1 Giới thiệu về Làng nghề Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng tỉnh Phú Yên
Ở Việt Nam, nền “văn hóa cuốn” đã trở thành một nét đẹp không thể quên trong các bàn ăn của gia đình sum vầy. Nhất là khi có tiệc tùng, đám giỗ, Lễ Tết, dù ở vùng nào cũng đều có ít nhất một món cuốn. Hơn hết, một nguyên liệu khiến các món cuốn trở nên “dai, ngon” hơn chính là bánh tráng. Mỗi vùng cũng sẽ có lò sản xuất truyền thống khác nhau với hương vị thơm ngon đặc trưng làm nên tên tuổi như Bánh tráng Trảng Bàng Tây Ninh, tỉnh Quảng Bình có làng Bánh tráng Tân An hay ở Bến Tre có Làng nghề Bánh Tráng Mỹ Lồng. Và nếu đến Phú Yên, khi được hỏi bánh tráng ở đâu ngon nhất, chắc chắn người dân sẽ không ngần ngại mà chỉ bạn đến làng nghề Hòa Đa.
Làng nghề bánh tráng Hòa Đa thuộc thôn Hòa Đa, nằm cạnh quốc lộ 1A và cách thị xã Tuy Hòa khoảng tầm 15km về phía Bắc. Làng nghề Bánh tráng Hòa Đa hiện có trên 200 hộ đang làm nghề sản xuất bánh tráng truyền thống. Các sản phẩm tại đây được cung cấp sỉ lẻ trong và ngoài nước. Mọi năm, vào mùa cao điểm trước Tết, tại đây sẽ có thêm 100 hộ cùng “tăng tốc” để phụ giúp đủ số lượng cung ứng cho thị trường tiêu thụ Tết. Theo một lão làng trong nghề Bánh tráng Hòa Đa - bà Nguyễn Thị Nành - người có trên 50 năm kinh nghiệm làm nghề tráng bánh ở Hòa Đa cho biết rằng: “Bánh tráng Hòa Đa ở đây được khách hàng ưa chuộng là bởi vì mỗi chiếc bánh tráng cho ra đều có độ mịn, mềm, dẻo thơm, không có vị chua và đặc biệt là ít bị dính hoặc bể khi nhúng nước. Do đó, bánh rất dễ cuốn, những du khách nước ngoài chưa được trải nghiệm món cuốn Việt Nam vẫn có thể ăn dễ dàng. Bên cạnh đó, độ dẻo của bánh tráng Hòa Đa còn quyết định chủ yếu ở khâu chọn và ngâm gạo chứ không phải pha thêm bột sắn như bánh tráng một số vùng khác”.
Bánh tráng Hòa Đa được làm từ bột gạo xay được xuất xứ từ chính tỉnh Phú Yên. Tuy giống gạo lúa được trồng ở Phú Yên khi nấu cơm thì khô nhưng để làm bánh tráng thì rất ngon. Hơn nữa, các nguyên liệu đều có nguồn gốc rõ ràng, rất hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các công đoạn làm bánh tráng dù nhìn trông thật đơn giản nhưng để làm ra một chiếc bánh tráng hoàn chỉnh cũng khá nhọc nhằn. Sau khi khuấy bột, các chị em phụ nữ sẽ tráng bánh lên vỉ được đan bởi các thanh niên trai tráng trong làng. Sau khi bánh tráng được phơi khô ngoài trời sẽ được các thanh niên trong cơ sở lấy bánh xuống và bánh được xếp thành từng chồng ngay ngắn, gói ghém cẩn thận sau đó cho vào bao. Lúc này, bánh tráng Hòa Đa này có thể dùng được ngay mà không cần chế biến gì thêm. Rất nhiều thực khách sau khi trải nghiệm bánh tráng Hòa Đa đã nhận xét bánh đều khổ, dai và thơm ngon.
Vì sự thơm ngon này mà khi ăn kèm bánh tráng Hòa Đa với bất kỳ món nào, thực khách cũng phải “xuýt xoa” vì sự ‘tâm đầu ý hợp’ mà nó mang lại. Chẳng hạn như bạn có thể dùng Bánh tráng Hòa Đa cuốn với thịt ba chỉ luộc nóng hổi hay nem chả kèm rau sống, chấm cùng chén nước chấm mắm nhĩ, mắm nêm, mắm thu, mắm mực hay mắm ruốc đều mang đến một vị ngon đậm đà. Nếu ăn các món gỏi, xào, nộm hay một đĩa hến, thì hương vị giòn thơm của bánh tráng Hòa Đa sau khi nướng lên lại càng làm thực khách đắm say. Hoặc nếu bạn là người chơi “hệ nạc”, không thích thịt thì có thể cuốn với cá hấp, hay các loại hải sản khác như tôm, mực luộc hay tất cả những “topping” nào mà bạn cảm thấy thích cũng rất hợp.
