Hàng năm, Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo sẽ được tổ chức vào tháng 10 âm lịch, từ tối ngày 17/10 đến hết ngày 18/10. Đối với người dân tại đây thì bà Phi Yến được coi là một vị thần đức độ và thiện lương, dù mất đi thì vẫn luôn phù hộ, bảo trợ cho con người và hòn đảo này được bình an. Hiện nay, lễ hội trở thành một nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Côn Đảo, từng bước được mở rộng và nâng cấp cả về quy mô và hình thức, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch tham gia.  

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo và tranh cãi về Di sản phi vật thể cấp Quốc gia 2

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo là nét văn hóa đặc trưng trong tín ngưỡng và đức tin của người dân tại đây

Lễ giỗ bà Phi Yến được tổ chức tại An Sơn Miếu (Miếu bà Phi Yến) Côn Đảo. Ngôi miếu này cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Nam. Sau khi bà qua đời, rất nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của bà đã được người dân địa phương truyền tai nhau, ngôi miếu được xây dựng như một sự tưởng niệm của người dân dành cho tấm gương của sự trung trinh, một người phụ nữ đã sẵn sàng ra đi để bảo vệ trong sạch của bản thân. 

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo và tranh cãi về Di sản phi vật thể cấp Quốc gia 3

Miếu bà Phi Yến quanh năm luôn được người dân hương khói đầy đủ

Xem thêm: Top 5 điểm du lịch tâm linh Côn Đảo đáng đến nhất

Để hiểu về ý nghĩa Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo, trước hết chúng ta phải kể lại câu chuyện truyền thuyết xa xưa về nhân vật bất hạnh này. Theo dân gian kể lại, bà Hoàng Phi Yến là thứ phi của vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Khi phong trào Tây Sơn nổi lên dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã khiến Nguyễn Ánh thua trận và phải đưa theo vợ con, tùy tùng cùng 100 gia đình quan lại trốn lên Côn Đảo. Tại đây, nhà vua đã có ý định cầu viện sự giúp đỡ của Pháp, còn có ý định đưa Hoàng Tử Hội An - con chung với thứ phi Phi Yến, sang Pháp làm con tin để đổi lấy cứu viện. Trước ý định này của nhà vua, thứ phi Phi Yến đã ra sức can ngăn, cho rằng việc cầu viện ngoại bang là không nên, trong tình hình đất nước hỗn loạn, nếu để Pháp đưa quân vào thì dù giành được thắng lợi, sau này cũng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề khó giải quyết. Thế nhưng những suy nghĩ của bà đã khiến Nguyễn Ánh tức giận, cho rằng bà thông đồng với quân Tây Sơn, phản bội ông nên đã quyết định xử tử bà. Sau đó nhờ quan lại can ngăn nên bà mới được tha tội chết, nhưng bị nhốt lại trong một hang đá hoang vu ở phía Tây Nam Côn Đảo, dùng đá lớn chắn cửa hang và chỉ để lại một ít thức ăn, nước uống cho bà duy trì sự sống.

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo và tranh cãi về Di sản phi vật thể cấp Quốc gia 4

Bức tượng bà Phi Yến trang nghiêm trong chánh điện

Ngay sau đó quân Tây Sơn đã đánh đến Côn Đảo, vua Nguyễn Ánh lập tức lên thuyền để chạy đến đảo Phú Quốc trú thân, ông mang theo tùy tùng và hoàng tử Hội An, lúc này mới 5 tuổi. Thế nhưng hoàng tử đã cầu xin vua cha thả thứ phi Phi Yến và mang bà theo, nếu không hoàng tử sẽ ở lại cùng mẹ. Quá tức giận và lo lắng khi quân Tây Sơn đuổi đến sát nút, Nguyễn Ánh đã ném hoàng tử xuống biển, thi thể của hoàng tử nhỏ đã trôi dạt vào Bãi biển Côn Đảo. Còn bà Phi Yến thì được người dân làng Cỏ Ống cứu ra, xây cho một ngôi nhà nhỏ để canh mộ con trai. Thế nhưng, cuộc đời bà không trôi qua êm ả như vậy, đến năm 24 tuổi, khi bà sang làng An Hải để dự lễ đàng chay, đã bị một tên đồ tể là Biện Thi ủ mưu hòng chiếm đoạt. Khi hắn lẻn vào phòng bà Phi Yến, mới chạm vào cánh tay bà thôi nhưng bà đã tỉnh dậy và tri hô. Dù cuối cùng bà không bị tên đồ tể xấu xa làm nhục, nhưng vì tủi hổ bà đã chặt đi cánh tay bị hắn ta chạm vào, rồi sau đó quyết định tự vẫn để bảo toàn danh dự bản thân.

