Hà Nội là thủ đô hội tụ những nét đẹp văn hóa cổ kính với nhiều dấu ấn trầm tích còn sót lại. Về miền ngoại ô thủ đô, ta sẽ tìm thấy một không gian cổ kính với nét đẹp yên bình, đậm chất rêu phong. Đó chính là Làng Ước Lễ Hà Nội nổi tiếng với nghề làm giò chả nức tiếng gần xa. Dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẻ đẹp của vùng đất cổ kính này luôn ẩn chứa nhiều sức hút mà bạn nên khám phá.

Ước Lễ là một ngôi làng cổ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi làng nổi tiếng với không gian cổ kính cùng nghề làm giò chả, nem chua đã truyền từ nhiều đời trước cho đến ngày nay.

Ngôi làng này mang nhiều dấu ấn của một kiến trúc làng xã Bắc Bộ điển hình với cổng làng và mái đình được xây dựng bề thế. Một vài công trình kiến trúc tại Làng Ước Lễ như bị bỏ lại giữa dòng thời gian hiện đại.

Trải qua nhịp sống sôi động của đô thị tấp nập ngoài kia, Làng Ước Lễ ngày nay vẫn giữ được hầu như vẹn nguyên nếp sống từ những ngày tháng đã cũ. Làng nghề nem chả truyền thống nơi đây đến ngày nay vẫn còn được gìn giữ với nhiều bản sắc văn hóa tươi đẹp, không chỉ vang danh về mặt ẩm thực mà còn ở nhiều khía cạnh khác.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 2

Làng Ước Lễ là một ngôi làng cổ thuộc ngoại ô Hà Nội. Ảnh: Quang Hao Nguyen

Di chuyển bằng phương tiện cá nhân

Làng Ước Lễ có vị trí khá dễ tìm nên bạn có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể truy cập ứng dụng Google Maps hoặc đi theo hướng dẫn cụ thể của MIA.vn như sau: Ga Hà Nội - đường Lê Duẩn - đường Giải Phóng - Quốc lộ 1A - đường DT427B - Quốc lộ 21C - rẽ phải tại Trang trại Thiện Tâm - Làng Ước Lễ.

Cung đường từ trung tâm thủ đô Hà Nội đến Làng Ước Lễ dài khoảng 31 km. Vì thế, tổng thời gian di chuyển đến đây bằng phương tiện cá nhân sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng 10 phút hoặc thay đổi theo tình trạng giao thông hiện tại.

Di chuyển bằng phương tiện công cộng

Bạn có thể cân nhắc di chuyển từ trung tâm thủ đô đến Làng Ước Lễ bằng xe buýt. Tuyến xe buýt gần nhất kết nối với Làng Ước Lễ là Xe buýt 125: Bến xe Thường Tín - Tế Tiêu. Sau đó, bạn có thể xuống trạm trước UBND xã Tân Ước. Tuy nhiên, bạn cũng sẽ phải tự túc di chuyển một đoạn đường từ trạm mới có thể đến với Làng Ước Lễ.

Làng Ước Lễ nổi tiếng với những không gian cổ kính nằm trầm mặc giữa dòng thời gian êm trôi. Nơi đây có những địa điểm mang sắc màu như thế mà Cẩm nang du lịch MIA.vn đã tổng hợp lại trong danh sách sau đây.

Cổng làng Ước Lễ là công trình tượng trưng cho vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần ấn tượng của quần thể làng xã này. Cổng làng được xây dựng theo hình vòm cuốn, với mái cong vút và có độ cao 6m, rộng 12m. Bên trên cổng làng có đắp nổi chữ Hán “Ước Lễ môn” (cổng Ước Lễ). Hàm ý của tên gọi này ý chỉ người dù học cao đến đâu cũng phải biết tôn trọng lễ giáo.

Ngoài những chi tiết kể trên, hai bên của cổng làng còn được khắc hai câu đối bằng chữ Hán. Hai câu đối này nội dung nguyện cầu cho người trong làng khi ra ngoài làm ăn sẽ thuận lợi, công thành danh toại.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 3

Cổng làng Ước Lễ là công trình tượng trưng cho vẻ đẹp cổ kính. Ảnh: Quang Hao Nguyen

Đình làng Ước Lễ là một trong hai di tích cấp quốc gia được công nhận tại làng. Công tình này nằm ngay đầu làng và được dùng để thờ thành hoàng Lữ Gia. Thoạt nhìn, đình làng mang sắc màu cổ kính với những mảng tường rêu phong bám kín, tạo nên cảm giác trầm mặc, huyền bí vương sắc màu thời gian.

