Địa chỉ: 65 Đường Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3829 9741

Giờ mở cửa tham quan: 08:00 - 17:00

Giá vé tham quan tham khảo: 30.000 VNĐ/lượt (mỗi lượt tham quan 2 tiếng)

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 2

Dinh Gia Long và công trình có ý nghĩa rất to lớn với lịch sử Sài Gòn nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung

Nhắc đến dinh thự lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người sẽ chỉ biết đến Dinh Độc Lập, còn Dinh Gia Long thì chưa nghe đến bao giờ. Thực chất Dinh Gia Long hiện nay đã trở thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật quan trọng phản ánh lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Sài Gòn.

Dinh Gia Long nằm cách Dinh Độc Lập chỉ một con đường, giữa trung tâm quận 1 sầm uất. Vì vậy, với những bạn đến du lịch Sài Gòn thì chắc chắn không thể nào bỏ lỡ 2 địa điểm tham quan này. Dù đã trở thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Dinh Gia Long vẫn được nhắc đến với rất nhiều câu chuyện lịch sử và cả giai thoại thú vị.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 3

Ngày nay Dinh Gia Long đã trở thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Diện tích Dinh Gia Long khoảng gần 2ha, nằm giữa 4 con đường sầm uất là: Đường Lý Tự Trọng, đường Lê Thánh Tông, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Pasteur.

Theo MIA.vn tìm hiểu, Dinh Gia Long được bắt tay vào xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành vào năm 1890. Kiến trúc sư thiết kế nên công trình này là Foulhoux (1840 - 1892), đến từ Pháp. Ngoài Dinh Gia Long, ông còn là người đã thiết kế sơ lược nên một số những công trình nổi tiếng khác cho thành phố Sài Gòn, vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay như Tòa án thành phố, Bưu điện trung tâm, Trụ sở Hải quan…

Khi mới bắt đầu thiết kế, chính quyền thực dân Pháp đã yêu cầu Alfred Foulhoux tạo nên bản vẽ Viện Bảo Tàng Thương Mại với mục đích làm nơi triển lãm các sản phẩm của Nam Kỳ lúc bấy giờ. Khi gần hoàn thành, lại có lệnh công trình này sẽ trở thành tòa nhà là nơi cư trú của vị Phó Toàn Quyền Ðông Dương nên kiến trúc sư đã phải điều chỉnh lại bản thiết kế cho phù hợp.

Vị Phó Toàn Quyền Đông Dương đầu tiên tiếp quản Dinh Gia Long là ông Henri Eloi Danel (nhiệm kỳ từ 09/08/1889 đến 11/09/1892). Lúc bấy giờ người dân thường gọi tòa nhà này là Dinh Phó Soái.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 4

Những hình ảnh tư liệu khi Dinh Gia Long vừa được hoàn thành

Sau ông Henri Eloi Danel có thêm 14 vị Phó Toàn Quyền Đông Dương khác sinh sống và làm việc trong Dinh Gia Long. Đến năm 1912, chính phủ Pháp đã loại bỏ chức vụ Phó Toàn Quyền Ðông Dương, thay vào đó là Thống Ðốc Nam Kỳ. Trước năm 1945 có 16 vị Thống Đốc đã tiếp quản Dinh.

Trong giai đoạn Thế Chiến II (1939 - 1945), khi quân Nhật đánh vào Đông Dương và chiếm được các cơ sở chính quyền của Pháp thì Dinh Gia Long cũng chính thức đổi chủ. Nơi đây thuộc về chủ nhân mới là Thống Ðốc Nhựt Yoshio Minoda. Nhưng sau đó không lâu, trải qua hàng loạt những biến động chính trị, Dinh Gia Long lại được tiếp quản bởi Khâm Sai Nam Bộ là ông Nguyễn Văn Sâm, đại diện cho chính quyền của Vua Bảo Đại.

Tiếp theo đó là hàng loạt những biến cố lịch sử quan trọng đã xảy ra trong năm 1945. Dinh Gia Long liên tục đổi chủ, trở thành trụ sở của quân Nhật, quân Anh, quân Pháp, chính phủ Nam Kỳ Tự Trị.

