1Giới thiệu Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình
Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình là một trong những ngôi chùa cổ may mắn còn được lưu giữ lại sau thời kỳ chiến tranh như Chùa Ngoạ Cương Quảng Bình. Hiện tại chùa tọa lạc ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch. Mọi người chạy theo tuyến đường 1A Bắc Nam tới phía Nam cầu Lý Hòa thì rẽ về phía Đông 2km là đến nơi.
Xem thêm: Thăm Chùa An Xá Quảng Bình và vẻ đẹp thanh tịnh, bình an
2Khám phá ngôi chùa nổi tiếng
Theo người lớn trong vùng thì tháng 7/1802 vào thời vua Gia Long đã có một ngư dân tên Hồ Lương Đường kéo lên một pho tượng bằng đá khi đi đánh cá ngoài biển. Sau đó ông sợ hãi trả tượng Phật xuống biển và quay trở về nhà. Hôm sau, ông lại đi biển và chọn khu vực xa chỗ thả lưới hôm qua nhưng khi kéo lưới lên vẫn thấy pho tượng ấy xuất hiện.
Lúc này ông không trả tượng Phật về nữa mà nghĩ rằng có lẽ đây chính là ý trời, lộc trời ban cho làng chài, phổ độ chúng sinh có những chuyến đi đánh cá đầy thuyền, sóng yên biển lặng. Thế nên ông không tiếp tục đánh cá nữa mà cẩn thận đưa pho tượng đặt lên gò cát cao có vị thế đẹp. Đến ngày thứ ba người đàn ông này lại tiếp tục kéo lên được bệ đá, hai chiếc cối và hai chiếc chày bằng đá và cũng đưa đến gò cát cao ấy, sau đó báo cho cả làng biết.
Để cảm tạ trời đất và giữ gìn ơn huệ được ban cho, người dân nơi đây đã dựng nên ngôi nhà bằng tre lợp tranh thờ phụng đức phật Quan Âm để cầu may cầu an. Người xưa trong vùng hay nói với nhau rằng trước khi may mắn gặp tượng Phật vùng biển nơi đây khá bất ổn. Chuyến đi biển nào về cũng không thu được nhiều cá tôm và còn bất trắc nữa. Kể từ ngày duyên trời ban gặp được tượng Phật và dựng chùa thì mọi chuyện cũng suôn sẻ hơn hẳn.
Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình có quy mô khá lớn và nằm ngay trên một khu đất cao khoảng 15m và rộng tầm 10.000m2. Từ trên cao nhìn xuống bạn có thể thấy kiến trúc chùa như một bông sen khổng lồ nằm ngay sát biển và ngã ba sông Lý Hòa, thuận tiện cho mọi người đi thăm thú trên đường bộ lẫn đường thủy.
Vật liệu chính cấu thành chùa là gỗ lim và theo phong cách kiến trúc phương Đông với hàng rào xung quanh. Trong chùa có tiền đường, thượng điện, tam quan, nhà thờ tổ gác chuông. Không như những chùa khác của Việt Nam, phần lớn đều do giai cấp quý tộc và đồng minh xây dựng nên thể thức không mang âm hưởng dân gian, Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình được nhiều cánh thợ từ nhiều nơi đến xây từng bộ phận khác nhau. Do đó các nhóm thợ cũng có tính cạnh tranh hơn, họ cũng có tính chất tự do không bị thế lực nào gò bó, câu thúc.
Đây cũng là lý do các tác phẩm điêu khắc tại chùa có hình trang trí đầy tính sáng tạo. Hình rồng hay hình phượng mỗi con lại một vẻ khác nhau, xung quanh chùa thì có vườn cây thoáng đãng và bình yên.
Ban đầu Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình chỉ thờ tượng Quan Âm vớt dưới biển lên, càng về sau có nơi thờ phụng trang nghiêm hơn nên tăng ni và phật tử cũng thỉnh về hoặc các cao tăng vật tự cũng tiến cúng. Phật điện dần nhiều lên, hiện trong chùa đang có tượng Hộ Pháp, bộ tượng Tam Thế, A Di Đà… tổng cộng tất cả là 30 pho tượng.
Toàn bộ tượng đều được làm bằng các chất liệu khác nhau như là đồng gỗ, đá có niên đại từ thế kỷ 18 đến 19. Các bức hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng phần lớn nói về phật pháp nhiệm màu và có nhiều bức đại tự.
Hiện trong chùa có một số hiện vật vô cùng quý hiếm là 2 chiếc cối đá, 2 chiếc chày đá niên đại từ thế kỷ thứ 7-8; 2 chiếc đại hồng dung đúc thời vua Tự Đức; chiếc chuông nặng 800kg. Trên chuông là bài văn bia ca ngợi chốn danh lam thắng tích, nhắc đến truyền thuyết vớt tượng Quan Âm ngày xưa.
Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình qua khoảng 140 năm tồn tại, đến tháng 5/1972 đã bị ném bom thiệt hại nặng nề, phá hủy gần như hoàn toàn chỉ còn lại phần cổng chính. Trong suốt những năm tháng chiến đấu chống đế quốc Mỹ, chùa đã trở thành cơ sở cách mạng, che chở và nuôi giấu cán bộ. Nơi đây cũng đã chứng kiến nhiều lần kết nạp đội viên du kích, lễ tuyên thệ của các chiến sĩ cảm tử quân trước khi ra trận. Những người ban ngày là dân chài hay Phật tử thì ban đêm lại là du kích đi đánh đồn giặc, ngăn địch hành quân cướp bóc và đốt phá.
Chùa nằm ngay cạnh cửa sông Lý Hòa, sát biển nên sở hữu phong cảnh hữu tình. Từ đây chúng ta có thể chiêm ngưỡng được rừng phi lao, rừng thông xanh ở phía xa xa. Trên độ cao 15m, dường như không khí xung quanh cũng thoáng đãng hơn hẳn so với những nơi khác. Chỉ cần bước chân vào đây là chúng ta đã cảm nhận được sự thanh tịnh, thư thái đến lạ thường.
Năm 1991, trên tinh thần về cội nguồn và gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc, các tín đồ đã góp công góp của xây lại chùa khang trang như hiện tại. Năm 2000, UBND tỉnh đã công nhận Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình là di tích kiến trúc – nghệ thuật – tôn giáo.
Chùa cũng có nhiều lễ hội, phần lớn được chùa tự tổ chức. Hằng năm đến rằm tháng 4 (Âm Lịch) – ngày Phật đản sẽ có lễ vô cùng lớn, thu hút đông đảo người về viếng chùa dâng hương.
Đến Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình bên cạnh ngắm cảnh đẹp thiên nhiên thì khi ra về chúng ta còn được thưởng thức và mua nhiều đặc sản biển về làm quà, chẳng hạn như Mực nhảy Quảng Bình. Nếu chưa biết những Địa chỉ mua đặc sản Quảng Bình cụ thể thì có thể tham khảo thêm trên website của MIA.vn nhé. Mong bạn sẽ có được một chuyến đi nhiều kỷ niệm tại đây.