1 Điện Voi Ré suy tôn lòng trung thành của loài voi
Địa chỉ: thôn Trường Bá, xã Thủy Biều, TP Huế
Điện Voi Ré (hay còn được biết đến với tên chính thức Long Châu Miếu) là một địa điểm ít được khách du lịch Huế biết đến. Quả thật chẳng mấy ai nhận ra rằng nơi đây có một điện thờ suy tôn lòng trung thành của loài voi – con vật trung thành cùng các chiến sĩ ra quân trong những trận chiến. Điện Voi Ré được xây vào năm 1817 dưới thời vua Gia Long với diện tích khoảng 2.000 m2 nằm trên đồi Thọ Cương. Các miếu tượng đài được dựng cũng có kích thước khoảng 2,6 m và rộng 2,2 m.
Kiến trúc trùng thiềm điệp ốc của Điện Voi Ré gây ấn tượng đặc biệt với 5 gian cùng 2 chái có mái lợp ngói liệt. Trước đây mộ Voi Ré và Voi Ô Long đã được đắp nổi hình chữ nhật và dùng đá thanh dựng bia. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Điện Voi Ré không phải là di tích có kiến trúc đặc sắc so với nhiều công trình khác ở cố đô, nhưng điện lại có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nó đến từ việc đây là nơi suy tôn lòng trung thành của những chú voi chiến dưới thời đại các vị vua nhà Nguyễn. Ngoài ra, Điện Voi Ré vừa là công trình mang ý nghĩa lịch sử, vừa đề cao sự trọng tình trọng nghĩa của người Việt xưa.
2 Hướng dẫn di chuyển đến Điện Voi Ré Huế
Điện Voi Ré thuộc khu vực thôn Trường Bá, cách trung tâm Huế khoảng 5 km nên khá dễ dàng di chuyển. Theo kinh nghiệm du lịch bạn chỉ cần chạy theo hướng từ trung tâm thành phố ra đường Lê Lợi, rồi lại tiếp tục chạy thẳng về hướng Tây. Sau đó bạn sẽ thấy ngã 3 đường Bùi Thị Xuân, tiếp tục chạy về Phan Châu Trinh rồi rẽ phải. Cuối cùng chúng ta chỉ cần chạy thẳng tới 373 và rẽ vào khoảng 200 m sẽ thấy Điện Voi Ré. Bên cạnh sử dụng phương tiện cá nhân thì bạn cũng có thể di chuyển đến đây bằng taxi.
3 Tên gọi Điện Voi Ré xuất phát từ đâu?
Tương truyền, ngày xưa có một trận giao tranh giữa quân Đàng Trong và Đàng Ngoài vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Giữa trận chiến ấy đã có một dũng tướng Đàng Trong hy sinh. Quá tiếc thương chủ nhân của mình, coi voi của dũng tướng đó đã chạy tới tận thủ phủ Phú Xuân, sau đó đến đồi Thọ Cương thì rống lên một tiếng vang vọng cả đất trời rồi mất.
Người dân thấy vậy đã vô cùng tiếc thương và cảm động cho lòng trung thành của loài voi. Thế nên họ đã làm lễ an táng rồi dựng mộ cho nó. Sau khi đã hoàn thành, mọi người vẫn thường gọi nơi đây bằng cái tên thân thương mộ Voi Ré.
Về sau vua Gia Long đã cho dựng một điện thờ ngay kế bên mộ voi, rồi người dân mới đổi tên gọi dần thành Điện Voi Ré. Người xưa kể lại rằng những quản tượng khi xưa tin rằng khi đưa voi đến uống nước bên hồ cạnh điện thờ thì những chú voi sẽ được tăng thêm dũng khí và cũng có thêm nhiều vận may trên chiến trường. Thế nên họ vẫn thường dắt voi đến điện.
Sau khi Điện Voi Ré xây xong, triều đình cũng đã cấp thêm nhiều vàng bạc để tổ chức mỗi năm 2 lần tế lễ vào mùa xuân và mùa thu. Những con voi trung nghĩa thậm chí còn được suy tôn ngang hàng với thần linh. Đặc biệt người ta còn thờ thêm nhiều vị thần khác những mong các chú voi sẽ được bảo vệ và lập nhiều chiến tích.
