1Lịch sử hình thành Đình thần ở Bình Phước
Tính đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 6 ngôi đình thần. Mỗi một ngôi đình đều có quá trình hình thành, đối tượng thờ cúng cũng như kiến trúc khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại những ngôi đình ở Bình Phước đều phản ánh một quá trình khai canh, khai cơ gắn liền với một vị Thành hoàng làng, Tiền Hiền, Hậu hiền thời kỳ khai sơn phá thạch từ năm 1850 -1962. Ngôi đình có niên đại sớm nhất là đình Thần Hưng Long (khu phố 4, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành) được khai sáng vào năm 1850. Trong khi đó, đình Thành Hoàng (khu phố Đức Hòa, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng) đến tận năm 1962 mới được khai sáng.
Bên cạnh đó, các Đình thần ở Bình Phước đều là nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử của một vùng đất, quá trình định cư sinh sống của một bộ phận cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thuận - Quảng trên hành trình Nam tiến tìm kiếm cuộc sống mới. Không những thế, các ngôi đình này đều góp công sức bằng khả năng của mình trong lịch sử công cuộc giải phóng đất nước. Các Đình thần ở Bình Phước được lựa chọn làm nơi đóng quân, kho chứa lương thực, thuốc men để phục vụ kháng chiến. Các ngôi đình đều có đặc điểm chung vừa phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên trải qua nhiều năm vừa chịu nhiều bom đạn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì thế, hầu hết các Đình thần ở Bình Phước đều trải qua quá trình di dời, xây dựng, trùng tu, tôn tạo tốn nhiều thời gian và công sức.
Trong các ngôi Đình thần ở Bình Phước, tín ngưỡng thờ cúng các vị thần có công trong việc xây dựng làng, xã từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa đẹp của người dân địa phương. Nét đẹp văn hóa này được giữ gìn từ xa xưa cho đến nay để tưởng nhớ công lao "Uống nước nhớ nguồn" đã góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, ấm no cho dân làng. Chính vì thế, hàng năm, các đình thần trở thành địa điểm tri ân của nhân dân đối với các thần linh thông qua nhiều nghi lễ truyền thống. Đây được xem là hoạt động góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa và thúc đẩy hoạt động du lịch Bình Phước. Một số đình tiêu biểu ở Bình Phước như: đình Thần Hưng Long (Chơn Thành), đình Tân Khai, đình Thanh An (Hớn Quản), đình Thần Hoàng (Bù Đăng)... Sau khi trải qua một ngày dài khám phá du lịch tâm linh tại các Đình thần ở Bình Phước, các bạn có thể tham khảo danh sách các quán ngon rẻ Bình Phước để trải nghiệm ẩm thực nơi đây.
2Khám phá Đình thần ở Bình Phước
Theo thông lệ hàng năm, mỗi đình đều phải tổ chức một lễ hội lớn nhỏ khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế vào những dịp lễ tiết. Theo kinh nghiệm của cẩm nang du lịch, hầu hết các Đình thần ở Bình Phước đều tổ chức vào các ngày như: lễ Thượng Nêu (29 - 30 tháng Chạp), lễ Hạ Nêu Khai Sơn (7 tháng Giêng), lễ Kỳ Yên (13 - 14 tháng 2 âm lịch) và lễ Cầu Bông (9 - 10 tháng 10 âm lịch).
Các nghi lễ tổ chức tại các đình thần nhằm mục đích cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, phong đăng hòa cốc... đồng thời có những nghi thức tống ôn, tống phong để bảo vệ làng xã. Những điều này có nghĩa là cầu mong cuộc sống của người được bình an, thời tiết thuận buồm xuôi gió để gặt hái mùa màng tốt tươi. Ngoài ra, một số đình còn là nơi diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống với những nét đặc sắc riêng. Các ông trâu sau khi chọi dù thắng hay thua đều không bị hiến tế mà sẽ được người dân chăm sóc chu đáo, phục vụ việc cày cấy đồng áng và nhân giống sau này.
Khi bước vào bên trong đình, không khí dịu mát khiến mỗi người đều có cảm giác như đã trút bỏ mọi vướng mắc, khó khăn trong đời sống để tịnh tâm chiêm bái. Không những thế, đây cũng là lúc bản thân hoàn toàn tập trung để có thể chiêm ngưỡng những nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo. Ngôi đình đang giữ gìn một di sản văn hóa nghệ thuật vô giá. Chính nhờ sự có mặt của các ngôi đình, người dân có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, khát vọng hướng thiện và tìm về cội nguồn dân tộc.
