1Dinh Độc Lập ở đâu?
Địa chỉ: Số 135 Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3822 3652
Giờ mở cửa: 08:00 - 15:30
Tham khảo giá vé tham quan Dinh Độc Lập:
- Vé tham quan di tích:
+ Người lớn: 40.000 VND/ người
+ Sinh viên: 20.000 VND/ người
+ Trẻ em: 10.000 VND/ người
- Vé tham quan khu vực trưng bày "từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập":
+ Người lớn: 40.000 VND/ người
+ Sinh viên: 40.000 VND/ người
+ Trẻ em: 10.000 VND/ người
- Combo vé tham quan di tích và khu trưng bày "từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập":
+ Người lớn: 65.000 VND/ người
+ Sinh viên: 45.000 VND/ người
+ Trẻ em: 15.000 VND/ người
Dinh Độc Lập được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, nơi đây chính là biểu tượng cho chủ quyền dân tộc và hành trình đồng bào ta thống nhất hai miền.
2 Giới thiệu về Dinh Độc Lập
2.1 Tên gọi Dinh Độc Lập
Từ khi được xây dựng đến nay, Dinh Độc Lập đã trải qua rất nhiều lần đổi tên:
- Năm 1871, khi vừa xây dựng xong thì nơi đây được đặt tên là Dinh Norodom.
- Từ 1871 đến 1887, tên gọi đổi thành Dinh Thống đốc Nam Kỳ.
- Từ 1887 đến 1945, nơi đây được gọi là Dinh Toàn Quyền.
- Vào năm 1955, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là Ngô Đình Diệm đã đổi tên từ Dinh Toàn Quyền sang Dinh Độc Lập. Tên gọi này đã được giữ đến ngày hôm nay.
2.2 Giới thiệu về lịch sử Dinh Độc Lập
Năm 1867, sau khi thực dân Pháp chiếm được Nam Kỳ Lục Tỉnh thì đã cho thiết kế và xây dựng một Dinh thự quy mô tại đại lộ Norodom lúc bấy giờ (còn nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Dinh thự được xây dựng làm chỗ ở cho Thống đốc Nam kỳ La Grandière, thay thế cho Dinh cũ được ở đường Catinat ngày ấy (nay là đường Đồng Khởi).
Đến tháng 2 năm 1868, công trình chính thức được khởi công xây dựng dưới sự giám sát của kiến trúc sư Achille Antoine Hermite. Đến năm 1871 thì Dinh thự chính thức hoàn thành, được đặt tên là Dinh Norodom, theo tên của vị Quốc vương Campuchia cai trị trong những năm cuối thế kỷ 19.
Đến tháng 3 năm 1945, Nhật tiến vào Việt Nam và thực hiện cuộc đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Từ đó, Dinh Norodom trở thành nơi sinh sống làm việc của đội ngũ chính quyền cai trị Nhật Bản tại Việt Nam. Đến tháng 9 năm 1945, do thất bại nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật rút khỏi Việt Nam và Dinh Norodom lại về với chính quyền Pháp.
Tháng 5 năm 1954, sau khi Pháp ký Hiệp định Genève và đưa quân rút khỏi Việt Nam, chính phủ Pháp đã bàn giao Dinh Norodom cho chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, đại diện là Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, chính thức thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.
Tháng 2 năm 1962, sự kiện đảo chính diễn ra do phi công quân đội Việt Nam cộng hòa thực hiện đã khiến dinh Độc lập sập toàn bộ phần chính cánh trái do bom đạn. Hư hỏng quá nặng nề nên không thể xây dựng, khôi phục lại. Vì vậy đến tháng 7, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã san bằng dinh cũ và quyết định xây dựng một Dinh thự mới theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Tháng 11 năm 1963, khi Dinh Độc Lập đang trong quá trình xây dựng thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát. Vì vậy quá trình xây dựng Dinh dài hơn dự kiến, đến tháng 10 năm 1966 mới chính thức khánh thành. Người đứng ra tiếp quản công trình này là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Từ khi đi vào hoạt động đến tháng 4 năm 1975, Dinh Độc Lập là nơi sinh sống và làm việc của bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thống nhất đất nước thì Dinh Độc Lập trở thành di tích lịch sử, văn hóa được mở cửa đón khách tham quan.
3Sự độc đáo trong phong thủy của Dinh Độc Lập
Theo nghiên cứu của kiến trúc sư Huỳnh Văn Mười, trong quá trình xây dựng Dinh Độc Lập, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã rất khéo léo để kết hợp phong cách truyền thống phương Đông với sự hiện đại của phương Tây. Dinh được xây dựng với những lóng trúc và tạo thành các chiết tự chữ Hán như Cát, Khẩu, Trung - Tam, Chủ và Hưng.
