1Ý nghĩa của Lễ hội thanh trà tại Huế
Thủy Biều vốn nổi tiếng là vùng đất của xứ hoa thơm quả ngọt, được thiên nhiên ban cho phù sa bãi bồi bên dòng sông Hương, không khí mát mẻ, trong lành và cổ kính cùng với con người hòa nhã nơi đây. Nằm bên rìa Tây Nam của thành phố Huế, Thủy Biều được dòng sông Hương thơ mộng ôm trọn vào lòng; phường Thủy Biều ngày nay là sự hợp nhất của hai làng cổ thời xưa. Một làng tên là Nguyệt Biều và một làng tên là Lương Quán.
Vùng đất Thủy Biều vừa nhẹ nhàng với cảnh sắc, ngọt ngào với cây trái, nhưng lại rất tráng lệ với những di tích lịch sử và những ngôi nhà rường cổ kính. Chính vì may mắn được vòng tay của bà mẹ sông Hương ôm trọn vào lòng, mỗi tấc đất phường Thủy Biều là nguồn dinh dưỡng và phù sa, sản sinh ra nhiều hoa thơm quả ngọt, song ấn tượng nhất vẫn là thanh trà - chỉ riêng cái tên gọi mỹ miều này thôi đã làm cho bao người háo hức. Đây là một loại quả mà người Huế rất thích ăn bởi nó rất thơm ngon.
Cây thanh trà chẳng ai biết nó sinh ra và lớn lên ở quê hương Thủy Biều từ bao giờ, phải chăng đây là một trong những sản phẩm địa phương từng cung ứng cho đời sống cung đình, hay một giống bưởi quý được di thực từ nơi khác đến, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng hoặc do kỹ thuật bí truyền mà Lương Quán, Nguyệt Biều cho ra đời một sản phẩm ưu việt đến như vậy? Với nhận xét của những người từng đi nhiều nơi trên đất nước ta, tất cả những giống bưởi nổi tiếng khắp hai miền Nam, Bắc, hiếm giống bưởi nào có thể sánh với trái thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán ở Huế. Đặc điểm của thanh trà ở đây là ngọt thanh, độ ráo vừa phải, không có dư vị đắng. Mùa Trung thu, thanh trà Nguyệt Biều chế biến thành món nộm tôm mực dùng khai vị trong các bữa ăn.
Thanh trà vốn thuộc họ bưởi nhưng quả bé hơn, da xanh, vỏ mỏng, múi dày. Đặc biệt, thanh trà khác các giống bưởi ở chỗ, vỏ thanh trà có mùi tinh dầu thơm nhẹ rất đặc trưng, múi thanh trà nhiều nước nhưng không nhão, ăn có vị ngọt mát và hơi the cay như vị của vỏ cam, quýt. Thanh trà đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà con nông dân, họ đã khấm khá lên nhờ những quả thanh trà mọng nước, tiếng tăm vang xa.
Hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, cây thanh trà cũng đã có ở nhiều vùng đất như các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy... nhưng ngon nhất vẫn là thanh trà Thủy Biều. Nhờ có đặc điểm ít nước mà quả thanh trà có thể để dài ngày, ít bị hư hỏng hơn loại quả có nhiều nước như bưởi. Thanh trà trở thành cây xoá đói giảm nghèo cho nhiều vùng quê ở Thừa Thiên- Huế.
Để đưa đặc sản thanh trà của vùng đất phù sa này bay cao hơn và được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, Thủy Biều đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu trái cây ngon. Một trong những hoạt động ấn tượng nhất là hàng năm Thủy Biều thường tổ chức “Lễ hội thanh trà” để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản này đến với người tiêu dùng; địa phương này đã thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Thanh trà Huế” trên thị trường trong nước; tổ chức các tour du lịch cộng đồng thăm vườn thanh trà Huế...
Lễ hội thanh trà vẫn được tổ chức hằng năm vào khoảng tháng 9 nhằm giới thiệu đến du khách tham gia và thưởng thức quả thanh trà Huế. Hằng năm, vào những ngày lễ hội Thanh trà, có nhiều hoạt động như hội thi sản phẩm trái ngon thanh trà Huế, không gian trưng bày sản phẩm thanh trà và đặc sản Huế, hội thi ẩm thực chế biến món ngon từ trái thanh trà, không gian trình diễn trưng bày giới thiệu khám phá về cây thanh trà, không gian hàng đặc sản Huế, lễ cáo giang sơn cung tiến “thanh trà” tại đình làng Nguyệt Biều và Lương Quán, tour du lịch cộng đồng sinh thái tại Thủy Biều và các trò chơi dân gian.
