1Đôi nét về lễ hội chùa Long Tiên
Lễ hội chùa Long Tiên được diễn ra định kỳ hàng năm vào ngày 24 tháng 3 Âm lịch. Đây không chỉ là cơ hội để người dân địa phương và khách du lịch đến tham quan ngôi chùa cổ kính của Quảng Ninh mà còn là dịp để tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện cho may mắn, sức khỏe sẽ đến với mình và người thân. Vì thế lễ hội mang màu sắc tâm linh đậm nét, thể hiện quan niệm và đức tin cả người Việt, đồng thời là nét văn hóa lâu đời, giúp con người có được chốn tĩnh tâm, an lạc giữa dòng đời tấp nập, bon chen.
2Về ngôi chùa Long Tiên
Chùa Long Tiên là ngôi chùa tọa lạc ở vị trí dưới chân núi Bài Thơ, là ngọn núi nổi tiếng đã đi vào thơ ca nhạc họa, thuộc địa phận phố Long Tiên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Khi có cơ hội đến chùa Long Tiên, du khách sẽ đồng thời được tham quan và chiêm bái di tích lịch sử Phật giáo lâu đời, linh thiêng, mà còn có thể thu gọn vẻ đẹp vịnh Hạ Long trong tầm mắt.
Người xưa có câu “long tắc linh, danh tắc tiên” có ý nghĩa là: thế đất hình rồng chắc chắn là đất linh thiêng, nơi có cảnh đẹp ắt hẳn là nơi để tiên ở. Vì thế nên tên gọi chùa Long Tiên chắc hẳn ẩn chứa bên trong hàm ý chỉ nơi có phong thủy long mạch, nơi rồng tiên hội tụ. Chùa Long Tiên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là một trong những Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Sở dĩ lễ hội chùa Long Tiên ngày càng nổi tiếng và được nhiều người quan tâm xuất phát từ một phần rất lớn bởi cảnh quan nơi đây vô cùng linh thiêng, thơ mộng. Vì thế cho nên du khách có thể kết hợp tham gia lễ hội và vãn cảnh chùa, một công đôi việc nên quá lý tưởng phải không nào.
Chùa Long Tiên đã được hoàn thành từ cách đây hơn 80 năm, vào ngày 11/6/1941, khi đất nước ta đang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chùa đã được tu sửa mở rộng vào năm 2008, nhưng trong đó có một số hạng mục cổ của chùa như cổng Tam quan vẫn được bảo tồn và giữ nguyên vẹn kiến trúc. Đến thời điểm hiện tại, các công trình và hạng mục tại chùa Long Tiên từ ngoài vào trong bao gồm:
Tam quan – gác chuông
Sân chùa (sân trên, sân dưới)
Chùa chính được xây dựng hình chữ Đinh (J) bao gồm Bái đường (chùa hộ) và thượng điện (ban thờ các chư Phật)
Nhà tổ (nơi thờ phụng Trúc Lâm Tam Tổ và các vị la hán)
Nhà khách.
Cổng Tam quan tại chùa Long Tiên có kiến trúc rất độc đáo, được thiết kế dạng chồng diêm 3 tầng theo cấu trúc hình chóp. Trên tầng chùa cao nhất có một pho tượng Phật A Di Đà đang trong tư thế ngồi, phía dưới là tòa gác chuông, treo một quả chuông đồng rất lớn, tiếng chuông ngân vang khắp một vùng. Tầng thấp nhất vào chùa là lối ra vào, đặt hai pho tượng Ông Thiện và Ông Ác đứng canh hai bên. Cổng chùa với bảng khắc dòng chữ Hán “Long Tiên Tự” ở chính giữa, hai bên là hai câu đối:
Nhật tà tháp ảnh hoành tây điện
Sơn tượng chung thanh đáo khách thuyền
(Bóng tháp trong ánh chiều tà vắt ngang qua điện
Chuông chùa đặt nơi đỉnh núi văng vẳng nơi thuyền khách)
Bước qua cổng Tam quan, du khách sẽ thấy tượng Bồ Đề Đạt Ma rất lớn, được đặt trên bục cao và đang trong tư thế tọa thiền tĩnh lặng. Đây được coi là vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ, đã có công truyền bá dòng thiền từ Ấn Độ vào Trung Hoa. Từ đó, đạo thiền tiếp tục được truyền bá đến Việt Nam, đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở nước ta dưới triều đại thời Trần.