Xem thêm: Bánh tráng cuốn thịt heo chợ Cồn - Món ăn lôi cuốn qua nhiều thế hệ ở Đà Nẵng
2Làng nghề Bánh tráng truyền thống Phú Yên tiết lộ quy trình sản xuất ra đặc sản Bánh tráng Hòa Đa
Nguyên liệu chủ yếu để làm ra chiếc Bánh tráng Hòa Đa Phú Yên chính là từ bột gạo. Gạo ở đây được lấy trực tiếp từ huyện Tuy An, Phú Yên nên rất đặc biệt. Đây là loại gạo có thể nói là ‘trời ban cho để làm bánh tráng’ bởi khi nấu cơm, gạo khá khô nhưng để làm bột bánh tráng thì phải nói là tuyệt vời.
Trước tiên là bước chọn gạo, người dân trong Làng nghề bánh tráng truyền thống sẽ không dùng gạo bị mốc hay bị hư. Để loại bỏ hết mọt gạo làm ảnh hưởng chất lượng bánh tráng, trước khi dùng, thợ làm bánh cần phải rây qua để sàng lọc gạo. Và sau khi chọn lọc xong, gạo sẽ được đem đi ngâm trong nước từ 3-4 tiếng cho mềm, sau đó sẽ đem xay thành bột, rồi bóp bột để tách nước chua trong gạo cũng như giúp tăng thêm được độ kết dính cho bột.
Tiếp theo đó chính là công đoạn pha bột. Lúc pha, thợ làm bánh sẽ thêm vào đó chút gia vị (đường hoặc muối). Đây chính là giai đoạn tạo nên sự khác biệt của mỗi lò bánh vì mỗi lò sẽ cho ra một công thức pha trộn không giống nhau giúp cho mỗi cơ sở sản xuất sẽ có một hương vị độc đáo, khác lạ không đâu có thể trộn lẫn được. Sau đó người thợ làm bánh tráng dùng một chiếc nồi inox to để nấu nước và sẽ căng một tấm khuôn vải lên trên miệng nồi để chuẩn bị tráng bánh. Dụng cụ tráng bánh cũng khá đơn sơ, chỉ cần một chiếc gáo dùng múc bột gạo, một ống lăn chuyên dụng dùng để lấy bánh nhưng đây lại là công đoạn cần rất nhiều sự tỉ mỉ. Vì thế, hầu hết những người phụ nữ sẽ trực tiếp đứng ra làm mọi việc trong khâu này.
Cùng lúc đó, những người thanh niên trai tráng ở Làng nghề Bánh tráng Hòa Đa này sẽ đắp lò để tráng bánh và cũng kiêm luôn công việc đốt cho những nồi nước tráng luôn sôi sục bốc khói nghi ngút. Tất nhiên, không thể thiếu những chiếc vỉ phơi để khi công đoạn tráng bánh hoàn tất, bánh có thể được đem đi phơi cho kịp nắng.
Đối với người dân làm nghề bánh tráng truyền thống ở Làng nghề Bánh tráng Hòa Đa, việc tạo ra một chiếc bánh cũng giống như tạo ra một “tuyệt tác trần gian” bởi nó vừa thể hiện được tay nghề của người thợ giỏi, khéo léo vừa thể hiện được sự yêu nghề truyền qua những chiếc bánh thơm ngon. Phần bột cho mỗi cái bánh phải vừa đủ, tránh tình trạng chỗ dày chỗ mỏng. Hơn nữa, kích thước bánh phải đều nhau để có tính thẩm mỹ hơn.
Công đoạn khó nhằn nhất chính là lấy bánh còn ướt từ lò ra vỉ. Điều này phải đòi hỏi có sự phối hợp và kinh nghiệm lâu năm giữa người đang tráng bánh và người lấy bánh ra vỉ đem phơi. Vì lúc này bánh vẫn còn độ ướt nên bánh rất dễ bị cuốn gập lại hoặc bị rách đôi. Do đó đòi hỏi người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng, khéo léo và có kinh nghiệm.
Cuối cùng, bánh sẽ được đem phơi nắng. Khi bánh khô lại, người thợ sẽ mang cả vỉ vào để trong mát tránh không để ngoài nắng quá lâu, vì như thế bánh sẽ bị teo lại không còn hình dáng tròn đã tráng lúc ban đầu và bánh dễ bị vỡ. Một thời gian sau nữa thì bánh sẽ khô và tự bung ra khỏi mặt vỉ đến lúc đó thì lấy bánh và xếp bánh sẽ dễ dàng hơn.
Đặc sản Bánh tráng Hòa Đa của Làng nghề bánh tráng Phú Yên cũng được coi như một món quà dân dã và đặc biệt của người dân xứ Nẫu. Vì thế, người trong Làng bánh tráng Hòa Đa thường hay đóng gói cẩn thận làm quà đem biếu cho người thân của mình để tỏ tấm lòng thiện cảm. Bánh tráng Hòa Đa cũng hay được những cha mẹ gói ghém chuyển lên cho con em mình khi đi học xa như một món quà động viên tinh thần của những đứa con đi xa cố gắng học hành, làm ăn giúp cho nỗi nhớ nhà vơi đi phần nào.