Địa chỉ: thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định

Vé vào cửa: Miễn phí

Thời gian lý tưởng để viếng chùa Bà Nước Mặn: 7h30 - 11h30 và 14h00 - 17h30.

Chùa Bà Nước Mặn là ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc và nổi tiếng về sự linh thiêng. Chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu – vị thần bảo vệ tàu thuyền trên biển theo tín ngưỡng của người dân nơi đây. Ngôi chùa này gắn bó với sự hưng thịnh của cảng thị Nước Mặn trong suốt gần 4 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Ngày nay mỗi dịp xuân về, chùa trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách thập phương.

Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận “Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn” tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của tỉnh Bình Định, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự mỗi dịp đầu năm.

Xem thêm: Top 9 địa điểm du lịch Bình Định đẹp quên lối về

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 2

Chùa Bà Nước Mặn là ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc và nổi tiếng về sự linh thiêng tại Bình Định. Ảnh: Quy Nhon Hotel

Vào thế kỷ XVI - XVII, nhiều người Hoa di cư đến thương cảng Nước Mặn, lập nên những khu phố buôn bán sầm uất và mang theo tín ngưỡng của họ, bao gồm cả tín ngưỡng thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được xây dựng trong giai đoạn này.

Đến giữa thế kỷ XVIII, khi biển rút xa, tàu thuyền lớn không thể cập bến, cảng thị Nước Mặn bắt đầu suy thoái. Sau các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều di tích của cảng thị bị phá hủy, chùa Bà trở thành công trình duy nhất còn lại, được chính quyền địa phương tu bổ và gìn giữ đến ngày nay.

Chùa Bà có lối kiến trúc Nam Hoa theo kiểu chữ Nhất, quay mặt về hướng Nam và nằm cạnh sông Cầu Ngói - một nhánh của sông Cây Đa. Trước chùa là một hồ nhỏ, sau đó là bức bình phong án ngữ trước lối vào chính. Mặt trước của bình phong được trang trí với hình Long Mã và bát quái, dựa theo tích “Long Mã hà đồ” trong Phật giáo, còn mặt sau là hình chim phượng – một trong "Tứ linh" thường thấy ở các đình chùa.

Chùa có mái cong hình thuyền, trên đỉnh trang trí lưỡng long triều nguyệt, hai đầu mái là hình chim phượng, và các hoa văn riềm mái được ghép từ mảnh men sứ.

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 3

Chùa Bà Nước Mặn có lối kiến trúc Nam Hoa. Ảnh: Quy Nhon Hotel

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 4

Mặt trước của bình phong được trang trí với hình Long Mã và bát quái. Ảnh: Quy Nhon Hotel

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 5

Chùa còn được trạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo. Ảnh: Quy Nhon Hotel

Chùa Bà Nước Mặn gồm ba gian. Gian chính thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, đi hài mũi cong, khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu và trầm tư. Hai bên là tượng của Thiên Nhĩ và Thiên Nhãn. Dưới bàn thờ là hai tượng thần Hổ với tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề bốn chữ "Hộ quốc tý dân" do vua triều Nguyễn ban tặng.

Gian bên trái thờ Thần Hoàng làng, phía trước là bàn thờ Tam sự, hai bên là tượng của Thần Hữu Du và Tả Du, được coi là hai vị Thần hộ pháp. Phía trên treo bức hoành phi khắc chữ “Phúc ấm trùng quang” mang ý nghĩa phúc lành lâu bền.

Gian bên phải thờ Bà Thai Sanh Thánh Mẫu, tượng được chạm khắc bằng gỗ trong tư thế ngồi, sơn son thếp vàng, mang hài, mặc triều phục vàng, tay cầm bút tàu và cuộn vải phán. Hai bên có hai tượng Ngựa sơn đỏ và phía trước là tượng 12 Bà Mụ trong tư thế bồng con. Phía trên treo bức hoành phi với ba chữ “Tư sanh đức”.

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 6

Không gian bên trong Chùa Bà Nước Mặn. Ảnh: VOV

Chùa Bà là một công trình kiến trúc cổ kính gắn liền với lễ hội Đô thị Nước Mặn diễn ra vào cuối tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, mang đậm giá trị tâm linh và văn hóa tinh thần của người dân Bình Định. Dù cảng thị Nước Mặn đã suy tàn qua hàng trăm năm, lễ hội này vẫn được duy trì và truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội nổi bật với các nghi lễ nghinh thần, rước sắc và các biểu tượng ngư - tiều - canh - mục và được coi như cái Tết quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên đán đối với người dân xã Phước Quang.

Chùa Bà và lễ hội Đô thị Nước Mặn là kết quả của sự dung hòa văn hóa giữa các cộng đồng dân cư tại cảng thị Nước Mặn xưa, gồm người Chăm, người Việt và người Hoa. Nghi lễ tế tại lễ hội thể hiện rõ nét sự giao thoa tín ngưỡng Việt - Hoa trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Các vị thần của cả hai dân tộc đều được rước về chùa Bà để mọi người đến chiêm bái và thỉnh cầu. Đặc biệt, sự hiện diện của thần Thành Hoàng với ngai thờ riêng cho thấy, dù là thần của người Việt hay người Hoa, tất cả đều dưới sự cai quản của Thành Hoàng địa phương.

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 7

Không khí nhộn nhịp mùa Lễ hội Đô thị Nước Mặn. Ảnh: Văn Nghệ Bình Định

Từ Quy Nhơn, bạn có thể đến chùa bằng ô tô hoặc xe máy.

Thuê ô tô đi Chùa Bà

Từ thành phố Quy Nhơn, bạn có thể di chuyển đến Chùa Bà bằng ô tô. Hiện đã có nhiều dịch vụ thuê ô tô trọn gói tại Quy Nhơn với chi phí và thủ tục đơn giản, hợp lý.

Đến Chùa Bà bằng xe máy

Xe máy là phương tiện hợp lý nếu bạn yêu thích khám phá và trải nghiệm, giúp bạn tiết kiệm thời gian, thoải mái ngắm cảnh và chủ động trong lịch trình tham quan.

Khi đi xe máy vào chùa, bạn cần dắt xe từ cổng và tuân thủ đúng quy định. Ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Đi đứng nhẹ nhàng, nói chuyện nhỏ nhẹ, không chen lấn. Không được mang giày dép vào Điện thờ. Vứt rác đúng nơi quy định.

Nếu bạn mang lễ vật cúng Bà, hãy đến Ban Lễ để được hướng dẫn làm Lễ. Khi cúng dường, có thể đặt vào hòm công đức hoặc liên hệ với Ban quản trị. Khi lễ Bà, không đội nón, hút thuốc lá, hoặc đốt nhiều nhang.

Nếu đi cùng trẻ nhỏ, cần nhắc nhở các bé không chạy nhảy, đặc biệt tránh xa những khu vực nguy hiểm như bờ hồ, bờ sông, nhà ăn.

Di tích Chùa Bà Nước Mặn vang danh xứ cảng thị một thời 8

Cây đa 16 nhánh bên trong chùa gắn liền với nguồn gốc đô thị Nước Mặn cổ và chữ Quốc ngữ. Ảnh: Quy Nhon Hotel

Chùa Bà Nước Mặn là một công trình kiến trúc Phật giáo nổi bật với vẻ đẹp kiến trúc độc đáo và sự linh thiêng tại Bình Định. Ngôi chùa luôn vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Bình Định, gắn liền với cảng thị Nước Mặn nổi danh một thời. Nếu có dịp du lịch đến Quy Nhơn hay Bình Định, bạn đừng bỏ qua địa điểm nổi tiếng này nhé!