Văn hóa Campuchia còn được gọi là văn hóa Khmer. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc và phong tục truyền thống. Quốc gia này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Ấn Độ giáo (Hindu giáo) và Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Nam tông. Điều này thể hiện rõ qua các công trình kiến trúc, điêu khắc và nghi lễ tôn giáo.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 2

Campuchia là một quốc gia với văn hóa lâu đời. Ảnh: special.nhandan

Suốt chiều dài phát triển của Campuchia, hai luồng tư tưởng tôn giáo này đã chi phối mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống người dân, cả vật chất lẫn tinh thần. Từ những công trình đền chùa với kiến trúc nguy nga lộng lẫy nổi tiếng thế giới cho đến các kiến trúc nhà ở, trường học; từ những điệu múa truyền thống cho đến các bài hát ru con ngủ cũng đều mang đậm đà “hương vị” của tôn giáo.

Lịch sử văn hóa Campuchia bắt nguồn từ thời kỳ tiền Angkor với sự phát triển của các vương quốc cổ đại như Funan và Chenla. Tuy nhiên, theo MIA.vn tìm hiểu, thời kỳ hoàng kim của văn hóa Campuchia diễn ra dưới thời đế chế Angkor (thế kỷ 9 đến thế kỷ 15), khi vương triều Khmer xây dựng nhiều công trình kiến trúc vĩ đại, mà đỉnh cao là quần thể Angkor Wat – biểu tượng văn hóa của Campuchia.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 3

Văn hóa Campuchia chịu ảnh hưởng rất lớn từ tôn giáo. Ảnh: special.nhandan

Trong suốt nhiều thế kỷ, văn hóa Campuchia đã trải qua quá trình pha trộn và ảnh hưởng từ đa dạng nền văn hóa. Tuy nhiên, người dân Campuchia vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình, thể hiện qua các lễ hội truyền thống, nghệ thuật biểu diễn và tín ngưỡng tôn giáo.

Campuchia là một trong những đất nước có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ và tuyệt đối nhất trên thế giới. Tôn giáo đã sớm du nhập và phát triển tại Campuchia. Đạo Hindu có mặt tại đất nước này từ thời kỳ sơ khai, nhanh chóng đã chiếm được sự tin tưởng của người dân Campuchia.

Cho đến thế kỷ thứ VII thì đạo Phật du nhập vào đất nước của những con người có bản chất rất hiền lành, chất phác này. Phật giáo Nam Tông nhanh chóng trở thành quốc giáo của Campuchia với trên 90% người dân tin tưởng. Và cũng từ đó đến nay, đạo Phật ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của người dân, từ các chuẩn mực đạo đức xã hội cho đến cách ứng xử của từng cá nhân.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 4

Tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng của người Campuchia rất mãnh liệt. Ảnh: special.nhandan

Trải qua hàng thế kỷ, Phật giáo đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt cho Campuchia. Những ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa của các cộng đồng dân cư mà còn là nơi lưu giữ và bảo vệ nền văn hóa lâu đời của đất nước. Từ thời kỳ Phù Nam, Chân Lạp đến đế chế Angkor, Phật giáo đã đóng góp vào việc xây dựng một xã hội giàu đẹp và bền vững. Ngày nay, Phật giáo vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền văn hóa Campuchia và cả khu vực Đông Nam Á.

Người dân Campuchia có nhiều cách chào hỏi khác nhau, tùy thuộc vào mối quan hệ, thứ bậc và tuổi tác.

- Cách chào hỏi truyền thống bao gồm cúi người và chắp tay trước ngực, tương tự như động tác cầu nguyện trong Phật giáo.

- Để thể hiện sự kính trọng, người chào sẽ cúi thấp hơn và chắp tay ở vị trí cao hơn.

- Với người nước ngoài, người Campuchia thường bắt tay, nhưng phụ nữ vẫn ưu tiên dùng cách chào truyền thống.

- Quy tắc ứng xử trong chào hỏi khi du lịch Campuchia rất đơn giản: hãy đáp lại tất cả lời chào mà bạn nhận được.

- Khi gọi người khác một cách lịch sự, người Campuchia thường thêm từ "Lok" trước tên của đàn ông và "Lok Srey" trước tên của phụ nữ.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 5

Cách chào hỏi thể hiện sự tôn trọng trong văn hóa Campuchia. Ảnh: vyctravel

Nghệ thuật Khmer nổi bật với các công trình điêu khắc, kiến trúc độc đáo, đặc biệt là những ngôi đền, chùa được xây dựng công phu. Angkor Wat và Bayon là những ví dụ điển hình cho đặc trưng kiến trúc và văn hóa Campuchia với các hình tượng thần linh, hoa văn phức tạp được chạm khắc tinh xảo trên đá.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 6