Ở khoảng sân dưới, du khách sẽ thấy bức tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát, trên tay cầm bình nước cam lộ và cành liễu trong tư thế phổ độ chúng sinh. Tiếp theo du khách đi dọc theo lối từ sân dưới lên sân trên để tới nơi dành cho các phật tử dâng hương bái Phật. Du khách dâng hương tại đây để cầu nguyện những điều may mắn, bình an cho gia đình, người thân và chính mình.
Tòa chính điện nằm ở trung tâm và vị trí cao nhất, tựa vào lưng núi và thờ rất nhiều tượng Phật được đúc hoặc điêu khắc rất tỉ mỉ, công phu. Cao nhất là hình tượng phật A Di Đà tam tôn, tiếp theo đến A Di Đà tọa thiền thuyết pháp trên đài sen. Thứ ba là Phật Quan Âm ngàn mắt, ngàn tay, hai bên còn có tượng Thiện Tài và Long Nữ đứng chờ hầu. Vị trí thứ tư là của Ngọc Hoàng Thượng Đế, thứ năm là tượng Cửu Long (hay còn được biết đến là Thích Ca sơ sinh), tất cả những tác phẩm này đều có lịch sử rất lâu đời, đã được điêu khắc từ thời Lê. Ngoài ra du khách còn được ngắm nhìn bộ tượng Hộ Pháp và rất nhiều đồ tế khí.
3 Tiến trình lễ hội chùa Long Tiên
Lễ hội chùa Long Tiên được tổ chức trong khuôn viên chùa, do những vị sư trụ trì và Phật tử tại đây tổ chức, thu hút rất đông người dân Hạ Long và khách du lịch tham gia.
Lễ hội sẽ bắt đầu bằng đoàn rước kiệu qua đền Ðức Ông (là đền thờ Ðức Ông Trần Quốc Nghiễn - con trai cả Trần Hưng Ðạo), sau đó đến đền thờ An Dương Vương ở Vụng Ðáng, rồi qua Loong Toòng và quay lại chùa. Các cụ già kể lại trước đây thường tổ chức các cuộc thi kiệu giữa những đám rước, các đoàn khiêng kiệu chạy đua với nhau qua các con ngòi như trong chuyện cổ tích…
Không khí lễ hội rất tưng bừng, nhộn nhịp, khói hương nghi ngút. Lúc này không gian chùa cũng được trang trí với rất nhiều đèn lồng, câu đối, ban thờ nào cũng được sắp đầy đủ rất nhiều lễ vật.
4Những lưu ý khi tham gia lễ hội chùa Long Tiên
Khi du khách đến với lễ hội tại chùa Long Tiên, điều đầu tiên cần lưu ý là hãy thể hiện sự thành kính, tôn trọng, đi nhẹ nói khẽ. Điều tối kị khi vào chùa chính là đùa cợt giỡn hớt, ảnh hưởng đến không khí cúng bái và những người khác.
Thứ hai hãy lưu ý trang phục thật lịch sự, kín đáo, màu sắc nhã nhặn. Nếu trên đường đi chơi các địa điểm danh thắng ở Hạ Long mà bạn quyết định ghé vào chùa, thì cũng nên dùng áo khoác hoặc khăn để che chắn khi mặc những trang phục quá ngắn.
Chúa Long Tiên là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng nên dù đến đây vào mùa lễ hội hay không thì du khách cũng có thể ghé tới thắp nhang khấn nguyện may mắn, bình an. Ngoài ra tại Hạ Long mỗi mùa tháng 3 còn có rất nhiều lễ hội độc đáo như lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Tiên Công… Du khách hãy đến và cảm nhận không khí lễ hội truyền thống của đất mỏ nhé.