Trải nghiệm văn hóa những ngôi làng cổ là một trong những hoạt động đặc biệt khi du lịch Hà Nội. Một trong những ngôi làng cổ tại đất Hà thành chưa được nhiều tín đồ du lịch biết đến chính là Làng Cự Đà. Đây là một ngôi làng vẫn gìn giữ được vẹn nguyên bản sắc với kiến trúc truyền thống cùng những nghề thủ công nổi tiếng. Vậy bạn cần biết gì khi tham quan Làng Cự Đà, hãy cùng Cẩm nang du lịch MIA.vn khám phá nhé!
1 Làng Cự Đà, vùng đất cổ kính bình yên nơi ngoại thành thủ đô
Ít ai biết rằng, trong lòng một thủ đô nhộn nhịp và sôi động như Hà Thành vẫn có những chốn bình yên, nhẹ nhàng và đậm chất truyền thống. Một trong những chốn bình yên ấy chính là Làng Cự Đà.
Làng cổ Cự Đà là một ngôi làng nhỏ bình yên nằm yên bình trong lòng xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Theo các tài liệu khảo cứu lịch sử cũng như các gia phả dòng họ tại đây, Làng Cự Đà đã được hình thành từ đến hơn 4 thế kỷ trước. Làng này được thành lập bởi các hoàng thân trong gia đình chúa Trịnh và được các nhà tư sản phát triển sau này.
Nằm nép mình bên bờ sông Nhuệ hiền hòa đã 4 thế kỷ, thế nhưng chưa bao giờ làng cổ Cự Đà ngủ quên với thời gian. Đời sống nơi đây dù vẫn giữ được những dấu ấn cổ kính, truyền thống nhưng vẫn tương đối nhộn nhịp, không bị lỡ thì so với những đô thị thuộc đất thủ đô. Cho đến ngày nay, Làng Cự Đà vẫn luôn gìn giữ hình ảnh mang đậm dấu ấn làng xã Bắc Bộ xưa với cổng làng, cây đa, kiến trúc, sân đình.
Làng Cự Đà nổi bật bởi không gian kiến trúc độc đáo, cổ kính và có dấu ấn riêng biệt so với những ngôi làng khác. Điểm tô trong không gian đậm chất truyền thống Bắc Bộ là những tòa nhà có kiến trúc cổ Pháp cổ kính.
Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với những làng nghề độc đáo như làng làm miến dong, làng làm tương. Những địa điểm đặc biệt ấy đã góp phần tô vẽ một Làng Cự Đà thêm phần sinh động trên bức tranh văn hóa thủ đô.
2 Cách di chuyển đến Làng Cự Đà
Làng Cự Đà cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 14 km nên cũng khá dễ trong việc di chuyển. Bạn sẽ mất khoảng 45 phút để di chuyển từ khu vực Hồ Hoàn Kiếm để đến được Làng Cự Đà.
Để di chuyển từ Hồ Hoàn Kiếm đi Làng Cự Đà, bạn có thể đi theo hướng dẫn của Google Maps. Ngoài ra, bạn cũng có thể di chuyển theo cung đường mà MIA.vn gợi ý như sau: Lê Thái Tổ - đi thẳng vào Bà Triệu - rẽ phải vào Trần Nhân Tông - rẽ trái vào Nguyễn Đình Chiểu - rẽ phải vào Đại Cồ Việt - rẽ trái vào Giải Phóng - rẽ phải vào Định Công - rẽ trái vào Trịnh Đình Cửu - rẽ trái vào Cầu L1 vào Đặng Xuân Bảng rồi rẽ phải ngay tại ngã ba đầu tiên - rẽ phải vào Nghiêm Xuân Yêm - rẽ trái vào Kim Giang - qua cầu Hữu Hòa 2 - rẽ trái vào Hữu Hòa - đi thẳng Hữu Hòa là đến Làng Cự Đà bên bờ sông Nhuệ.
3 Làng Cự Đà thu hút các tín đồ du lịch vì điều gì?
Làng Cự Đà là một trong những địa điểm hứa hẹn mang đến bạn những trải nghiệm văn hóa nổi bật mà MIA.vn luôn muốn giới thiệu đến bạn. Vậy ngôi làng này có gì đặc sắc khiến các tín đồ du lịch thủ đô say đắm, hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
3.1 Nơi lưu giữ hơi thở kiến trúc truyền thống xa xưa
Làng cổ Cự Đà được quy hoạch theo kiến trúc xương cá với mọi con ngõ đều quay về trục đường chính của làng. Vì thế, bạn sẽ không cần phải lo lắng đi lạc khi tham quan làng cổ xinh đẹp này.
