Địa chỉ: thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 

Là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có đường bờ biển dài, tận dụng lợi thế đó, người dân nơi đây gắn bó với nghề đi thuyền đánh bắt hải sản trên biển. Nghề đan thúng chai Phú Mỹ cũng từ đó mà được hình thành, truyền qua nhiều đời nhưng vẫn giữ được công thức gia công chất lượng. Làng nghề này sản xuất ra sản phẩm là những chiếc thúng chai, người bạn thân thiết với mỗi ngư dân khi ra biển. Đây là nghề không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn gắn bó, tạo nên một nếp sống của người dân Phú Yên. Nếu bạn đang lên cho mình một chuyến du lịch khám phá Phú Yên thì đừng quên ghé thăm quan làng nghề đặc sắc này nhé. 

Thúng chai được người dân sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như lặn sò, câu mực, kéo lưới,... làm nên những món ngon Phú Yên cho bạn thưởng thức. Chúng còn được dùng để làm phương tiện tranh đua trong các cuộc thi chèo thuyền, lễ hội cầu ngư hàng năm. Thúng chai không chỉ phục vụ cho ngư dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho các thị trường trong nước, các tỉnh khác ven biển từ Quảng Ngãi đến Tiền Giang. Chất lượng vượt trội với giá cả phải chăng, sức tiêu thụ của sản phẩm rất tốt, đôi khi còn không đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường. Với sự phát triển vượt bậc như thế, nhiều năm qua, thúng chai Phú Mỹ còn xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới như Thụy Sĩ, Thái Lan,... 

Tại Phú Mỹ tỉnh Phú Yên, hiện nay vẫn còn hơn 100 hộ lao động gắn với nghề truyền thống đan thúng chai. Nghề được lưu truyền nhiều đời nhưng vẫn giữ được chất lượng gia công công phu và tỉ mỉ. Vì vậy, làng nghề này được lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.   

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 2

Nghề đan thúng chai Phú Mỹ đã được lưu truyền từ xa xưa đến nay nhưng vẫn giữ được công thức gia công chất lượng 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 3

Thúng chai được ngư dân Phú Mỹ sử dụng làm phương tiện chính để đánh bắt hải sản ven bờ 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 4

Thúng chai còn được sử dụng để tham gia các cuộc đua trên biển vào các ngày lễ hội nữa nhé 

Xem thêm: Lắng nghe câu chuyện về Làng nghề Nước mắm truyền thống - Gành Đỏ Phú Yên

Thúng chai Phú Mỹ được làm bởi tre mỡ, khai thác bên dòng sông Nhân Mỹ của tỉnh Phú Yên. Loại tre này chịu được nước rất tốt, có độ dẻo cao và không bị giòn gãy khi phơi khô. Khi đan có thể làm ra những chiếc thuyền thống với chất lượng cực tốt để phục vụ ngư dân. Làm nghề này rất cần sự phối hợp đồng lòng của nhiều người vì có rất nhiều công đoạn để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, cùng một nghề mà có nhiều thợ phụ trách nhiều công đoạn nhỏ khác nhau như thợ lặn, thợ vót nan, thợ đan, thợ nức vành, thợ trét dầu,... 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 5

Tre dùng để đan thúng chai phải là tre mỡ già, chịu nước tốt và có độ dẻo cao mới sử dụng được lâu bền 

Kỹ thuật đan thúng chai Phú Mỹ rất đặc sắc và công phu, thực hiện bởi những người thợ chuyên nghiệp. Trước hết, tre được chặt phải là tre mỡ già độ 60% trở lên, được lận vành rồi phơi khô. Sau đó được vót nan tỉ mỉ, chuyển qua cho thợ đan mê, lận vành rồi tiếp tục phơi khô. Tiếp đến tới công đoạn trét phân bò rồi mới đến trét dầu rái. Điểm đặc biệt là người dân tại đây hay dùng phân bò để lấp đầy từng kẽ nan, cho thúng không bị hở. Những người lận thúng bằng kỹ thuật hầm đất, đào một hầm dưới đất làm khuôn, sau đó đưa mê thúng đã đan xuống hầm đất, bắt đầu lận vòng thúng sao cho tròn đều, cân bằng và thẩm mỹ. Chính những gia công tỉ mỉ này mà thúng chai Phú Yên dễ di chuyển, cân bằng nên được ngư dân nhiều nơi tin tưởng sử dụng. 

