1Giới thiệu đôi nét về Hồ Noong
Hồ Noong là hồ nước tự nhiên, thuộc địa phận xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ở khu vực vùng núi Đông Bắc Việt Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 23km. Hồ đã được khai tạo từ thuở sơ khai, có diện tích mặt nước hơn 20ha vào mùa khô và khoảng 80ha vào mùa mưa. Bao quanh hồ là những dãy núi đá và núi đất trập trùng, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn lên đến 700ha. Hệ sinh thái cùng thảm thực vật tại đây cũng rất phong phú, đa dạng, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp miền đất này.
Nguồn nước của Hồ Noong bắt nguồn từ những khe nước ngầm trong hang đá chảy trong hai dãy núi, vượt qua cánh rừng nguyên sinh. Hồ Noong uốn mình quanh những vách núi cao, nối với dòng sông Lô qua 3 hang nước ngầm. Chính vì vậy vào mùa mưa thì nguồn nước tại đây dâng lên rất nhanh, ẩn chứa nhiều nguy hiểm nên du khách cần lưu ý nhé.
Các loài cá sinh sống tại Hồ Noong cũng rất đa dạng, bao gồm rất nhiều loài cá da trơn và một số loài chỉ có ở nơi đây. Mùa mưa, cá còn tràn từ sông Lô về hồ Noong nên lại càng xôm tụ hơn. Các loài cá ở đây sinh trưởng và phát triển tự nhiên, tạo nên nguồn thủy sản rất hấp dẫn du khách. Riêng đối với loài cá Đắng là đặc sản của hồ Noong, không có ở bất cứ nơi nào khác.
Cá Đắng thường sống thành từng đàn đông đúc, phát triển mạnh nhất trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 11. Thức ăn của loài cá này chủ yếu là rong, rêu và một số loại thực vật sống dưới lòng hồ, các loại lá cây rụng xuống hồ, nhất là lá bồ hòn. Khi đến khám phá Hồ Noong du khách sẽ được thưởng thức những món ăn với hương vị thơm ngon cùng vị đắng đặc trưng của loài cá này, chế biến theo nhiều cách khác nhau như kẹp vào nướng, chiên rán hoặc nấu canh chua. Điểm đặc biệt trong quá trình chế biến cá Đắng đó là không cần mổ, giữ nguyên phần nội tạng để chế biến.
2Lịch sử hình thành Hồ Noong
Xưa kia, hồ Noong được hình thành từ 2 đầm lầy là đầm Pum Áng và Pum Yệu. Hiện nay hồ được trải rộng khắp bản Noong I và bản Noong II. Vẻ đẹp của Hồ Noong trước kia mang đậm màu sắc tiên cảnh, non nước thơ mộng hữu tình, thiên nhiên kỳ thú và hoang sơ đến ngây ngất lòng người.
Tuy nhiên trải qua những biến đổi của thời gian và tác động tiêu cực từ đời sống con người, hồ Noong hiện nay đã trở nên đời thường hơn, mộc mạc hơn. Ngày nay hồ đã không còn những cánh rừng ngập nước đan xen trải dài miên man thay vào đó là những cỏ hoang với từng đàn trâu bò thung thăng gặm cỏ. Vẻ đẹp này có thể không cần thật sự lung linh thoát tục như ban đầu, nhưng lại mang một màu sắc rất gần gũi và thư thái cho du khách đến tham quan.
Xem thêm: Hồ Thầu – Muôn thuở vẻ đẹp ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì
3Vẻ đẹp của Hồ Noong
Nếu bạn đã có cơ hội đến với Hồ Noong thì sẽ rất ấn tượng với vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây. Thiên nhiên ban tặng cho Hồ Noong những cánh rừng nguyên sinh và núi đá vôi trải dài hai bên bờ. Địa thế của hồ nước này đôi khi khiến chúng ta liên tưởng đến vầng trăng, lúc lại như con mãnh long có vòi cuồn cuộn sóng nước khi mùa mưa đến. Khi nước hồ dâng cao sẽ được thoát chảy một cách tự nhiên theo khe suối ngầm, xuyên qua dãy núi đá vôi rồi đổ ra ao Xu, thuộc địa phận xã Phú Linh rồi thoát ra ở suối Pà.
