Vẻ đẹp của vùng đất miền Tây Nam Bộ trù phú với những dòng sông uốn lượn cùng các món đặc sản nổi tiếng. Một trong những đặc sản trứ danh tại đây chính là dừa nước miền Tây. Món ngon này đã xuất hiện từ lâu và đi sâu vào văn hóa ẩm thực của con người nơi đây. Vậy dừa nước miền Tây có gì đặc sắc, mời bạn về với vùng đất này để cùng chúng mình trải nghiệm nhé!
1 Dừa nước miền Tây - Đặc sản trứ danh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Dừa nước còn được biết đến là dừa lá, vốn là loài duy nhất trong họ Cau sinh sống trong khu vực đầm lầy. Loài cây này sinh trưởng tại các khu vực thuộc miền Nam Châu Á và Bắc Úc. Hóa thạch của phấn hoa dừa nước đã được xác định có niên đại đến 70 triệu năm trước.
Cây dừa nước có thân mọc ngang dưới lòng đất, chỉ có phần cuống hoa và lá được mọc lên trên. Dừa nước thường mọc trong những vùng lầy gần bờ sông hoặc vùng ven biển có thủy triều lên xuống.
Khi xuất hiện ở Việt Nam, dừa nước trở thành một loài cây đặc trưng ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Phần cơm dừa nước có màu trắng, hơi trong và mềm. Khi thưởng thức, bạn có thể cảm nhận được vị ngọt thơm và mát lành của món ngon.
Dừa nước thường có cách kết trái khá độc đáo. Nhiều trái dừa nước được kết chặt vào nhau và kết lại thành buồng đẹp mắt. Khi sử dụng, người ta buồng dừa xuống cho những quả dừa nước rơi ra, rồi dùng dao để bổ phần cái bên trong.
Hiện nay, dừa nước miền Tây được trồng nhiều tại những địa phương như Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ. Loài cây này cho trái quanh năm nên tạo nguồn thu nhập thêm cho người dân địa phương tại đây.
Tuy nhiên, vào mùa mưa, dừa nước miền Tây sẽ dễ tìm hơn mùa nắng. Đặc biệt là vào tháng 2, 3 dừa nước sẽ trở nên hiếm. Khi tìm thấy dừa, người hái phải kiểm tra màu sắc của buồng dừa rồi tách thử một quả để nếm. Buồng dừa nào có cơm dừa mềm dẻo là đủ chín, đạt chuẩn để thu hoạch.

Dừa nước miền Tây là loài cây đặc trưng ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Nucuoimekong

Cây dừa nước cho trái quanh năm, tạo nguồn thu cho người dân địa phương. Ảnh: Thanh Duy | Báo Thanh Niên

Phần cơm dừa nước trong và mềm dẻo. Ảnh: Miền Tây quê tui
2 Công dụng của cây dừa nước miền Tây
Dừa nước miền Tây nổi tiếng là món đặc sản thơm ngon được nhiều tín đồ ẩm thực yêu thích. Ngoài ra, loài cây này còn mang đến nhiều công dụng cho người dân địa phương miền Tây Nam Bộ. Mời bạn cùng khám phá những công dụng này thông qua cẩm nang du lịch này nhé!
2.1 Tạo nên món tráng miệng hấp dẫn
Dừa nước là món tráng miệng quen thuộc đối với người dân miền Tây. Cơm dừa nước trắng ngần, thơm dẻo sẽ được lấy ra rồi cho thêm ít đường đá và nước dừa. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh mát, dễ chịu.
Ngoài ra, dừa nước miền Tây còn có thể mang đi rim rồi cất trong keo đựng để ăn dần. Dừa nước rim thường ngọt sẵn và đậm màu hơn so với dừa nước thường được nạp trực tiếp. Với dừa nước rim, bạn cũng có thể cho thêm đường, đá vào để thưởng thức.
Bên cạnh đó, dừa nước còn có thể làm mứt với hương vị hấp dẫn. Khác với mứt dừa thông thường, mứt dừa nước có hình bầu dục của nửa miếng cơm dừa. Mứt dừa nước không bị khô mà vẫn giữ được độ dẻo thuần túy của món dừa nước.

Dừa nước dầm đá đường là món tráng miệng quen thuộc với người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Nucuoimekong

Dừa nước rim với đường thốt nốt có thể được bảo quản khá lâu. Ảnh: Quế Phương

Mứt dừa nước thơm dẻo mà không quá khô, đảm bảo giữ được hương vị thuần túy. Ảnh: Nucuoimekong
2.2 Cung cấp mật dừa nước
Ít ai biết được rằng, phần nhựa dừa nước cũng được thu hoạch để làm mật dừa nước. Khi cuống hoa dừa nước chưa nở, người hái sẽ đập nhẹ quanh phần cuốn, rồi cắt quài dừa đi. Sau đó, họ sẽ lấy nilon bọc lại phần bị cắt để thu hoạch mật dừa chảy ra. Phần mật dừa thu hoạch được có độ ngọt cao và thường được chế biến nhiều món ngon như rượu dừa nước, si rô dừa, nước màu…
Mật dừa nước còn được mang đi nấu chè dừa nước, nhằm tạo độ ngọt thanh cho món ăn này. Độ bùi dẻo của cơm dừa khi kết hợp cùng mật sẽ mang lại hương thơm đặc trưng khó lòng quên được.

Mật dừa nước được lấy bằng cách khá độc đáo. Ảnh: Mudifood
2.3 Cây dừa nước chống sạt lở, giữ nước cho kênh rạch
Dừa nước mọc nhiều ở các khu vực ven kênh, rạch. Vì thế, người dân trồng loại cây này nhiều với mong muốn chống sạt lở. Ngoài ra, dừa nước còn có công dụng giúp hạn chế sự bốc hơi của nước. Điều này giúp kênh rạch không bị khô nước, tôm cá có nơi trú ẩn.

Cây dừa nước bao năm chống sạc lở, giữ nước cho kênh rạch. Ảnh: Tâm Lang | Báo Thanh Niên
2.4 Dừa nước miền Tây dùng để lợp nhà, làm cổng cưới
Trước kia, khi điều kiện còn chưa phát triển, người dân thường hay dùng lá cây dừa nước được lợp nhà. Nhiều nhánh dừa nước đan cùng nhau sẽ tạo nên một tấm đệm không có kẽ hở giúp gia đình che mưa che nắng. Nhà lợp bằng lá dừa nước đến nay dù không còn nhiều nhưng giá trị văn hóa đẹp đẽ ấy vẫn còn được lưu giữ.
Ngoài ra, lá dừa nước còn có tác dụng để làm cổng cưới miền Tây quen thuộc. Những chiếc lá xanh mơn mởn được tạo hình độc đáo vừa thân thiện với môi trường và có giá trị thẩm mỹ cao. Lá dừa được tạo hình độc đáo mang lại cảm giác ấn tượng, thu hút cho chiếc cổng cưới. Cổng lá dừa nước đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào miền Tây Nam Bộ.

Lá dừa nước có nhiều công dụng trong đời sống người dân miền Tây. Ảnh: Xuongtretruc
Dừa nước miền Tây đã gắn liền với sự lớn lên của biết bao thế hệ người dân vùng sông nước. Món đặc sản với nhiều công dụng này vừa là thức quà quê dân dã, vừa đại diện cho cách sống mộc mạc của người dân miền Tây. Nếu có dịp đến với vùng đất này, MIA.vn khuyên bạ thưởng thức ngay dừa nước miền Tây để cảm nhận hương vị bình dị ấy nhé!