Địa chỉ: Xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm dưới chân dãy Núi lửa Chư Đăng Ya được xây dựng vào năm 1909. Ngay phía trước nhà thờ còn khắc dòng chữ bằng tiếng Hán: Kỷ Dậu niên (tức năm Kỷ Dậu). Nhà thờ nằm im lìm giữa rừng già, ngay từ khi xây dựng đã muốn tách mình khỏi sự ồn ã của cuộc sống và cũng là nơi tu tập của những người tu sĩ một lòng hướng về Công giáo.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, Nhà thờ cổ HBâu hiện nay chỉ còn lại là tàn tích đổ nát, tháp chuông rêu phong, những bức tường loang lổ. Nhìn ngắm tàn tích này sẽ khiến ta không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến thuở ban sơ khi nhà thờ vẫn còn uy nghi sừng sững, tiếng chuông vang lên từ thánh đường, dội vào vách đá của nơi thâm sâu đại ngàn.

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 2

Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm trên ngọn núi Chư Đăng Ya

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 3

Thời gian và chiến tranh đã tàn phá gần như toàn bộ kiến trúc của nhà thờ

Vì là tàn tích còn sót lại nên bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm để tham quan, chụp ảnh. Tuy nhiên, bạn nên xem trước thời tiết để chọn đi vào ngày tạnh ráo, trời nắng đẹp. Như vậy thì chặng đường leo núi sẽ thuận lợi hơn, không bị trơn trượt, lầy lội, nguy hiểm. Bên cạnh đó, đến đây vào ngày đẹp trời, bạn cũng sẽ chụp được những khung hình xinh xắn và ấn tượng hơn.

Khoảng tháng 11 cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya. Một màu vàng rực rỡ trải dài khắp ngọn núi, những bông hoa xinh xắn khẽ rung lên theo từng cơn gió se se lạnh. Vì thế, nếu có thể sắp xếp thời gian thì bạn nên đến Nhà thờ cổ HBâu vào thời điểm này để được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời Gia Lai chuyển mình khi chớm vào đông.

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 4

Xung quanh nhà thờ trồng rất nhiều các loại hoa, đặc biệt nổi bật là hoa dã quỳ, nở rộn mỗi dịp cuối năm

Xem thêm: Về Ghềnh đá cổ Mang Yang khám phá vẻ đẹp địa chất độc đáo

Nhà thờ cổ HBâu cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30km. Bạn có thể di chuyển theo đường Phạm Văn Đồng/QL14, hướng ra Biển hồ Pleiku. Tại đây, bạn rẽ vào đường Tôn Đức Thắng rồi đi thẳng vào đường DT617, đến ngã ba thì rẽ bên trái để men theo Biển Hồ. Khi đến được khu vực H'Bâu thì đường đi sẽ ngoằn ngoèo và phức tạp hơn, bạn nên hỏi người dân địa phương đường đến Núi lửa Chư Đăng Ya, sau đó hỏi tiếp đường đến Nhà thờ cổ HBâu.

Trước đây, để đến nhà thờ, bạn sẽ phải vượt qua hai ngọn núi là Chư Jor và Chư Nâm. Nhưng hiện nay thì đường đi đã thuận lợi hơn nhiều, bạn chỉ cần đi theo con đường mòn dưới chân núi là sẽ đến được tàn tích này. 

Nhà thờ cổ HBâu hiện nay chỉ còn là tàn tích với đa phần kiến trúc đã bị tàn phá sau khoảng thời gian dài hơn 100 năm, dưới sự ảnh hưởng và tác động của thời tiết, chiến tranh. Thế nhưng vẫn còn một phần tháp chuông và phía trước của nhà thờ không bị thời gian chôn vùi, giữ được những đường nét cũ, bên trên phủ đầy rêu phong. 

Ngay phía trước nhà thờ, bạn sẽ nhìn thấy một bức tượng Chúa Giêsu và cây thập giá được treo ngay trên khung cửa. Có thể nói, đây là một trong những nhà thờ đầu tiên được xây dựng đánh dấu hành trình truyền giáo vào Pleiku. Nên dù nhà thờ đã bị tàn phá gần như hư hại hoàn toàn nhưng hình ảnh Ngài vẫn còn lại nguyên vẹn làm bao nhiêu người theo đạo Công giáo không khỏi xúc động khi có dịp đến Nhà thờ cổ HBâu. 

Đứng từ nhà thờ, bạn còn có thể thu gọn vào tầm mắt mình vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi Chư Đăng Ya. Dưới chân núi là cánh đồng Ngô Sơn, nơi người dân canh tác lương thực để phục vụ cuộc sống. Mạch nước ngầm từ lòng núi đã nuôi dưỡng nên những mùa vàng rực rỡ. Đến đây vào tháng 11, ngoài vẻ đẹp của hoa dã quỳ, bạn còn được ngắm những thửa ruộng chín vàng đang chờ đến ngày thu hoạch. 

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 5

Nhà thờ cổ HBâu mang trên mình vẻ hoang phế và tĩnh lặng

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 6

Bức tượng Chúa Giêsu treo trước nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn

Nhà thờ cổ HBâu không chỉ đơn thuần là một nhà thờ cổ xưa và hoang phế, đây còn là minh chứng cho lòng kính mến và luôn hướng về Thiên Chúa của người dân nơi đây. Thời điểm nhà thờ được xây dựng, dù chỉ là một làng thuộc vùng xa xôi, hoang sơ và hiểm trở nhưng người dân vẫn hết lòng phát hoang, tự tay mang từng viên đá lên núi để xây nên nhà thờ. 

Đến nay, dù trong làng đã xây dựng một nhà thờ mới nhưng nhiều người Jirai vẫn mỗi ngày ghé đến đây, mang theo hoa tươi và lòng thành kính để cầu nguyện. Quanh nhà thờ, người dân còn trồng thêm rất nhiều các loại hoa. Những sắc màu ấy giúp thổi sức sống vào khung cảnh hoang phế, tạo nên sự đối lập mạnh mẽ. Phần kiến trúc còn sót lại của nhà thờ vẫn được đồng bào Jirai nâng niu, gìn giữ cho đến tận ngày hôm nay, tạo nên sức hấp dẫn và thu hút cho công trình trăm năm tuổi này.

Khi đến với Nhà thờ cổ HBâu, đứng giữa núi rừng hùng vĩ, hít thở đầy lồng ngực mùi hương thơm ngát của hoa cỏ, bạn sẽ tìm thấy sự bình yên và tĩnh tại trong tâm hồn. Ngoài ra, đi khoảng vài trăm mét bạn sẽ gặp đồi cỏ lau đuôi chồn màu đỏ tía vô cùng rực rỡ là điểm check-in Gia Lai được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 7

Những đóa hoa tươi được người dân mang đến nhà thờ

Khám phá tàn tích Nhà thờ cổ HBâu nằm im lìm bên dãy Chư Đăng Ya 8

Người Jirai vẫn đến Nhà thờ cổ HBâu mỗi ngày với lòng thành kính dâng lên Chúa

Trên đây là một vài thông tin về Nhà thờ cổ HBâu mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Nếu có dịp, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan nhà thờ độc đáo này nhé.