2Lễ hội thanh trà Huế có gì đặc sắc?
Điểm đặc sắc nhất trong Lễ hội thanh trà là chương trình "Thanh trà tiến vua" được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với UBND phường Thủy Biều tổ chức rước Thanh trà từ hai đình làng Lương Quán và Nguyệt Biều bằng đường sông để vào Đại Nội. Dân gian đến nay còn lưu truyền chuyện Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725, vị Chúa Nguyễn đời thứ 6) ăn hết trái Thanh trà ngay giữa làng Lương Quán nay thuộc phường Thủy Biều.
Chuyện kể rằng, một lần du ngoạn sông Hương bằng thuyền thấy non nước hữu tình, có hoa thơm trái ngọt, Chúa Nguyễn Phúc Chu ghé thăm làng Lương Quán. Dân làng ngắt trái Thanh trà làm lễ vật dâng chúa thưởng thức. Vừa ăn xong, chúa tấm tắc khen ngon và lệnh cho dân làng mở rộng trồng thêm. Từ đó, cứ vào giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, trái Thanh trà chín rộ, dân làng Lương Quán lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua chúa để được ban thưởng. Thanh trà trở thành nông sản tiến vua từ thời Chúa Nguyễn. Nhiều người cho rằng, Thanh trà là giống bưởi đất Bắc, khi đến Huế nhờ vào chất đất, nước sông Hương và thời tiết đan xen giữa hạn hán, bão lũ và mưa dầm đã tạo nên vị ngọt thanh không lẫn vào đâu.
Nghi thức tái hiện này được thực hiện nghiêm túc, bài bản theo trình tự tiến vua thời xưa. Mỗi chủ nhà vườn sẽ chọn ra những quả thanh trà ngon và đẹp nhất để tiến hành nghi lễ cung tiến thanh trà lên các vị vua Triều Nguyễn, được đưa rước từ đình làng thuộc Thủy Biều, đi qua dòng sông Hương, tiến tới Ngọ Môn để tiến hành nghi lễ.
Xem thêm: Khám phá Khe Lạnh - Nàng thơ đẹp thổn thức giữa đại ngàn Huế
Lễ hội Thanh Trà được tổ chức hoành tráng với sự trưng bày hàng chục gian hàng về sản phẩm rau củ sạch và các mặt hàng thủ công do chính tay người dân Thủy Biều làm nên sẽ được bày bán tại đây, và chủ yếu là trái Thanh Trà, đặc sản vùng đất Thủy Biều. Tại đây, du khách có thể tận hưởng những múi thanh trà mọng nước, ăn một miếng quên đi mọi thứ, vị thanh the cứ lan tỏa từ từ trong miệng. Cũng như làm sao có thể thưởng thức được tất cả các món ăn được chế biến từ trái thanh trà “thần thánh”.
Tùy theo chương trình hằng năm mà sẽ xen kẽ các hoạt động khác như văn nghệ, hội thi cây trái ngon, hội thi ẩm thực, hội thi chim hót hay,… và lễ hội thanh trà đã thật sự trở thành một trong các hoạt động lớn và định kỳ mà người nông dân lẫn du khách đều trông chờ.
Xem thêm: Khám phá Cồn Hến Huế - Đảo nhỏ mộng mơ giữa lòng sông Hương
Có thể nói Lễ hội thanh trà thực sự là lễ hội của nhân dân, không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động của lễ hội, mà quan trọng hơn là phát huy sức sáng tạo của người dân đóng góp các nội dung cụ thể cho lễ hội, làm cho lễ hội bắt nguồn từ cuộc sống, bắt nguồn từ nhân dân trở lại phục vụ nhân dân. Lễ hội được tổ chức xuất phát từ ý nghĩa tuyên truyền, quảng bá trái thanh trà, giúp cho người nông dân có thể tiêu thụ ngày càng nhiều và cải thiện đời sống; và cũng chính Lễ hội thanh trà đã trở thành hoạt động được nhiều người chờ đón và là linh hồn của phường Thủy Biều nói riêng, của tỉnh Thừa Thiên – Huế nói chung.