1Thánh Địa Đức Mẹ La Vang - Chốn náu nương của những người con đất Việt
Địa chỉ: thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Giữa núi rừng Quảng Trị quanh năm trời trong đầy nắng, thì Đức Mẹ La Vang vẫn ở đó dõi theo đàn con đất Việt. Là trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất Việt Nam, mỗi năm, Linh địa Đức Mẹ La Vang thu hút lượng lớn giáo dân, kể cả những người bên lương quây quần bên Mẹ.
Linh địa Đức Mẹ La Vang tọa lạc trên vùng đất từng là Dinh Cát thời chúa Nguyễn. Ngày nay, nơi Mẹ ngự thuộc địa phận thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, giữa rừng già rậm rạp, cách Thành cổ Quảng Trị tầm 6km, và cách thành phố Huế 60km về phía Bắc.
Nơi Mẹ ngự luôn đông đúc giáo dân ghé đến, đặc biệt vào dịp lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời vào ngày 15/8 hàng năm. Mỗi năm, Linh địa Đức Mẹ La Vang sẽ tổ chức đại hội, và đều đặn ba năm sẽ là đại hội lớn nên càng quy tụ trăm ngàn giáo dân từ tứ xứ tìm về.
Đặc biệt, nếu về bên Đức Mẹ La Vang vào những ngày từ 13 đến 15 tháng 8 hàng năm, bạn sẽ được nhìn ngắm khung cảnh hàng hàng lớp lớp người về bên. Thậm chí, họ cùng căng lều, trải bạt ngủ ngay cạnh chân Mẹ và khu vực quảng trường để tham gia các lễ tổ chức cho đến khi cử hành lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời vào tản sáng ngày 15.
Có nhiều cách lý giải nguồn gốc tên gọi La Vang nơi Mẹ ngự. Theo lập luận, thì vốn vùng thôn Phú Hưng là nơi mọc nhiều lá vằng, một loại lá có khả năng nấu nước uống chữa bệnh. Mẹ đã hiện ra và chỉ cho họ lấy lá vằng uống trị bệnh. Dần dà, mọi người đọc lái từ lá vằng sang La Vang, và giữ tên ấy đến tận ngày nay.
Theo giả thuyết thứ hai, thì ‘La Vang’ là cách diễn tả tiếng kêu cứu nếu chẳng may gặp thú dữ. Thời bấy giờ, khi đi rừng, nếu ở lại qua đêm, thì người dân sẽ chia nhau thức canh, nếu thấy nguy hiểm sẽ la ‘la vang’ để mọi người kéo đến, hoặc khi cần gọi nhau thì họ sẽ la lớn vì nơi đây là chốn rừng rậm, nếu nói nhỏ sẽ chẳng nghe được.
2Đức Mẹ La Vang, người mẹ hiền của giáo hội Việt Nam
Đức Mẹ La Vang đã hiện diện giữa lòng những người con nơi rừng già Quảng Trị từ hơn hai trăm năm qua.
Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế, thời điểm tháng 8 năm 1798 thời vua Cảnh Thịnh là giai đoạn đỉnh điểm của phong trào bách hại người theo đạo Công giáo. Lúc bấy giờ, tín hữu sống gần khu vực đồi Dinh Cát buộc phải lên rừng trú ẩn.
Họ đã chọn lánh nạn tại núi rừng La Vang, chốn rừng thiêng nước độc và sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vừa thiếu ăn lại lo bệnh tật, sợ quan quân và thậm chí là thú dữ. Trong giai đoạn khó khăn ấy, họ đã phó thác nơi Chúa và Đức Mẹ, và cùng nhau quây quần dưới gốc đa cổ thụ để cầu nguyện, an ủi và hỗ trợ nhau.
Một hôm, trong lúc lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, người dân thấy một người phụ nữ xinh đẹp, người mặc áo choàng, tay bồng trẻ sơ sinh hiện ra gần một đại thụ. Hai bên là thiên thần cầm đèn chầu. Họ lập tức nhận ra đó là Đức Trinh nữ Maria tay bồng Chúa Hài Đồng.
Mẹ hiện ra và tỏ lòng nhân từ, âu yếm, an ủi đàn con qua cảnh ngặt nghèo. Và Mẹ dạy họ lấy lá cây mọc chung quanh nấu lấy nước uống sẽ lành bệnh. Trước khi biến mất giữa làn mây xanh, Mẹ đã ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại nơi đây sẽ được Mẹ ban ơn phù trợ.”