Vì là hồ nước hình thành tự nhiên, có nguồn nước ngầm từ khe đá trong núi nên nước hồ không bao giờ cạn. Đến mùa khô, diện tích mặt nước sẽ thu hẹp lại, mọc lên những loại cây được người dân địa phương gọi là “May ẳn”. Loại cây này chuyên sống ở những vùng đầm lầy ngập nước, phần rễ và hốc cây được rất nhiều loài cá chui vào trú ngụ, đặc biệt là cá trê.
Mùa mưa nước hồ dâng cao lên sẽ tạo nên một vẻ đẹp thật duyên dáng. Những hàng cây hai bên bờ xanh mướt, những hòn Non Bộ hình thành giữa hồ, rất nhiều loài cây mọc lên khiến hồ khoác lên một tấm áo thật mượt mà và huyền bí. Người dân địa phương truyền tai nhau về một truyền thuyết cho rằng trong hồ Noong có một con ếch thần, vì thế họ coi đây là một nơi linh thiêng và cần giữ vẻ tôn nghiêm.
Xem thêm: Trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế lãng mạn và êm đềm
Theo lời kể của các bô lão trong làng thì khoảng mùa tháng 8 âm lịch tại đây sẽ diễn ra lễ hội bắt cá ở Hồ Noong. Các trưởng làng và Chánh tổng của các xã Phú Linh, Kim thạch, Linh Hồ, Phương Thiện, Phương Độ và xã Đạo Đức sẽ tiến hàng tháo nước hồ để người dân bắt cá. Tuy nhiên quá trình bắt cá, tất cả mọi người phải tuân thủ 3 điều cấm kỵ sau: thứ nhất là không được dùng bao tải, túi, xoong, nồi để đựng cá mà chỉ được dùng giỏ; thứ hai phải giữ hòa khí, không được chửi bới cãi lộn nhau khi đang bắt cá; thứ ba là không được nướng cá trên bờ hồ. Nếu ai vi phạm vào một trong những điều cấm này sẽ phải nộp phạt bằng thịt lợn, gạo, rượu mỗi thứ 30 kg cho làng.
Hiện nay, người dân địa phương đang tận dụng Hồ Noong để khai thác nguồn thuỷ sản dồi dào. Bên bờ hồ phía tây có khoảng 40 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Vì thế Hồ Noong đã trở thành nguồn lợi mang lại công ăn việc làm đồng thời phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Bên cạnh việc khai thác nguồn thủy sản tự nhiên, người dân cũng nuôi trồng một số loại thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đây. Bên cạnh đó một số gia đình còn mở cửa kinh doanh hàng quán bình dân, dùng chính nguồn thủy sản này để phục vụ những bữa ăn thơm ngon đến khách du lịch.
Đến với Hồ Noong du khách sẽ được thưởng thức bầu không khí vô cùng trong lành đậm chất “hương đồng cỏ nội”. Buổi chiều tà, bạn sẽ được ngắm nhìn những dải khói lam chiều tỏa ra từ những ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày, ngắm nhìn sắc tím khi mặt trời dần lặn sau dãy núi, tĩnh lặng nghe tiếng mõ trâu văng vẳng từ nơi xa… Tất cả những điều này đã tạo nên một vẻ đẹp của sự yên bình, đưa du khách cảm nhận sự bình yên, nhẹ nhõm trong tâm hồn, đưa bạn đến chốn bình yên, bỏ lại phía sau tất cả những lo toan và bộn bề cuộc sống.
Những nét văn hoá, phong tục truyền thống của các dân tộc sinh sống tại đây sẽ càng khiến du khách say lòng hơn nữa. Vì thế khi có cơ hội thì đừng bỏ qua những trải nghiệm tuyệt vời này nhé. MIA.vn mong chờ nhận được những cảm nhận của bạn về Hồ Noong thơ mộng, bình yên đấy nhé.