1Bản Luốc – Sán Sả Hồ - Nơi những thửa ruộng bậc thang nên thơ tọa lạc
Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây Hà Giang, với địa hình chủ yếu là đồi núi trên thượng nguồn sông Chảy. Nơi đây có 23 xã. Bên cạnh xã nổi tiếng, nhiều du khách tham quan như Bản Phùng thì phần lớn các xã còn lại ở Hoàng Su Phì cũng khá hoang sơ và vắng vẻ. Phần lớn người dân địa phương tại đây đều là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất có lẽ chính là người La Chí. Mọi người sống chan hòa, cần mẫn và dung dị. Các gia đình đa số đều trồng trọt và chăn nuôi, đến mỗi cuối tuần sẽ đem sản phẩm mình sản xuất được mang ra chợ phiên để bán hoặc trao đổi.
Du lịch đến Bản Luốc, du khách sẽ có thể rảo bước trên những con đường đất, lắng nghe tiếng gió lao xao bên cành lá. Thỏa mãn ánh nhìn của mình bằng những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng ươm, bạt ngàn trải dài khắp các sườn núi. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy sẽ giúp ta an yên trong lòng, hòa mình vào vào vòng tay của mẹ thiên nhiên. Bản Luốc là một vùng đất của những mảnh ruộng bậc thang kéo dài đến tận chân trời, đảm bảo sẽ cho bạn nhiều bức ảnh lung linh.
Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 16 km, Sán Sả Hồ, giáp với Bản Luốc cũng là một điểm đến cực kỳ thuận tiện mà bạn cũng nên ghé thăm. Phía Bắc giáp xã Tụ Nhận, phía Đông giáp xã Tụ Nhân và Bản Luốc, phía Nam giáp xã Hồ Thầu, phía Tây giáp xã Pờ Ly Ngài. Chính vì thế, từ đây bạn có thể dễ dàng di chuyển đến các xã khác của Hoàng Su Phì.
Xã Sán Sả Hồ thu hút không nhiều du khách dù tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu trong lành mát mẻ. Đặc biệt, xã có quần thể ruộng bậc thang nằm trong vùng Di sản danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì với diện tích hơn 130 ha. Với hệ thống thảm thực vật phong phú cùng với nhiều thác nước dòng suối chảy quả nơi đây rất phù hợp phát triển loại hình du lịch đi bộ khám phá kết nối với các điểm du lịch trong vùng như đỉnh Chiêu Lầu Thi.
Nếu du khách có dịp tới Sán Sả Hồ vào mùa lúa chín từ khoảng tháng 9 đến tháng 10 thì sẽ thấy được nổi bật trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng là những ngôi nhà sàn dân dã, đơn sơ của người dân tộc Nùng, Tày rộng rãi, thoáng mát nằm ở lưng đồi. Chúng tạo nên một bức tranh sinh động về đất và người nơi đây. Tới đây du khách sẽ được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, những nét văn hóa đặc sắc, riêng có của đồng bào dân tộc Nùng chiếm 80% dân số của xã. Bên cạnh đó còn có thể tìm hiểu kỹ thuật se sợi, dệt vải bông truyền thống của dân tộc Tày.
2Đến Bản Luốc - Sán Sả Hồ để ngắm thửa ruộng bậc thang rộng nhất Hoàng Su Phì
Thời điểm Bản Luốc – Sán Sả Hồ nên thơ cũng như rạng rỡ nhất có lẽ chính là khi vào mùa lúa chín. Lúc này, cả bản làng lại ngập tràn trong sắc vàng, lại càng thêm sặc sỡ dưới ánh nắng mặt trời vùng cao. Cả thung lũng trở nên lấp lánh màu của sự no ấm, màu của mùa gặt của người dân địa phương. Bạn nên đến đây vào khoảng đầu đến giữa tháng Chín để có thể thấy được cả đồng lúa chín vàng ươm chưa được thu hoạch. Còn nếu đến quá muộn thì người dân đã thu hoạch xong hết lúa, cả cánh đồng sẽ chỉ có mỗi màu xám đen của bùn đất. Chẳng mấy lãng mạn hay mộng mơ đâu. Ngoài ra, bạn cũng tránh đi vào những tháng mùa mưa. Lúc này không những đường trơn trượt, khó đi mà nguy cơ đá lở cũng rất lớn, cực kỳ nguy hiểm để đi phượt đường đèo.