Sau này, Mẹ còn hiện ra để nâng đỡ, an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn của trăm năm bị bách hại về đạo. Dần dà, người dân về nơi La Vang càng đông, và họ đã cùng nhau dựng một nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ ngay chính nơi Mẹ từng hiện ra.
Khi cuộc bách đạo chấm dứt, giáo dân La Vang đã phục dựng nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ. Đến ngày 22/8/1961, Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Sứ, đại diện Tòa Thánh tuyên đọc sắc chỉ của Giáo hoàng Gioan XXIII, nâng Thánh đường Đức Mẹ La Vang lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, và là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.
Và vào ngày 15/8/2012, trong ngày diễn ra lễ kính Đức Maria hồn xác lên trời, thì Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Stephano Nguyễn Như Thể đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.
Hình tượng Đức Mẹ La Vang được mô tả đứng trên mây, hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên trái cầu. Mẹ mặc áo gấm thuê của văn hóa Á Đông. Sau này, hình tượng Mẹ được sáng tạo theo hướng thuần Việt với y phục truyền thống, đầu đội mấn và vương miện, mang hài mũi cong, đứng trên trái cầu và tay bồng Chúa Hài Đồng.
3Hướng dẫn di chuyển về bên Đức Mẹ La Vang
Nếu xuất phát từ Sài Gòn hoặc Hà Nội, thì bạn có thể lựa chọn đi máy bay ra Huế, hoặc tàu hỏa Bắc - Nam. Từ Huế, bạn sẽ di chuyển ra Quảng Trị theo đường Quốc lộ 1A, đến địa phận xã Hải Phú thì sẽ nhìn thấy bảng chỉ dẫn vào Linh địa Đức Mẹ La Vang.
4 Những công trình tại Thánh Địa Đức Mẹ La Vang
Theo dòng thời gian, ngày nay, Linh địa Đức Mẹ La Vang nằm trên một khu đất có diện tích 190.106 mét vuông, ngay giữa núi rừng hùng vĩ. Các công trình trong Linh địa Đức Mẹ bao gồm: Tháp chuông cổ, Vương cung Thánh đường ĐứcMẹ La Vang, Linh đài Đức Mẹ La Vang cùng nhiều khu vực khác đang trong quá trình xây dựng.
4.1 Tháp chuông cổ tại Thánh Địa Đức Mẹ La Vang
Trên di tích Vương cung Thánh đường cũ ngày nay vẫn còn sót lại một tháp chuông cổ. Trước kia, Thánh đường được xây dựng vào năm 1925, khánh thành năm 1928, và nâng lên hàng Vương cung Thánh đường vào năm 1961.
Tuy nhiên, trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, thì ngôi thánh đường đã bị hư hoại nặng nề, duy chỉ còn lại một tháp chuông cổ với bức tường nhuốm màu rêu phong.
Ngày nay, khi về bên Đức Mẹ La Vang, đứng từ Linh đài Mẹ nhìn ra phía sau, bạn sẽ nhìn thấy tháp chuông cổ vẫn uy nghi đứng vững giữa nắng gió Quảng Trị. Tháp chuông được xây theo kiến trúc Á Đông và Việt Nam truyền thống.
Phía trước tháp chuông là quảng trường rộng, với hai bên là Đàng Thánh Giá với 14 tác phẩm tiêu khắc, tái hiện chân thật Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus, từ khi bị kết án đến khoảnh khắc bị đóng đinh trên thập giá và an táng trong hầm mộ.
Ngoài ra, trong quảng khuôn viên quảng trường còn có một giếng nước Đức Mẹ. Giáo dân khi đến đây, đặc biệt là những ai mang bệnh đều sẽ uống một ngụm nước để mong được Mẹ chữa lành.
4.2 Linh đài Đức Mẹ La Vang
Linh đài Đức Mẹ La Vang là nơi luôn quy tụ đông đảo giáo dân và người ngoại đạo, dù bạn đến đây vào bất kỳ thời điểm nào. Được xem là trung tâm của linh địa, Linh đài Đức Mẹ La Vang được xây dựng theo dáng mô phỏng hình gốc đa năm xưa Mẹ từng hiện ra với giáo dân, và ở ngay cạnh nơi năm xưa Mẹ đến.