Nhắc đến du lịch tâm linh ở Bình Phước, ngoài các đình thần được xây dựng cách đây nhiều thiên niên kỷ, bạn có thể ghé thăm chùa Sóc Lớn, chùa Tứ Phương Tăng, chùa Đức Hạnh... để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cũng như trải nghiệm nét đẹp của những địa điểm này. Bên cạnh đó, nếu đến tìm hiểu về các Đình thần ở Bình Phước vào mùa xuân, bạn có thể dễ dàng tiếp xúc gần hơn với nét văn hóa, phong tục tập quán ở đây.
Xem thêm: Vãn cảnh Chùa Phật Quốc Vạn Thành với tượng Phật cao 73m đầy ấn tượng
Đình thần ở Bình Phước được xây dựng theo bố cục sắp đọi. Khi các bạn bước từ cổng vào trong ngôi đình, tấm bình phong giữa sân là điều đầu tiên mà mọi người nhìn thấy. Tấm bình phong được xây bằng gạch, trang trí bởi câu đối và nhiều chi tiết hoa văn độc đáo. Ngoài ra, tùy theo kinh tế và không gian của từng ngôi đình nên sẽ có thêm một số công trình phụ trợ khác như: Miếu thờ Mẫu, nhà bếp, nhà kho, đông lang và tây lang. Cửa đi vào chính điện thường rộng lớn và đóng cửa quanh năm. Do đó, mọi người muốn đi vào bên trong để thắp hương phải đi qua một cánh cửa hông phía bên trái hoặc bên phải.
Đi vào sâu bên trong chính điện, bên cạnh bàn thờ Thành hoàng Bổn cảnh có các bài vị ở long ngai. Song song hai bên bên thờ chính được sắp xếp nhiều bàn thờ khác nhau theo trật tự ngôi vị: Tả ban, hữu ban với ý nghĩa là những quân hiệu cấm vệ, bảo vệ Thành hoàng và các bậc tiền bối hữu công. Đồng thời, chính điện còn treo một số câu đối, hoành phi, xung quanh có tam sự hoặc ngũ sự, hai bên hương án có đôi hạc đứng trên lưng rùa, mỗi bên bố trí một con ngựa đứng chầu, chữ Thần được đặt bên cạnh hai long hậu giá thần linh. Ngoài ra, một số ngôi đình có thêm phần trang trí cặp lỗ bộ, bát bửu. Phía trước tiền điện ngay cửa ra vào đặt một chiếc trống cái, một chiếc chiêng và một cái mỗ đại được đặt trên giá gỗ sơn son ở hai bên. Tuy nhiên, những thứ này chỉ được sử dụng trong các dịp lễ hội và lễ Tết ở đình Thần Hưng Long và đình Tân Lập Phú.
Về phần mái, các ngôi Đình thần ở Bình Phước được lợp bằng ngói âm dương hoặc mái tôn. Nếu ngôi đình có mái lợp âm dương trên nóc thì gắn các hình sành tráng men như lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nguyệt lưỡng long triều nhật, ông mặt trời... Các hình này tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc và thiêng liêng.
Nhìn tổng thể, không gian kiến trúc của các ngôi đình ở Bình Phước đều mang dáng vẻ giản dị, mộc mạc hơn so với những ngôi đình ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, các ngôi đình vẫn đảm bảo được sự thiêng liêng, tạo điều kiện cho con người được giao tiếp gần gũi với thần linh. Đình thần ở Bình Phước đều mang một vẻ đẹp kiến trúc mang màu sắc tâm linh trong quan niệm đa thần và thờ thần của người dân tình Bình Phước nhằm tạo biểu tượng kính vọng, thờ tự, mong được sự giúp đỡ của thần linh.
Mỗi một Đình thần ở Bình Phước đều mang một màu sắc tâm linh độc đáo. Nhiều ngôi đình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa - kiến trúc. Vì vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của các ngôi đình ở Bình Phước là một việc làm cấp bách của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Với những chia sẻ của cẩm nang du lịch về lịch sử hình thành và nét đẹp kiến trúc của các ngôi đình, hi vọng bạn có thể ghé thăm các Đình thần ở Bình Phước vào một ngày không xa.