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo và tranh cãi về Di sản phi vật thể cấp Quốc gia 5

Miếu bà Phi Yến là sự tưởng nhớ của người dân Côn Đảo dành cho người phụ nữ trung trinh và lương thiện

Trước sự ra đi của một người phụ nữ đã phải chịu đựng quá nhiều đắng cay, người dân tại đây đã quyết định dựng đền thờ bà, hàng năm tổ chức Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo để tưởng nhớ sự trung trinh, tiết liệt ấy. Từ đó cũng có nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của bà Phi Yến, nếu là người lương thiện thành tâm cầu nguyện tại đền thờ bà thì sẽ được phù hộ, mọi chuyện thuận buồm xuôi gió.

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo được bắt đầu từ đêm 17/10 âm lịch. Ban tổ chức lễ hội sẽ bắt đầu bày các đồ cúng lễ bao gồm hoa quả, xôi, chè và chuẩn bị các loại đồ ăn, thức uống để đãi khách thập phương. Còn người dân Côn Đảo cũng sẽ chuẩn bị các mâm đồ lễ để dâng lên bà Phi Yến và thành tâm cầu nguyện, xin bà phù hộ những điều bình an, may mắn và tốt lành. Sau khi lễ cúng kết thúc, người dân sẽ cùng nhau vui chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời như các tiết mục đờn ca tài tử, nhảy múa, không khí tưng bừng suốt đêm.

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo và tranh cãi về Di sản phi vật thể cấp Quốc gia 6

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo thu hút rất đông khách du lịch và người dân địa phương

Đến khoảng 9 giờ sáng ngày 18/10 thì lễ giỗ sẽ chính thức bắt đầu. Lễ vật bao gồm hương hoa, bánh kẹo và ngũ quả được bày thành từng mâm rất đẹp mắt. Lần lượt những người vào dâng lễ sẽ đội mâm rồi xếp thành hàng, đại diện cho các đoàn thể, khu dân cư, cá nhân gửi lòng thành kính lên bà Phi Yến. Trong không khí trang nghiêm, chủ lễ sẽ là người đọc văn khấn trong điệu nhạc lúc réo rắt lúc khi trầm buồn tạo nên một không khí rất long trọng và xúc động. 

Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo và tranh cãi về Di sản phi vật thể cấp Quốc gia 7

Lễ hội được diễn ra trong không khí trang nghiêm

Sau phần phần tế lễ hoàn tất, tất cả những người dự lễ và du khách gần xa sẽ được thưởng thức  những món ăn do người dân địa phương chuẩn bị và quyên góp. Đây đều là các món ăn chay do các khu dân cư tại Côn Đảo mang đến để dâng lên Bà và thết đãi mọi người, cũng như tưởng nhớ việc bà Phi Yến đã bỏ mình trong dịp lễ đàng chay năm nào. Cùng với đó, người dân cũng dâng hương tại Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo, là miếu thờ con trai bà Phi Yến. Đến nay, Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo đã tổ chức đến năm thứ 237, trở thành lễ hội ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Ngày 8/4/2007 miếu bà Phi Yến được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra văn bản công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến ngày 9/4/2022 theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên quyết định này đã vấp phải khá nhiều sự phản đối từ Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, là con cháu của dòng dõi vua Gia Long, vì cho rằng lễ hội này đang xuyên tạc lịch sử và khiến thế hệ trẻ nhìn nhận sai về vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Đồng thời, theo nghiên cứu của một số nhà sử học thì truyền thuyết gắn liền với Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo là sai sự thật, Nguyễn Ánh chưa từng ra Côn Đảo và cũng không có chuyện ông tàn ác, coi vợ con như rơm rạ. 

Đến thời điểm hiện tại, những tranh cãi xoay quanh lễ hội này vẫn chưa ngã ngũ, chưa có quyết định rút Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Về mặt lịch sử, chúng ta sẽ cần phải chờ đợi những nghiên cứu chính xác từ những nhà sử học uy tín để khẳng định tính chân thực của câu chuyện kể trên. Tuy nhiên, về mặt tinh thần, không ai có thể phủ nhận niềm tin cũng như những giá trị tín ngưỡng của lễ hội này đối với người dân Côn Đảo.

Trên đây là những thông tin về Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo từ cẩm nang du lịch MIA.vn. Dù có tiếp tục được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hay không thì đây cũng là nét văn hóa của con người và mảnh đất Côn Đảo, rất đáng để bạn trải nghiệm khi có cơ hội.