Bước chân vào Làng Cự Đà, bạn sẽ được chiêm ngưỡng quy mô kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà điển hình của kiến trúc làng xã Bắc Bộ. Nhiều ngôi nhà tại Làng cổ Cự Đà vẫn được xây dựng bằng gỗ với ngói mũi hài cùng cửa và rường cột được chạm khắc bởi những hoa văn có họa tiết tinh xảo.
Ngôi làng Cự Đà đã từng có hơn hàng trăm ngôi nhà cổ với phong cách ấn tượng. Tuy nhiên, trải qua năm tháng biến động cùng nhiều thay đổi của lịch sử, Làng Cự Đà đến nay chỉ còn lưu giữ khoảng 50 ngôi nhà cổ có niên đại trăm năm cùng lối kiến trúc ấn tượng, khác lạ.
Một số ngôi nhà cổ thường có đặc điểm chung là có thiết kế hai tầng với ban công phía trước mang đậm dấu ấn kiến trúc phương Tây. Ngoài ra, trong khuôn viên Làng Cự Đà còn có nhiều ngôi nhà sở hữu mái hiên vút cong như mái đình kiểu Bắc Bộ. Điều đặc biệt của Làng cổ Cự Đà là dù những công trình kiến trúc nơi đây sở hữu hai phong cách khác biệt nhưng lại khá hòa hợp. Tất cả cùng nhau hợp thành tổng thể đậm chất truyền thống của Làng cổ Cự Đà qua bao năm tháng.
Ngoài ra, tổng thể kiến trúc Làng Cự Đà còn gây dấu ấn bởi loạt công trình mang màu sắc nổi bật. Những công trình nơi đây mang màu sắc kiến trúc độc đáo của nghệ thuật làng quê Bắc Bộ mà bạn có thể thưởng thức mỗi khi tìm về Làng cổ Cự Đà.
Cổng làng Cự Đà
Cổng làng Cự Đà mang dáng dấp của kiến trúc làng quê Bắc Bộ xưa cũ. Nơi đây sở hữu nhiều nét ấn tượng bởi dấu ấn thời gian phủ mình trên những mảng rêu phong cổ kính. Dù không còn nguyên vẹn nhưng cổng làng vẫn là điểm check-in quen thuộc của các tín đồ du lịch khi tìm đến đây.
Đình làng Cự Đà
Đình làng Cự Đà là một tòa nhà 5 gian với kết cấu gỗ truyền thống theo kiểu chồng rường, kẻ bảy. Trên các kẻ bảy, xà lách của đình làng đều được chạm trổ các hoa văn vô cùng tinh tế như hoa lá cùng hình tượng rồng. Đình làng là nơi thờ một vị quan võ nhà Đinh, gắn liền với câu chuyện chọn binh lính trong thời kỳ dẹp loạn 12 sứ quân.
Miếu làng Cự Đà
Miếu làng Cự Đà là bệ thờ trời đất và cũng là nơi thờ Thánh Trung Tông. Trong miếu thờ có một ngai đá đã được tạo tác từ năm 1921 và mang phong cách điêu khắc đá thời Nguyễn.
3.2 Làng nghề làm miến dong nổi tiếng thủ đô
Làng Cự Đà nổi tiếng là làng làm miến dong nổi tiếng ở miền Bắc. Nơi đây là một trong những làng làm miến lớn nhất Bắc Bộ với truyền thống hoạt động lâu đời. Miến được tạo ra từ làng Cự Đà thường có sợi nhỏ, đều tắp và sở hữu màu vàng óng hoặc tránh mịn. Đặc trưng của miến dong là nấu lên sẽ khá giòn, dai, mang đến hương vị đặc trưng.
3.3 Vùng đất có truyền thống làm tương
Truyền thống làm tương tại làng Cự Đà đã có từ trăm năm và là niềm tự hào của người dân địa phương này. Người dân làng này không ai là không biết câu “tương Cự Đà, cà làng Đám”. Tương Cự Đà được làm bằng nếp và đậu tương, kết hợp cùng nước mưa và muối trắng nên sở hữu hương vị đặc trưng không đâu có được.
3.4 Chùa Cự Đà có niên đại hơn 300 năm
Chùa Cự Đà với niên đại hơn 300 năm là một Di tích Quốc gia tại Thủ đô Hà Nội. Công trình này còn có tên gọi khác là Linh Minh Tự với những đường nét cổ kính, trầm mặc đúng với phong cách cổ điển Bắc Bộ.
Vẻ đẹp trầm mặc và thanh bình của Làng cổ Cự Đà qua bao năm tháng vẫn làm các tín đồ du lịch say đắm và nôn nao tìm đến. Vẻ đẹp dung dị, nhẹ nhàng và ấm áp của ngôi làng này hứa hẹn sẽ mang đến bạn những trải nghiệm hiếm nơi nào có được. Nếu có dịp đến với ngoại thành Hà Nội, đừng ngần ngại mà thêm ngay Làng Cự Đà vào lịch trình khám phá thủ đô của mình bạn nhé!