Các công trình đền chùa tại Campuchia cũng chịu sự chi phối từ tôn giáo. Ảnh: wpg.com

Ẩm thực Campuchia mang đậm hương vị của các món ăn từ gạo, cá và gia vị. Một số món ăn nổi tiếng bao gồm amok (món cá nấu trong nước cốt dừa và các loại gia vị), bai sach chrouk (cơm thịt heo) và các món ăn đường phố như num pang (bánh mì). Ẩm thực Campuchia không quá cay nhưng sử dụng nhiều thảo mộc và gia vị, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 7

Món amok rất phổ biến khi bạn đến với Campuchia. Ảnh: kenh14

Angkor Wat là một trong những kỳ quan kiến trúc vĩ đại nhất thế giới. Đây là biểu tượng nổi bật của Campuchia và là điểm nhấn quan trọng trong di sản văn hóa toàn cầu. Được xây dựng vào thế kỷ 12 dưới triều đại của vua Suryavarman II, Angkor Wat ban đầu là một ngôi đền Hindu thờ thần Vishnu, sau đó trở thành trung tâm Phật giáo vào cuối thế kỷ 13. Đền được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1992.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 8

Đền Angkor Wat trong ánh hoàng hôn. Ảnh: vietnam

Về quy mô, Angkor Wat là công trình tôn giáo lớn nhất thế giới, trải dài trên diện tích hơn 162 ha. Kiến trúc của đền được thiết kế với sự đối xứng hoàn hảo, mô phỏng vũ trụ Hindu với năm ngọn tháp trung tâm đại diện cho năm đỉnh núi Meru, ngọn núi thiêng liêng trong truyền thuyết. Bao quanh khu đền là một con hào rộng lớn, biểu trưng cho đại dương vũ trụ.

Nằm ở trung tâm của quần thể Angkor Thom, Đền Bayon là một trong những công trình kiến trúc nổi bật và độc đáo nhất của Đế chế Khmer. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 dưới triều đại của vua Jayavarman VII, Bayon là biểu tượng của sự kết hợp giữa Phật giáo và quyền lực vương triều. Tại đây có những bức tượng đá khổng lồ mang khuôn mặt của vị vua này, tượng trưng cho Bồ Tát Lokesvara là vị thần của lòng từ bi.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 9

Những bức tượng đá khổng lồ mang khuôn mặt của vua Jayavarman VII. Ảnh: indochinasensetravel

Điểm đặc biệt nhất của Bayon chính là 54 ngọn tháp khắc hình những khuôn mặt khổng lồ, mỗi ngọn tháp có bốn mặt, nhìn ra bốn hướng. Tổng cộng có tới 216 khuôn mặt được khắc trên các tháp, mỗi khuôn mặt đều mang nụ cười bí ẩn, tạo nên một cảm giác vừa thanh bình vừa linh thiêng. Những khuôn mặt này không chỉ là biểu tượng của Phật giáo mà còn là biểu hiện của quyền lực và sự hiện diện của vua Jayavarman VII trên toàn đế chế.

Đền Preah Vihear, một kỳ quan kiến trúc khác của Campuchia, nằm trên đỉnh dãy núi Dangrek, gần biên giới Thái Lan. Với vị trí độc đáo và kiến trúc tuyệt vời, Preah Vihear được xem là một trong những đền thờ Hindu quan trọng nhất của văn hóa Campuchia, đồng thời là biểu tượng của sự kết nối giữa con người với thiên nhiên.

Khám phá văn hóa Campuchia với những di sản ngàn đời 10

Đền Preah Vihear nằm trên đồi, bao phủ bởi mây mù trắng xóa. Ảnh: ivivu

Được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới triều đại của các vị vua Khmer như Suryavarman I và Suryavarman II, Preah Vihear ban đầu được dùng để thờ thần Shiva. Đền tọa lạc trên một vách đá cao 525 mét so với mực nước biển, với tầm nhìn bao quát khắp vùng đồng bằng phía dưới. Kiến trúc của Preah Vihear đặc biệt ở chỗ nó không được xây dựng trên mặt đất bằng phẳng mà trải dài theo một trục chính dài khoảng 800 mét, theo hướng từ Nam lên Bắc. Trục chính này dẫn từ cổng đền qua nhiều cấp bậc khác nhau, với mỗi cấp bậc tượng trưng cho một phần của thiên đường Hindu.

Văn hóa Campuchia là một kho tàng giá trị đầy màu sắc, từ kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo đến phong tục tập quán. Việc khám phá các nét đặc trưng trong văn hóa Campuchia không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về quốc gia này mà còn mang lại những trải nghiệm đáng nhớ. Theo dõi cẩm nang du lịch MIA.vn để khám phá thêm nhiều điều thú vị về văn hóa và du lịch trên toàn thế giới nhé.