Nhắc đến đời sống của một tập thể thì điều đầu tiên phải nhắc đến ngôn ngữ của họ phải không nào? Người Kháng nói tiếng Kháng, là một tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á) và họ cũng rất thạo tiếng Thái. Một “fun fact” khá thú vị về ngôn ngữ Kháng là vị trí của nó trong nhánh Môn-Khmer chưa được xác định rõ ràng, tiếng Kháng được cho là thuộc ngữ chi Khơ Mú hoặc ngữ chi Palaung.
Nghe hơi hơi “hack não” rồi phải không? Vậy bây giờ mình đi lượn sang bàn ăn của người Kháng xem ẩm thực của họ có nét gì đặc sắc để đỡ bối rối với kiến thức trước đó nhé! Có thể nói rằng ẩm thực của dân tộc Kháng rất đậm vị vì bên cạnh xôi, họ rất thích ăn các món có vị chua, cay như: cá ướp chua, dưa lá củ ráy ngứa, món hỗn hợp gồm lá lốt, thịt, ớt, tỏi, rau thơm hòa trộn, đồ chín,...Ngoài ra, bạn sẽ phải “há hốc mồm” vì ngạc nhiên khi nhìn thấy người Kháng uống rượu bằng…mũi, và đây cũng chính là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc họ. Các loại rượu ưa thích của họ cũng rất quen thuộc với chúng ta, như rượu trắng và đặc biệt là Rượu cần Mộc Châu- một nét đẹp vô cùng độc đáo trong nền ẩm thực tại đây; đồng thời họ cũng có thói quen hút thuốc lá và thuốc lào.
Khi MIA.vn kể cho bạn nghe rằng dân tộc Kháng họ rất thạo tiếng Thái, bạn có thắc mắc vì sao không? Đó chính là vì họ sống rất gần gũi với cộng đồng dân tộc Thái, cũng vì vậy mà nhiều nét văn hóa của họ cũng dần biến đổi giống với văn hóa dân tộc Thái, dễ thấy nhất là ở trang phục ở hai bên có nhiều điểm tương đồng với nhau. Trang phục thường ngày của phụ nữ Kháng là váy đen, áo cóm với cổ chữ V khoét sâu và kèm theo thắt lưng xanh. Trên viền nẹp áo được khâu thêm dải vải màu sắc rực rỡ, trên hai vai áo họ đính hai dải vải màu đỏ buông xuống trước ngực. Trang phục sinh hoạt thường ngày của đàn ông thường là quần chân què, áo chàm xẻ ngực
Tuy nhiên ngày nay, những bộ trang phục thường ngày của họ cũng đã dần thay đổi, phụ nữ dân tộc Kháng cũng sử dụng cả những chiếc áo sơ mi giống người dân tộc Kinh, đàn ông mặc áo sơ mi, quần Tây và trang phục truyền thống họ chỉ dành cho những dịp hội hè, lễ Tết.
Người Kháng sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp như nhiều dân tộc thiểu số khác. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy nét văn hóa độc đáo của người Kháng còn thể hiện ở phương thức làm rẫy: làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt -phương thức làm nông nghiệp nương rẫy cổ xưa nhất có từ thời văn hóa Đông Sơn. Phương thức làm rẫy đặc biệt này xuất phát từ quan niệm của dân tộc Kháng về vũ trụ và mang dấu ấn của tục thờ thần Mặt Trời.
Bên cạnh đó người Kháng cũng chăn nuôi gia súc và gia cầm. Khi có dịp ghé thăm bản của người Kháng, MIA.vn gợi ý bạn hãy mua một vài món đồ gia công của những con người tài hoa này nhé, vì bên cạnh chăm chỉ cần cù làm nông nghiệp, họ còn thể hiện sự khéo léo của mình qua các món đồ đan lát do chính tay họ làm như ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi, …. và rất được người Thái ưa dùng. Đặc biệt họ cũng trao đổi hàng hóa với người Thái như trồng bông rồi đem đổi lấy vải và quần áo của người Thái, đổi thuyền đuôi én cho người Thái để lấy nông thổ sản.