Để hoàn thiện được công trình này, người xưa đã dựa trên đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, và tiến hành khởi công vào năm 1963. Tuy nhiên, gặp thời điểm chiến tranh loạn lạc, thì mãi đến năm 2008, Linh đài Đức Mẹ La Vang với hình dáng ba cây đa và tượng Mẹ bồng Chúa Hài Đồng mới chính thức hoàn thành.
4.3 Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang
Vào ngày 15/8/2012, Đức Tổng giám mục Stephano Nguyễn Như Thể cùng 16 Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.
Phía trước Thánh đường là Quảng trường Lòng Chúa Thương Xót. Vương Cung Thánh Đường được chia thành ba tòa tháp, gồm tháp trước, giữa và sau, và là điểm nhấn của trung tâm hành hương, và sử dụng tông màu trắng, xanh và xám chủ đạo, tạo cảm giác tươi mát giữa cái nắng gay gắt của Quảng Trị.
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang được xây dựng trên nền đất rộng 13.464 mét vuông, tái hiện chân thật kiến trúc Việt Nam với mái ngói, ngôi đình, và chạm khảo hoa văn tinh xảo. Phía tháp trước là nơi tổ chức các lễ ngoài trời, với tầm nhìn hướng thẳng ra quảng trường Lòng Chúa Thương Xót, cùng thiết kế mở ngụ ý Hội thánh được sai đến với muôn dân, và lấy Chúa Thánh Thần là chủ đề chủ đạo.
Tháp giữa với chủ đề Mầu nhiệm vượt qua của Đức Jesus với giếng rửa tội đường kính 3m ngay tiền sảnh. Thiết kế của tháp có dáng vuông vức, đồng tâm ngụ ý tả tính cộng đồng, với chủ đề là biến cố Chết - Phục Sinh của Đức Kito, và Mầu nhiệm Ba Ngôi mặc khải.
Lấy cảm hứng từ Đức Mẹ Maria, người nữ tỳ khiêm tốn của Chúa, tháp sau là nơi lưu giữ vật Thánh nhằm cử hành các bí tích, cùng thiết kế kín đáo, nhẹ nhàng, với dáng quay về hướng Bắc. Trong tháp sau còn có 30 nhà nguyện nhỏ để dâng kính các tước hiệu Đức Mẹ tại nước ta, như Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Ghềnh Ráng, Đức Mẹ Măng Đen, Đức Mẹ Bãi Dâu, Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, v.v.
5Đại hội La Vang có gì đặc biệt?
Hằng năm, vào ngày 15 tháng 8, tại Đức Mẹ La Vang sẽ diễn ra lễ hội hành hương, còn gọi là Kiệu Đức Mẹ, và ba năm sẽ là một Kiệu lớn, hay còn gọi là Đại hội La Vang.
Kiệu Đức Mẹ hay Đại hội La Vang sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 13 đến 15/8, thu hút trăm ngàn người, dù có đạo hoặc bên lương. Trong các ngày nay, Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân sẽ cùng nhau về bên Mẹ, tổ chức nhiều buổi chầu, kiệu Đức Mẹ, diễn nguyện chầu Thánh Thể bên Mẹ. Và vào ngày tản sáng ngày 15/8, mọi người sẽ cùng tham dự lễ mừng kính trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đánh dấu kết thúc đại hội.
Từ ngày 12, giáo dân đã cùng nhau quây quần nơi đây. Thậm chí họ còn căng bạt, dựng lều, tắm rửa và nấu ăn, sinh hoạt ngay trong khuôn viên quảng trường và sốt sắng tham dự diễn nguyện, chầu Thánh Thể cũng như kiệu Đức Mẹ.
Đến với Đại hội La Vang, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí linh thiêng huyền ảo, nghe những bài Thánh ca tôn vinh người Mẹ hiền, và gởi đến Mẹ những lời cầu bầu mang theo nhiều tâm tình.
Đức Mẹ La Vang là người mẹ hiền của đoàn con nước Việt, và đã luôn nhậm lời đàn con khấn nguyện. Nếu là một giáo dân và mong có ngày được về bên Mẹ, bạn có thể thu xếp hành hương kết hợp du lịch vào những ngày từ 12 đến 15 tháng 8 mỗi năm nhé. Hy vọng bài viết này của MIA.vn sẽ giúp bạn hiểu hơn về Linh địa linh thiêng giữa lòng đại ngàn Quảng Trị.