Xem thêm: Về Nậm Ty mùa lúa chín tại Hoàng Su Phì
Nguyên nhân lớn nhất mà nơi đây không thu hút được quá nhiều du khách tham quan đó chính là vì đường xá khi đi vào đây khá ngoằn ngoèo và quanh co, lại xa xôi nên du khách khá ái ngại. Phần lớn người dân ở đây là người dân tộc, ít nói tiếng Kinh nên việc giao tiếp cũng không được thuận tiện. Du khách phải đi qua nhiều con dốc ngoằn ngoèo, những khúc cua hiểm trở mới có thể đến được đây. Chính vì thế, mọi người thường hay kháo nhau rằng: “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê”.
Nếu đi từ hướng Tuyên Quang đi lên thì đến quốc lộ 2 thuộc địa phận Hà Giang được khoảng 50km, bạn sẽ thấy ngã 3 Tân Quang thuộc huyện Bắc Quang. Lúc này nếu rẽ trái thì bạn sẽ đi Hoàng Su Phì, còn chạy thẳng các bạn sẽ tới thành phố Hà Giang. Sau khi đã rẽ trái thì lúc này bạn chỉ cần chạy thẳng mãi là sẽ bắt đầu thấy những thửa ruộng bậc thang hiện ra dưới làn sương mờ ảo vào buổi sáng sớm. Đây chính là báo hiệu bạn đã đi đến được khu vực Nậm Ty, Thông Nguyên rồi đấy! Bây giờ thì bạn chỉ cần tiếp tục chạy thẳng, chạy thẳng là đã đến nơi. Các khu vực ở Hoàng Su Phì đều kha khá giống nhau nên bạn cẩn thận kẻo bị nhầm nhé.
3Ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên nơi Bản Luốc - Sán Sả Hồ
Đặc sắc nhất tại cả hai Bản Luốc và Sán Sả Hồ chắc chắn là những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín. Lúc này cả một vùng trời thung lũng đều nhuộm một màu vàng ươm của lúa chín rũ. Bạn nên xem review trước để đoán được thời gian đến được đây vào lúc lúa chín đẹp nhất và người dân vẫn chưa thu hoạch. Đứng từ trên cao bạn sẽ thấy một bức tranh thiên nhiên sinh động với những thửa ruộng bậc thang lắp ló sau màn mây nhàn nhạt, thấp thoáng là những mái nhà gỗ. Quả không hổ danh là một trong những Di sản quốc gia về ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. Đặc biệt hơn nữa là trên đoạn đường đến với Bản Luốc thì bạn sẽ đi ngang qua những căn chòi được người dân dựng lên, có thể nhìn toàn cảnh không gian ruộng bậc thang rất đẹp. Bạn có thể xin phép lên chụp ảnh hoàn toàn miễn phí đó nha.
4Khám phá ẩm thực Đông Bắc tại Bản Luốc – Sán Sả Hồ
Đến với Bản Luốc – Sán Sả Hồ thì cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản ở nơi này bạn nhé!. Nơi đây không những có ruộng bậc thang tuyệt đẹp mà cũng còn có những món ngon tuyệt vời cho bạn thưởng thức và nhớ nhung đó. Trong đó, có thể kể đến như cơm lam muối vừng, cá chép ruộng, cốm nếp Hoàng Su Phì hay thịt chuột. Một số món nghe có thể hơi đáng sợ một chút tuy nhiên với kỹ thuật chế biến món ăn của người dân Đông Bắc thì bạn cũng không cần quá lo lắng đâu nhé!
Bản Luốc – Sán Sả Hồ đều là những danh lam thắng cảnh, địa điểm tham quan thiên nhiên đặc biệt đẹp đẽ tại Hoàng Su Phì, Hà Giang. Dù đi đâu, về đâu về đâu bạn cũng sẽ khó mà thấy được những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ như ở nơi này. Nếu có dịp khám phá Hà Giang, đừng quên khám phá cả Bản Luốc – Sán Sả Hồ bạn nhé.