1Lễ hội Đền Sái được tổ chức ở đâu?
Lễ hội Đền Sái được tổ chức tại đền Sái thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đền cũng là một trong những điểm tham quan tại Hà Nội được nhiều người ghé đến chiêm bái, bên cạnh những Ô Quan Chưởng hay Vườn hoa Phương Linh. Đều đặn hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch là dân làng lại cùng nhau tổ chức lễ hội Đền Sái với những nghi thức rước vua, rước chúa và cả hoạt động chém tinh gà trắng cực thú vị và độc đáo.
Xem thêm: Thú vị Lễ hội bơi chải làng Yên Duyên truyền thống
Tuy từng bị gián đoạn trong một khoảng thời gian dài, tuy nhiên từ năm 1989, Lễ hội Đền Sái đã được khôi phục lại hoàn toàn và kéo dài cho đến tận ngày nay. Lễ hội Đền Sái diễn ra cả ngày, nhưng sôi động hơn cả lại là vào buổi chiều với nghi thức rước vua giả từ đình làng ra đền và ngược lại.
2Nguồn gốc của Lễ hội Đền Sái
Lễ hội Đền Sái có nguồn gốc gắn liền với điển tích vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Tương truyền rằng trong suốt quá trình nhà vua xây thành, cứ đều đặn ngày đắp đêm lại bị đổ nên mãi mà thành vẫn chưa thể xây xong. Việc này là do yêu ma Bạch Kê Tinh (tinh gà trắng) phá hoại. Vốn dĩ tinh gà trắng ban ngày trú ẩn nơi núi Thất Diệu và chỉ xuất hiện, phá hoại việc xây thành khi trời chập tối mà thôi.
Nhà vua vốn không biết làm thế nào để tiêu diệt yêu tinh, bèn lập đài cầu khẩn thần linh, lúc này liền được Huyền Thiên Chấn Vũ sai thần Kim Quy hiện ra mách kế chém giết tinh gà trắng để việc xây thành có thể được hoàn thành. Để tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên Chấn Vũ năm nào, nhà vua đã xây đền thờ ở đỉnh núi Thất Diệu. Ngôi đền thờ trên đỉnh Thất Diệu ngày ấy chính là Đền Sái ngày nay. Tương truyền răng, đền cũng chính là nơi Huyền Thiên tu luyện năm nào nên còn được gọi với cái tên khác là Vũ Đương Sơn.
Sau này, nhiều đời vua chúa đời sau cũng thường về đây bái yết vào mỗi độ xuân về. Thế nhưng, bởi vì nhận thấy việc đi lại quãng đường tương đối xa khá hao phí tiền bạc và cả công sức của người dân nên vau đã ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả. Từ đó trở đi, Lễ hội Đền Sái đã được tổ chức đều đặn mỗi năm một cách trang trọng với đầy đủ những nghi lễ.
3Ý nghĩa của Lễ hội Đền Sái
Lễ hội Đền Sái là dịp để người dân bày tỏ tấm lòng thành kính, tôn trọng dành cho vị vua An Dương Vương về công lao xây dựng thành Cổ Loa năm nào. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để nhắc nhở con cháu nhớ về một thời kỳ dựng nước của dân tộc – những tháng ngày vua quan thời An Dương Vương đồng lòng xây thành, chống lại thiên tại, địch họa. Bên cạnh đó, việc vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả tránh hao phí tiền của, công sức là bài học quý giá con cháu noi theo để rèn luyện tính tiết kiệm tựa bậc cha ông ngày trước.
4Lễ hội Đền Sái được tổ chức như thế nào?
Hằng năm, cứ vào nhũng ngày chuẩn bị cho Lễ hội Đền Sái, người dân làng Thụy Lôi lại cùng nhau tụ họp, tất bật chuẩn bị một cách khéo léo, kỹ lưỡng. Vào ngày mồng 5, dân làng đã bắt đầu tu sửa đường xá, cầu cống để cung nghinh Vua về. Con đường chính diễn ra lễ rước vua chính là con đường ngày xưa vua Thục từng đi qua, gọi là đường cái thờ. Đây cũng chính là con đường làng và đường dẫn lên đền Sái.
Sau khi chuẩn bị đường xá, vào ngày mồng 6, dân làng lại cùng nhau ra đình cắm chỗ dựng dinh cho vua chúa và các quan. Đây là lễ dựng dinh – bước chuẩn bị dành cho Lễ hội Đền Sái. Vào ngày mồng 8, dân làng sẽ cùng nhau làm gói bánh chưng, bánh dày, bánh tết để làm cỗ. Những loại bánh dân gian này được mọi người gọi là ‘bánh tiến Vua’. Sau đó, vào ngày mồng 9, mọi người sẽ chuẩn bị sính lễ với nhiều hoạt động như giết trâu bò, lợn để làm lễ Thánh, sau đó chia ra khaodân làng và binh lính. Những ngày chuẩn bị cho Lễ hội Đền Sái được mọi người thực hiện một cách ráo riết, sốt sắng.