Ưu điểm của thúng chai Phú Mỹ là rất khó bị lật khi đi biển, dễ xoay trong không gian hẹp bởi dạng hình tròn của nó. Hơn nữa, thúng chai làm bằng tre khi rách còn đem về trét và vá lại được, còn thúng chai nhựa nếu bị vỡ do đâm va thì không thể sử dụng lại được nữa. 

Nghề đan thúng chai là một nghề khó, đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong từng khâu, chi tiết tỉ mỉ, có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt. Theo lời của những thợ thuyền lâu năm trong làng: đan thúng cũng phải có cái tâm, không được làm ẩu, không được thiếu trung thực với khách hàng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó mới là người thợ đan thuyền thúng của Phú Mỹ. 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 6

Từng chi tiết được gia công cẩn thận làm nên những chiếc thúng chai chất lượng và sử dụng được lâu dài 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 7

Những nan tre được đan xen tỉ mỉ bởi bàn tay của những người thợ tại làng nghề Phú Mỹ Phú Yên 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 8

Kỹ thuật hầm đất làm khuôn thúng chai của những người thợ Phú Mỹ 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 9

Đưa mê thúng đã đan xuống hầm đất và lận vòng thúng tạo nên những chiếc thúng tròn đều và thẩm mĩ 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 10

Người dân Phú Mỹ thường dùng phân bò để lấp đầy những kẽ nan để thúng không bị hở  

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 11

Những chiếc thúng chai hoàn chỉnh được đem đi phơi nắng nhiều lần tăng sự dẻo dai của tre 

Giá mỗi chiếc thúng chai Phú Mỹ đang bán ra thị trường hiện nay dao động từ 1.200.000 – 2.600.000 VNĐ / cái. Có khi chúng còn lên đến 4.000.000 VNĐ / cái, tùy vào kích cỡ của thúng, số nan tre và theo số lượng đơn đặt hàng của bạn.  

Có rất nhiều nơi làm thúng chai nhưng làng Phú Mỹ của tỉnh Phú Yên lại là nơi được khách hàng tin tưởng nhất bởi sự trách nhiệm và uy tín của người thợ đối với sản phẩm của họ. Trước khi bán sản phẩm ra thị trường hay xuất đi nước ngoài, thúng đều được kiểm tra một cách chi tiết và kỹ lưỡng. Nếu phát hiện một lỗi dù là rất nhỏ, người thợ cũng phải đổi thúng khác cho khách hoặc đan chiếc hoàn toàn mới. 

Nhờ vào uy tín đó, thúng chai Phú Mỹ theo chân khách hàng đến mọi miền của đất nước, thị trường phía Bắc, rồi vào miền Tây, sang cả châu Á và châu Âu. Năm 2011, theo chân một số công ty đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, 125 chiếc thúng chai của làng nghề Phú Mỹ đã được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Năm 2012, 200 chiếc thuyền thúng được xuất sang Thụy Sĩ. Cuối năm 2015, Thái Lan tiếp tục đặt hàng với số lượng lớn, 1.250 sản phẩm. Đầu năm 2016, Thụy Sĩ tiếp tục nhập khẩu 1.400 thuyền thúng. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, hàng ngàn chiếc thuyền thúng chai Phú Mỹ được đặt mua bởi các nước Đông Nam Á và Tây  u. 

Nghề đan thúng chai Phú Mỹ đã có những bước khởi sắc tích cực và đem lại nguồn thu nhập cho ngư dân tại đây. Tuy nhiên hiện nay, người dân không đủ vốn để đầu tư các trang thiết bị hiện đại để thu gọn các công đoạn sản xuất nhanh hơn nên vẫn phải sản xuất thủ công. Vì vậy để làm ra một chiếc thúng tốn rất nhiều thời gian và khó đáp ứng được những đơn hàng lớn. 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 12

Giá cả của thúng chai Phú Mỹ sẽ tùy theo kích cỡ, số nan tre và đơn đặt hàng của bạn 

Khám phá nghề đan thúng chai Phú Mỹ - Làng nghề truyền thống từng bước vươn mình ra biển lớn 13

Nghề đan thúng chai Phú Mỹ đang từng bước vươn ra thị trường quốc tế bởi uy tín và chất lượng hàng đầu

Nghề đan thúng chai Phú Mỹ đã được hình thành, phát triển và giữ vững nét truyền thống cho đến ngày nay. Nếu bạn muốn được tận mắt quan sát quá trình làm nên một chiếc thúng chai hoàn chỉnh thì hãy ghé đến làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ để tham quan. Và đừng quên bỏ túi cho mình lịch trình khám phá Phú Yên tự túc để có chuyến trải nghiệm trọn vẹn hơn nhé.