Mặt bằng Dinh Độc Lập bố cục theo hình chữ Cát. Phần mặt tiền phía trước, bao lơn tầng 2 và tầng 3, mái hiên, 2 cột bọc gỗ dưới mái hiên kết hợp với nhau tạo thành chữ Hưng. Tầng thượng được đặt tên là Tứ phương vô sự lâu, thể hiện chữ Khẩu để giáo dục về sự tự do ngôn luận một cách đúng mực.
Đặc biệt là khi kết hợp tầng thượng Tứ phương vô sự lâu với cột cờ ở chính giữa lại tạo thành hình của chữ Trung. Phần nét gạch ngang tạo bởi mái hiên tiền sảnh, mái hiên tầng thượng và bao lơn danh dự tạo thành một chữ Tam đẹp mắt. Cuối cùng, từ chữ Tam đã được tạo thành, khi thêm vào một nét sổ dọc sẽ là chữ Vương, thêm dấu chấm kỳ đài trên cùng của Dinh Độc Lập lại tạo ra chữ Chủ.
Bên trong thiết kế của Dinh Độc Lập ẩn chứa rất nhiều sự thú vị, là tâm huyết của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Đến tận ngày nay, nhiều kiến trúc sư và nhà nghiên cứu lịch sử vẫn không ngừng tìm tòi để hiểu hết giá trị của công trình này.
4Khám phá bên trong Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập được chia thành 3 khu vực riêng biệt mà khi đến đây bạn nhất định phải tham quan trọn vẹn: Khu cố định, Khu chuyên đề và Khu bổ sung. Bên trong mỗi khu lại có những nét độc đáo và ý nghĩa riêng.
4.1. Khu cố định của Dinh Độc Lập
Khu cố định được xây dựng để là nơi làm việc, sinh hoạt cho đội ngũ chính quyền thời bấy giờ. Tại đây gồm các phòng: phòng khánh tiết, phòng đại yến, phòng các nội, hội đồng an ninh, phòng làm việc của Tổng thống, phòng của các quan chức chính phủ… Ngoài ra còn có khu riêng làm phòng ngủ, khu sinh hoạt, khu vực giải trí…
Lối kiến trúc thanh tao, nhã nhặn của Dinh Độc Lập khiến nhiều khách tham quan bất ngờ. Từng căn phòng đều được kiến trúc sư thiết kế chỉn chu, nội thất đơn giản nhưng sang trọng, đúng chất một công trình phục vụ bộ máy chính trị.
4.2 Khu chuyên đề
Khu chuyên đề là khu trưng bày các hiện vật lịch sử. Đồng thời, nơi đây cũng thường xuyên tổ chức những cuộc triển lãm lớn, phục vụ du khách đến tham quan. Khu chuyên đề sẽ mang đến cho bạn những sự hiểu biết mới mẻ, trực tiếp ngắm nhìn và hiểu hơn về một thời kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc. Dinh Độc Lập còn bố trí sẵn những hướng dẫn viên để thuyết trình về các chi tiết lịch sử ẩn sâu bên trong mà chưa được nhiều người biết tới.
4.3 Khu bổ sung trong Dinh Độc Lập
Khu bổ sung là nơi trưng bày, lưu giữ rất nhiều hình ảnh mang giá trị lịch sử to lớn. Chúng được nhiều nhà nghiên cứu dày công sưu tầm và gìn giữ để đưa đến cho các thế hệ mai sau.
Bên cạnh ba khu vực chính của Dinh Độc Lập, bạn đừng quên tham quan tầng hầm hoặc dạo chơi bên ngoài khuôn viên. Mỗi góc tại đây đều mang trên mình một vẻ đẹp riêng. Đặc biệt là với những bạn thích chụp ảnh thì bãi cỏ xanh mướt và những hàng cây được chăm chút tỉ mỉ sẽ là background tuyệt vời. Ghi lại những hình ảnh Dinh Độc Lập chắc chắn sẽ là kỉ niệm đáng nhớ khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh.
5Lưu ý khi tham quan Dinh Độc Lập
Để có chuyến tham quan Dinh Độc Lập thuận lợi, bạn hãy lưu ý một vài kinh nghiệm từ MIA.vn nhé:
- Chọn trang phục lịch sự, không mặc đồ quá ngắn, hở hang, phản cảm.
- Tuân thủ theo hướng dẫn từ nhân viên, bảo vệ tại Dinh.
- Không mang theo đồ ăn, thức uống vào Dinh Độc Lập.
- Không tự ý chạm vào tranh ảnh, hiện vật. Nếu gây ra tổn thất cho di tích, khách tham quan sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
- Không được mang các loại vũ khí, chất cháy nổ.
- Nên mua sơ đồ Dinh Độc Lập để thuận lợi trong quá trình tham quan.
Trên đây là các thông tin về Dinh Độc Lập từ cẩm nang du lịch MIA.vn. Đây chắc chắn là một địa điểm bạn không thể nào bỏ lỡ nếu có dịp đến với Thành phố Hồ Chí Minh.