1Giới thiệu về Tản Viên Sơn Thánh – Nhân vật truyền thuyết “tưởng không quen mà quen không tưởng”
Tản Viên Sơn Thánh, hay còn được người đời biết đến dưới cái tên Sơn Tinh – Một vị thần trong truyền thuyết mà ắt hẳn bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Ông là vị thần cai quản núi Ba Vì (Tản Viên), cũng chính vì thế mà có tên là Tản Viên Sơn Thánh. Ông được xem là hàng đệ nhất trong 4 vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, bên cạnh Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên). Trong dân gian cũng có tương truyền rằng ông là một trong 50 người con của Âu Cơ theo mẹ lên núi. Tuy nhiên cũng có người cho ra, Sơn Tinh là người có thực, đến từ tầng lớp nghèo khổ, thấp kém trong dân chúng rồi hóa thần. Ông cũng là người giúp cho lãnh thổ nước Văn Lang lúc bấy giờ không bị Thủy Tinh nhấn chìm, “nước dâng đến đâu, núi dâng đến đó”.
Xem thêm: Khám phá lại lịch sử hào hùng qua lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh
2Đủ màu sắc mùa lễ hội Tản Viên Sơn Thánh của vùng đất Ba Vì linh thiêng
Thủ đô Hà Nội được biết đến là vùng đất nghìn năm Văn Hiến, nên các văn hóa lễ hội Hà Nội cực kỳ đặc sắc và đa dạng. Đến với các huyện, xã vào từng thời điểm nhất định, bạn sẽ trải nghiệm được nhiều loại lễ hội khác nhau. Trong đó, một lễ hội được rất nhiều người dân đón chờ và tham dự chính là lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ở vùng đất linh thiêng Ba Vì
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thường được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm – Đây cũng là ngày sinh của Sơn Tinh. Tuy nhiên tùy theo tình hình từng năm mà huyện Ba Vì có thể thay đổi ngày tổ chức lễ hội, dời lên sơm hơn trước vài ngày. Trong những năm gần đây, lễ hội đã và đang từng bước khôi phục các nghi thức truyền thống để nâng tầm vị thế lễ hội văn hóa tâm linh vùng đất Ba Vì, cũng như nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách thập phương đến và trải nghiệm, tham quan. Trong nghi lễ rước liên vị cung nghinh Tản Viên Sơn Thánh (từ Đền Hạ) về đến Đền Lăng Sương thuộc tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, lễ rước kiệu, được trang bị các đồ lễ từ đền Lăng Sương về đền Hạ, đã được trùng tu sau nhiều năm tạm dừng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tập trung tổ chức lễ rước nước Sông Đà tại bến sông thôn Cốc Đồng Tâm, thị trấn Minh Quang (trước đền Hạ) để làm lễ mộc dục.
Lễ rước nước sẽ được diễn ra vào đúng 0 giờ đêm ngày 14 tháng Giêng. Nhân vật chính để thực hiện nghi lễ sẽ gồm một cặp thiện nam – thiện nữ tài sắc vẹn toàn, nhân thân tốt đã được qua tuyển chọn gắt gao từ trước. Đi theo tháp tùng sẽ là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và quần chúng nhân dân hoặc khách du lịch bốn phương. Đoàn người sẽ được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối để lấy nước. Theo tục lệ dân gian xưa truyền lại rằng, người nam sẽ phải múc 7 gầu nước, người nữ sẽ múc 9 gầu như câu truyền miệng “nam 7 vía, nữ 9 vía”. Nước được đem từ giữa dòng sông dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ. Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ kết thúc thì vào khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành. Bên cạnh kiệu rước nước thiêng sẽ còn có kiệu lễ chay và kiệu lễ mặn gồm các lễ vật dâng cúng thần gồm lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản, quả.
Tiếng chiêng trống nổi sẽ từ từ nổi lên từ trong đền, sau đó lần lượt từng dòng người đi theo trong tiếng nhạc. Dẫn đầu sẽ là thanh niên trai tráng khênh kiệu, lọng, cờ hoa. Việc được khênh kiệu chẳng phải là một điều dễ dàng, ai cũng được chọn đâu nhé. Vì thế những người được chọn khênh kiệu trong đội rước sẽ là niềm vinh dự cho bản thân còn khiến gia đình “nở mày nở mặt”. Kế theo sẽ là các cụ bô lão trong làng và người dân, khách du lịch địa phương, ngoài nước. Đoàn rước cứ đi qua thôn nào, dân làng thôn đó lại nhập vào đoàn rước, cứ thế kéo dài tới vài cây số. Trống hội rền vang, lễ rước được tổ chức hoành tráng. Cả vùng trời không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí nhộn nhịp, rộn ràng lễ hội, cầu mong Đức Thánh Tản Viên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để nhân dân có cuộc sống ấm no.
Tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức để du khách có thể tham gia thử sức. Các trò chơi như đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, kéo co, ném còn, cà kheo, bắn nỏ, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá… được tổ chức sôi động dưới sự tham gia của nhiều người. Duy trì được lễ hội như ngày hôm nay cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra còn giúp việc du xuân, trẩy hội của người dân và du khách dịp đầu năm thêm phần vui tươi, ý nghĩa.
3Những lưu ý khi đến với lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì
- Lưu ý trong mùa dịch hiện tại, bạn cũng nên hạn chế đến những nơi đông đúc – Nếu lễ hội đông người thì chỉ nên quan sát từ xa, luôn luôn đeo khẩu trang cũng như thực hiện đúng quy tắc 5K, rửa tay thường xuyên nhé!
- Lựa chọn những trang phục thoải mái và lịch sự, tốt nhất là quần dài một phần vì đông người, một phần cũng tránh làm ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm của buổi lễ.
- Thắp hương và đốt vàng mã ở đúng nơi quy định để tránh gây mất trật tự an ninh cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Không xả rác bừa bãi là mất mỹ quan đô thị hay chen lấn, xô đẩy.
- Tuyệt đối không thực hiện các hành động chiếm đoạt lễ vật để cầu may hay lấy lộc bạn nhé!
- Lễ hội đặc biệt đông người nên cũng sẽ rất dễ xảy ra trộm cắp, mất mát vì thế bạn nên bảo quản thật tốt tư trang của mình cũng như không mang nhiều tiền, vật quý giá.
Sau bài viết này, MIA.vn hy vọng mình đã “hóa thân” thành một hướng dẫn viên đưa bạn đi tham quan một vòng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đặc sắc với “muôn hình vạn trạng” các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian, màu sắc cũng như văn hóa tâm linh của người dân khu vực núi Ba Vì. Đến với Hà Nội, bạn sẽ sắp xếp tham quan lễ hội Tản Viên Sơn Thánh này chứ? Đừng quên MIA.vn còn rất nhiều địa điểm vui chơi Hà Nội khác cho bạn tha hồ sắp xếp lịch trình check-in Hà Nội. Xem ngay kẻo lỡ bạn nhé!