3Phong tục, tập quán của dân tộc Kháng
Để MIA.vn dẫn bạn đi xem cưới xin của người Kháng trông như thế nào nhé! Mô tả ngắn gọn thì ở đây trai gái yêu nhau rất tự do, nhưng đến khi cưới thì ôi thôi, rất nhiều nghi thức phải tiến hành. Trước đó họ được thoải mái tìm hiểu nhau và ngủ lại nhà người con gái trong 4 năm, khi đôi bên ưng ý nhau họ sẽ tiến hành làm lễ ăn hỏi. Bạn nghĩ rằng đến đây chàng rể sớm có thể đưa nàng về dinh rồi ư? Không đâu, xong lễ ăn hỏi vẫn còn rất nhiều công đoạn đang chờ cặp vợ chồng tương lai lẫn gia đình hai bên thực hiện. Ngoài ra, chàng rể phải về ở nhà nàng dâu trong 3 năm, sau đó đôi vợ chồng sẽ làm lễ ra mắt hai họ, nhà trai mới tổ chức đón dâu và đây chính là lễ quan trọng nhất.
Khi một ai đó trong tộc qua đời, gia đình của họ sẽ đặt lên trên đầu mộ các món đồ vật như chăn, đệm, dao, bát, đĩa,.. lẫn những món đồ mà người quá cố hay dùng.
Người Kháng quan niệm rằng con người có 5 linh hồn, một hồn chính ở trên đầu và bốn hồn ở tứ chi. Khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, bốn hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi "ăn". Ngoài ra họ cũng có tục thờ ma bố và ma mẹ, và cứ 3 năm một lần họ sẽ tổ chức lễ cúng bố mẹ. Đây là lễ đông vui nhất vì họ sẽ mời các anh em, bà con trong bản tới dự bữa cơm, sau đó xoè, múa thâu đêm.
Người Kháng ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới và thực hiện các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp nương rẫy. Bạn biết không, người Kháng còn có một lễ hội rất nổi tiếng, đặc biệt được người dân ở tỉnh Điện Biên quan tâm và lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó chính là lễ hội Pang phoóng, và khi tham dự lễ hội này bạn sẽ thấy được phẩm chất chân chất, bình dị của người dân tộc Kháng. Họ tổ chức lễ hội này với mong cầu không gì hơn ngoài cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm được nhiều ruộng nương tươi tốt và lúa gạo, nuôi trâu bò khỏe mạnh và nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển. Đồng thời đây còn là dịp để họ tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, anh em con cháu trong dòng họ luôn đồng lòng yêu thương nhau và nhắc nhở thế hệ sau phải nhớ lấy cội nguồn, tổ tiên để rèn tâm dưỡng đức, là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng,
Nếu muốn tham dự lễ hội này, bạn hãy đến vào những tháng 10, 11, 12 nhé, đây là khoảng thời gian họ gặt xong vụ mùa và đặc biệt, bạn nên chú ý thời điểm vì lễ hội này chỉ được tổ chức 3-4 năm một lần. Bữa cơm của họ diễn ra rất ấm cúng và thân mật, và điều đáng mong chờ nhất trong ngày vui này chính là phần hội. Họ sẽ ca hát, chung vui với điệu nhảy “Xé pang”, điệu múa cách điệu về nghi thức chọc lỗ tra hạt truyền thống trên nền âm thanh sôi nổi của những nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng, chum chọe, song song đó là ca về những bài hát thể hiện tình đoàn kết dân tộc.
Ngoài lễ hội của người dân tộc Kháng, khi lên Mộc Châu vẫn còn nhiều lễ hội của các dân tộc khác đang chờ đó bạn đó, như Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu của người Thái, Tết Độc Lập Mộc Châu của người Mông,... hoặc thú vị hơn còn có Lễ hội khinh khí cầu Mộc Châu.