1Lịch sử lễ hội Đu Tiên
Người Huế có câu “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” muốn nói rằng những ngày Tết Nguyên đán chính là dịp để toàn bộ mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, dừng hết mọi công việc, tận hưởng khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Nếu ở những thành phố lớn, Tết chỉ có ba ngày rồi mọi người lại hối hả trở lại với công việc thường nhật thì ở Huế, người dân ăn Tết rất lâu và sâu. Ba ngày tết dường như chỉ mới là bước chuẩn bị, những ngày tiếp theo mới được coi là phần hội với rất nhiều lễ hội đặc sắc. Trong đó hội Đu Tiên chính là một phần không thể thiếu.
Lễ hội Đu Tiên được tổ chức rất sôi nổi tại nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng bắt nguồn của lễ hội phải nói đến làng Gia Viên, thuộc xã Phong Điền, huyện Phong Điền. Không có bất cứ sách sử nào ghi chép cụ thể lịch sử lễ hội đã được tổ chức từ khi nào, nhưng theo những bị bô lão làng Gia Viên thì nơi đây đã gìn giữ phong tục lễ hội trong suốt hơn 150 năm qua. Đây trở thành lễ hội truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán, là cơ hội để dân làng quây quần cùng nhau đón năm mới, tham gia trò chơi rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Xem thêm: Lễ thượng Tiêu - Lễ hội đặc trưng của ngày Tết Hoàng cung
2Thời gian tổ chức lễ hội Đu Tiên
Lễ hội Đu Tiên được tổ chức vào mùng 4 tết Âm lịch, định kỳ hai năm một lần. Trước đây lễ hội chỉ có sự tham gia của người dân địa phương nhưng đến nay nhờ du lịch Huế phát triển, lượng khách đổ về đông đúc, đặc biệt là dịp Tết. Thế nên lễ hội Đu Tiên đã trở thành một trong những sự lựa chọn sáng giá để du khách vui chơi và tận hưởng khoảng thời gian khám phá Huế Tết Nguyên đán.
3Những hoạt động tại lễ hội Đu Tiên
Để chuẩn bị cho lễ hội Đu Tiên, từ trước Tết ban tổ chức lễ hội đã chọn hai cây tre già, thẳng, chắc chắn để dựng lên tại sân đình. Trên hai cây tre sẽ treo cơ hội phấp phới, ở giữa thân trẻ cột dây thừng, cột thật chắc để đảm bảo an toàn cho người chơi đu dây. Giá đu còn cần gắn thêm dụng cụ bảo hộ để an toàn hơn nữa.
Theo phong tục của làng Gia Viên, lễ hội Đu Tiên dành cho tất cả dân làng tham gia vui chơi nhưng phần thi hội đu thì chỉ dành cho nam giới. 30 chàng trai khỏe mạnh sẽ được tuyển chọn để thi đấu cùng nhau, gồm cả người của làng và những người ở địa phương khác tới. Các thí sinh sẽ bốc thăm để lấy số thứ tự từ 1 đến 30 rồi bắt đầu đấu loại trực tiếp.
Mở đầu lễ hội, bô lão đứng đầu trong làng Gia Viên sẽ mặc bộ áo dài khăn đóng truyền thống, đại diện cho cả làng đánh tiếng trống đầu tiên. Tiếp theo sẽ là các nghi lễ cúng bái, thắp nhang cúng các vị thần khai khẩn nên ngôi làng. Rồi bô lão tiến về phía giá đu, lên giá để đánh dấu việc mở màn ngày hội.
Phần tranh tài của 30 chàng trai được diễn ra rất quyết liệt trong tiếng hò reo cổ vụ của dân làng và du khách, làm không khí ngày xuân càng trở nên náo động. Các chàng trai sẽ cố gắng hết sức để nhún thật mạnh rồi đu thật cao. Người chơi thông minh là người biết cách lấy đà tốt, dùng lực ở hai chân giúp đu lên độ cao tối đa. Người chiến thắng sẽ là người chơi chạm tay đầu tiên vào lá cờ đỏ được treo ở vị trí cao nhất.
Lễ hội Đu Tiên không chỉ chọn ra một người chiến thắng mà có đến 5 giải thưởng dành cho người chơi. 5 giải lần lượt là giải cúng, nhất, nhì, ba, và giải phá dành cho 5 người có thành tích tốt nhất. Giải cúng trao cho người đầu tiên đu cao nhất và chạm tay vào lá cờ trên đỉnh cây đu. Giải nhất, nhì, ba dành cho người thứ 2, 3, 4 chạm tay vào cờ. Còn riêng giải phá sẽ dành cho người giật được lá cờ ra khỏi đỉnh đu.
Xem thêm: Lễ tế Xã Tắc - Lễ hội truyền thống của Huế tôn vinh nền nông nghiệp Việt
Lễ hội Đu Tiên ngoài hoạt động thi đấu của thanh niên trai tráng thì còn rất nhiều trò chơi khác cho người dân và du khách. Trong đó trò vui nhất được mọi người yêu thích đó là đánh đu theo đôi. Theo đó từng cặp đôi sẽ bước lên đu để đánh du sao cho đẹp mắt dưới sự tán thưởng của mọi người. Trước đây trò chơi tạo điều kiện để các nam thanh nữ tú gặp gỡ và làm quen nhau, còn vào thời nay trò chơi được nhiều du khách yêu thích trải nghiệm, đặc biệt là khách nước ngoài, rất hứng thú với trò chơi dân gian này của Việt Nam.
Hình ảnh những thiếu nữ chơi đánh đu, tà áo dài đầy màu sắc bay trong gió đã trở thành một nét văn hóa, một vẻ đẹp của những lễ hội đặc trưng tại Huế. Thậm chí đây cũng trở thành chủ đề cho tranh Đông Hồ, trở thành cảm hứng sáng tác trong thơ ca.
Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương còn từng viết một bài thơ về tên Đánh đu với những miêu tả vừa gần gũi, vừa táo bạo về trò chơi này:
“Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”.
4Những lưu ý khi tham gia Lễ hội Đu Tiên
Bên cạnh những điều thú vị tại lễ hội Đu Tiên, có một vài lưu ý MIA.vn muốn nhắc nhở du khách để tránh những sự cố không đáng có nhé.
Thứ nhất vì lễ hội rất đông đúc nên bạn cần chú ý bảo vệ tư trang và tài sản, như ví tiền, điện thoại, đồ trang sức để tránh bị kẻ gian lợi dụng đánh cắp.
Thứ hai xung quanh lễ hội có nhiều sạp hàng bán những món quà kỉ niệm, những món đồ thủ công nhỏ xinh. Bạn nên hỏi kỹ giá và có thể trả giá khi mua để tránh bị tình trạng chặt chém ngày Tết nhé.
Cuối cùng khi tham gia chơi đánh đu, bạn hãy tuân thủ theo hướng dẫn của những người hướng dẫn. Hãy đảm bảo thắt dây an toàn thật kỹ trước khi bắt đầu. Đối với các bạn nữ nếu đang mặc trang phục ngắn thì nên chú ý khi chơi để tránh những tình huống không mong muốn nhé.
Trên đây là các thông tin về lễ hội Đu Tiên mà MIA.vn muốn mang đến cho du khách. Nếu đến Huế vào dịp Tết Nguyên đán, bạn chắc chắn sẽ được trải nghiệm rất nhiều trò chơi hấp dẫn, khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo và mới lạ. MIA.vn chúc bạn có một chuyến đi thật nhiều niềm vui, khám phá Huế với ngàn năm văn hiến một cách trọn vẹn nhất nhé.