4 Có gì đặc biệt đáng tham quan ở Điện Voi Ré?
Điện Voi Ré vẫn luôn nổi tiếng trong dân gian cũng không phải ngẫu nhiên, nhất là khi nó vừa có kiến trúc độc đáo vừa mang trong mình nhiều giai thoại lưu truyền từ hàng trăm năm qua.
4.1 Kiến trúc hoang sơ mà độc đáo của Điện Voi Ré
Điện Voi Ré được xây theo nguyên tắc phong thủy Đông Dương, với phần thành điện lồi ra ngoài làm bình phong để che chắn cho toàn bộ khuôn viên bên trong. Sau khi đi qua khu vực này bạn sẽ đến với hồ điện. Hồ được trồng đầy sen xung quanh. Đến mùa đông, mực nước hồ Điện Voi Ré có thể lên đến 1.000 m. Còn vào hè thì chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những bông sen hồng ấn tượng khoe sắc dưới đáy hồ.
Điện Voi Ré xây theo kiến trúc chữ “Môn” có vòng la thành bên ngoài, đằng trước là cổng tam quan có 17 bậc cấp đi lên, bên trên chính giữa chúng ta sẽ thấy lối chính có 3 chữ Hán bằng sành “ Nghiễm Nhược Lâm”. Vào thẳng lối chính là bình phong Long Mã trước mặt. Trước Tam Quan có hồ điện – nơi những chú voi uống nước.
Toàn bộ không gian bên trong Điện Voi Ré được trang trí bằng hệ thống liên ba gỗ với 104 ô hộc trình bày đơn giản. MIA.vn ghi nhận phần lớn các ô hộc có hình chữ Thọ theo lối triện và chim muông hoa lá. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng phần hậu viện của Điện Voi Ré, miếu thờ trước đây có 15 bài vị cho các thần hộ vệ. Hiện nay, ở Long Châu Miếu còn 4 bài vị thờ thần Thiên Sư, Chúa Động, Hồng Nương và thần Tiền Khai Khẩn. Mỗi bài vị được đặt trong khám tạo cảm giác rất uy nghiêm như một chiếc ngai cách điệu.
4.2 Bình phong Long Mã phủ kín rêu phong ấn tượng
Thẳng theo lối chính lên điện thờ Điện Voi Ré bạn có thể thấy một bức bình phong Long Mã đặc biệt thu hút ánh nhìn. Bức bình phong được thiết kế theo kiểu kiến trúc ngày xưa, nhưng hiện tại nó đã bị phủ kín rêu phong. Cũng bởi thế mà bình phong Long Mã mang một nét đẹp hoàn toàn khác biệt, cổ kính mà hoài cổ, thu hút đông đảo khách du lịch Huế đến chụp hình sống ảo.
4.3 Miếu thờ những chú voi
Ở hai bên Điện Voi Ré có 2 ngôi nhà thờ Đông Phối Điện và Tây Phối Điện. Cả hai đều được người dân địa phương sử dụng để làm chỗ thờ những chú voi có công trong thời kỳ xây dựng triều Nguyễn. Ngoài ra, khu vực này cũng được sử dụng để tiếp khách sau khi Điện Voi Ré đã thực hiện các nghi thức tế lễ.
Trước hai ngôi nhà này bạn có thể thấy có hai miếu phụ thờ thần vị voi, còn được biết đến với cái tên khác là miếu Tượng. Ngày xưa hai bên miếu ở phía trước đặt 4 bài vị đề tên tước hiệu của 4 chú voi đã lập nhiều chiến công trên sa trường: Đô Đốc Hùng Tượng Ré, Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ, Đô Đốc Hùng Tượng Bích và Đô Đốc Hùng Tượng Bôn.
5 Công trình hoang sơ được công nhận là di tích cấp quốc gia
Điện Voi Ré không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn đậm nét văn hóa độc đáo ít được nhiều khách du lịch Huế biết đến. Đặc biệt địa điểm này vốn dĩ cũng là một di tích của cố đô và đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1998.
Hãy ghé thăm Điện Voi Ré và tìm hiểu di tích văn hóa cố đô trong chuyến đi du lịch Huế của bạn. Hy vọng những thông tin hữu ích đã được MIA.vn tổng hợp trên đây sẽ giúp bạn có được một hành trình thật khó quên.