Ngoài ra, dân làng còn phải chọn ra những người đóng vua giả, công chúa giả và các quan. Những người được chọn phải là các ông lão vào tuổi 55. Vào ngày mồng 8 tết, họ phải chuẩn bị hai mâm cỗ với mâm lớn dâng lên đền Sái, mâm nhỏ mang ra cúng thành hoàng làng. Sau khi hoàn thành lệ làng, họ sẽ được gọi là quan thượng thính. Còn những ai đã qua lễ thượng thính đến tuổi 60 sẽ được đóng làm quan ‘tứ trụ’ với gồm quan trấn phủ, quan tám lý, quan đề lĩnh và quan tự vệ.
Bên cạnh đó, người được chọn đóng làm vua giả phải là người khỏe mạnh, không có dị tật. Khâu chọn người đóng vua giả được diễn ra từ lúc người này làm lễ thượng thính, trải qua đôi lần đóng vai quan và chúa giả. Những ai trong độ tuổi 71 sẽ tự sắm áo thụng, mũ cánh chuồn và đôi hia, kiệu rước lộng lẫy sơn son thếp vàng.
Sau khi trải qua nhiều khâu chuẩn bị từ những ngày trước đó, thì vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội Đền Sái chính thức được diễn ra. Trong ngày này, mọi người đóng các vai sẽ tề tựu ở khu vực sân đình từ sớm. Vua và sứ được con cháu khênh kiệu rước từ nhà ra.
Trong ngày này, mọi người đều hóa trang, đánh phấn, mặc quần áo, đội mũ, đi hia. Người được chọn đóng Vua sẽ tự lên đền Thượng làm lễ tế Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương, trong khi người được chọn đóng Chúa sẽ lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Sau đó, Chúa sẽ vòng sang Đền Thượng cùng vua làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá lớn. Đây là hành động biểu trưng cho việc chém đầu tinh gà trắng ngày trước.
Sau đó là lễ mừng tựa, tức bêu đầu gà tượng trưng cho việc tinh gà trắng đã bị tiêu diệt, nhà vua có thể yên tâm tiếp tục xây thành. Đầu gà trắng được làm bằng tre lấy cả gốc, phần dưới sơn trắng toàn bộ, phần trên cùng sơn màu đỏ làm mào. Cây tre phải được lấy ở nơi sạch sẽ và gọt đẽo cẩn thận.
Lúc này, khi tiếng chiêng trống, kèn nổi lên, Chúa sẽ bắt đầu diễn xướng bằng bài mừng tựa. Sau mỗi câu Chúa xướng, các quan viên giơ cao đầu gà chạy vòng quanh sân trong tiếng hò reo của mọi người. Bài mừng tựa không có mẫu chung mà được người đóng Chúa biên soạn với nội dung xoay quanh việc Chúa diệt tinh gà trắng để vua Thục xây xong thành Cổ Loa.
Sau lễ ướm gươm và mừng tựa, cả đoàn rước sẽ tiến lên đền Sái, bái yết Huyền Thiên Trấn Vũ, tổ chức lễ Thỉnh sinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người an lành, no ấm. Sau khi lễ kết thúc, yến tiệc được bày ra để mọi người đón lộc. Tiệc tan, chúa sẽ vào yết kiến vua theo đúng nghi lễ truyền thống và phải đi ba vòng quanh đình trước khi vào.
Lễ bái xong, vua chúa sẽ được rước trên kiệu, đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chiêng trống trầm hùng, trang nghiêm. Đến cánh đồng Chầu, vua làm lễ bái vọng Đức Thánh Huyền Thiên trên đền Sái, sau đó cùng quan trở về đình. Trong ngày này, đình được trang trí lộng lẫy với cò xí hợp trời. Vua ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao chính giữa đình. Thềm đình bên phải là dinh Quan Đề Lĩnh và dinh Quan Tán Lý, còn bên trái là dinh Quan Thự Vệ. Phía đầu hồi đình bên phải là dinh Chúa, phía sau là dinh Quan Trấn Thủ.
Trong buổi sáng ngày diễn ra lễ rước vua, ở khu vực đình còn tổ chức hát cửa đỉnh và hát tuồng. Sang ngày hôm sau, một loạt những trò chơi dân gian cũng được tổ chức như đấu vật, chọi gà, cờ tướng để mọi người cùng nhau tham gia trẩy hội, vui chơi.
Lễ hội Đền Sái là một lễ hội dân gian độc đáo và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính cho vị vua Thục ngày trước với công xây thành Cổ Loa. Nếu có dịp khám phá Hà Nội trong những ngày đầu năm mới, đừng bỏ qua cơ hội được tham dự lễ hội thú vị này bạn nhé.