Đình làng Ước Lễ sở hữu lối kiến trúc từ thời Hậu Lê với màu sắc cổ kính, thu hút. Công trình kiến trúc này bao gồm các hạng mục như Tam bảo, Hậu cung, sân đình, giếng nước, cây si cổ thụ tạo nên sự bề thế. Không gian hai bên cửa hậu cung có ngựa tế trắng bên phải và ngựa tế đỏ ở bên trái.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 4

Đình làng Ước Lễ là một trong hai di tích cấp quốc gia được công nhận tại làng. Ảnh: Quang Hao Nguyen

Chùa Sổ là di tích lịch sử cấp quốc gia tại Làng Ước Lễ. Ngôi chùa này còn có tên gọi khác là Hội Linh quán với tuổi đời khoảng 500 năm. Bên trong chùa có khoảng 25 pho tượng được làm từ thế kỷ 17 và 18 với giá trị lịch sử rất lớn.

Ngôi chùa có kiến trúc mang đậm dấu ấn đặc trưng của thế kỷ 16. Gạch trang trí sử dụng các loại hoa văn độc đáo từ thời nhà Mạc. Hiện tại, chùa có hai hành lang với 26 gian nối liền hai đầu tiền đường cùng nhà phía sau bao bọc tòa thượng điện.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 5

Chùa Sổ sở hữu đường nét mang đậm dấu ấn thời gian. Ảnh: tracuuquyhoach

Chợ làng Ước Lễ đến ngày nay vẫn còn vẹn nguyên những đường nét kiến trúc cổ kính. Khu chợ này có đặc trưng chỉ họp từ 4 giờ 30 sáng đến tầm 9h sáng. Chợ chủ yếu bán những mặt hàng nhu yếu phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong làng Ước Lễ.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 6

Chợ làng Ước Lễ đến ngày nay vẫn còn vẹn nguyên dấu ấn cổ kính. Ảnh: giochauocle

Khi đến với Làng Ước Lễ, không khó để bạn có thể tìm được những nếp nhà xưa với kết cầu mang đậm hơi hướng nông thôn xưa. Một số công trình nhà cổ trong làng hiện nay có tuổi đời trên dưới trăm năm.

Mặc dù dưới sự bào mòn và xâm lấn của thời gian, thế nhưng những căn nhà này hầu như vẫn giữa được nguyên tổng thể của kiến trúc nhà ở xưa cũ. Nổi bật nhất trong những ngôi nhà cổ này chính là phần cổng được làm theo kiểu cuốn thư. Ý nghĩa của việc này là để thể hiện tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của dân làng. Thông thường, trước mỗi nhà cổ đều có bức bình phong với ý nghĩa tránh các điểm xấu cho gia chủ.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 7

Những ngôi nhà xưa tại Làng Ước Lễ đều vương màu thời gian. Ảnh: Quang Hao Nguyen

Nghề làm giò chả Làng Ước Lễ từ lâu đã nức tiếng gần với nhiều câu chuyện đặc biệt. Vậy làng nghề này hình thành từ lúc nào và đâu là đặc trưng của giò chả làng Ước Lễ, hãy cùng Cẩm nang du lịch MIA.vn tìm hiểu bạn nhé!

Nghề làm giò chả Làng Ước Lễ đã có từ cách đây 500 năm. Tương truyền, vào thời nhà Mạc, có một cung tần trong triều là người làng Ước Lễ về xây cổng làng và dạy cho người dân nơi đây cách làm giò chả. Từ đó, nghề này được cha truyền con nối qua bao thế hệ và được nối tiếp đến ngày nay.

Ngày nay, vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm, người làng lại nô nức tổ chức lễ hội giò chả Làng Ước Lễ. Đây cũng là dịp mà người dân tổ chức ăn tết lại, cũng như thể hiện sự tôn kính đối với một trong những dấu ấn văn hóa ẩm thực truyền thống mà ông bà để lại.

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 8

Nghề làm giò chả Làng Ước Lễ đã có từ cách đây 500 năm. Ảnh: Quang Hao Nguyen

Sản phẩm truyền thống của Làng Ước Lễ được nhiều người biết đến chính là giò lụa và chả quế. Giò ở làng Ước Lễ được gói bằng ba lớp lá chuối để giữ lại hương vị của thịt. Một phần giò phải được bao bọc bởi một lớp lá nón bên trong, một lớp lá bánh tẻ bọc giữa và một lớp lá già ngoài cùng.

Ngày nay, nghề giò chả làng Ước Lễ đã trở nên phát triển hơn với nhiều sản phẩm phong phú có mặt trên khắp cả nước như giò lụa, giò xào, giò bì, giò bò, nem chua, chả quế, chả rán…

Ghé Làng Ước Lễ xem nghề làm chả lừng lẫy thủ đô 9

Sản phẩm truyền thống của Làng Ước Lễ khá đa dạng. Ảnh: suckhoeviet

Làng Ước Lễ với không gian yên bình sẽ là địa điểm thích hợp đối với những tín đồ du lịch muốn tìm về những không gian cổ kính, nhẹ nhàng. Ngôi làng cổ với nghề giò chả nức tiếng này sẽ là nơi mang đến bạn những không gian văn hóa rực rỡ với nhiều câu chuyện về kiến trúc, ẩm thực… độc đáo.