Từ năm 1950 đến tháng 6/1954, Dinh Gia Long trở thành Dinh Thủ Hiến Nam Việt, nơi làm việc của chính quyền Ngô Ðình Diệm. Sau đó, Ðức Quốc Trưởng Bảo Ðại đã chính thức đặt tên cho công trình này là Dinh Gia Long.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 5

Hình ảnh Dinh Gia Long trong cuộc đảo chính năm 1963

Sau ngày 30/04/1945, Dinh Gia Long đã thuộc quyền quản lý của chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tạm thời để trống. Đến ngày ngày 13/12/1999 công trình này chính thức trở trụ sở của Viện Bảo Tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu bạn chưa biết thì Dinh Độc Lập mới chỉ được khánh thành vào ngày 30/10/1966, tức là 70 năm sau Dinh Gia Long. Vì vậy, nếu xét về giá trị lịch sử thì Dinh Gia Long mới là công trình chứng kiến suốt chiều dài biến động lịch sử của Sài Gòn kể từ khi thực dân Pháp đưa quân vào nước ta tới khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vì đã chuyển đổi thành Viện Bảo Tàng Thành phố Hồ Chí Minh nên tại Dinh Gia Long trưng bày rất nhiều hiện vật, tài liệu lịch sử quý giá. Bước vào bên trong Dinh thự, bạn sẽ thấy công trình này được xây dựng với phong cách kiến trúc phương Tây đậm nét. Mái trần cao, những họa tiết đắp nổi trên trần và cột, các cụm đèn pha lê lung linh tạo nên một không gian sang trọng, cổ điển.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 6

Kiến trúc tại đây mang đậm màu sắc phương Tây

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 7

Không gian sảnh đón khách vào tham quan

Ở tầng trệt của Dinh, nằm bên phải là phòng Công Nghiệp và Tiểu Thủ công Nghiệp. Tại đây trưng bày những hiện vật, sản phẩm của ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Sài Gòn vào thế kỷ 19 như đúc đồng, kim hoàn, gốm sứ, may mặc…

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 8

Các hiện vật tại phòng Công Nghiệp và Tiểu Thủ công Nghiệp

Đối diện với phòng Công Nghiệp và Tiểu Thủ công Nghiệp là phòng trưng bày Thương Cảng. Trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng thì Sài Gòn nổi tiếng nhất là với những thương cảng sầm uất, các khu chợ đông đúc như Bến Thành, chợ Lớn. Vì thế, gian phòng này lưu giữ hơn 500 hiện vật ghi lại dấu ấn quá trình hình thành và phát triển giao thương của Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 9

Phòng trưng bày Thương Cảng với những hiện vật thể hiện quá trình phát triển giao thương của Sài Gòn

Cũng tại tầng trệt, bạn đừng bỏ qua gian phòng về Thiên nhiên – Khảo cổ. Tại đây trưng bày rất nhiều cổ vật, hình ảnh và mô hình tái hiện lại quá trình hình thành nên vùng đất Phương Nam từ xa xưa.

Lên tầng một của Dinh Gia Long, các bạn sẽ thấy một gian phòng trưng bày “Tiền tệ Việt Nam”. Phòng này lưu giữ lại các mẫu tiền xu, tiền giấy từ xa xưa. Tiếp đến là ba phòng trưng bày kỷ vật kháng chiến, lưu giữ lại đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng rất hào hùng của quân và dân ta trong giai đoạn cách mạng chống Pháp và chống Mỹ.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 10

Phòng trưng bày các hiện vật và hình ảnh hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta

Trong thời gian sống và làm việc tại Dinh Gia Long, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng hầm bí mật. Theo nhiều hồ sơ lưu trữ, căn hầm này được xây dựng từ tháng 05/1962 đến tháng 10/1963 thì hoàn thành với tổng kinh phí 12.514.114 đồng. Căn hầm được đào sâu xuống 4m, xây dựng bằng xi măng cốt thép kiên cố với 4 cửa ra từ sắt đúc nguyên khối.

Đây được cho là căn hầm trú ẩn vì Tổng thống Ngô Đình Diệm đã dự đoán được sẽ có ngày xảy ra biến cố chính trị. Tuy nhiên, đến thời điểm cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 nổ ra, căn hầm vẫn chưa hoàn thành.

Dinh Gia Long, công trình gắn liền cùng biến động lịch sử Sài Gòn xưa 11

Bên trong hầm trú ẩn được Ngô Đình Diệm cho xây dựng tại Dinh Gia Long

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ở Sài Gòn có nhiều câu chuyện đồn thổi về căn hầm này. Nhiều người cho rằng đây là hầm thoát hiểm, nối liền đến chợ Lớn, đến cả Sông Sài Gòn để chính quyền ông Diệm có thể rút lui an toàn. Tuy nhiên sự thật thì hầm chỉ nằm trong khuôn viên Dinh để trú bom đạn và không có mật thất dẫn ra ngoài.

Trên đây là những thông tin về Dinh Gia Long, nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình lịch sử này là nơi sẽ mang đến cho bạn rất nhiều hiểu biết về quá trình hình thành nên Sài Gòn hoa lệ như ngày nay. Đừng quên theo dõi cẩm nang du lịch MIA.vn để có thêm thật nhiều kinh nghiệm cho hành trình xách vali đi chinh phục mọi miền Tổ quốc nhé.